Một đặc điểm của những người khôn lỏi đó là sự lăng xăng, thích đăng đàn diễn thuyết! Có tác giả mới làm được mấy bài thơ, viết được mấy truyện ngắn nhưng đi đâu cũng khoe được người này người nọ khen hay. Rồi họ tìm cách xuất bản tập này tập nọ và nhờ người viết bài ca ngợi. Một số người cũng tìm cách vào được Hội Nhà văn VN. Đã có danh hiệu rồi thì bắt đầu phán.


Văn chương thời Người Khôn lấn át Người Hiền

ĐINH QUANG TỐN

Thực ra thì không phải đến thời nay, thời kinh tế thị trường mới có những người khôn. Mà thời nào cũng có những người khôn. Ca dao có câu: "Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho người dại nửa mừng nửa lo". Cách đây hơn ba trăm năm, trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng viết: "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn, người đến chốn lao xao". Nhưng phải đến thời kinh tế thị trường thì người khôn mới đua nhau nảy nở và được chú ý. Và "người khôn" thời nay cũng mang một nội hàm khác người khôn ngày xưa.

Thời xưa, mẫu người được đề cao đó là "người hiền", những "hiền nhân quân tử". Đỉnh cao của "người hiền" đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tổ chức văn hóa thế giới của Liên hiệp quốc (UNESCO) định danh là: "Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới". Còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi Người là "tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại". Thi sĩ Tố Hữu đã viết năm 1969: "Bác đã lên đường theo tổ tiên/ Mác-Lênin thế giới người hiền". Thế là mấy thiên niên kỷ của dân tộc, từ thời vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chì Minh, "người hiền" được đề cao chứ không phải "người khôn". Và "người hiền" đôi khi lại là những người dại, ví như danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã có lúc phải than rằng: "Giấc mộng làm quan chợt tỉnh ra/ Mới hay muôn sự thẩy không mà/ Nay ta chỉ thích nằm trong núi/ Nhà dựng bên hoa, đọc sách cha". Và thiên tài Nguyễn Du cũng ca ngợi Kim Trọng vì tình yêu cao đẹp với Thúy Kiều mà muốn được làm người dại: "Những mong treo ấn từ quan/ Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua"… Lịch sử mấy nghìn năm cũng như trong văn chương, tôi chưa thấy bao giờ ca ngợi những người khôn.

Nhưng đến thời điểm kinh tế thị trường thì nhiều người khôn quá. Tất nhiên, đây là sản phẩm của thời đại. Thôi thì, đấy là việc của xã hội. Mà đối với xã hội thì tôi là người dại, không đủ khôn để bàn. Tôi chỉ dám quanh quẩn trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật thôi, ngõ hầu có thể đóng góp được chút gì đó trong môi trường mà mình am hiểu.

Cứ như tôi biết thì lĩnh vực văn chương nghệ thuật từ xưa đến nay không chấp nhận những "người khôn". Những "người khôn" ấy là những người khôn khéo, khôn lỏi… Xã hội cũng như văn chương nghệ thuật chỉ ca ngợi, đề cao những người trung thực: "Khôn ngoan chẳng lại thật thà/ Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy". Thời hiện đại, nhà thơ Xuân Diệu cũng đòi hỏi thơ nói riêng và văn chương nói chung phải "chân, chân,  chân; thật, thật, thật". Những người khôn ấy là những người biết biến không thành có, biến ít thành nhiều. Đó là những nhà ảo thuật, những ông bầu sô biết đánh lừa mọi người để tạo dựng những chú đom đóm thành những "ngôi sao". Tất nhiên, phải thừa nhận họ là những phù thủy tài giỏi, trong một lúc nào đó cũng làm được việc này việc nọ có ích nhất thời. Ở lĩnh vực văn chương thì họ thổi những tác giả thơ văn mới xuất hiện có một chút là lạ thành những tài năng xuất chúng. Mà có người hài hước (anh Bá Thước đã viết trên báo Văn Nghệ cách đây hơn chục năm) gọi giễu là "những thiên tài mới ra trường".

Một đặc điểm của những người khôn lỏi đó là sự lăng xăng, thích đăng đàn diễn thuyết! Có tác giả mới làm được mấy bài thơ, viết được mấy truyện ngắn nhưng đi đâu cũng khoe được người này người nọ khen hay. Rồi họ tìm cách xuất bản tập này tập nọ và nhờ người viết bài ca ngợi. Một số người cũng tìm cách vào được Hội Nhà văn VN. Đã có danh hiệu rồi thì bắt đầu phán.

Ngày nay, xác định mẫu người lý tưởng của thời đại thật khó. Có những phẩm chất của "người hiền" đã không còn phù hợp nữa rồi. Nhưng "người khôn" cũng không thể chấp nhận; nó dễ thành Lý Thông, thành Mafia lắm. Thực sự là đang bí. Chưa xác định được rõ mẫu người lý tưởng của xã hội (tôi chưa thấy có văn bản nào xác định cụ thể cả) thì văn chương nghệ thuật biết dựa vào đâu để phản ánh hiện thực và xây dựng nhân vật? Nhà văn phải là người dự báo chăng! Nhưng đấy phải là những "thợ trời". Mà trên văn đàn hiện nay thì tôi chưa nhìn thấy "thợ trời" nào cả. Trong khi có quá nhiều những "thợ tập vẽ" cứ gẩy bới lung tung làm rối tung lên.

Thực sự thì các nhà văn đích thực cũng không ai ngồi chờ đợi, mà họ vẫn đang tự đi tìm. Đó là sứ mệnh sáng tạo thiêng liêng của mỗi người cầm bút. Riêng tôi thì cho rằng, mẫu người lý tưởng của xã hội và văn chương thời nay vẫn phải từ gốc của "người hiền" kết hợp với những phẩm chất tích cực của "người khôn". Đó là những con người Việt Nam hiện đại, đang hình thành và dần dần sẽ hoàn thiện. Nhưng đây là "con đường đau khổ" không một chút dễ dàng.