Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Ngô Quân Miện sớm khăn gói theo kháng chiến, lên Việt Bắc làm việc. Rồi theo sự phân công, năm 1951, ông chuyển sang làm Báo Độc Lập - tờ báo của Đảng Dân chủ. Đời ông gắn bó với nghề làm báo từ đó. Chẳng biết là may hay không may, ông cũng chỉ làm ở Báo Độc Lập, không thuyên chuyển báo này báo khác; cho tới khi sứ mệnh của Đảng Dân chủ đã kết thúc, tờ báo dừng hoạt động, ông về nghỉ hưu. Mà cũng lạ. Cái tờ báo mang tính xã hội này lại có trang văn nghệ rất phong phú.



NHÀ THƠ NGÔ QUÂN MIỆN - BỤI PHẤN HOA TRĂN TRỞ

VŨ TỪ TRANG

Những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc nước ta, bài thơ "Tặng anh công nhân xây dựng" của nhà thơ Ngô Quân Miện được lan tỏa rộng rãi trong công chúng: 
Anh đi xây dựng những công trình
Mùa lại qua mùa, ngủ lán gianh
Những lúc tường cao lên ngói đỏ
Là lúc ba lô lại khởi hành.
Bài thơ ra đời trong chuyến đi thực tế khu công nghiệp gỗ - diêm Cầu Đuống (Hà Nội), phản ánh đúng không khí sôi nổi xây dựng đất nước. Vừa có gì hồ hởi, hăng hái; vừa có gì lặng lẽ hy sinh của đội quân xây dựng. Bài thơ được giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1960 - 1961. Thoạt đầu đọc bài thơ, tôi cứ hình dung tác giả phải là người cao lớn, vạm vỡ mới viết nên những câu thơ phóng khoáng, tung hoành thế. Nhưng khi gặp nhà thơ, tôi lại bất ngờ, ông là người thấp bé, nhỏ thó. Đặc biệt, ông có tâm hồn vô cùng đôn hậu.                  
Trong giới sáng tác, ai cũng ghi nhận mối quan hệ thâm giao bộ ba Quang Dũng - Trần Lê Văn - Ngô Quân Miện. Ba con người, ba tính cách sống, ba phong cách sáng tác, vậy mà ba ông lại có điểm giống nhau ở cốt cách đôn hậu, chân tình.
Về sáng tạo nghệ thuật, mỗi người có đóng góp riêng. Vẻ đẹp trong văn thơ của Ngô Quân Miện là cái đẹp nhỏ nhẹ, đằm thắm và lắng đọng. Ông có những bài thơ hay về quê hương - làng Khê Thượng, xứ Đoài của ông:
Da diết thế, cái hương nồng của đất
Tóc thôi xanh, ngả trắng vẫn nguyên mùi
Của đám cỏ gà bờ ruộng gối đầu tôi
Mùi rơm rạ, cây hăng và đất ải.
(Làng)
Hình ảnh người cha ghi đậm trong thơ ông với những câu thơ giản dị, đáng yêu:
Cha tôi lều chõng long đong quá
Lúc Sơn Nam hạ, lúc non Đoài
Đất cằn chẳng đủ nuôi thầy khoá
Dạy trẻ đôi vần thêm sắn khoai.
(Ổng quyển của cha tôi)
Hoặc tình cảm riêng tư, sâu lắng:
Mẹ tôi đã khuất. Tôi nghe thấy
Tiếng mẹ tôi trong tiếng các dì.
(Quê ngoại)
Ông lại có những câu thơ bảng lảng, ngất ngây bất chợt:
Em đi áo mỏng phô bày
Da thơm một thoáng giữa ngày dịu xanh.
(Mùa hoa loa kèn)
Ông có những bài thơ hay viết về bạn bè ông. Đấy là những người cùng lối sống như ông. Có thể họ không được gặp may mắn lắm trong cuộc sống, song họ chẳng bận tâm lắm về việc đó. Cái chính và cần với ông và bạn bè ông là tình yêu cuộc sống. Hầu như trong thơ ông không thấy một câu chữ nào thốt lên oán thán hoặc trách móc cuộc sống, mặc dù đời sống riêng tư của ông không kém phần lận đận.
