Lần đầu tiên ra mắt tại Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc cách đây 3 năm, tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” của nhà văn Trần Văn Tuấn vừa được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ tái bản. Sách dày 416 trang, chia làm 3 phần: Mưa nắng và đạn bom”, Bom đạn và nắng mưa và “Độc thoại của người đàn bà.




TRẦN VĂN TUẤN và nỗi ám ảnh Vẫn Là Binh Nhất

PHAN NGỌC THƯỜNG ĐOAN

Nhà văn Trần Văn Tuấn sinh ngày 8-3-1949 tại Văn Xá, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Năm 1970, lúc đang học trung cấp nghề, ông đã gia nhập quân đội, vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ từ năm 1970 đến 1975. Cuối năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, anh đã tình nguyện trở lại quân đội, sang chiến trường Campuchia. Với những năm tháng sống và chiến đấu vì độc lập tự do, nhà văn Trần Văn Tuấn đã có một vốn sống khá dày. Đây chính là điểm mạnh giúp anh khi đến với đời văn, tạo cho anh một gia tài đồ sộ, đó là gần 40 tác phẩm, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, như: Từ một chuyến tàu; Ngõ hẻm bên cầu; Ngày thứ bảy u ám, Người đàn bà bị săn đuổi; Một câu chuyện của 6 năm 6 ngày; Người có trái tim bên phải; Rừng thiêng nước trong; Đại gia tỉnh lẻ; Thông tin đa chiều; Thật gi cũ mới; Vẫn là binh nhất… Trong đó, có nhiều tác phẩm xuất sắc đoạt các giải thưởng lớn như: Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ với truyện “6 năm 2 tháng 3 ngày” năm 1984. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” năm 2005. Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2006; Giải thưởng Văn học ASEAN với tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” năm 2007; Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật với tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” năm 2011.
Tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” có bối cảnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Nam bộ. Nhân vật chính trong tác phẩm là Hải, một thanh niên từ ngoài Bắc vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Nam bộ. Ngoài Hải, truyện còn có Cỏn cối xay – người cùng đoàn tân binh với Hải vào chiến trường; Phong – người đẹp trai – là sĩ quan đặc công, phóng khoáng, bản lĩnh; Cường – một chỉ huy trinh sát gan góc, dũng cảm. Bác sĩ Mạnh, hộ lý Đào, Ba Hoa, Xuân, anh Hai Sắt… Và Sơn, Nam, Trấn (trong lực lượng hậu cần, giữ kho bí mật giữa rừng).
Bằng chính những gì bản thân đã trải qua, cộng với chất văn chương trời cho, tác giả đã dẫn người đọc đi theo mình qua nhiều cung bậc cảm xúc khi viết về tình yêu giữa nam và nữ (Hải với Đào; Cường với Ba Hoa; Phong đặc công với cô bé Xuân…); tình đồng đội, đồng chí, tình quân dân…
Vấn đề hạnh phúc được tác giả nêu ra cụ thể trong tác phẩm “Vẫn là binh nhất” mang tầm khái quát xuyên suốt. Ngay ở chương đầu, thông qua ký ức của nhân vật chính đã cho người đọc nhìn ra ngay việc gợi mở vấn đề hạnh phúc qua một bài làm văn “Hạnh phúc là đấu tranh” (một câu nói nổi tiếng của Các Mác).
Ở phần 3, với tiểu đề “Độc thoại của người đàn bà”, tác giả đã ẩn vào cuộc độc thoại nhằm nói lên thông điệp của mình rằng: “Người đàn bà nào cũng có nhiều cuộc sống trong một cuộc đời. Tôi là người có hai cuộc đời. Xin bắt đầu từ cuộc đời thứ hai. Tôi được sinh ra từ đâu đó. Có thể từ trong lòng đất chui lên. Có thể từ một đám mây trên trời rơi xuống. Một sinh vật mang hình dáng con người trưởng thành. Quần áo đã được mặc sẵn. Như một cái cây có đầy đủ cành lá. Tôi cảm nhận được ánh sáng mặt trời, gió, mưa và cuộc sống xung quanh. Tôi cũng cảm nhận được mình là loài sinh vật biết nói, biết cử động tay chân và được sinh ra trong thế giới con người. Tôi không phải là cây cối, đất đá. Tôi là một con người. Một người hoàn chỉnh, không khiếm khuyết. “Tôi là ai?”. Tự nhiên miệng tôi chuyển động phát ra tiếng nói. Một câu hỏi. Hỏi chính mình. Hỏi người khác. Dường như trong bản năng sinh tồn có sự tò mò tìm hiểu. Người ta không thể tồn tại được nếu không có sự xác định bản thể. Đứa trẻ nhất thiết phải khỏe. Khỏe để xác lập sự tồn tại, để hỏi mọi người “Tôi là ai?”. Người ta đến gần tôi, nói: “Không lẽ bị mất trí nhớ rồi”. Tôi lại hỏi: “Trí nhớ là gì?”.
Một bạn đọc xong tiểu thuyết “Vẫn là binh nhất” nhận xét:
- Cái đặc sắc trong tiểu thuyết chính là những đồng cảm, chia sẻ chân thành của tác giả với những người lính đã có cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc (ở bất kỳ vị trí công tác nào) mà khi hòa bình lập lại họ vẫn sống và làm việc như những công dân mẫu mực theo đúng tinh thần của một người lính cách mạng “… tham gia chiến đấu không phải để lên cấp, lên chức”. Viết về đề tài chiến tranh như cách Trần Văn Tuấn viết là quá tốt.
Kết luận, “Vẫn là binh nhất” là một cuốn tiểu thuyết hay, hấp dẫn và đầy tính nhân văn…


Nguồn: Văn Nghệ TPHCM