Báo chí dùng từ sai nghĩa, nhất là chữ Nho, quen gọi là từ Hán – Việt như: bao biện là làm thay thì được dùng như ngụy biện và ngược lại, cứu cánh là mục đích cuối cùng được dùng như cứu vớt, câu “bách niên giai lão” là dùng để chúc hai vợ chồng đều (giai) sống lâu, đến già thì lại được dùng để chúc thọ cho một cụ ông hay cụ bà riêng lẻ… Một số cán bộ viết báo trẻ ngày nay không có điều kiện học chữ Hán – Nôm và cùng không quan tâm đến việc học loại chữ này mà lại hay thích dùng nên càng sai nhiều.



PHẤN ĐẤU GIỮ CHO TIẾNG VIỆT TRONG SÁNG

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí cạnh tranh quyết liệt để thu hút bạn đọc, nội dung và hình thức báo rất phong phú, nhiều mầu, nhiều vẻ. Điều mà người đọc không hài lòng là trong khi trình độ người làm báo không ngừng được nâng cao, bài tin rất hấp dẫn thì những sai sót về chính tả, văn phạm, sự thiếu chính xác về dùng từ cũng ngày càng gia tăng. Không kể bài, tin trên các báo hằng ngày còn có nhiều lỗi, mà các báo hằng tuần, hằng tháng, tạp chí, kịch bản phim cũng có không ít sai sót.
Việc dùng từ sai nghĩa, nhất là chữ Nho, quen gọi là từ Hán – Việt như: bao biện là làm thay thì được dùng như ngụy biện và ngược lại, cứu cánh là mục đích cuối cùng được dùng như cứu vớt, câu “bách niên giai lão” là dùng để chúc hai vợ chồng đều (giai) sống lâu, đến già thì lại được dùng để chúc thọ cho một cụ ông hay cụ bà riêng lẻ… Một số cán bộ viết báo trẻ ngày nay không có điều kiện học chữ Hán – Nôm và cùng không quan tâm đến việc học loại chữ này mà lại hay thích dùng nên càng sai nhiều.

Hằng nghìn năm thống trị nước ta, các triều đại phong kiến Trung Hoa đã ra sức biến nước ta thành một phiên thuộc của họ nhưng không làm được. Thời đó, chữ Nho là chữ chính thức bắt buộc. Cha ông ta đã dùng chữ Nho nhưng đọc theo âm Việt, thành chữ quen gọi là “Hán – Việt”. Dần dần ta sáng tạo ra chữ Nôm, dựa theo chữ Nho, thêm bớt một số nét. Từ chỗ bị coi thường “nôm na là cha mách qué”, chữ Nôm từng bước có vị trí xứng đáng trong văn chương Việt Nam.
Thời Tây Sơn, Vua Quang Trung chủ trương dùng chữ Nôm thay chữ Nho, nhưng triều Tây Sơn quá ngắn, nên việc lớn không được nối tiếp. Đến thời chống Pháp thống trị nước ta, tiếng Việt viết theo vần Latinh trở thành chữ viết, phổ biến gọi là chữ Quốc ngữ (Latinh). Nói như nhà sử học Trần Văn Giàu là “Pháp đã phá ngang chữ quốc ngữ Nôm”. Chữ Latinh vào Việt Nam, chúng ta tiếp thu, sử dụng nó, phát huy mặt thuận lợi như một thứ chữ tiếng Việt dễ học, dễ đọc. Cha ông ta lại cố gắng Việt hóa chữ Pháp nhất là những chữ trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghiệp… mà ta chưa có từ tương ứng như: cái săm, cái lốp, nhà ga, đường ray… Hàng nghìn từ Pháp được Việt hóa làm phong phú thêm kho tàng tiếng Việt trên con đường tiến hóa.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tiếng Việt đã được dùng thay hoàn toàn cho tiếng Pháp ở bậc Đại học mà trước đó nhiều người cho là không thể làm được. Học và dùng chữ Quốc ngữ vần Latinh, không chối bỏ nó, cố gắng Việt hóa tối đa, làm giàu thêm tiếng Việt, không để lại căn, mất gốc, không sùng bái nó như kiểu Phạm Quỳnh tán dương “chữ Quốc ngữ (Latinh) là công cụ kỳ diệu giải thoát về đường tư tưởng”, hay như Nguyễn Văn Vĩnh: “Nước Nam ta sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ”! “Giải thoát về đường tư tưởng” và “hay dở” đâu phải là chữ Quốc ngữ Latinh như hai ông Quỳnh, Vĩnh nói.