Ông là người ảnh hưởng của hai luồng văn hoá Nho học và Tây học. Cha ông là một ông đồ nho, từng lều chõng đi thi đây đó. Ông lại có người nhà học Trường Bưởi, thường xuyên đem sách báo chữ Pháp về cho ông đọc. Ông có theo học Trường Canh Nông, ra làm công chức ở Sở Canh Nông tại Hà Nội. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông sớm khăn gói theo kháng chiến, lên Việt Bắc làm việc. Rồi theo sự phân công, năm 1951, ông chuyển sang làm Báo Độc Lập - tờ báo của Đảng Dân chủ.
Đời ông gắn bó với nghề làm báo từ đó. Chẳng biết là may hay không may, ông cũng chỉ làm ở Báo Độc Lập, không thuyên chuyển báo này báo khác; cho tới khi sứ mệnh của Đảng Dân chủ đã kết thúc, tờ báo dừng hoạt động, ông về nghỉ hưu. Mà cũng lạ. Cái tờ báo mang tính xã hội này lại có trang văn nghệ rất phong phú. Tập hợp được đông đủ anh em viết lách ở Hà Nội và các tỉnh xa gần. Mọi người đều nói, đó là công lớn của nhà thơ Ngô Quân Miện.
Ông làm biên tập trang văn nghệ của báo. Rồi được tín nhiệm cử làm Tổng biên tập báo. Dù làm công việc này nọ, nhưng tính cách của ông thì không thay đổi. Vẫn nhỏ nhẹ, ân cần và khiêm nhường. Vẫn đời sống thường nhật, sáng sáng lặng lẽ đi bộ từ nhà tới toà báo. Trưa về nhà nghỉ, chiều đến làm việc đúng giờ. Và hết giờ chiều, ông thủng thẳng cuốc bộ dọc vỉa hè, có hàng cây cao vút dẫn về nhà. Có lẽ buổi chiều, bước chân ông có phần thanh thản hơn. Nhưng vẫn là dáng người độc hành, lặng lẽ và thủng thẳng, mặc sự đời ồn ào, nhốn nháo vây quanh.
Căn hộ gia đình ông ở là một căn phòng đơn sơ trong số nhà đông hộ ở phố Bà Triệu. Những người cùng số nhà này đa phần đều làm việc ở toà báo và Văn phòng của Đảng Dân chủ. Họ đều là những người lịch thiệp, nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau, lặng lẽ sống với nhau. Ông sống ở môi trường như thế, lại chọn cho mình góc gác xép nhỏ trong nhà mình để làm phòng văn của mình.
Đã nhiều lần quan sát, ở cuộc họp hay hội nghị nào đó, tôi chỉ thấy ông chọn cho mình chỗ ngồi ở hàng ghế giữa, hoặc hàng ghế cuối. Hình như ông ngại ngồi hàng ghế đầu, mặc dù cương vị ông, tuổi tác của ông nhẽ ra ngồi ở chỗ đó. Đăng đàn diễn thuyết thì ngại rồi. Ngay với bạn bè thân hữu, ông cũng kiệm lời. Trong cuộc hội ngộ thân tình lắm, thỉnh thoảng ông có góp vào vài câu vui, hóm hỉnh. Ông khiêm nhường quá ư? Cũng đúng. Hay ông tự thấy vị thế của mình như thế? Hay cái tư chất văn hoá ở bên trong con người ông tạo cho ông sự bình thản, tự tin và khiêm nhường đó?
Tôi nhận thấy, đó là cái bình thản, tự tin của người có học và từng trải. Cái tư chất này, thấm sâu trong từng trang sách của ông. Ông viết:
Chưa rộ mùa hương, đã cuối mùa
Dám đâu còn mất giữa xa xưa
Xin làm bụi phấn hoa trăn trở
Vi lượng trong vô lượng mịt mờ.
