Hồi còn đi học, thiếu nữ Iolanda cao ngổng và gày gò luôn luôn mang một cặp kính to, khiến bạn bè cùng lớp thường chế nhạo cô là “đồ 4 mắt. Vào năm 13 tuổi Iolanda quyết định phải thay đổi hoàn toàn diện mạo: Cô thiếu nữ quăng cặp kính qua cửa sổ và đi về nhà với một bên mắt dán băng, quyết để chữa bệnh lác. Dần dà, căn bệnh được khắc phục, Iolanda trở thành một thiếu nữ xinh đẹp.



BI KỊCH TRONG ĐỜI DALIDA

TÔ HOÀNG

Dalida-một trong số những ca sỹ xuất sắc nhất của Thế kỷ 20 mà cho đến tận bây giờ vẫn còn là nữ thánh của những thành tựu nghệ thuật nước Pháp. Những bài hát của bà đã vượt qua thời gian, các đường biên giới, được hàng chục triệu người trên khắp thế gian này yêu thích. Dù cho Dalida đã chia tay chúng ta từ thế kỷ trước, nữ ca sỹ vẫn như mãi mãi sống cùng chúng ta trong những bài hát của mình. Ấy vậy nhưng hầu như ít ai biết tới những bi kịch đã xẩy ra trong đời người nữ ca sỹ này...

BẢN HỢP ĐỒNG VỚI NỮ HOÀNG NEFERTITI
Dalida kể một cách rất giản dị câu chuyện này trong tiểu sử của bà. Vào năm 16 tuổi bà tới tham quan Luksor thuộc Thung lũng các nhà vua ở Ai cập. Trong khi nhóm người đang lắng nghe lời chỉ dẫn của nhân viên du lịch, bỗng nhiên bà như nghe được giọng nói của Nữ hoàng Nefertiti hỏi Dalia cô bé thích gì nhất trên thế gian này. Dalia không chút ngượng ngập vội trả lời: “ Con muốn đẹp như Bà ! Con còn muốn trở thành một ngôi sao”. “ Con sẽ được như thế- Nữ hoàng đáp-Con sẽ có nhan sắc, nhưng đổi lại con sẽ mất tất cả những người đàn ông của con, được chứ ? ”. Không suy nghĩ gì lâu, cô bé gật đầu đồng ý. Tất nhiên, không một ai biết câu chuyện nhiều màu sắc bí ẩn ấy là có thật hay không ?Hay đó chỉ là do trí tưởng tượng giàu có của nữ ca sỹ dựng nên. Nhưng những hoàn cảnh đầy bi kịch mà nữ ca sỹ gặp phải trong cuộc đời mình chả lẽ chỉ giải thích bằng phận số ?
TỪ IOLANDA TỚI DALIDA
Tên thật của nữ ca sỹ là Iolanda Cristina Gigliotti. Bà sinh tại Ai cập, vào năm 1933,  trong gia đình một người chơi violon và một thợ may. Cha mẹ nữ ca sỹ tới Ai cập từ Italy để tìm kiếm một cuộc sống khá giả hơn. Iolanda có hai người anh. Một trong hai người đó là Orlando sau trở thành ông bầu của nữ ca sỹ.  
Chuyện kể rằng khi Iolanda mới được 10 tháng tuổi, cô bé mắc bệnh nhiễm trùng khuẩn nặng làm ảnh hưởng tới đôi mắt. Iolanda trải qua 2 cuộc phẫu thuật, nhưng thị lực không còn trở lại như cũ. Ngoài ra, do những sai lầm của bác sỹ , mắt cô bé dần dà bị lác; thỉnh thoảng còn bị đau đầu dữ dội hành hạ. Sau này, trong suốt cuộc đời, đôi mắt trở thành điểm yếu nhất của nữ ca sỹ: Dalida không thể đứng lâu một chỗ trong bóng tối, lại luôn luôn vấp ngã khi ánh đèn bật lên.
