Trong thơ Trần Lê Khánh, đi ngang nét thiền vị chẳng có tiếng chuông, nhịp mõ, những bóng áo lam hay nâu sồng chốn thiền môn hoặc lá bồ-đề, mà nó thoảng qua như làn hương, nó đong đưa và phảng phất vương trên tay, trên áo, trong lòng người nào thật sự hữu duyên. Một lát cắt mỏng như sương thơ bay qua ngày, chạy trên ý niệm, trườn vào kẽ tay trong thế ngồi hoa sen hoặc nửa hoa sen.


NGÀY NHƯ CHIẾC LÁ LẠC TRONG CÕI THIỀN

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

Sự cô đơn và độc hành ở mỗi người là từ bắt đầu cho tới lìa đời. Không ai hiểu mình bằng mình hiểu mình, chẳng ai đị trọn tâm tư với mình bằng sự chiêm nghiệm, ưu tư của riêng, một, lẻ loi, bất tận… Ngôi nhà của đời người thuở ấu thời có những người thương yêu ruột thịt: ông bà, cha mẹ, anh chị em. Ngôi nhà của hạnh phúc thời trẻ, ở đó có chồng vợ và con cái. Ngôi nhà của trăm năm là chiếc bóng đời mình, là nghiệp (kamar) thiện lành hoặc không thiện lành. Nó sẽ theo suốt với mình và như vậy vui hay buồn, sướng hoặc khổ, đớn đau hay hạnh phúc hoàn toàn tùy thuộc vào chính mỗi chúng ta.
‘hoàng hôn
người lữ khách
đi ngang đời mình
chiếc bóng’
    (về nhà – trang 13)
Bài thơ hai dòng lục bát bơi qua cõi đời thong dong, biến đổi chóng vánh, điều cần là làm sao thật sự nhận rõ đang là hiện tại. Mà hiện tiền cũng đang trôi, đang biến hoại, tác giả biến cõi này thành một cuộc ‘đi chơi’ và hóa thành ‘một hạt mưa’. Mưa là sự mát mẻ, trơn ướt, mềm dịu nhưng khó nắm bắt. Muốn thong dong thì đừng chấp. Muốn làm thánh thì học chuyện thế nhân trước đã. Muốn làm gì cũng nhẫn và sẵn lòng tươi mát cho mọi nơi, mọi cảnh, mọi người.
‘một hạt mưa đứng ngoài hiên
đi chơi trong cảnh hiện tiền qua loa’
                         (thánh – trang 25)
Bài thơ xinh xắn và gợi quá! Có ai mời hạt mưa kia vào không? Hạt mưa nhỏ nhắn kia bay hết vòng đời rồi theo chuyển động sinh nhiệt bốc thành hơi hóa không. Có gì đâu! Những câu thơ nén lại. Những giọt mực đọng hạt thì dường như bật ra những thanh âm trong trẻo, đa tầng, day dứt nhớ và nhói. Thời đại hối hả, nhịp đời vội vã nên câu thơ không thể dài, có lẽ vậy mà tác giả chọn lối thơ ngắn, rất ngắn để diễn ta phát lộ những gì sâu kín, thầm thì với mình, với ai đó, với đêm sâu.
Nhưng không dễ thong dong mãi, ngồi suy nghiệm mãi trong giờ thiền tọa. Cuộc đời đầy va vấp, gió buốt và rát không thể cười trọn vẹn khi chưa thật sự tỉnh ngộ. Nếu còn bản ngã, còn tự tôn, còn mê đắm thì còn ngã mãi trước những biến cố cuộc đời.
‘ngọn gió đi qua bụi gai
em ơi nghiệp chướng hình hài ra sao’
                   (ngã – trang 55)
Tiếng gọi thảng thốt, nỗi cô đơn chăng? Gió vô hình vô tướng đi qua đâu cũng có hề gì, ở đây nhà thơ ám thị về ‘bụi gai’, những hỗn độn, xô bồ, hầm hố sẵn sang chờ nếu như ta thờ ơ, bị phân tâm. Gió và nghiệp chướng đều không thể nắm bắt, đoán định. Ngọn gió nghiệp mà tới rồi thì chỉ có tan nát, trập trùng khổ lụy.
Bài thơ như tự nhắc nhở mình, như gọi với một ai đó cần chia sẻ tâm tình, như cần tiếng vọng lại nhưng chỉ còn âm thanh mình vang ra và hút bóng.
Con đường trở về với “bản lai diện mục” (trang 147) là kiên trì, hùng tâm dũng chí, không ngừng tinh tấn, soi lại mình, soi đến tận tường rõ được sự tham sân si nằm chỗ nào và diệt tận nó ra sao. Một lần nào đó, hành giả đã thiền hành hoặc thiền tọa nơi hồ soi bong. Ngồi đây và soi lại bóng mình giữa trời mây in trên nền nước trong vắt kia:
‘nhìn trăng đáy nước
mây nặn bóng mình
đêm trong lòng
ai mượn hình dong’
