Câu chuyện diễn ra vào những năm 50 của thế kỷ XIX, khi bỗng nhiên Whitman cảm nhận được tài năng thơ ca của mình. Từ thời điểm đó bắt đầu một hoạt động sáng tác không ngừng nghỉ cho tới lúc chết. Ông viết về sự mặc khải này của mình như sau: "Tôi nhớ hôm đó là một buổi sáng mùa hè, trời trong xanh. Tôi nằm trên bãi cỏ... và bỗng nhiên tôi nhận thấy xung quanh một cảm giác thanh bình và êm ái, một sự tri ngộ cao hơn cả lý trí của con người và tôi hiểu rằng Thượng đế là người anh em của tôi, rằng linh hồn của Người cũng gần gũi với tôi, rằng hạt nhân của Vũ trụ là tình yêu".




NGƯỜI TIỀN PHONG TRONG THƠ CA MỸ

TRẦN HẬU

Bạn đọc nước ta đã quá quen thuộc với cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Mỹ Walt Whitman (1819 - 1892), tác giả tập thơ "Lá cỏ" đã được dịch ra tiếng Việt. Ông là nhà thơ, nhà chính luận và nhà báo Mỹ, song được biết đến chủ yếu như một nhà thơ, cha đẻ của thơ tự do không vần Mỹ. Walt Whitman có ảnh hưởng lớn đến thơ ca Mỹ và thế giới trong suốt thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Walt Whitman (31/5/1819-31/5/2019), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ độc đáo này.
Vào đầu thế kỷ XX, danh tiếng của Walt Whitman đã trở nên lừng lẫy. Không nghi ngờ gì nữa, bằng hệ thống hình tượng thơ ca của mình, ông đã tác động lên thế giới quan của người Mỹ. Tác phẩm của ông được nhiều nhà văn trên thế giới đánh giá cao và có ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn  như: Eliot, Langston Hughes, Pablo Neruda, Federico Garcia Lorca, Vladimir Mayakovsky… Walt Whitman sinh ngày 31 tháng 5 năm 1819, tại một làng gần Hempstead, Huntington trong tiểu bang New York, trung tâm Long Island. Nơi đây trong suốt hai thế kỷ, tổ tiên của nhà thơ tương lai, những người xuất thân từ các gia đình nông trại Hà Lan và Anh đã sinh sống. Gốc gác Hà Lan đã thể hiện ở cả ngoại hình lẫn nội tâm của Whitman.
Thời trẻ, Whitman không hề nghĩ tới việc sáng tác thơ ca. Ông là một chàng trai nhàn hạ, không biết rõ mình làm gì. Khi thì ông lang thang ở New York, khi thì dạy học ở một nơi xa xôi hẻo lánh, khi thì làm việc tại một tờ báo nhỏ, nơi ông vừa là thợ sắp chữ vừa là phóng viên và cộng tác viên, còn chiều chiều ông lại trở thành người đưa thư, ngồi trên yên ngựa chở chính tờ báo của mình tới khắp những làng xóm và khu dân cư lân cận. Dường như Whitman cố tình không tìm kiếm một công việc có thể mang lại cho ông thu nhập và vị thế nào đó trong xã hội. Và điều đó diễn ra ở nước Mỹ, nơi sự giàu có là thước đo chính của giá trị con người! Đối với Whitman, cả tiền bạc lẫn tài sản đều không có giá trị gì, khi ông chưa tìm thấy thiên chức của mình. Đơn giản là ông sống, vui vẻ và vô tư, hài lòng với những gì đồng lương còm mang lại.
Trước khi bước vào tuổi 40, Whitman không có gì để khoe khoang về bản thân lẫn tác phẩm của mình. Gia tài văn học của ông vẻn vẹn chỉ có những bài phóng sự báo chí nhỏ và những truyện ngắn trung bình kiểu Edga Poe, người mà vào thời ấy nhiều nhà văn Mỹ thích bắt chước.  Dĩ nhiên, những người thân không hài lòng về cuộc sống vô mục đích của Walt. Đến tuổi trưởng thành, ông vẫn không nghề nghiệp ổn định, không gia tài, tiền bạc. Thế mà bỗng nhiên, một cách âm thầm, lặng lẽ,  Whitman dấn thân vào một sự nghiệp đích thực, chỉ có thể nói là do những lực lượng siêu nhiên nào đó xui khiến.
