Thu Bồn đã viết bản trường ca lớn của đời mình vào mùa hè năm 1962, tại làng Depapơlếch, trên thảo nguyên Gia Rai, quê hương của những bản trường ca Tây nguyên nổi tiếng. Trong một cái chòi canh rẫy của đồng bào Ba Na, hàng ngày được tiếp xúc với các chiến sĩ hoạt động vũ trang bí mật, được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những sự hy sinh cao cả, đêm đêm Thu Bồn thức trắng viết bản trường ca trong ánh sáng của ngọn lửa nứa do một bé gái Ba Na đốt lên và ngồi giữ lửa cho ông thâu đêm suốt sáng… Ngọn lửa của những bản trường ca Tây nguyên, ngọn lửa của cuộc chiến đấu, ngọn lửa của em bé Ba na cùng ngọn lửa cháy bỏng của một trái tim thi sĩ - chiến sĩ đã tạo nên ngọn lửa thiêu đốt của “Bài ca chim Chơrao”. Với bản trường ca này, vừa từ miền Bắc trở lại chiến trường chưa đầy 1 năm, người giáo viên văn hoá trường sĩ quan lục quân, nhà báo quân khu Hà Đức Trọng trở thành nhà thơ Thu Bồn nổi tiếng.
Có lẽ chỉ cần có “Bài ca chim Chơrao”, tác phẩm được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu năm 1965 và Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1973, bản trường ca được bạn bè thế giới đánh giá cao còn hơn cả “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, Thu Bồn đã được coi như một trong những nhà thơ hàng đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Nhưng Thu Bồn không chỉ có “Bài ca chim Chơrao”, từ đấy cho đến khi vĩnh biệt cuộc đời, Thu Bồn đã có một sự nghiệp văn học đồ sộ: 12 tập thơ và trường ca, 12 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn trong đó có nhiều tác phẩm gây được sự chú ý lớn của dư luận: Tre xanh, Mặt đất không quên, Tôi nhớ mưa nguồn (tập thơ), Chớp trắng, Dưới đám mây màu cánh vạc, Đỉnh núi, Hòn đảo chân ren, Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (Tiểu thuyết) và đặc biệt là những bản trường ca Vách đá Hồ Chí Minh, Quê hương mặt trời vàng, Tiếng hú người Diôloa, Ba zan khát, Căm pu chia hy vọng, Oran 76 ngọn, Người vắt sữa bầu trời, Người gồng gánh phương Đông, Hà Nội năm nào...
Thu Bồn từng tâm sự: “Tình yêu tổ quốc của nhà văn có nghĩa là can đảm ngợi ca và can đảm chỉ trích. Nói cho cùng là phải yêu đến tận cùng gan ruột”. Có thể nói phẩm chất lớn nhất của cuộc đời và thơ ca Thu Bồn ấy là sự can đảm. Can đảm sống hết mình yêu hết mình, can đảm chấp nhận những thách thức khó khăn nhất, những cuộc phiêu lưu táo tợn nhất, can đảm phá bỏ những rào cản, những trói buột giả tạo nhưng ít người dám tháo bỏ trong cuộc đời và trong văn học. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, Thu Bồn là nhà thơ luôn vượt dốc, luôn khát khao chinh phục những đỉnh cao phía trước. Đó là một con người ngang tàng phóng túng đến khó tin nhưng cũng là một con người chí nghĩa chí tình tuyệt vời. Đối với Thu Bồn, sáng tạo thơ ca, sáng tạo nghệ thuật là “nơi ta đánh đu cùng dâu bể/nơi hết một đời ta mò đáy khổ để tìm thơ” (Đêm Cần Giờ nghe Trịnh Công Sơn hát). Quả thật, Thu Bồn là một con người đã dám “đánh đu cùng dâu bể” đã dám “mò” đến tận cùng “đáy khổ” để sáng tạo thi ca.
Tôi nhớ mãi lần tiếp anh Thu Bồn cùng anh Ngô Thảo ở Nha Trang vào khoảng cuối những năm 1980. Đó là khi hai anh nhờ tôi lúc đó đang làm Phó Giám đốc Sở VHTT Phú Khánh tiếp và bố trí nhóm nhạc nhẹ Thụy Điển- Quả Táo Đỏ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN mời sang VN diễn ở Nha Trang sau khi diễn ở TPHCM. Gặp tôi, Thu Bồn hỏi thăm ngay tình hình anh Bùi Minh Quốc ở Đà Lạt, rồi anh kể chuyện vừa rồi ông Lê Xuân Đồng, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương nhân gặp anh ở Hà Nội có hỏi anh về việc kỷ luật Bùi Minh Quốc. Ông Đồng hỏi: “Là người thân và rất hiểu Bùi Minh Quốc, ông thấy việc Đảng ta kỷ luật khai trừ Bùi Minh Quốc có đúng không?”. Thu Bồn cười đáp ngay: “Đúng quá rồi chứ còn oan gì nữa. Cái thằng ấy là Đảng viên lâu năm mà chẳng hiểu gì về Đảng ta cả. Đảng bảo đi khai phá Tây Bắc thì nó có ngay thơ “xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi”, Đảng bảo giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thì nó xung phong vào Nam làm vợ cũng xung phong vào theo, rồi hy sinh mà vẫn có thơ về hạnh phúc. Bây giờ Đảng hô hào dân chủ, đổi mới thì nó lại lái xe đi khắp nơi lấy chữ ký đòi độc lập tự do cho văn nghệ, rồi còn cả gan đòi cách chức ông Đào Duy Tùng. Thằng này đúng là không hiểu gì về Đảng cả. Có những việc Đảng đùa mà nó cứ tưởng thật. Thế thì khai trừ quách cho xong”.