Thời nước ta chưa có chữ Quốc ngữ Latinh, ta đã có một nền văn hiến, tư tưởng cao sâu, rực rỡ, một nền thơ chói lọi với bao tên tuổi lẫy lừng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu… mà cho đến nay còn chưa sánh kịp. Nước Trung Hoa dùng chữ Hán, nước Nhật, nước Hàn hội nhập với phương Tây rất sớm nhưng họ vẫn giữ chữ của họ là Hán – Nhật, Hán – Hàn, không Latinh hóa quốc ngữ của họ, đến nay họ vẫn là những nước hàng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật hiện đại, giàu có về kinh tế, tư tưởng cao sâu, trình độ văn minh, hay dở của họ đâu phải nhờ vào chữ Latinh.

Từ rất lâu, Phạm Văn Đồng đã nhiều lần nói: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta; bởi kinh nghiệm đấu tranh lâu dài và phong phú, bởi những kinh nghiệm sống của hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng Việt của chúng ta phản ánh sự hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Tiếng Việt hiện nay có khả năng rất lớn, phải nói là khả năng vô bờ bến để diễn tả đời sống tư tưởng và tình cảm ngày càng phong phú đẹp đẽ của dân tộc. Bản thân nó đã giàu, nó lại còn có khả năng biến hóa vô cùng, nếu chúng ta biết giữ nó, dùng nó, biết phát triển nó. Trong tiếng ta, một chữ có thể dùng để diễn tả nhiều ý, hoặc ngược lại, một ý lại có thể có bao nhiêu chữ để diễn tả… Cụ viết: “Tiếng nói phản ánh đời sống và phục vụ đời sống hàng ngày, cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng, cuộc chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, đời sống chính trị, văn hóa, văn học – nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật. Thế nào là phản ánh đời sống? Đó là diễn tả ý nghĩ và tình cảm của người nói, người viết, gợi ý nghĩ và tình cảm của người nghe, người đọc. Muốn vậy, phải dùng tiếng của dân tộc, lời nói, cách nói thông minh nhất, mộc mạc nhất, không chỉ có lợi ích lớn dễ hiểu mà còn có thể gây cảm xúc mạnh mẽ ở người nghe, người đọc. Cho nên phải chống mạnh mẽ hơn nữa, một cách có hiệu quả hơn nữa cái tật hay nói chữ, Bác Hồ thường phê bình “đã dốt còn hay nói chữ”. Đúng quá, chính vì dốt mà hay nói chữ.

Cái tật “nói chữ” không chỉ có hại ở chỗ nó gây khó hiểu cho người nghe, người đọc, làm cho tiếng ta vốn trong sáng hóa ra đục và tối, tật xấu đó còn đưa đến một thói quen khá nguy hiểm là dùng chữ sẵn, câu sẵn, điệu sẵn, nói sẵn để lắp vào bất cứ trường hợp nào, nghĩa là dùng cái “sáo” thường chẳng có ý nghĩa gì để thay thế sự suy nghĩ, những ý và tính chân thật xuất phát từ đáy lòng và diễn tả bằng tiếng nói thông thường, mộc mạc, hồn nhiên và có ý vị”.
Mọi người đều biết Bác Hồ luôn nghĩ đến việc làm cho tiếng Việt chúng ta ngày càng trong sáng, Bác Hồ thay rất nhiều chữ gốc Nho đã dùng quen từ lâu ra tiếng thuần Việt rất hay như vùng trời, vùng biển thay cho không phận, hải phận… Có một từ Nho mà Bộ Ngoại giao, Văn phòng Thủ tướng, Ban Biên tập Báo Nhân Dân… muốn thay đổi bằng chữ thuần Việt nhưng phải mất nhiều thời gian mới vượt được thói quen giữ cái cũ thay mới. Đó là cụm từ bị vong lục thay bằng bản ghi nhớ. Rất sáng rõ, rất đúng, rất hay!

