Hơn mười năm sử dụng chiếc Enjo Power cà tàng, mỗi khi họp ở đâu đó tại Hà Nội, dắt xe vào chỗ gửi mà gặp người quen là tôi thường được hỏi: “Bây giờ còn đi xe này à?”, hoặc “Xe của anh đâu?”! Với câu hỏi thứ nhất, tôi thường trả lời: “Xe nào chẳng được, miễn không đến sau”. Với câu hỏi thứ hai thì tôi chỉ cười. Chẳng nhẽ đi mấy cây số cũng xin xe cơ quan, mà buổi sáng bảnh chọe ngồi ô tô, buổi chiều lại gò lưng trên xe máy thì thà gò lưng suốt ngày còn khoái hơn.



               “Xe của anh đâu” và… con gà gỗ!

                                   NGUYỄN HÒA

Ngày nọ, thấy báo chí, vô tuyến truyền hình liên tục đưa tin về cơn lũ gây úng lụt, sạt lở chết người tại một xã miền núi, kèm theo là câu hỏi tại sao chính quyền không di dân tránh lũ, thậm chí kiến nghị cần phải di dời bản làng đi nơi khác,… tôi thấy băn khoăn. Vì tôi biết bản làng miền núi không chỉ là nơi cư trú, mà còn là trung tâm của một không gian sinh tồn. Nói cách khác, trừ trường hợp du canh du cư, mỗi bản làng bao giờ cũng gắn liền với nguồn nước, đất đai canh tác,… đã được lựa chọn kỹ càng, được trao truyền từ đời này qua đời khác, nên không phải bỗng dưng chốc lát có thể chuyển đi. Đó là đặc điểm hoàn toàn khác biệt so với cách thức tổ chức cuộc sống của cư dân ở thành phố, ví như nơi làm việc của ông A ở phố Khâm Thiên - Hà Nội, nhưng gia đình ông năm trước ở Gia Lâm, năm sau chuyển sang Cầu Giấy và ông vẫn đi làm bình thường. Thế là tôi quyết định làm một chuyến công tác đến tỉnh nọ xem sự thể ra sao.

Để đi lại cho thoải mái, tôi khoác ba-lô đi xe buýt. Gần đến nơi thì trời đổ mưa, cơ quan tôi tới làm việc lại ở trên đỉnh một quả đồi, cách thị xã khoảng hai cây số. Tìm được bác xe ôm, tôi nấp sau lưng bác phóng đi. Xuống xe, tôi trình giấy tờ với anh thường trực. Xem xong, anh hỏi: “Xe của anh đâu?”, tôi trả lời: “Tôi đi xe khách”. Anh gọi điện thoại đâu đó rồi bảo: “Cơ quan báo anh tìm chỗ nghỉ, sáng mai làm việc”. Nghe anh nói tôi thấy lo, ở nơi đất khách quê người, xung quanh không có xe ôm, lấy phương tiện gì xuống thị xã mà đi bộ chắc chắn sẽ ướt, vì mưa ngày càng to. Dùng dằng một lát, tôi quyết định mưa thì mưa cứ đi bừa ra đường, ướt vẫn phải ăn, phải ngủ. Đúng lúc ấy có mấy người mặc áo mưa kín mít từ trong cơ quan đi xe máy ra. Anh thường trực gọi tôi bảo: “Để tôi hỏi xem thế nào”, rồi anh vẫy họ lại và nói gì đó. Một chị dựng xe máy bên hiên nhà bước đến chỗ tôi, hỏi hai câu liền: “Anh ở Hà Nội lên ạ? Xe của anh đâu?”. Nghe tôi trả lời, chị gọi điện thoại, rồi mời tôi về nhà khách cơ quan.

