Hồi tưởng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Văn nghệ Trẻ là tờ báo cho các nhà văn, nghệ sỹ và tri thức trẻ đầu tiên ở Việt Nam. Và khi số 1 Văn nghệ Trẻ ra đời, nó thực sự trở thành một sự kiện trong làng báo chí. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn lúc đó làm ở báo Tiền Phong nói: "Văn nghệ Trẻ hay từ dấu phảy trở đi. Vì thế nó có nguy cơ không tồn tại được lâu”. Tôi hiểu câu nói đó mang rất nhiều nghĩa. Còn không ít nhà văn lúc đó nói Văn nghệ Trẻ chỉ đủ sức hay trong ba số đầu mà thôi. Những nhận xét đó vừa động viên chúng tôi vừa cảnh báo chúng tôi về nhiều nghĩa. Làm dở cũng chết mà làm hay quá cũng chết".



LÀM BÁO VĂN NGHỆ TRẺ VÌ NIỀM ĐAM MÊ VĂN CHƯƠNG

NGUYỄN QUANG THIỀU

Tôi được phân công làm tờ Văn nghệ Trẻ với nhà văn Nguyễn Quang Lập và nhà thơ Nguyễn Thành Phong do rất tình cờ. Nhưng có lẽ bộ ba chúng tôi là những người làm báo hợp nhau nhất. Có lẽ đó là số phận của tờ báo này. Và cũng có lẽ đó là lý do Văn nghệ Trẻ trở thành tờ báo vô cùng ấn tượng thời đó.
Văn nghệ Trẻ là tờ báo cho các nhà văn, nghệ sỹ và tri thức trẻ đầu tiên ở Việt Nam. Và khi số 1 Văn nghệ Trẻ ra đời, nó thực sự trở thành một sự kiện trong làng báo chí.
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn lúc đó làm ở báo Tiền Phong nói: "Văn nghệ Trẻ hay từ dấu phảy trở đi. Vì thế nó có nguy cơ không tồn tại được lâu”. Tôi hiểu câu nói đó mang rất nhiều nghĩa. Còn không ít nhà văn lúc đó nói Văn nghệ Trẻ chỉ đủ sức hay trong ba số đầu mà thôi. Những nhận xét đó vừa động viên chúng tôi vừa cảnh báo chúng tôi về nhiều nghĩa. Làm dở cũng chết mà làm hay quá cũng chết. Thế nhưng, cho đến lúc tôi rời Văn nghệ Trẻ sau đó một năm và sau này nữa, tờ báo đó vẫn là một tờ báo hay.
Ngày đó, nơi làm việc của Văn nghệ Trẻ nằm trên tầng hai của Báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản. Tôi không bao giờ quên cảnh hàng ngày khách của Văn nghệ Trẻ có thể nói là nườm nượp. Họ là những nhà văn, họa sỹ, nhà báo… còn rất trẻ.
Có lần một đoàn nhà báo trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã kéo đến thăm Văn nghệ Trẻ. Sẽ chẳng bao giờ tìm lại được không khí đó của một tờ báo văn chương trong phần còn lại cuộc đời tôi.
Tôi nhớ khi làm số tết, tôi và cố nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc thức qua đêm để trình bày báo. Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc là một người am hiểu mỹ thuật đồng thời là một người vẽ tranh và thế là chúng tôi mời anh về tạm thời làm họa sỹ trình bày cho Văn nghệ Trẻ. Sau này, nhà văn Nguyễn Khải đã viết về kiểu làm báo của những người trẻ chúng tôi. Nhà văn Nguyễn Khải viết lúc chín giờ đêm ông đánh răng đi ngủ thấy chúng tôi vẫn đang làm việc, mười hai giờ đêm dậy đi tiểu lần thứ nhất vẫn thấy chúng tôi làm việc, ba giờ sáng dậy đi tiểu lần hai vẫn thấy chúng tôi làm việc và năm giờ sáng dậy tập thể dục vẫn thấy chúng tôi làm việc. Ông trố mắt nhìn chúng tôi và không hiểu như thế nào nữa. Ông nói hình ảnh ấy ám ảnh ông mãi.
Chúng tôi thực sự đã làm việc như thế chỉ vì niềm đắm mê văn chương và tờ báo. Thù lao làm Văn nghệ Trẻ hồi ấy chắc chỉ đủ tiền ăn sáng và cà phê. Ngoài ra chẳng có mục đích gì cho dù sau này có người đã gán cho chúng tôi điều này điều khác.
Có người không tìm được lý do gì thì phê phán tờ Văn nghệ Trẻ “tây quá” vì chúng tôi có phần văn học nước ngoài thực sự “hoành tráng” với những truyện ngắn, thơ và tiểu luận xuất sắc trên thế giới. Tôi chẳng hiểu tây quá là cái gì mà sao tây quá kiểu đó lại là không tốt.
Có một điều rất quan trọng làm nên ảnh hưởng của Văn nghệ Trẻ là sự chọn lựa bài vở vô cùng kỹ lưỡng và công tâm. Không hay không in. Vì chúng tôi chẳng định lợi dụng bất cứ người viết nào nên không phải chiều chuộng ai hết. Và một điều cực quan trọng là Văn nghệ Trẻ có những cây bút xuất sắc làm ra những món đặc sản của tờ báo như nhà văn Nguyễn Quang lập hay đạo diễn Lê Hoàng (Lê Thị Liên Hoan).
Những ghi chép tuyệt bút như "Bờ Hồ Năm Giờ Sáng" của Nguyễn Quang Lập hay chuyên mục "Trong Đám Đông Hỏi Lấy Một Người" của đạo diễn Lê Hoàng. Sau này, các tờ báo văn chương in bài như một sự ban phát, mặt trận hay những lý do phi nghệ thuật. Điều đó đã giết chết hầu hết các tờ báo văn chương từ địa phương đến trung ương.
Vào ngày kỷ niệm Văn nghệ Trẻ tròn một năm, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu có câu mà tôi nhớ chính xác từng chữ: “Anh Nguyễn Quang Thiều có xin tôi cho tờ Văn nghệ Trẻ ra mỗi tuần một số, nhưng tôi không đồng ý vì để Văn nghệ già còn có cơ tồn tại”. Văn nghệ già chính là tờ Văn nghệ, mọi người gọi đó để phân biệt với Văn nghệ Trẻ. Nghe vậy, nhà văn Nguyễn Quang Lập vụt đứng lên nói to: “Chưa bao giờ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói hay như thế”. Và sau lễ tổng kết đó, tôi đã lặng lẽ rời khỏi Văn nghệ Trẻ và không bao giờ trở lại nữa.

Nguồn: Nông Nghiệp VN