Nhà thơ - nhà báo Đoàn Ngọc Thu được xưng tụng một mỹ nhân trong giới cầm bút, chia sẻ: “Nghề báo nhiều khi đã biến tôi trở thành một người may mắn, hạnh phúc. Nếu được lựa chọn lại từ đầu, tôi cũng sẽ chẳng ngại ngần chọn như hiện tại, một nhà báo viết văn, làm thơ, một người sáng tác văn chương, nghệ thuật đi làm báo”.



Nữ nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam. Trong giới văn thơ, chị được biết đến là một nữ nhà thơ với những bài thơ tình lãng mạn, tình cảm...  Song, có lẽ điều làm nên một "con người khác" trong chị chính là một nhà báo Ngọc Thu xông xáo, nhạy bén và có nhiều năm lăn lộn với nghề. 
Chia sẻ về điều này, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu tâm sự: "Với tôi thơ văn là nghiệp, báo là nghề. Nói như vậy, để thấy rằng thơ văn và báo là hai lĩnh vực không thể tách rời trong cuộc đời tôi. Điểm tương đồng lớn nhất giữa thơ văn và báo đó là dù là nghiệp hay nghề, đều không phải do tôi tự lựa chọn mà chính nghề nghiệp đó chọn tôi. Sở dĩ tôi nói vậy là vì thơ đến với tôi chính thức từ lúc nào thì không thể nhớ được, nó tự nhiên như ở trong máu thịt mình và một ngày được viết ra. Ban đầu thì còn là thứ văn vần có chút ngây ngô cả ý, cả tứ và cả cách thể hiện ngôn từ, rồi cùng với sự lớn lên của một cô gái, thơ cũng trưởng thành theo thời gian… Với báo thì còn tình cờ hơn. Khi chọn thi vào Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp (Khoa Văn - Trường ĐH KHXHNV), tôi đã ít nhiều làm thơ và nghĩ rằng đó là môi trường dành cho mình, mục đích chính là sau này tôi sẽ làm nghề viết. Sau này tôi hiểu rằng, mình sẽ phải chọn một nghề, đúng hơn là một nơi làm việc để sống và để nuôi giấc mơ sáng tác. Nhưng chưa hề nghĩ đến sẽ làm báo ngay cả khi tôi đã đăng ký học văn bằng hai tại khoa Báo chí - Trường Đại học Tổng hợp. Tôi tốt nghiệp năm 1994, khi đó Thông tấn xã Việt Nam mở thi tuyển, và vì lớp học văn bằng 2 của tôi có tới 7 bạn công tác ở Thông tấn xã Việt Nam nên tôi đăng ký thi. Và thế là trở thành một phóng viên".
Nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu chia sẻ, một tác giả dù là lĩnh vực nào thì thứ cần nhất là sự trải nghiệm, sự dấn thân, sự tích lũy kiến thức qua những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ…  Đó là một sự bất ngờ (cũng có thể là định mệnh, là sự sắp đặt của số phận) khi về Thông tấn xã Việt Nam thì chị được đồng chí Tổng giám đốc Đỗ Phượng lúc đó “nhặt” cùng 7 phóng viên nữ khác vào tổ phóng viên chuyên làm tin kinh tế (tiền thân của Ban Biên tập tin kinh tế hiện nay). Trong số 8 người thì chỉ có một chị cả với thâm niên báo 15 năm còn lại toàn bộ là lính mới. Lúc đó, Đoàn Ngọc Thu đã khóc và nằng nặc xin chuyển về làm mảng văn hóa xã hội hoặc tin ngoại giao cho phù hợp, nhưng Tổng giám đốc Đỗ Phượng lắc đầu kiên quyết. Ông nhìn chị và nói, không có ngành nghề nào là không có sự khởi đầu.  
Từ cô nữ sinh văn khoa, mơ mộng, lý thuyết, với những vần thơ đầy chất bay bổng… chị đã thành một phóng viên/nhà báo chuyên theo dõi mảng công nghệ, khoa học, tin học (nay là công nghệ thông tin), bưu điện (bưu chính viễn thông) “khô như ngói”.  Nhưng tất cả những gì chị học hỏi được từ môi trường làm phóng viên kinh tế, đã giúp cho chị rất nhiều trong nhãn quan sáng tác văn nghệ. Ngược lại, sự mềm mại, góc nhìn có phần đặc biệt của nhà thơ đã cho chị tiếp cận và thể hiện những bài báo kinh tế, công nghệ theo một hướng riêng, nó cũng khiến những bài báo khô khan và khá rắc rối, nhiều từ kỹ thuật, chuyên môn đến với độc giả dễ dàng hơn, hiệu ứng tiếp nhận cao hơn.
Với mảng bài văn hóa, nghệ thuật chị được kiêm nhiệm, thì tư duy kinh tế cũng giúp chị có những bài viết khác với những bạn nghề chuyên văn hóa nghệ thuật. Có lẽ, chị là một trong những người sớm đưa khái niệm kinh tế trong văn học nghệ thuật vào những bài viết của mình. Giờ đây, kinh tế văn học nghệ thuật, kinh tế báo chí - truyền thông đã là xu hướng quá quen, nhưng cách đây hơn 20 năm, nó là một thứ rất mới mẻ, xa lạ và không phải báo nào cũng chấp nhận đăng tải.
Có một kỷ niệm trong nghề mà nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu vô cùng tâm đắc, đó là cuộc phỏng vấn Tiến sỹ khoa học nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) trên xe ôtô của ông từ văn phòng ở 18 Nguyễn Du (Hà Nội) đến khách sạn Sofitel Plaza số 1 đường Thanh Niên - nơi ông nhậm chức Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Đó là bài phỏng vấn độc quyền, vì khi ấy chẳng phóng viên thể thao nào có thể tiếp cận ông Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông chưa từng liên quan đến bóng đá, ngoài Đoàn Ngọc Thu - người viết báo kinh tế mà vẫn luôn đá ngang ngửa sang lĩnh vực thể thao, văn nghệ. Bài báo in trên Thể thao và Văn hóa sáng ngày hôm sau, có nhan đề: “Ông Mai Liêm Trực nhảy vào lửa”. Chị Thu kể: Ngay sáng đó, ông Trực đã gọi cho tôi hỏi: “Sao Đoàn Ngọc Thu lại nói là anh nhảy vào lửa?” khiến tôi hơi bối rối vì thật sự, đó là điều tôi cảm nhận được - nhưng để nói ra cho ông hiểu thì không dễ. Tôi đành cười trừ và đáp: “Chắc một thời gian anh sẽ hiểu ạ!”. 
Sau này khi ông nghỉ hưu và thôi không làm tại VFF, trong cuộc gặp tại lễ kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Internet (2017), ông nói: “Giờ thì anh hiểu vì sao Đoàn Ngọc Thu (ông luôn gọi tôi cả họ tên như vậy) nói anh “nhảy vào lửa” hồi đó, mà sao Đoàn Ngọc Thu không can anh nhỉ? Giá mà Đoàn Ngọc Thu can, có lẽ anh không nhảy vào lửa đâu. Chúng tôi cùng cười rất vui, nhưng tôi và cả ông đều hiểu rằng, sứ mệnh của ông khi đó là nhảy vào lửa, không ai có thể can được. Và thực sự là những ngày tháng ở trong lửa đó của ông, cho dẫu ông không dập được ngọn lửa song ngọn lửa đó cũng không thiêu cháy được ông. Mặt khác, ông đã giúp cải tổ rất nhiều cho VFF, đã đặt nền móng một hướng phát triển mới của VFF, dù khi đó những cải tổ đó chưa hề được nhìn thấy, chưa được ghi nhận…


Nguồn: An Ninh Thế Giới