Nhà văn Trần Đức Tiến giải thích lý do phải viết bức thư đầy chua xót của một cử tri: “Trước hết, vì tôi thương bạn. Anh ấy là nhà thơ, suốt ngày chỉ đau đáu làm sao có những vần thơ đẹp thơ hay dâng cho đời. Tính tình thì nhã nhặn, kiềm chế. Chưa từng có ai làm cho anh ấy phải nổi giận. Vậy mà hôm qua, nhìn thấy kết quả bỏ phiếu về chuyện bia bọt rượu chè của các ông, anh ấy suýt ngất. . Kết quả đó như nhát búa tạ bổ thẳng vào cái đầu hiền lành không còn nhiều tóc của anh ấy. Anh ấy phải uống một vốc thuốc đau đầu mà vẫn không hết ê ẩm, đành nghẹn ngào kêu trời: Sao lại thế này! Có ai giải thích cho tôi hiểu được không?



GỬI MỘT ÔNG NGHỊ NGỦ GẬT

Này ông,
Phải nói ngay là những lần đi bỏ phiếu bầu cử, tôi không vắng mặt lần nào, và lần gần đây nhất thì tôi không bỏ cho ông. Tôi cũng không bỏ cho nhiều ông khác. Tôi nghi ngờ năng lực, phẩm chất của các ông. Các ông trúng cử nhờ lá phiếu của những người khác. Tuy nhiên, tôi vẫn tin là mình chính xác trong lựa chọn. Khi nhìn thấy ông ngoẹo đầu, há mồm ngủ ngon lành giữa hội trường trong lúc đang họp, và ống kính máy quay phim, máy ảnh của các đài truyền hình, các báo… đang lăm lăm chĩa vào, thì không còn có lý do gì để tôi không tin chắc như vậy. Ti vi chiếu lên, ảnh đăng lên, dân cả nước thấy rõ, chứ tôi chả thù oán ăn không nói có gì cho ông. Là đại biểu của dân, đang bàn về những vấn đề hệ trọng của đất nước, những quyết sách liên quan sát sườn đến đời sống nhân dân, mà ông lại ngủ gật. Ông không thắng nổi sự cám dỗ của một cơn buồn ngủ, không thắng nổi thứ bản năng sơ khai của loài động vật có vú, thì làm sao ông có đủ sự tỉnh táo, đủ nghị lực để lo những việc trọng đại cho dân cho nước?
Rất ít nghe ông phát biểu trong các kỳ họp. Họa hoằn mới thấy ông đứng lên, giống như bị phân công, cầm tờ giấy đọc mấy dòng viết sẵn, phải chăng hay chớ về một điều gì đó, nhạt nhẽo, mơ hồ, chẳng động đến lông chân thằng tây nào.
Tóm lại, ông đã giúp tôi củng cố một niềm tin vững chắc là không thể trông đợi bất cứ điều gì ở ông và những người như ông.
Tin thế cho nhẹ lòng. Ông cứ việc ở đó, ngồi mát ăn bát vàng, hay ngủ cho thỏa thích đi nhé. Tôi đi làm việc của tôi. Nước sông không phạm nước giếng.
Nhưng đến hôm nay thì tôi lại buộc phải lên tiếng. 
Trước hết, vì tôi thương bạn. Anh ấy là nhà thơ, suốt ngày chỉ đau đáu làm sao có những vần thơ đẹp thơ hay dâng cho đời. Tính tình thì nhã nhặn, kiềm chế. Chưa từng có ai làm cho anh ấy phải nổi giận. Vậy mà hôm qua, nhìn thấy kết quả bỏ phiếu về chuyện bia bọt rượu chè của các ông, anh ấy suýt ngất. . Kết quả đó như nhát búa tạ bổ thẳng vào cái đầu hiền lành không còn nhiều tóc của anh ấy. Anh ấy phải uống một vốc thuốc đau đầu mà vẫn không hết ê ẩm, đành nghẹn ngào kêu trời: Sao lại thế này! Có ai giải thích cho tôi hiểu được không?
Sau nữa, tôi hiểu số phiếu của các ông (gồm 43,80% phiếu chống và 12% phiếu trắng, theo kết quả bấm nút lần thứ 2), đã khiến cho không thể thông qua việc cấm lái xe uống rượu. Như thế khác nào ngầm cho phép họ cứ uống? Xưa, Tự Lãng khuyến khích Chí Phèo: uống đi, uống nữa đi, ông bạn lạc đường ở cung trăng xuống ạ, uống đến đái ra rượu thì mới thích. Nay, các ông ngầm bảo đám lái xe: chúng mày uống sao cho đến khi ngậm mồm thổi vào cái máy đo nồng độ cồn của công an, hơi cồn làm vỡ toang cái máy ra mới thích!
Một năm, một tháng, một ngày có bao nhiêu người chết oan vì lái xe say xỉn, các ông hẳn phải biết rõ hơn tôi. Dư luận xã hội công phẫn về chuyện này thế nào trong thời gian vừa qua, các ông ít nhất cũng phải biết ngang tôi. Ở nhiều nước trên thế giới, và ở ngay những nước xung quanh ta, người ta xử tội lái xe uống rượu ra sao, chả lẽ các ông bịt tai nhắm mắt? Chuyện này không cần nói thêm. Giờ chỉ xin hỏi:
- Các ông có sợ oan hồn của những người chết vì đám lái xe say rượu, đêm đêm sẽ đến gõ cửa nhà các ông, luồn vào nhà bóp cổ các ông phải ói ra thịt ra rượu không?
- Mỗi lần nâng ly mừng thăng chức, mừng tân gia biệt thự, lên đời xe hơi…, các ông có nhìn thấy ánh hồng như máu người trong rượu không?
                  TRẦN ĐỨC TIẾN