“Cơn mưa mạ vàng, nhiều vấn đề thế sự, nhân sinh được đặt ra, khiến người đọc phải băn khoăn, day dứt. Ám ảnh nhất trong thơ Phạm Quốc Ca chính là vấn đề thân phận con người: “Cô gái ăn sương ngáp bên tô hủ tiếu/ Gà xì ke ghế đá ngủ say/ Đêm tàn rụng/ Bình minh xe máy/ Tương lai đến trường áo trắng bay bay/… Xấp vé số và tiếng rao tập tễnh/ Người không may đi bán vận may”




MỘT HỒN THƠ ĐA SẮC, ĐẰM SÂU SUY TƯỞNG

PHẠM TUẤN VŨ

Cơn mưa mạ vàng (Tuyển thơ 1970-2017) là tập thơ thứ 6 của Tiến sĩ Nhà thơ Phạm Quốc Ca, nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Đà Lạt, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng. Sách dày 370 trang, do Nhà nước đặt hàng, Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2018. Những đặc sắc của phong cách cùng nhiều thành tựu nghệ thuật nổi bật từng được ghi nhận qua các giải thưởng và được bạn đọc yêu mến của thơ Phạm Quốc Ca đã được thể hiện trọn vẹn trong tuyển tập này.
Đọc Cơn mưa mạ vàng, độc giả có thể nhận ra ở Phạm Quốc Ca một hồn thơ rộng mở, giàu nội lực nhưng cũng thật lắng sâu, lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ: “Trong đôi mắt trẻ thơ của tôi/ Chân trời là nơi có dãy núi mờ tím/ Dãy núi ấy bây giờ tôi đến/ Trước mắt tôi lại một chân trời” (Chân trời). Chất triết lý trong thơ Phạm Quốc Ca được thể hiện một cách sâu sắc mà dung dị, hiện lên một cách tự nhiên qua các hình tượng thơ, là sự hòa quyện giữa cảm xúc đằm sâu và những suy ngẫm về cuộc đời, con người với vốn hiểu biết rộng sâu, vốn trải nghiệm phong phú của tác giả. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong cả tập thơ, ở hầu hết các đề tài, cảm hứng và bút pháp thể hiện.
        Trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thơ Phạm Quốc Ca mang đậm cảm hứng sử thi với những bài thơ hay viết về đề tài chiến tranh, về tình yêu quê hương, đất nước: “Giờ G rồi sẽ điểm/ Đất gầm lên pháo tăng/ Quân ta như thác lũ/ Sẽ tràn xuống Sài Gòn”(Cửa rừng). Phạm Quốc Ca đã góp vào nền thơ Việt Nam giai đoạn 1965-1975 nhiều hình tượng đẹp về Tổ quốc, quê hương, về người lính.
        Sau 1975, thơ Phạm Quốc Ca không ngừng mở rộng về thể tài, vươn đến những vấn đề quan tâm của mọi người. Nhiều bài thơ của ông được bạn đọc đánh giá cao bởi tính nhân bản, trong đó Hòa bình là một tác phẩm tiêu biểu: “Trên ranh giới màu da, chủ thuyết, thánh thần/ Hòa bình là những giây lưỡng lự cò súng/ Giữa đời một con người và mấy chục gam đầu đạn/ Hòa bình gào lên tiếng khóc mẹ hiền”.
          Trở về với thể tài thơ trữ tình đời tư,  “Cơn mưa mạ vàng có những bài thơ về quê hương, gia đình, về tình yêu thật sâu sắc và lắng đọng. Hình tượng người mẹ gắn với làng nhỏ quê nhà bên dòng sông Bùng xứ Nghệ được nhà thơ khắc họa trong nhiều bài thơ thật cảm động. Ông đã viết về tình mẫu tử vừa xúc động vừa giàu tính sáng tạo: “Nơi bậc đá nhẵn trơn/ Những dấu chân tần tảo/ Dặn con cài khuy áo/ Mẹ đi vào rạng đông” (Từ cánh cổng - hố bom). “Những năm con đánh Mỹ, ở rừng sâu/ Mẹ lạnh ướt bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con/ Ì ầm tiếng nổ/ Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom”(Bình minh con sẽ lên đường).  Nhà phê bình Chu Văn Sơn cho bài thơ Bên mồ mẹ của Phạm Quốc Ca “là một trong những bài thơ hay nhất về tình mẹ trong thơ Việt Nam”.
Phạm Quốc Ca còn viết rất hay về thế sự như trong các bài thơ: Bạn ta, Rượu đắng, Diều giấy… Với đề tài này, ông đã thể hiện được cái nhìn sâu sắc về sự phức tạp, bộn bề, nhiều nghịch lý của cuộc sống hôm nay. Ở Cơn mưa mạ vàng, nhiều vấn đề thế sự, nhân sinh được đặt ra, khiến người đọc phải băn khoăn, day dứt. Ám ảnh nhất trong thơ Phạm Quốc Ca chính là vấn đề thân phận con người: “Cô gái ăn sương ngáp bên tô hủ tiếu/ Gà xì ke ghế đá ngủ say/ Đêm tàn rụng/ Bình minh xe máy/ Tương lai đến trường áo trắng bay bay/… Xấp vé số và tiếng rao tập tễnh/ Người không may đi bán vận may” (Ban mai). Đi từ cảm hứng sử thi với những vấn đề lớn lao đến cảm hứng thế sự với bao điều gần gũi, đáng quan tâm, day dứt trong cuộc sống, có thể nói, Phạm Quốc Ca đã có những cách tân cho riêng mình bằng cách mở rộng biên độ thơ.