Còn bây giờ, việc dùng từ Nho đang trở thành một bệnh nói chữ, một kiểu làm sang kệch cỡm, chỉ gây thêm khó hiểu như: biết ơn là tri ân, sức mua là mãi lực, trồng lại là tái canh, sinh đôi là song sinh, cá kình là kình ngư, chết là tử vong… Lại nữa, do không hiểu nghĩa chữ Nho, nên dùng chữ sai rất phổ biến ngay trên báo chí, phát thanh, truyền hình.
Trước trào lưu hội nhập quốc tế, tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh được dùng rất phổ biến. Việc học cho giỏi tiếng nước ngoài để dùng là rất cần thiết. Nhưng dùng bừa bãi tiếng nước ngoài thay cho tiếng Việt đã có sẵn là không thể chấp nhận được. Tại sao diễu hành hóa trang lại cứ phải dùng là “Lễ hội Carnival”. Ở hầu hết khắp cả nước, các cửa hàng, cửa hiệu của người Việt ở trong một con phố nhỏ cũng được đặt tên bằng tiếng nước ngoài cho “oai”! Hòn đảo lớn rất đẹp ở trước mặt thành phố Nha Trang là Hòn Tre, hay Hòn Lớn, sau được đặt tên là Hòn Ngọc Việt cho “sang trọng”, rồi các nhà đầu tư đến kinh doanh, Hòn Ngọc Việt biến thành VINPEARL, và trở thành tên hợp pháp. Một đồng chí lãnh đạo văn hóa ở Đà Nẵng than thở là ngành văn hóa bất lực trước việc các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho nhà đầu tư đặt tên cửa hàng theo yêu cầu của họ, ngành văn hóa không thể bắt nhà đầu tư thay đổi tên cửa hàng của họ được!

Đáng buồn hơn nữa là hàng ngày, hàng giờ trên Đài phát thanh và truyền hình, một số tờ báo tung ra những chữ tiếng Anh mà tiếng Việt có thừa để nói như: em-xi, ha-trích… Đến nỗi những tên riêng của một nước đã đổi sang tiếng Pháp như Ma-rốc cũng trở lại hành Morocco. Li-băng là Lebanon… Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp là Pha-bi-us (Fabius), đài cứ đọc là Pha-bi-át! Rất nhiều từ nước ngoài, ta đã viết, đã dùng theo tiếng Việt thì có báo, đài trở lại dùng nguyên tiếng nước ngoài như: Vắc-xin trở lại là vaccine; tua du lịch là tour du lịch. Đài truyền hình quốc gia có các mục lớn dùng tiếng Anh (trong bản tin tiếng Việt) là News, Awards coi đó là tên chính thức.
Ngoài việc dùng từ Nho, từ nước ngoài tràn lan lại còn thêm nạn dùng nhiều chữ thừa, trùng lặp, rối rắm, không chú ý viết ngắn gọn, đủ ý: Cầu Mỹ Thủy vừa mới thông xe một ngày đã xảy ra tình trạng sụt lún; hôm nay mưa lớn xảy ra trên địa bàn Hà Nội; lũ quét xuất hiện ở nhiều địa phương các tỉnh miền núi; cụm công nghiệp N. bị hỏa hoạn cháy nhiều nhà xưởng; Hàn Quốc tiến hành bầu cử địa phương; Quốc hội tiến hành họp kín; hiệp định TTP đi vào hiệu lực; U23 Việt Nam thắng đậm trước U23 Đài Bắc; Brexit làm phức tạp hóa việc làm luật của 27 nước thành viên EU; đoàn Việt Nam xếp vị trí thứ ba; kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác Hồ; việc này tạo dư địa cho các hiệp hội vận hành tốt hơn; trong bầu cử Quốc hội ở Thái Lan ông A. giành chiến thắng trước ông B. (thay vì thắng cử)… Trên VTV1 có một mục thường xuyên là “Vì an sinh cuộc sống” (đã an sinh lại còn cuộc sống); một cuộc họp thường kỳ của một cơ quan lớn có trên 30 thành viên để cho ý kiến về vấn đề… (mặc dù trong cuộc họp ấy không có ai xin ý kiến cả, chỉ có cho thôi!).