Câu chuyện diễn ra vào những năm 50 của thế kỷ XIX, khi bỗng nhiên Whitman cảm nhận được tài năng thơ ca của mình. Từ thời điểm đó bắt đầu một hoạt động sáng tác không ngừng nghỉ cho tới lúc chết. Ông viết về sự mặc khải này của mình như sau: "Tôi nhớ hôm đó là một buổi sáng mùa hè, trời trong xanh. Tôi nằm trên bãi cỏ... và bỗng nhiên tôi nhận thấy xung quanh một cảm giác thanh bình và êm ái, một sự tri ngộ cao hơn cả lý trí của con người và tôi hiểu rằng Thượng đế là người anh em của tôi, rằng linh hồn của Người cũng gần gũi với tôi, rằng hạt nhân của Vũ trụ là tình yêu".
Thì ra, trong những ngày tháng khi Whitman cộng tác với những tờ báo và tạp chí nghèo nàn, khi ông đi lang thang trên những con phố của New York hay ven bờ Long Island, khi ông trò chuyện bâng quơ với những con người bình dị, trong "phòng thí nghiệm bí mật của bộ não" của ông đã ấp ủ một Cuốn Sách. Và khi nó ra đời thì không chỉ tác giả mà cả độc giả cũng lấy làm kinh ngạc. Bản thảo đầu tiên của tập thơ "Lá cỏ" được hoàn thành sau 5 năm trời lao động sáng tạo bền bỉ. Chính cuốn sách duy nhất này trong tương lai sẽ đặt Whitman ngang hàng với những người sáng lập ra nền thơ ca mới của Mỹ.
"Lá cỏ" là cuốn sách về nước Mỹ và qua nó về con người, nhân loại và thế giới, xa hơn nữa - về vũ trụ, về không gian và thời gian, nơi mỗi con người trong chúng ta đang sống. Nhưng điểm xuất phát là nước Mỹ mà sau này Whitman đã viết: "Tất cả  những ai muốn biết về nước Mỹ, về bí ẩn vĩ đại được gọi là nền dân chủ vạm vỡ của Tân Thế giới, hãy đọc cuốn sách này, và anh ta sẽ hiểu toàn bộ nước Mỹ". Điều hết sức kinh ngạc là ở một đất nước dân chủ nhất thế giới, Whitman không thể tìm được nhà xuất bản cho tập bản thảo "Lá cỏ" của mình. Bằng những kỹ năng vốn có của mình, ông tự tuyển chọn, tự in cuốn sách tại một nhà in tư nhân nhỏ với số lượng 800 cuốn và ngày 4 tháng 7 năm 1855, "Lá cỏ" chính thức chào đời. Tên tác giả không được ghi trên bìa, mặc dù trong một trường ca, tác giả viết :
"Tôi Walt Whitman, người Mỹ, kẻ không biết sợ là gì, và cả Vũ trụ Trong tôi".
Lần đầu ra mắt độc giả, "Lá cỏ" không được chào đón như tác giả mong đợi. Nhiều nhà phê bình coi đó là những vần thơ "thông tục, tầm thường". Thậm chí, có học giả còn nhận xét tập thơ là "rác rưởi, ô uế, dâm tục", có người còn phỉ báng tác giả là "con lợn kiêu căng". Dư âm xấu về cuốn sách còn kéo dài mãi tới những năm sau này. Người duy nhất tin vào tương lai của "Lá cỏ" chính là bản thân Whitman. Trong bài thơ viết về thành phố New York, ông dự báo:
"Hỡi thành phố, sẽ có lúc Người trở nên nổi tiếng ,Vì ta đã sống và viết ở đây".
Bất chấp sự phê phán, bắt đầu từ những năm 60, khắp nơi trên nước Mỹ đã xuất hiện những người hâm mộ tác phẩm của Whitman. Ralph Waldo Emerson, một tác giả rất nổi tiếng thời ấy đánh giá cao "Lá cỏ". Emerson đã viết một bức thư dài tới 5 trang gửi cho Whitman để động viên nhà thơ trẻ. Gặp ai ông cũng hết lời ca ngợi tập thơ, gọi nó là "tác phẩm thể hiện bản chất của nước Mỹ một cách đầy đủ nhất". Emerson cho biết, ông không phải là kẻ mù để không thể nhận thấy rằng "Lá cỏ" là một tập thơ vô cùng giá trị. 
