Giữa những lời chúc tụng rộn ràng, giữa những lẵng hoa mừng vui ngập tràn và giữa những màn cụng ly hào hứng nhân dịp 21-6, vẫn có những tiếng thở dài ưu tư của những người thực sự tha thiết với nghề báo. Vì sao những nhà báo tận tụy làm báo, viết báo mỗi ngày vẫn phải co kéo áo cơm để đối phó vật giá leo thang chóng mặt, mà một số tay phóng viên tầm phào lại giàu lên nhanh chóng? Lợi dụng nghề báo để đe dọa doanh nghiệp hòng mưu cầu lợi ích kinh tế, đang trở thành một vấn nạn đáng hãi hùng. Người trong giới nói ra thì e ngại thị phi ganh ăn tức ở. Thôi thì thử nghe ý kiến khách quan của bà Đinh Thị Thanh Thủy - Đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM


   MỘT LỜI CẢNH TỈNH VỀ ĐẠO ĐỨC NHÀ BÁO
           ĐINH THỊ THANH THỦY
         (Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM)

Trong cơ chế thị trường và cơn lốc “thương mai hóa” hoạt động báo chí, đã xuất hiện không ít ngòi bút bị uốn cong. Một số phóng viên chưa thực sự thông suốt quan điểm báo chí cách mạng, chú trọng phản ánh hiện tượng nhiều hơn bản chất, vội vàng đưa tin và nhận xét phiến diện, một chiều, thiếu khách quan. Một số nhà báo ngộ nhận về “quyền lực báo chí”, bắt đầu tự mãn và cho phép bản thân đánh giá, kết luận và phóng đại hiện tượng thành bản chất vấn đề. Dần dần, đạo đức làm nghề bị mai một, chuyển sang thoái hóa mà bản thân các nhà báo hoặc vô tình, hoặc cố ý không tự thường xuyên phê bình để nhìn ra mình cần liên tục trau dồi đạo đức, trui rèn bản lĩnh.  

Biểu hiện thường thấy hiện nay là đến tham dự các cuộc họp, các sự kiện văn hóa - xã hội nếu đơn vị không chi tiền bồi dưỡng như một tiêu chuẩn đương nhiên thì phóng viên sẽ không làm tin, viết bài. Trong khi nhà báo phán xét hiện tượng tham nhũng vặt trong đội ngũ công chức cấp xã - phường, huyện - quận, sở - ngành, thì đội ngũ phóng viên, cộng tác viên báo chí cũng đang sa vào vô cảm và vô trách nhiệm trước những thông tin cuộc sống.

Cấp độ tiếp theo là dạng phóng viên gạ gẫm doanh nghiệp nhỏ và vừa viết bài PR, đặt vấn đề doanh nghiệp phải đăng quảng cáo trên báo. Tinh tướng hơn nữa là sự xuất hiện liên minh báo chí, những “đại nhà báo” cấu kết nhau nhũng nhiễu doanh nghiệp. Nhiều nhóm phóng viên lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhưng thực chất là tập trung “đánh” vào việc lách luật của các công ty; khai thác mặt tiêu cực, mặt trái, những vướng mắc của địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng… để làm tiền đối tượng. Tình trạng một số nhà báo thiếu tư cách đạo đức đang khiến cho uy tín của cơ quan báo chí giảm sút nghiêm trọng và trở thành nỗi ám ảnh, khinh sợ của doanh nghiệp./.


Nguồn: Trích tham luận tại Hội thảo “Đạo đức nhà báo trong giai đoạn hiện nay” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở Thông tin Truyền thông TPHCM tổ chức