Việc để cho tiếng Việt trên báo đài ngày càng thiếu trong sáng gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là các nhà ngôn ngữ học.
Nhớ lại 53 năm trước, vào đầu tháng 2-1966, giữa lúc máy bay giặc Mỹ leo thang ném bom gần sát Hà Nội mà cuộc họp “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” vẫn được tổ chức ở Hà Nội, có rất nhiều nhà báo, nhà giáo, nhà văn trong và ngoài nước đến dự. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, dù rất bận đã bình thản đến dự suốt tất cả các buổi họp khiến cho các vị khách nước ngoài có mặt rất ngạc nhiên.
Trong phát biểu tại hội nghị không có văn bản, được ghi âm lại gồm gần hai nghìn từ, Thủ tướng luôn nhấn mạnh phải có ý thức sâu sắc về sự giàu đẹp của tiếng Việt, về những khả năng và hạn chế của nó, phải rất nhạy cảm trong việc giữ gìn cho tiếng Việt trong sáng. Cụ bày tỏ lo lắng trước những khuynh hướng, những hiện tượng không tốt, làm xói mòn sự trong sáng của tiếng Việt. Cụ cảnh báo: “Các nhà văn, nhà báo, những người đáng lẽ phải làm mẫu mực trong việc viết và nói tiếng ta thì lại chưa phát huy được đủ tác dụng của nó. Và trường học chưa chú trọng dạy tiếng ta như mong muốn”.

Gần 30 năm trước, giáo sư ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo viết trên báo Văn nghệ, đại ý: Trước kia, đọc mười cuốn tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, tìm ra một lỗi sai chính tả, sai văn phạm rất khó, còn bây giờ có quá nhiều lỗi trên sách báo. Nhiều nhà phê bình, bạn đọc, người “dọn vườn” cũng đã rất tận tâm quét rác trong vườn văn, vườn báo nhưng kết quả sửa chữa không nhiều. Người phê cứ phê, người viết sai, in sai cứ viết, cứ in, như việc dùng các từ ngữ: bao biện, cứu cánh đã nói ở trên. Có người “dọn vườn” thấy kết quả lao động của mình ít quá, không còn kiên nhẫn, đã lỏng buông tay dọn, mặc vườn ai nấy lo, nhiều cỏ dại dễ đâm chồi.
Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Văn Chiến viết trên báo Nhân Dân (17-10-2007): “Trừ một vài tờ báo còn giữ gìn chữ quốc ngữ truyền thống, còn lại, hình như ai làm như một phương tiện thông tin hoặc một nhà xuất bản đều tự cho mình quyền hành xử tiếng Việt theo quan niệm riêng của mình”.

Nhiều nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ học tâm huyết với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất nhiều biện pháp để cải thiện tình hình. Hội thảo khoa học về chủ đề “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” do các trường Đại học Tin học TP. Hồ Chí Minh và Đại học Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 18-6-2010, các tham luận đã nêu lên nhiều vấn đề bức xúc trong sự giữ gìn và phát triến tiếng Việt, “thứ của cải lâu đời và vô cùng quý báu” như lời Hồ Chủ tịch căn dặn. Hội thảo đã ra một bản kiến nghị gồm các vấn đề chính: Cần có quy chuẩn quốc gia cho việc sử dụng tiếng Việt; tên gọi thống nhất các chữ cái; cách viết chính tả, tên riêng, mượn từ ngữ nước ngoài; đưa chữ Nho vào chương trình giáo dục phổ thông. Cần có một dự án cấp quốc gia để hệ thống hóa thành luật từ những quy định đã có. Tăng cường giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường, chú trọng về thực hành để con em chúng ta nói đúng, viết đúng tiếng Việt. Bảo vệ tiếng Việt đi đôi với phát triển tiếng Việt, đưa vào tiếng Việt những nhân tố mới làm cho tiếng Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao tiếp trong thời hội nhập…
Có chủ trương đúng nhưng không có người tích cực thực hiện, không kiểm tra, kiểm soát, không có kỷ luật nghiêm minh thì hiệu quả sẽ rất kém. Báo chí, phát thanh, truyền hình là những công cụ vô cùng quan trọng, có thể nói là quan trọng hàng đầu trong việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt. Người làm báo, báo viết, báo nói, báo hình là những chiến sĩ đứng ở hàng đầu mặt trận ấy.
Tiếng nói và chữ viết, văn viết là nhân tố vô cùng quan trọng bồi đắp, củng cố lòng yêu nước. Nếu để tiếng Việt bị coi thường, bệnh sính dùng tiếng nước ngoài để “khoe chữ” phát triển thì hệ quả tất yếu là lòng yêu nước bị xói mòn, vô cùng tai hại.
Hằng ngày người nghe đài đều được nhắc nhở “học Bác mỗi ngày” nhưng trên thực tế, điều này chưa đem lại hiệu quả rõ rệt, mà còn có phần sút kém, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn nữa.

Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM