Đó là trường phái quy tựu đội ngũ hùng hậu nam phụ lão ấu. Trường phái lan rộng từ công xưởng, công sở đến từng “khu phố văn hóa”, “ấp văn hóa”. Trường phái hiện diện từ thành thị đến nông thôn. Trường phái có sức lan tỏa mãnh liệt. Trường phái ngốn ngấu hàng vạn tấn giấy mỗi năm. Trường phái hà hơi tiếp sức cho nhiều nhà xuất bản tạo thêm việc. Trường phái giúp ngành in, ngành giấy tăng doanh thu.



TRƯỜNG PHÁI SÁNG TÁC

Truyện hài hước của BÍCH NGÂN

Tiếng gõ dồn dập. Tôi mở cửa phòng làm việc. Một người đàn ông trông còn nhanh nhẹn, mắt tinh, dù tóc bạc tòan phần, bước vào, hỏi: “Còn nhớ thầy không?”. Tôi chưa kịp lên tiếng. Thầy nói tiếp: “Không một trò nào lại quên được ông thầy có một không hai này”. Khi nghe mấy từ “ông thầy có một không hai” tôi chợt nhớ ra thầy, người dạy tôi duy nhất một chuyên đề, cách nay trên ba chục năm. Có lẽ đó cũng là chuyên đề có một không hai của thầy.
Tôi mời thầy vào phòng tiếp khách, rót nước mời.Thầy ngồi, uống vội hớp ngụm trà, nói:“Thầy bận nhiều việc, tài xế đang chờ, nên ngắn gọn thế này: Em giới thiệu cho thầy một họa sĩ trình bày sách”. Tôi hỏi: “Thầy định in sách gì?”. “Thơ!” Tôi không ngạc nhiên. Sống trên dải đất hình chữ S này, rục rịch tuổi hưu đều trở thành…nhà thơ. Thầy nói thêm: “Tập thơ mới nhất của thầy!” Tôi nói: “Thầy gởi tập bản thảo thơ lại, em sẽ chuyển cho họa sĩ”.
Thầy mở cặp, đem ra tập bản thảo được in trên loại giấy đẹp. Cầm tập bản thảo trong tay, thầy nói: “Thơ thầy là thơ tình. Thơ tình sáng tác theo trường phái romanticism. Thầy muốn gặp trực tiếp xem xem họa sĩ mà em giới thiệu có khả năng làm được cái bìa tương xứng với nội dung tập thơ của thầy không”.
Chiều thầy, tôi mời họa sĩ đến.
Họa sĩ e dè ngồi xuống ghế đối diện ông thầy khả kính.
Thầy gỡ mắt kính ra khỏi mắt, nhìn họa sĩ. Rồi lại mang kính vào, lại nhìn cậu ta. Chậm rãi nhìn, chậm rãi dò xét, và hỏi: “Em học trường nào?”.“Dạ, em học Trường mỹ thuật công nghiệp”. 
Thầy quay sang tôi: “Học mỹ thuật công nghiệp thì làm sao vẽ được bìa sách nghệ thuật?”. “Cậu ấy làm bìa sách…không tệ đâu thầy!”, tôi nói.
Quay sang họa sĩ, thầy hỏi: “Trong các trường phái hội họa, em đi sâu vào trường phái nào?”. 
Họa sĩ động đậy cặp môi nhưng lại ngồi im.
Thầy lại hỏi: “Em biết cái độc đáo của trường phái Impressionnisme là gì không?”. Thầy phát âm tiếng Pháp thuần thục. “Dạ, em có biết chút ít ạ!”. Thầy lại tiếp: “Biết mà biết như thế nào? “Dạ …”.
Không chờ nghe họa sĩ nói, thầy ngắt lời: “Em có biết sự lay động của Impression, soleil levant, tức bức tranh “Ấn tượng mặt trời mọc” mà Claude Monet để lại cho hậu thế là gì không?” Họa sĩ chưa kịp trả lời, thầy lại hỏi tiếp: “ Khi vẽ, em vẽ khuôn mặt bên ngòai hay bên trong hay đằng sau?”.
Họa sĩ nhìn tờ lịch tên tường, rồi nhìn thấy và mở miệng: “Em chỉ vẽ bìa sách. Tuy nhiên, thưa thầy, nếu em nhớ không nhầm thì nguyên văn câu nói ông Pablo Picasso là: “Khi vẽ, anh phải biết mình vẽ khuôn mặt bên ngòai, hay bên trong hay đằng sau?”
Nói xong họa sĩ đứng lên, lễ phép thưa: “Dạ, xin lỗi thầy, em không đủ khả năng để vẽ bìa tập thơ của thầy!”
Họa sĩ đi ra, thầy quay sang tôi, tiếp tục bài test. Vẫn là về các trường phái sáng tác nhưng chuyển hướng sang thơ.
Một chữ cũng là thầy. Một chuyên đề có một không hai, càng là thầy. Tôi cố gắng trả lời những gì mình có thể trả lời được. 
Thầy không dừng lại ở phạm vi hỏi - đáp mà chuyển sang tra - hỏi và hào phóng tặng cho trò cả nùi vốn liếng mà cả đời cóp nhặt tích lũy, mặc kệ ô tô chờ dưới đường, mặc kệ điện thoại réo mấy chập. 
Thầy hào hứng: “Cậu họa sĩ Công nghiệp lúc nãy xem ra cũng khá. Ít ra là biết ngừơi biết ta! Chớ ngữ ấy thì làm sao thiết kế nổi bìa tập thơ của thầy! Em giới thiệu cho thầy làm việc với một họa sĩ học Trường mỹ thuật hẳn hoi và thật sự thẩm thấu được trường phái romanticism”.
Trước khi bước ra khỏi cửa, thầy gởi lại tôi tập bản thảo thơ và dặn: “Em đọc thơ thầy trước để mời họa sĩ làm được cái bìa chuyên chở được nội dung…”
Tôi chậm rãi đọc bản thảo của thầy. 
Các con chữ, tuy được sắp xếp khá công phu, lúc trồi ra khi thụt vào, khoảng cách cũng nhấp nhô, lúc gần lúc xa, vần điệu lúc nhặt lúc khoan. Tuy nhiên, thơ tình của thầy hình như không theo trường phái romanticism mà bẻ ngoặt sang “trường phái” phổ biến ở xứ ta. Đó là trường phái quy tựu đội ngũ hùng hậu nam phụ lão ấu. Trường phái lan rộng từ công xưởng, công sở đến từng “khu phố văn hóa”, “ấp văn hóa”. Trường phái hiện diện từ thành thị đến nông thôn. Trường phái có sức lan tỏa mãnh liệt. Trường phái ngốn ngấu hàng vạn tấn giấy mỗi năm. Trường phái hà hơi tiếp sức cho nhiều nhà xuất bản tạo thêm việc. Trường phái giúp ngành in, ngành giấy tăng doanh thu.
Trường phái ấy cũng đã giúp không ít “Hội đồng thơ” từ địa phương đến trung ương mỗi năm lại được dịp làm mưa gió trong các đợt bình xét, bình chọn… 
Trường phái dễ đọc, dễ in và cũng dễ biến thành lọai giấy tái chế. 
Tôi cúi xuống bản thảo thơ tình của ông thầy có một không hai, rồi đọc thành lời: Anh yêu em như thịt yêu da/ Anh yêu em như Thúy Kiều yêu Kim Trọng/ Anh yêu em chỏng gọng vẫn yêu…