Sáng hôm sau, cơ quan cử một anh cán bộ cùng tôi đến nơi có lũ, cách thị xã khoảng 40 cây số. Ngồi trên xe, anh cán bộ bảo: “Báo chí cứ ầm ĩ thế thôi, có khi vào trong đó anh lại thấy bà con ngồi uống rượu!”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh chỉ cười. Đúng là mưa to gây sạt lở và úng lụt ghê gớm, cây cối tan hoang. Kỳ lạ nhất là bên đường có hai ngôi nhà cạnh nhau, một nhà bị đá lở lăn vào làm chết người, một nhà thì hòn đá to như đống rơm không lăn tiếp mà dừng lại cách vỉa hè khoảng nửa mét! Trên xuồng máy vào sát chân núi, nhìn lên thấy ngấn nước đợt lũ cách đó mấy năm còn hằn ngang vách đá, nhìn xuống thấy nước úng đọng trong veo, thi thoảng phía dưới lại nhô lên một cây cột điện. Thế mới biết nước ngập đến mức nào, vì xuồng đi trên cả cột điện! Vậy mà gặp bác trưởng thôn, sau khi nghe tôi nói mục đích chuyến đi, bác cười rất tươi và nói: “Anh cứ ở đây uống rượu, chờ nước xuống. Lũ thế này sẽ có nhiều phù sa, bà con được mùa vài năm liền đấy!”. Theo bác, sự cố lũ lụt vừa qua là do rác rưởi tích tụ lâu ngày lấp hết lối thoát nước qua lòng núi, sau đợt lũ sẽ huy động nhân dân giải quyết. Đến chỗ lối thoát nước để xem thì đúng thế thật. Đống rác to như quả núi con, trăm thứ bà rằn, từ cây cối, đất đá tới vỏ túi mỳ tôm, vỏ chai Lavie, hộp xốp,… có cây gỗ dài năm bảy mét, to cỡ một người ôm nằm chắn ngang đường thoát nước. Về sau, đống rác được giải quyết, nên mấy năm vừa rồi, vùng đó có mưa to nhưng không thấy tin bị lũ lụt. Chuyến đi năm ấy đưa tới cho tôi hai kinh nghiệm thiết thân: một là, dẫu thích đi lại tự do thì vẫn nên chú ý tới xe cơ quan, vì đôi khi xe cơ quan có thể là “vật bảo đảm” để nhận được sự trân trọng; hai là, muốn có ý kiến về vấn đề hay sự kiện gì cũng cần tìm hiểu cho kỹ, không nên thấy cái gì khác mình là lập tức làm ầm ĩ lên, rồi đề nghị thế này thế khác!

Về kinh nghiệm thứ nhất thì từ mình mà suy, tôi thấy rất khâm phục một số anh chị nhà văn, nhà báo hễ đi tôi rủ đi công tác là hỏi: “Đi xe nào?”, nếu tôi trả lời là xách ba lô ra bến xe Giáp Bát, Lương Yên thì hầu như lập tức có ngay lý do… bận quá, không đi được! Hoặc có lần mấy cô phóng viên bảo tôi: “Anh hay lên miền núi, hôm nào cho bọn em đi với nhé”, tôi trả lời: “Ok, nhưng nếu đi phải ngủ cạnh chuồng ngựa thì đừng trách anh”. Dọa thế thôi mà các cô đã la toáng, từ đó không thấy đề nghị đi cùng nữa. Rồi từ thời xe máy được xem như là một tiêu chí đánh giá con người được thay thế bằng tiêu chí ô tô, kẻ không có khả năng sắm ô tô và thích đi công tác bằng xe buýt như tôi có khi lại được nhìn như thằng chập cheng. Hơn mười năm sử dụng chiếc Enjo Power cà tàng, mỗi khi họp ở đâu đó tại Hà Nội, dắt xe vào chỗ gửi mà gặp người quen là tôi thường được hỏi: “Bây giờ còn đi xe này à?”, hoặc “Xe của anh đâu?”! Với câu hỏi thứ nhất, tôi thường trả lời: “Xe nào chẳng được, miễn không đến sau”. Với câu hỏi thứ hai thì tôi chỉ cười. Chẳng nhẽ đi mấy cây số cũng xin xe cơ quan, mà buổi sáng bảnh chọe ngồi ô tô, buổi chiều lại gò lưng trên xe máy thì thà gò lưng suốt ngày còn khoái hơn. Thế nên gặp quan chức nọ hôm trước bệ vệ xách cặp từ xe cơ quan bước xuống, hôm sau vừa nghỉ quản lý đã thấy mũ bảo hiểm sùm sụp, cóm róm trên xe máy đi làm, là tôi thấy buồn cười. Chỉ hôm trước hôm sau thôi mà đã xảy ra một nghịch lý éo le! Xét cho cùng thì éo le ấy không xuất phát từ ngoại cảnh mà có nguồn gốc từ chính cá nhân. Trong bất kỳ trường hợp nào, xe cơ quan cũng không phải là tài sản riêng, không phải biểu thị của uy tín, quyền lực. Khệnh khạng lên xe xuống xe, tự hào về một tài sản không phải phải chính mình làm ra, tận dụng một giá trị có tính lâm thời để phục vụ nhu cầu riêng,… đều không giúp tăng thêm “chân kính”, đó là sự thật. Nên đã vài lần qua tỉnh nọ, thấy cảnh xe cơ quan đi qua là anh cảnh sát giao thông dập gót, đưa tay lên mũ chào rất nghiêm chỉnh, tôi cứ thấy băn khoăn: nếu cái xe kia lại đang chở vợ con một quan chức nào đó về quê, hoặc đi nghỉ mát thì sao nhỉ?
Kinh nghiệm thứ hai chủ yếu liên quan đến nghề nghiệp, bởi trong một số trường hợp, nếu không tìm hiểu kỹ càng, cụ thể, báo chí có thể làm nhiễu thông tin, làm bạn đọc hiểu lầm. Như chuyến công tác dọc Đường Hồ Chí Minh năm nào, tôi ghé thăm chị Kan Lịch. Chị tiếp chuyện hồ hởi, vui vẻ. Nhớ trước đó có bài báo kể chuyện nữ Anh hùng phải đi trồng rừng để mưu sinh, tôi tò mò hỏi. Chị bảo với lương hưu, trợ cấp thương binh và Anh hùng lực lượng vũ trang, sự giúp đỡ và chăm nom của chính quyền địa phương cùng một số cơ quan, tổ chức thì thu nhập của vợ chồng chị không đến nỗi nào, nếu không nói là sung túc so với đời sống vùng quê chị. Nhưng cùng hai người con đẻ, anh chị còn có nuôi 9 người con nuôi là trẻ mồ côi của bà con họ hàng, nên còn sức khỏe chị còn trồng rừng có thêm thu nhập nuôi các cháu, chứ không phải chính quyền để gia đình chị bị đói khổ. Hóa ra là vậy, nếu không tìm hiểu, lại tin theo bài báo kia, chính tôi cũng có ý trách chính quyền! Năm sau, dự Đại hội Đảng bộ huyện, tôi gặp lại chị Kan Lịch, thấy chị vẫn khỏe và hồ hởi.