Sự tĩnh lặng của đêm và ‘những mặc cả’ ý niệm chuyển động không cùng tận. Hoài nghi diễn ra, ai đến, ai đi, ai đã là mình và mình đã là ai trong cái ‘hình dong’ bản thể này? Ừ thì ‘mượn’ để xong cuộc chơi hữu hạn thì tan vào hư không tùy theo duyên nghiệp của mỗi người.
Trong thơ Trần Lê Khánh đi ngang nét thiền vị ấy chẳng có tiếng chuông, nhịp mõ, những bóng áo lam hay nâu sồng chốn thiền môn hoặc lá bồ-đề mà nó thoảng qua như làn hương, nó đong đưa và phảng phất vương trên tay, trên áo, trong lòng người nào thật sự hữu duyên. Một lát cắt mỏng như sương thơ bay qua ngày, chạy trên ý niệm, trườn vào kẽ tay trong thế ngồi hoa sen hoặc nửa hoa sen. Anh - thiền sinh – cư sĩ – thi sĩ – doanh nhân - người tình của mộng mơ - người của khoảnh khắc,… sao cũng được mà cũng có hề chi, rồi cũng theo ngày qua nhanh, chỉ còn lại tiếng vọng của câu thơ vừa mắc vào tim nhau nỗi nhớ ghì chặt.
Điều mà chúng ta mê mải đi tìm là chân lý để tạo dựng bình an, hạnh phúc, vượt qua bao ghềnh thác khổ đau để tới được tòa lâu đài viên miễn xuân hồng. Đã mấy ai tới đích thật sự, đã mấy người kiên trì tới cùng, nhưng cuộc chơi vẫn tiếp diễn, cuộc đua vẫn tận cùng…
‘khi chân lý đi tìm chân lý
có gì đâu một cái cười khì’  
Hai câu thơ chốt bài trong bài thơ ‘hý sự’ (trang 217) có 18 khổ thơ dài kia, thở ra tiếng cười khì. Tiếng cười của vị tha, tiếng cười của buông xả, tiếng cười của thành công, tiếng cười của sự mở lòng cùng trời đất và muôn triệu trái tim gần xa. Khi nụ cười mở ra, ắt hẳn những tỵ hiềm, tranh đấu sẽ dạt qua, sẽ ngừng lặng hoặc xa lìa. Nếu đó là nụ cười thật sự! Vậy chúng ta tập cười trước gương soi mỗi sớm mai, mỗi trưa đầy, mỗi khuya về và ánh sáng đục trong hiện rõ sắc thân và tâm ý này. Có cười được với chính mình thì mới có thể cười với nhân gian trong niềm vui cộng hưởng, chia sẻ, cảm thông. Cười cũng là một pháp hành bố thí, không tin ư? Bạn hãy thử đi!
Thế rồi, khi cơn mộng phù du kiếp nhân sinh đã thoáng qua làn mây mù sương trũng thì hành giả đã rõ thật bản chất của muôn sự là giả ảo hợp thành, chỉ là tuồng phim, chỉ là cơn mộng. Nó dài hay ngắn tùy theo mỗi người có sự cảm nhận và chịu rút ra khỏi cơn mộng mớ kiếp người hay không thôi. Trần Lê Khánh giục bản thân ‘dậy’ (trang 227):
‘người
tỉnh cơn mơ
để bước vào
mộng thật’
Qua cơn mộng của mắt thịt thế gian lại tiếp tục ến cõi ‘mộng thật’, nghe chừng phi logic, nghe chừng mâu thuẫn quá. Nhưng không. Ở đó là mộng thật của sự muốn có, được vào, được đặt chân vào cõi đó, trú xứ đó. Bởi đó đẹp và thanh khiết, an toàn và là cái đẹp viên mãn tròn đầy mãi mãi. Có chăng đó là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Muốn qua mộng giả để tới mộng thật lại tiếp tục cần lao tu tập thân, miệng, ý tinh chuyên ròng rặt. Giã lòng này như giã gạo, xay cho nhuyễn không còn sạn, chẳng còn hạt lép để vào rốt ráo sự thật!
Thơ trong dòng cảm nhận miên man trôi chảy về nhau. Ở đó, ai bằng hữu, ai tri âm, ai ngoảnh mặt ngó lơ, ai giè biễu khinh chê, ai mặc cả, ai đoán định,… có đúng và không hẳn đúng. Tâm hồn anh có giao cảm với ai đó thì lúc đó nhịp thơ nào chợt đến và phù hợp trong ngữ cảnh kia sẽ là chiếc cầu hóa những ước mơ. Nghị sự trở thành nốt nhạc của bản tình ca trời đất đang yêu. Tình yêu trong trẻo, tình yêu không vụ lợi. Nét đẹp ấy đằm thắm, dai dẳng xâu kết mình với họ để tìm về nhau trong một tối trăng ngà nghe nước chảy bên sông, lòng thôi hiu quạnh biết mai còn không. vậy tiếc gì nụ cười trao nhau, bóc mình ra, tìm mình mãi để thấy tận cùng của nó là gì? Đó là điều mà tác giả đã, đang và sẽ độc hành trên lộ trình giải thoát thơ, giải thoát tâm hồn, giải thoát khỏi những bình thường để tới sự bình an thật sự.