(Với thơ mình) 
Làm sao được, cuộc sống vốn có quy luật riêng của nó. Trong đăng đàn văn chương bao kẻ khua chiêng gõ mõ quảng bá tên tuổi sự nghiệp của mình; vậy mà ông chỉ lặng lẽ khiêm nhường vậy thôi. Cái bụi phấn hoa dù lặng lẽ đấy, nhưng ai bảo nó không có cái trăn trở, xôn xao?
Ông là người chân thật và đôn hậu, nên con người ông không giấu được trong những con chữ. Bài thơ "Tạ lỗi các bạn văn" ông viết:
Bạn bè tặng sách cao như núi 
Tôi tựa lưng vào hứng gió tươi  
Câu thơ mình viết như tro bụi
Chẳng dám phong bao gửi tạ người 
Thực ra, ông là một người có tâm hồn non tơ, dễ rung động. Mọi sự bon chen, tranh giành hoặc tự quảng bá ầm ĩ như xa lạ đối với ông. Vì thế, ông luôn có con mắt thơ trong veo.
Hoa lạ thơm vào tận ngõ sâu
(Dạ hương)
Ngõ tối trong cành, đêm thở sâu.
(Đêm đất bãi)
Trăng lặn qua ngày chưa lặn xong.
(Ban mai núi lớn)
Cây ngô rắc phấn bay bay khắp đồng.
(Tháng ba)
Một tâm hồn trong trẻo, vậy mà có lúc ông đã thốt lên với sự chuyển hoá quá nhanh của thời gian:
Mây vừa qua, trăng đã thu
Tận cùng xa thẳm của hư vô
Cánh chim vội thế không hay biết
Trái đất sau lưng đã trở mùa.
(Cánh chim)
Trong sự nghiệp sáng tác văn học của ông, mảng viết cho thiếu nhi cũng có phần đóng góp đáng kể. Cảm xúc thi sĩ được lan toả. Từ một góc công viên tràn ngập ánh trăng, có cỗ đu quay đã nghỉ yên. Vậy mà ông như nhìn thấy những hổ, ngựa, voi, hươu, thỏ trên cỗ đu quay kia đang vui chơi, chạy nhảy cùng ánh trăng, cùng áng mây, cùng hương hoa cỏ cây.
Bài thơ "Nơi vòng quay ngựa gỗ" là một bài thơ hay, giàu cảm xúc. Các tập truyện "Bay chuyền", 1976; "Hoa đồng", 1978; "Ngựa con đi chơi xuân", 1978; "Chú bé  nhặt bông  gạo" 1994, là những tập truyện của ông viết cho thiếu nhi chan chứa cảm xúc yêu thương. Có lẽ ông luôn nhìn cuộc sống bằng con mắt đôn hậu, nên bất kỳ việc nào, cảnh nào, cũng gợi mở cho ông những cảm xúc yêu thương đó sao?
 Có hai mảng sáng tác mà ông đã theo đuổi: thơ trữ tình và viết cho thiếu nhi. Ông tâm sự: "Ở đó, tôi muốn có những khám phá, muốn hoà mình vào và tìm thấy những niềm vui của mình...". Ngoài sáng tác, ông còn dành thời gian cho dịch sách. Ông quan niệm, dịch là vừa dịch để vừa học. Mảng văn học Pháp đã mở cánh cửa tâm hồn ông. Những trang sách dịch của ông, lấp lánh chất văn. Ông có gần chục cuốn sách dịch văn học giá trị.
Ông là người xứ Đoài. Ông yêu xứ Đoài quê hương ông. Thời còn khỏe, thi thoảng ông lại về thăm làng Khê Thượng quê ông. Cái làng nhỏ nằm bên bờ sông Đà chân núi Tản, vừa mơ mộng vừa hùng vĩ, như tiếp nguồn cảm xúc cho ông. Kỷ niệm tuổi thơ của ông với cố thi sĩ Tản Đà - người cùng làng, khởi hứng cảm xúc cao đẹp để ông dấn thân vào con đường văn chương, như ngày một lấp lánh, mênh mang.
Và ông lặng lẽ viết. Những câu chữ theo ông cho đến trọn đời. Ông mất ngày 15 tháng 8 năm 2008, hưởng thọ 84 tuổi. Ông để lại cho đời gần hai mươi đầu sách, gồm: thơ, văn, sách dịch.