Hồi còn đi học, thiếu nữ Iolanda cao ngổng và gày gò luôn luôn mang một cặp kính to, khiến bạn bè cùng lớp thường chế nhạo cô là “đồ 4 mắt. Vào năm 13 tuổi Iolanda quyết định phải thay đổi hoàn toàn diện mạo: Cô thiếu nữ quăng cặp kính qua cửa sổ và đi về nhà với một bên mắt dán băng, quyết để chữa bệnh lác. Dần dà, căn bệnh được khắc phục, Iolanda trở thành một thiếu nữ xinh đẹp.
Vài năm sau, theo lời khuyên của một người bạn gái, Iolanda dự tuyển một cuộc thi sắc đẹp và đã chiếm vị trí thứ 2. Ngay ngày hôm sau, tấm ảnh Iolanda trong bộ đồ bơi được in trên trang bìa bóng của tất cả những tạp chí nổi tiếng của Ai cập. Nhưng thay cho niềm vinh quang và tiếng tăm, ở thành phố gia đình cô sinh sống, nổi lên dư luận chửi bởi, kết án cô thiếu nữ. Thời gian ấy Iolanda đã hứa hôn với một chàng trai gần nhà. Nhưng sau những om xòm kia gia đình bên trai quyết định hủy đám cưới. Ấy vậy nhưng điều này không hề làm cho nữ ca sỹ tương lai nao núng. Iolanda cũng đã cảm nhận được mùi vị của vinh quang, ánh sáng của những chùm đèn chiếu và hiểu rằng con đường dẫn đến hạnh phúc là sàn diễn. Ngay khi đó Iolanda quyết định bắt đầu một cuộc sống mới. Cô gái nhận một chân người mẫu thời trang và quyết định trải qua một lần phẫu thuật nữa để chữa dứt điểm bệnh lác mắt. Ba năm sau Iolanda đội lên đầu chiếc vương miện “Người đẹp Ai cập.
Danh hiệu này mở đường cho Iolanda gia nhập thế giới điện ảnh. Cô gái bắt đầu con đường công danh điện ảnh khi lấy bút danh là Dalida theo tên một nữ nhân vật đầy sức quyến rũ trong truyện ngụ ngôn tôn giáo “Samson và Dalida “.
Chẳng bao lâu sau Dalida xuất hiện trên màn ảnh trong những vai phụ ở một số phim. Nhưng Dalida rất nhanh chóng hiểu rằng ở một đất nước theo đạo Hồi với những luật lệ khắc nghiệt cô sẽ rất khó khăn, trầy trật xây dựng công danh, sự nghiệp của bản thân. Chính vì vậy , được người mẹ đồng ý Dalida quyết định sang Pháp chinh phục Paris.
ÂM NHẠC VÀ PARIS
Thời gian đầu Paris tiếp nhận nữ ca sỹ tương lai không lấy gì làm thân thiện. Không có những lời mời đóng phim và Dalida hoàn toàn không thể hiểu sẽ làm gì? Nhưng rồi may mắn đã đến: Dalida có một người láng giềng, sau trở thành bạn bè là...Alen Delon. Sau này trong cuốn sách “ Những người đàn bà trong cuộc đời tôi “ Alen Delon đã viết về người láng giềng của mình như sau: “Trên cùng một tầng gác, nhưng ở lối ngoặt khác có căn buồng của cô gái Iolanda Gigliotti nào đấy. Chúng tôi cùng có mơ ước về những vinh quang và về thế giới rộng mở. 10 năm sau cô gái trở thành Dalida còn tôi trở thành Alen.
Dalida quyết định học nhạc. Thoạt đầu ông thày nhận thấy ở cô gái đơn giản chỉ là “một thiếu nữ xinh xắn, nhưng khi nghe giọng hát của cô, ông thày sửng sốt và ngạc nhiên hiểu rằng cô gái sẽ có một tương lai rộng mở. Chẳng bao lâu sau thành công đã mỉm cười với nữ ca sỹ trẻ. Nhan sắc khác người và giọng hát đặc biệt của cô đã được phát hiện tại câu lạc bộ “Villa d Este- ở đây đã diễn ra buổi biểu diễn đầu tiên của Dalida.