    Ở mảng thơ về đề tài tình yêu, Phạm Quốc Ca có những phát hiện độc đáo, tinh tế. Thơ tình yêu của ông phong phú về trạng huống cảm xúc và mới mẻ trong bút pháp thể hiện. Ông có những câu thơ hay, tứ thơ lạ về tình yêu để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả. Ví như: “Ríu rít bao ngày/ Em xa xứ/ Mưa lạnh đất trời/ Mưa chứa chan/ Anh một mình ngồi đốt đêm thành khói/ Tro tương tư đầy trắng gạt tàn” (Đêm trắng).
   Không chỉ viết cho người lớn, nhà thơ Phạm Quốc Ca còn quan tâm đến đối tượng độc giả nhỏ tuổi và có nhiều sáng tác hay cho các cháu. Phạm Quốc Ca có nhiều bài ngộ nghĩnh, đáng yêu với những tứ thơ thông minh, dí dỏm. Ông nhập vai thiếu nhi, nhìn sự sống chung quanh qua lăng kính trẻ thơ để có những phát hiện thú vị và thể hiện chúng bằng lớp ngôn từ giản dị, tự nhiên nhưng mang nhiều sắc màu, nhạc điệu: “Dỡ gạch rồi. Hăm hở/ Mẹ con chú quay vòng/ Chắc lòng vui thích lắm/ Chú cứ nhảy lon ton” (Chú Rơ mooc). Thơ thiếu nhi Phạm Quốc Ca vì thế luôn rộn niềm vui trẻ thơ, đầy ắp tiếng cười và trìu mến yêu thương: “- Vì sao ông tập thể dục?/ - Để mỗi ngày mỗi lớn hơn!/ Cháu không vươn vai chạy nhảy/ Sẽ lùn như cái nấm rơm/ - Thế ông tập thể dục mãi/ Lớn cao có đụng trần nhà?” (Mỗi ngày một lớn).
   Có thể thấy, đề tài, cảm hứng và bút pháp trong Cơn mưa mạ vàng hết sức phong phú. Nhưng nhìn chung, phong cách thơ Phạm Quốc Ca thống nhất trong sự đa dạng, nhiều màu sắc thẩm mỹ và giọng điệu trữ tình. Ông nỗ lực đổi mới thơ, có những bài hay với bút pháp hiện đại như: Hòa bình, Thời gian, Tự bạch… Tuy nhiên, ấn tượng nổi bật trong phong cách thơ Phạm Quốc Ca là hướng về những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, giàu chất thơ và có chiều sâu tư tưởng, cảm xúc. Ngôn ngữ thơ ông trong sáng, tự nhiên, giàu hình ảnh và sức gợi.
  Tuyển tập thơ “Cơn mưa mạ vàng còn giới thiệu gần trăm bài thơ dịch từ thơ Nga, thơ dân gian Digan và thơ Đường. Dịch văn học nước ngoài vừa là công việc chuyên môn vừa là niềm say mê của Phạm Quốc Ca. Là một nhà giáo, nhà nghiên cứu am hiểu sâu về thơ, đồng thời là nhà thơ với những cảm nhận tinh tế, Phạm Quốc Ca có những lợi thế trong công việc dịch thơ vốn gian nan, không dễ đạt thành tựu. Ở mảng thơ này, ta thấy một Phạm Quốc Ca phóng khoáng với những dòng thơ chuyển ngữ tự nhiên, linh hoạt nhưng cũng rất “tín, đạt”, tình ý, nhạc điệu nhuần nhị như thơ sáng tác. Trong bài viết “Văn học Nga ở Việt Nam những năm gần đây” đăng trên tạp chí Châu Âu số tháng 10-2011, nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hường đánh giá ông là một trong những người “hoạt động sôi nổi nhất trên lĩnh vực dịch và giới thiệu văn học Nga”. Đây là sự ghi nhận trân trọng đối với những đóng góp của Phạm Quốc Ca với văn học dịch nước nhà.
    Ngay từ năm 1995 trong bài viết “Chân trời mở từ những câu thơ, nhà thơ Lò Ngân Sủn đã có những lời đánh giá rất đẹp về thơ ông: “Thơ Phạm Quốc Ca đằm sâu suy tưởng, dồi dào vốn sống, bố cục chặt chẽ, câu chữ đắt, đề tài đa dạng, phong phú. Đó là thơ của một người có tình, luôn chìm đắm trong dạt dào cảm xúc. Đó là thơ của một người có học, hiểu biết sâu rộng”. Tuyển tập thơ Cơn mưa mạ vàng cho thấy nhận định này thật xác đáng. Có thể nói đây là thành quả ngọt ngào của gần năm mươi năm lao động nghệ thuật vừa miệt mài, cẩn trọng vừa say mê, thăng hoa  của nhà thơ Phạm Quốc Ca. Tuyển tập thơ “Cơn mưa mạ vàng đã khắc hoạ chân dung toàn vẹn một hồn thơ đa sắc, đằm sâu suy tưởng, “một hồn thơ bình dị mà ám ảnh” (Vương Tùng Cương)./.