Tri pháp mà phạm pháp là một trong những nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh của pháp luật. Một bản án dù lớn dù nhỏ, muốn đạt được cả ba tiêu chuẩn “khoan dung về tình nghĩa, chặt chẽ về lý lẽ, nghiêm minh về pháp luật” thì nhất định phải triệt tiêu hành vi cản trở tư pháp công chính



PHẢI TRIỆT TIÊU HÀNH VI CẢN TRỞ TƯ PHÁP CÔNG CHÍNH

LÊ THIẾU NHƠN

TAND quận 4- TPHCM đã trả hồ sơ để điều tra lại vụ án cựu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Đà Nẵng - Nguyễn Hữu Linh bị truy tố tội danh “dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Bao giờ phiên tòa được tiếp tục xét xử thì chưa biết, nhưng những diễn tiến xung quanh buộc những ai thượng tôn pháp luật phải tư duy thêm về khái niệm cản trở tư pháp công chính.

Một người nhiều năm công tác trong ngành kiểm sát như bị cáo Nguyễn Hữu Linh thừa kinh nghiệm để vận dụng khéo léo những thủ thuật hòng giảm thiểu đến mức nhẹ nhất sự trừng phạt cho hành vi sai trái của mình. Vì sao gần đến ngày xét xử, gia đình nạn nhân lại cho rằng bị cáo Nguyễn Hữu Linh không tổn hại gì bé gái 6 tuổi, và đề nghị cơ quan công an không tiếp tục điều tra và xử lý bị cáo Nguyễn Hữu Linh? Với tội ấu dâm thì thân nhân của nạn nhân không có quyền bãi nại. Tuy nhiên, sự thay đổi thái độ của gia đình bé gái 6 tuổi khiến giới quan sát phải đặt ra nhiều nghi vấn. Sau khi có quyết định khởi tố, bị cáo Nguyễn Hữu Linh hoặc người đại diện của bị cáo Nguyễn Hữu Linh có tiếp xúc với gia đình nạn nhân không, và giữa hai bên có thỏa thuận nào gây tác động đến nhận thức của xã hội về vụ án không? Lâu nay, chúng ta vẫn khuyến khích giải quyết các yếu tố dân sự trong bản án hình sự, vô tình tạo ra vùng xâm lấn mờ ảo giữa trắng và đen.

Trong Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015, có điều 466 quy định “xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”, nhưng rất ít khi được quan tâm. Riêng khoản 2 của điều 466 đã nêu rõ hành vi bị nghiêm cấm là    “khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”, thì việc cựu Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng khai tên mình là Nguyễn Văn Hưng khi làm việc với bảo vệ chung cư Galaxy và gia đình bé gái 6 tuổi, đã đủ để bị truy tố thêm tội danh “cản trở hoạt động tố tụng hình sự”.

Sự phản ứng trái ngược của gia đình bé gái 6 tuổi ở hai thời điểm trước và sau khi có quyết định khởi tố bị cáo Nguyễn Hữu Linh, có rất nhiều góc độ để thông cảm và chia sẻ. Họ từ chối tham dự phiên tòa, từ chối truy kích đến cùng tội phạm ấu dâm, cũng là một cách bảo vệ con mình. Tuy nhiên, khi điều 466 Bộ Luật Tố tụng hình sự đã có quy định những dấu hiệu vướng mắc có thể xảy ra giữa bị cáo và nạn nhân như “Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối” thì lẽ ra đơn vị liên quan như Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phải có biện pháp đề phòng hữu hiệu!

Tri pháp mà phạm pháp là một trong những nguyên nhân làm suy yếu sức mạnh của pháp luật. Một bản án dù lớn dù nhỏ, muốn đạt được cả ba tiêu chuẩn “khoan dung về tình nghĩa, chặt chẽ về lý lẽ, nghiêm minh về pháp luật” thì nhất định phải triệt tiêu hành vi cản trở tư pháp công chính./.