Dalida tham gia một cuộc thi hát do đài phát thanh “Châu Âu 1” tổ chức. Lucien Morisse-ông Giám đốc của chương trình truyền thành này lại cũng là ông chủ của một hãng thu băng. Nữ ca sỹ trẻ được ông mời ghi âm một số bài hát. Một trong số những bài ấy ,bài “Bambino đã trở thành bài “hot” nhất vào lúc đó. Thành công thật vang dội. Dalida ký hợp đồng với hãng băng đĩa. “Bambino
 lọt vào danh sách Top-10 những bài hát hay nhất giữ được kỷ lục suốt 45 tuần lễ. Sau một năm đĩa hát có bài “Bambino bán dược tới 300.000 bản. Và tên tuổi Dalida vượt ra khỏi biên giới nước Pháp. Con đường công danh của nữ ca sỹ nhanh chóng vút cao như núi.
Những năm tháng tiếp sau Dalida nhận được nhiều giải thưởng vì những bài hát được ưa chuộng khác và ở các cuộc thi hát. Tên tuổi của nữ ca sỹ xuất hiện liên tục trên các trang báo và tạp chí. Dalida thực hiện những chuyến biểu diễn khắp nước Pháp và các nước châu Âu. Cũng cần nói ngay, xung quanh tên tuổi của ca sỹ thiên hạ thêu dệt rất nhiều giai thoại. Ví dụ như, nữ ca sỹ nuôi trong nhà mình những chú lùn để giúp đỡ những công việc vặt.
  Dalida được mời sang biểu diễn ở Mỹ. Ông bầu của nữ ca sỹ nhạc Jazz nổi tiếng Ella Fistgierald mời Dalida ký hợp đồng để tạo nghiệp tại Mỹ. Nhưng Dalida đã từ chối. Một năm sau, với ánh hào quang chói lọi Dalida trở về Cairo đưa gia đình sang Paris. Tiếng tăm của Dalida ngày càng vang dội . Vào năm 1963 Dalida được trao tặng Huân chương Nghệ thuật và Văn chương của nước Pháp.  
Để sóng bước với thời đại, Dalida thường luôn luôn tiến hành những cuộc thực nghiệm. Thời kỳ đầu nữ ca sỹ hát theo phong cách mới của nhạc tweet, sau đó biến mỗi lần bước ra sân khấu là một show diễn thật sự. Vào những năm tháng ấy đó là những gì rất tiến bộ. Giống như pop-diva được bắt đầu trước tiên ở Pháp, Dalida là một trong số ca sỹ đầu tiên thể hiện những bài hát theo phong cách disco. Vào giữa những năm 1960 con số dĩa của Dalida đã phát hành lên 10 triệu bản.
Dalida đã biểu diễn trên sân khấu hơn 30 năm và thực hiện phần lớn các bài hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau-từ tiếng Italy, tiếng Thổ đến tiếng Nhật và tiếng Ivri.Nữ ca sỹ trở thành quán quân có số dĩa bán được lớn nhất thế giới- 80 triệu bản. Còn vào đầu những năm 1980, Dalida chiếm vị trí thứ 2 trong danh sách những người phụ nữ có ảnh hướng lớn nhất của nước Pháp. Vị trí số một là vợ của Tổng thống Pháp- Daniel Mitteran.
“VĨNH BIỆT, TÌNH YÊU, VĨNH BIỆT
Khác với con đường công danh rất chói sáng, cuộc đời riêng của Dalida không thành đạt. Vào đầu những năm 1960 nữ ca sỹ kết hôn với ông Giám đốc đài phát thanh “Châu Âu I” Lucien Morisse mà hai người làm quen trước đó 5 năm. Nhưng cuộc hôn nhân này kéo dài không lâu. Nữ ca sỹ sôi nổi, nồng nhiệt này thường đi biểu diễn trong nước, nước ngoài. Ở đâu cũng được những người hâm mộ  nồng hậu đón tiếp. Chẳng bao lâu sau Dalida làm quen với Jean Sobieski, một họa sỹ Ba Lan trẻ và giữa hai người bùng cháy ngọn lửa tình. Đương nhiên ông Giám đốc đài “Châu Âu I” không thể tha thứ cho sự phản bội của bà vợ và hai người chia tay. Nhưng lại cũng không lâu, Jean Sobieski-anh họa sỹ Ba lan cũng như bị lu mờ trước tiếng tăm ngày càng nổi trội của Dalida.Anh ta không muốn là “ cái đuôi” của nữ danh ca và chia tay với người đẹp.