Nhận xét mạnh mẽ của Emerson khiến nhiều người nghiêm túc xem xét lại giá trị đích thực của thơ Whitman. Đã có một số nhà văn, học giả nổi tiếng đến thăm Whitman, bày tỏ thái độ nể trọng với tác giả tập thơ.
"Lá cỏ" ban đầu gồm 12 bài thơ và trường ca. Tập thơ mở đầu bằng trường ca "Bài hát chính tôi", được coi là tuyên ngôn thi ca của Whitman, trong đó nói lên sự thống nhất giữa nhà thơ và nhân dân; nguyện vọng sống chan hòa với người lao động; lên án chế độ nô lệ, ca ngợi tình yêu cuộc sống và phê phán lối sống thụ động. Nhân vật chính trong thơ ông là người lao động bình thường. Đó là người cha tần tảo ngoài cánh đồng, là người mẹ bất hạnh mắt hoa lên khi biết con mình bị trọng thương và hy sinh như một anh hùng; đó còn là một thủ lĩnh trẻ, dũng cảm, bị bắt làm tù binh, bị tra tấn trong nhà giam, nhưng không quên nỗi buồn nhớ tự do.
Một trong những đặc điểm thơ ca của Whitman là tình yêu thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ ông thấm đẫm tình đời, ấm áp tình bạn. Tứ thơ được xây dựng trên logic tương phản nhằm gây ấn tượng. Thiên nhiên nước Mỹ được Whitman tái hiện thật thi vị, nhiều màu sắc, phảng phất hương thơm của cánh đồng nho, vườn táo, nhất là vào mùa thu.
Và cuối cùng, nói đến thơ Whitman, chúng ta không thể không nhắc tới sự cách tân thi pháp. Nhiều người nói thơ ông là thơ-văn xuôi, rất hiếm dùng âm vận, lời thơ mang phong cách chính luận. Đúng, đó là sự sử dụng có ý thức nhằm chuyển tải những nội dung lớn của thời đại. Ông kiến tạo bối cảnh rộng lớn của đất nước, mạnh dạn sử dụng những từ ngữ độc đáo, tôn vinh những con người có kích thước cao rộng cả về ngoại hình lẫn nội tâm.
Với "Lá cỏ", lần đầu tiên trong thơ ca Mỹ, ngôn ngữ dân gian đã có mặt trong những vần thơ của Whitman. Trong thơ ông, những cụm từ như "sự bất tử của tự do", "hạt giống tự do", "cơn khát tự do"... thường lấp lánh, làm cho câu thơ tràn đầy sức sống, mang nặng niềm tin vào sức mạnh và trí tuệ, vào các tầng lớp nhân dân lao động, vào tương lai của nền dân chủ Mỹ.
Lúc sinh thời nhà thơ, "Lá cỏ" được tái bản 9 lần. Tên tập thơ không thay đổi, cứ mỗi lần tái bản tất cả hoặc hầu như tất cả những bài đã in trong các tập trước đều được giữ nguyên, đồng thời bổ sung những bài mới, các bài cũ được chỉnh sửa, đôi khi rất cơ bản. Trình bày bên trong của tập thơ cũng được thay đổi.
Năm 1873 Whitman bi liệt. Các bác sĩ giải thích căn bệnh này là do chứng bại huyết trong thời gian nhà thơ tham gia cuộc nội chiến Bắc Nam gây ra. Nhiều năm liền, Whitman phải ngồi xe lăn. Mặc dù bị hành hạ bởi bệnh tật và đau đớn, năm 1891, ông xuất bản phương án cuối cùng của "Lá cỏ".
Walt Whitman qua đời ngày 26 tháng 3 năm 1892 tại thị trấn Camden, cách New York không xa, nơi ông đã sống 20 năm cuối đời. Hàng đoàn người đến đưa tiễn nhà thơ về nơi an nghỉ cuối cùng. Bạn bè đọc những đoạn trích từ Kinh Thánh và Kinh Koran, tác phẩm của Platon và Khổng Tử bên mộ ông. Người ta cũng đọc thơ của chính Whitman, những bài thơ từ thời điểm đó đã trở thành sách Phúc Âm mới, triết học mới của thơ ca Mỹ.


Nguồn: Văn Nghệ Công An