Lại nhớ một giai thoại dân gian kể rằng có anh cán bộ văn hóa thấy bà con ở Tây Nguyên tổ chức lễ đâm trâu, anh bảo làm như thế ảnh hưởng tới sản xuất, vì “con trâu là đầu cơ nghiệp” và anh đề xuất ý kiến nên thay trâu thật bằng trâu gỗ để đâm tượng trưng thôi; biết điều anh đề xuất, già làng hỏi lại: “Ở quê cán bộ có cúng ông bà bằng gà “gỗ” không?”! Giai thoại dân gian nghe vui vui đồng thời liên quan tới một yêu cầu là trước khi đưa ra ý kiến đánh giá, hay góp ý gì đó cần tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc, bản chất vấn đề, sự vật hay hiện tượng, nhất là với người làm báo. Như ngày nọ tôi tới một nông trường trồng chè. Buổi sáng làm việc với Ban giám đốc, được biết từ hồi khoán sản phẩm theo hộ gia đình, thu nhập của công nhân khá cao, nên đời sống của gia đình công nhân sung túc. Buổi trưa tôi ngỏ ý mượn xe máy đi vào khu gia đình. Mấy vị có vẻ ngần ngừ, người bảo nghỉ trưa đã, người thì bảo đường xấu lắm, người lại bảo để cử người dẫn đi. Đã thế tôi càng quyết đi một mình, cuối cùng thì Phó giám đốc cũng cho mượn xe máy. Vào khu gia đình công nhân, thấy nhà cửa có vẻ tạm bợ, đời sống có vẻ nhếch nhác, tôi cũng ái ngại. Nhớ tới mức lương của công nhân, tôi tỷ mẩn tìm hiểu. Hóa ra con số tôi nghe lúc sáng không phải là lương thực sự, ban giám đốc nông trường tính gộp cả tiền mua phân bón, tiền thuê người thu hoạch, tiền thuê xe vận chuyển,… tức là mọi loại tiền mà gia đình công nhân đã phải chi ra để chè thu hoạch được có thể tập kết trước kho nông trường. Mà chi phí này là tiền túi của công nhân, hoặc vay của ngân hàng và chiếm gần nửa con số gọi là lương mà ban giám đốc đã cho biết, cũng tức là lương thực sự của công nhân chỉ chiếm hơn nửa con số thông báo! Để bảo đảm sự chính xác, tôi kiểm chứng qua mấy gia đình đều nhận được kết quả tương tự. Nếu không tìm hiểu kỹ nắm được sự thật này, lại viết bài ca ngợi nông trường đã ăn nên làm ra, thì liệu công nhân ở nông trường nọ sẽ nghĩ gì về nhà báo?