Thời gian qua đi, Dalida làm quen với danh ca Italy Luigi Tenco. Nữ ca sỹ tưởng như đã tìm được hạnh phúc cho mình nhưng thực ra đấy cũng chỉ là ảo tưởng. Một năm sau tại Liên hoan ca nhạc diễn ra ở San-Remo, hai người song ca bài hát “ Vĩnh biệt, Tình yêu, vĩnh biệt “ của chính ca sỹ này, nhưng bài hát không được thực hiện đến chót. Bị chạm vào lòng tự trọng vì thất bại trong lần biểu diễn đó, Tenco rút súng tự vẫn ngay trong phòng ngủ tại khách sạn. Chính mắt Dalida phát hiện ra thi thể của người yêu. Nữ ca sỹ thất vọng tới độ cũng đã tự tử bằng một liều thuốc ngủ mạnh. May sao có người kịp cứu nữ ca sỹ. Dalida nằm thiêm thiếp suốt 90 tiếng đồng hồ. Mất luôn cả giọng nói. Sau đó bạn bè phải giúp đỡ nữ ca sỹ phục hồi dần trí nhớ và vượt qua bệnh cấm khẩu.  
Sau những biến cố mang nhiều chất bi kịch này  trong chương trình biểu diễn của nữ ca sỹ xuất hiện những bài hát mang đậm chất triết lý. Và vì vậy lượng người hâm một càng tăng thêm. Dalida trở lại sân khấu với bài “Tôi sẽ sống. Thay cho tấm thảm đỏ quen thuộc trải trong gian phòng biểu diễn bây giờ là tấm thảm phủ đầy hoa hồng. Ấy vậy nhưng thành công của những đêm biểu diễn và lòng mến mộ của công chúng không thể lấp đầy chỗ trống vắng trong lòng nữ ca sỹ. Bà vẫn hy vọng tìm được nửa thứ hai của mình.
Ít lâu sau nữ ca sỹ làm quen với nhà văn, nhà thám hiểm Pháp Arno Dejarden. Nhưng cuộc tình của hai người cũng không đưa tới điều mong muốn. Arno đã có vợ và Dalida không muốn phá hoại gia đình của người mình yêu. Nhưng nữ ca sỹ vẫn cùng Arno lên đường tới Tibet, Nepal, Ấn độ để gắng tìm sự cân bằng trong lòng. Tại Ấn độ có một nhà thông thái đã nói với Dalida, sứ mệnh của bà là hát và mang niềm vui tới cho mọi người. Điều này tạo phấn hứng cho nữ ca sỹ yên lòng với sự nghiệp.
Bỗng lại có những tin dữ mới: người chồng cũ của nữ ca sỹ-Lucien Morisse, vì trầm uất đã kê súng ngắn bắn vào đầu. Vào ngày tang lễ của Lucien Morisse, tại Afin, thủ đô Hy Lạp có buổi biểu diễn của nữ ca sỹ. Dalida nài nỉ yêu cầu những người tổ chức hoãn lại, nhưng bị khước từ. Thính phòng đông chật người và Dalida vẫn phải hát. Khi màn sân khấu kéo lên, nữ ca sỹ bước ra nói với cử tọa rằng, hôm nay bà hát không phải vì họ mà để Lucien Morisse của bà nghe. Buổi biểu diễn kéo dài với những khoảng lặng khiến người nghe không cầm được nước mắt. Sau buổi biểu diễn đó Dalida bị ốm nặng và khi thân nhiệt chưa giảm, nữ ca sỹ luôn lắp đi lắp lại: “Tôi là Dalida đây! Tất cả bọn họ đã chết hết cả rồi. Tôi có lỗi trong cái chết của họ...”
