Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể: “Mỗi lần bước vào ngôi nhà của ông bà tôi ở làng Chùa, tôi đều phải đi qua khoảng sân nơi ông Quảng đã ngã xuống, và lúc nào tôi cũng hình dung ra đêm ông Quảng bị bắn chết. Bức tường nơi găm đầy đầu đạn của lính Pháp đã được thay đổi nhưng tôi có cảm giác những đầu đạn vẫn nằm trong đó… 



MỘT NGƯỜI BỊ BẮN TRƯỚC CỬA NHÀ TÔI
( Nhân ngày thương binh, liệt sỹ 27-7)

NGUYỄN QUANG THIỀU

Khi ông Đỗ Quang Trung còn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có về thăm nhà tôi ở làng Chùa. Mẹ tôi nói: “Thật quí hóa khi được ông Bộ trưởng về thăm gia đình. Ông Trung vội nói: Bà ơi, không phải ông Bộ trưởng về thăm, mà là con về thăm nơi bố con đã được nuôi giấu và cám ơn gia đình. Chuyện là hồi còn tạm chiếm, dưới ban thờ ở gian giữa ngôi nhà của ông bà tôi có một hầm bí mật. Cụ thân sinh ra ông Đỗ Quang Trung trong thời gian hoạt động Việt minh đã nằm hầm bí mật trong nhà tôi nhiều tháng trời, và được bà nội và mẹ tôi bảo vệ và chăm sóc. Sau này bà nội tôi được tặng bằng khen của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.
Vào một đêm, hồi khu vực xã tôi còn nằm trong vùng tạm chiếm, một cán bộ Việt minh đã bị lính Pháp truy đuổi và bị bắn chết ngay trên sân trước cửa nhà tôi. Ông tên là Quảng, người làng Vĩnh Thượng cùng xã với tôi. Làng Vĩnh Thượng nổi tiếng trồng rau và ổi và có một người làm đến thượng tướng tên là Hoàng Cầm. Có ba người tên Hoàng Cầm nổi tiếng là nhà thơ Hoàng Cầm với bài thơ Lá Diêu Bông, anh nuôi Hoàng Cầm với bếp không khói trong chiến tranh gọi là bếp Hoàng Cầmvà thượng tướng Hoàng Cầm. Cả ba người nay đã thành người thiên cổ.
Đêm ấy, ông Quảng ngồi canh cho một nhóm cán bộ Việt minh họp ở bên bờ đầm nước phía trước nhà tôi, thì bị lính Pháp đi tuần tra phát hiện. Ông Quảng bỏ chạy về phía nhà tôi vì biết ở nhà tôi có hầm bí mật. Lính Pháp đuổi theo ông. Khi ông Quảng chạy đến sân trước cửa nhà tôi thì lính Pháp xả súng về phía ông. Ông trúng đạn và gục ngã trước cửa nhà tôi. Anh cả tôi là Nguyễn Gia Hường kể, khi nghe tiếng súng nổ ran, anh tôi còn rất nhỏ đang nằm với mẹ cứ nghểnh đầu lên để nhìn ra sân. Mẹ tôi phải ấn đầu anh tôi xuống và ôm chặt anh. Sau khi ông Quảng bị bắn chết, bà nội tôi vội chạy ra và lần tìm các túi ông Quảng xem có tài liệu gì của Việt minh thì giấu đi, rồi lấy manh chiếu đắp cho ông Quảng, thắp nén hương cho ông và đặt một cái đèn dầu bên cạnh thi thể ông. Lính Pháp truy hỏi bà nội tôi vì sao lại giúp Việt minh. Bà nội tôi nói không biết ai là Việt minh mà chỉ biết có người chết thì phải làm như vậy vì đó là phong tục của người Việt Nam, mà người đó lại chết trên đất của nhà mình. Cho dù vậy nhưng lính Pháp vẫn bắt bà nội tôi phải nộp phạt một gánh gạo vì liên quan đến Việt minh. Bà nội tôi cuối cùng phải gánh một gánh gạo xuống bốt Giang cách nhà chừng ba cây số nộp phạt. Sau này, anh tôi vẫn đào được đầu đạn trên bức tường nhà tôi từ súng của lính Pháp bắn ông Quảng.
Một buổi sáng tôi thấy có hai người lạ đến nhà. Họ xưng là người nhà ông Quảng ở Vĩnh Thượng. Họ đến gặp cha tôi để xin xác nhận ông Quảng đã hy sinh trước cửa nhà tôi khi làm nhiệm vụ, để đề nghị công nhận ông Quảng là liệt sỹ. Nghĩa là hàng chục năm sau cái chết của ông Quảng, gia đình ông mới đề nghị chính quyền công nhận ông là liệt sỹ. Cha tôi đã xác nhận sự hy sinh của ông Quảng. Nhưng từ đó đến giờ, tôi không biết gia đình ông Quảng đã có được chứng nhận của chính quyền đối với sự hy sinh của ông Quảng chưa. Khi gặp cha tôi, những người trong gia đình ông Quảng nói rằng họ đề nghị chính quyền công nhận ông Quảng là liệt sỹ, không phải để gia đình được hưởng chút quyền lợi nào đó mà để lịch sử phải trở về đúng với những gì đã diễn ra.
Mỗi lần bước vào ngôi nhà của ông bà tôi ở làng Chùa, tôi đều phải đi qua khoảng sân nơi ông Quảng đã ngã xuống, và lúc nào tôi cũng hình dung ra đêm ông Quảng bị bắn chết. Bức tường nơi găm đầy đầu đạn của lính Pháp đã được thay đổi nhưng tôi có cảm giác những đầu đạn vẫn nằm trong đó. Trong một trường ca chuẩn bị ấn hành, tôi có viết mấy câu thơ sau :
Thưa Mẹ,
Máu đã chảy từ sân nhà ta đến những quả đồi xa.
Có một người ngã xuống trong đêm.
Có triệu người ngã xuống lúc hừng đông.
Con cúi xuống nâng lên bất kỳ một hòn đất.
Đều nóng rực và rung vang.
Có thể ông Quảng được công nhận là liệt sỹ và cũng có thể không, bởi giấy tờ thủ tục ở nước ta là cả nỗi kinh hoàng. Nhưng cho dù thế nào thì ông Quảng đã trở thành một hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong tôi. Hồi còn sống, bà nội tôi kể có lúc ông Quảng về đứng giữa sân nhìn vào. Sau này mẹ tôi cũng thấy. Và hồi còn trẻ, tôi cũng từng nhìn thấy bóng người đứng trước sân nơi ông Quảng bị bắn rồi lặng lẽ tan biến. Lúc đầu tôi nghĩ đó là trẻ trộm. Sau này ngẫm lại, tôi tin đó là hồn ông Quảng hiện về. Xin cúi đầu tưởng nhớ ông.