Như mọi người đã biết, thời gian luôn là liều thuốc nhiệm màu. Ba năm sau Dalida mới phục hồi được sức khỏe. Bà cùng với người bạn của mình –nam diễn viên điện ảnh Alen Delon cho ghi âm bài hát nổi tiếng “Ngôn từ, ngôn từ. Không bao lâu sau bài hát này trở nên bài hát rất được ưa thích tại Châu Âu, Canada và thậm chí tại Nhật.
Vào những năm tháng này một lần nữa nữ ca sỹ lại yêu. Ý trung nhân là họa sỹ Richard Chanfray. Dù quanh chàng họa sỹ này có nhiều lời đàm tiếu Dalida vẫn cảm thấy rất hạnh phúc. Hai người kéo dài cuộc sống chung tới..9 năm. Sau đấy theo những nguyên cớ không rõ rệt hai người chia tay. Dalida một lần nữa đau khổ vì sự đổ vỡ. Hai năm sau nữ ca sỹ biết được một tin dữ: Vì nợ nần họa sỹ Richard Chanfray đã tự vẫn.  Đó là người đàn ông thứ 3 trong cuộc đời nữ ca sỹ đã tự đoạn tuyệt với cuộc đời.Sự việc này đã thực sự khiến Dalida gục đổ. Nữ ca sỹ phải trải qua 2 lần mổ mắt nữa vì ánh sáng rực rỡ của đèn chiếu đã bắt đầu khiến mắt của nữ ca sỹ cảm thấy đau buốt và bà thấy khó mà bước ra sân khấu. Tập album cuối cùng của nữ ca sỹ ra mắt công chúng vào năm 1986 được đặt tên là “ Gương mặt tình yêu “. Cũng vào năm này Dalida thủ vai chính trong bộ phim “Ngày thứ 6.
BƯỚC RA ĐI TUYỆT ĐẸP
Mặc dù trải qua những chấn động ghê gớm Diva-nhạc pop vẫn tiếp tục biểu diện và tham gia các cuộc lưu diễn. Nhưng trong tất cả các hoạt động đó của bà đã cảm nhận ra sự đứt gẫy lớn về mặt tinh thần. Vào năm 1987 Dalida tham gia biểu diễn lần cuối rất thành công ở Tuynidi.
Nhưng nữ ca sỹ mỗi ngày càng cảm thấy sâu sắc hơn nỗi cô đơn của mình. Bà không thể xoa dịu nỗi buồn ấy bằng những kết quả có một không hai trên con đường công danh. Dalida bất lực không thể nào tìm nổi hạnh phúc cho mình. Căn cứ vào những trang hồi ký của bạn bè, người thân của bà thì ngay giữa đêm khuya, bà có thể nhắc điện thoại và nói vào máy: “Tôi không ngủ đã ba ngày đêm rồi..Tôi rất sợ...Xin đừng ngăn tôi nói”.
Ngày 2 tháng Năm năm 1987 Dalida vận lên người một bộ đầm trắng rất lộng lẫy, trang điểm rất kỹ, sau đó uống một liều thuốc ngủ cực mạnh pha lẫn rượu whitsky. Những dòng di chúc của bà để lại rất vắn gọn: “Đối với tôi, sống tiếp tôi không chịu nổi nữa. Hãy tha lỗi cho tôi.
Vào một buổi sáng họ hàng và những người thân chứng kiến thi thể của diva 54 tuổi nom như đang ngủ ngon với vẻ bình thản và mãn nguyện. Đó là giây phút cuối của một trong những ca sỹ tuyệt vời nhất trong những năm tháng đó trên thế gian này.
Nữ ca sỹ được mai táng tại nghĩa trang Montmartre.Hàng chục ngàn người dân Paris đã tiễn đưa người nữ ca sỹ mến yêu của mình tới nơi an nghỉ cuối cùng. Bà là người phụ nữ thứ 4 đứng sau Jeanne d Arc, Sarah Bernhardt  và Edit Piaf được dựng tượng đài tại thủ đô nước Pháp. Tên tuổi của bà cũng được đặt cho một quảng trường ở Paris.
Vào năm 2016 vừa qua , tại Pháp đã được quay một bộ phim truyện về cuộc sống của người nữ ca sỹ vĩ đại này được đặt tên là “Dalida. Tình yêu và sự nồng cháy”.