Báo Người Hà Nội của chúng tôi cũng đôi lần bị phê bình gay gắt khiến tôi nhớ mãi. Năm 1991, tôi chọn bài thơ Sám hối của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn và được Tổng biên tập duyệt đăng. Sau khi báo ra, tôi đến cơ quan làm việc thì nhận ngay điện thoại của một đồng chí trên Ban Tuyên giáo Thành ủy nói báo phải thu hồi ngay vì đăng bài thơ có ý xấu. Tôi toát mồ hôi, giở bài thơ ra đọc lại. Trịnh Thanh Sơn viết: “Nếu sống lại tuổi hai mươi/ Tôi sẽ đi ngược lại…”. Ý này của nhà thơ bị cho là phủ nhận quá khứ...



KỶ NIỆM LÀM BÁO CÙNG NHÀ VĂN TÔ HOÀI

PHAN THỊ THANH NHÀN

Khi nhà văn Tô Hoài là Tổng biên tập tờ Người Hà Nội mà tôi là Phó Tổng biên tập, bác giao cho tôi chọn bài cho mỗi số báo rồi đưa bác ký duyệt. Nhưng bác không chỉ đọc bản đánh máy rồi ký ngay mà thường nhắc tôi đưa cả bản thảo của tác giả cùng phần biên tập sửa chữa để bác xem lại. Trong buổi họp cuối tuần, bác nhớ rõ những sai sót của tôi cũng như của từng phóng viên - đều là các nhà văn, nhà báo có tên tuổi của Hà Nội và nhắc nhở tỉ mỉ:
- Các cô, các cậu đưa mình duyệt Chuyện cũ Hà Nội có 2 chỗ sai: Đó là câu: “Phần thưởng là một DẢI LỤA ĐỎ” và “chiếc kiệu SƠN ĐEN”. Tôi đã sửa lại cho đúng: “Phần thưởng là một TẤM LỤA ĐIỀU” và “chiếc kiệu SƠN THEN”. “Dải lụa đỏ” là cách nói của hôm nay, thô thiển và thiếu trang nhã, “sơn đen” cũng là tiếng nói hàng ngày, bình dân và thật thà. Trong không khí của Chuyện cũ Hà Nội, ta nên dùng đúng từ cổ của các cụ xưa, nghe trang trọng và nho nhã. Các cô các cậu còn trẻ, có thể chưa biết nhiều thứ nên phải đọc nhiều. Muốn là nhà báo giỏi, biên tập chu đáo thì cái gì cũng nên biết, nhất là câu chữ.

Hôm khác, tôi đưa nhà văn Tô Hoài bài tôi vừa viết định đăng số tới: Tôi và nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhà báo Tổng biên tập vừa đọc xong đã ngẩng lên cười mỉm:
- Hôm trước cô đưa tôi duyệt bài của Vương Trí Nhàn viết: Tôi và nhà văn Nguyễn Tuân, tôi đã nhắc là người viết không bao giờ đưa mình lên trước tên người khác, dù người đó là ai, cô nhớ sửa lại: Nhà văn Nguyễn Tuân và tôi, hôm đó cô đã sửa rồi mà hôm nay lại quên (!). Từ nay, viết về ai, cô đều phải nhớ đặt chữ tôi sau tên người được cô viết nhé. Ví dụ Con gái tôi và tôi - Người quét rác và tôi... Đừng quên nữa nha!
Tôi le lưỡi: Nhưng khi nào viết về anh, nhất định em sẽ viết Tôi và nhà văn Tô Hoài... Hai anh em cười vui. Và nhà văn dùng chiếc bút bi đang cầm gõ nhẹ vào đầu tôi: Bướng hả?

Tôi nhớ thêm một trường hợp nữa: Có lần tôi viết Sổ tay phóng viên với tên bài “Số nhà trong thành phố, đưa nhà văn Tô Hoài duyệt. Bác vừa cầm đọc đã lấy bút xóa ngay chữ "thành", còn lại “Số nhà trong phố. Tôi rất khâm phục và vui thích thấy tên bài báo đã giản dị hơn, đúng với ý phê phán sự lộn xộn của việc đánh số nhà trên một vài đường phố ở Thủ đô còn rất là luộm thuộm, không đao to búa lớn như cái tên cũ.

Năm 1989, nhà báo Nguyễn Triều viết cho chúng tôi phóng sự dài với tên bài “Cà phê xanh nêu hiện tượng một vài cửa hàng giải khát trá hình, bên trong có gái mại dâm. Tôi muốn đăng bài này vì nó báo hiệu một hiện tượng xấu có khả năng trở thành phổ biến ở Thủ đô. Nhưng lúc ấy, việc báo chí nêu những hiện tượng xấu rất dễ bị phê phán là... bôi đen chế độ nên tôi đưa bác Tô Hoài xem nên sử dụng thế nào. Bác cầm bài viết, ngó qua rồi nói: Cô để tôi. Đọc xong, bác rút gọn lại, không còn là phóng sự nêu tên một vài cửa hàng cụ thể mà chỉ là ý kiến nhỏ trong mục nói về sinh hoạt hàng ngày ở Thủ đô.
Vậy mà sau khi báo đăng, bài báo của Nguyễn Triều vẫn bị phản ứng dữ dội. Một ông chủ quán cà phê ở đường Lò Đúc đến gặp phó TBT - là tôi - dọa sẽ kiện báo Người Hà Nội đã vu cáo cửa hàng giải khát của ông ta - mặc dù bài báo không nêu đích danh một cửa hàng nào (!). Nhà văn Tô Hoài thấy ông ta to tiếng thì vào ngồi bên, cười mỉm: Ông xem kỹ lại, sau đó hãy đi kiện cho có lý mới thắng được. Báo chúng tôi chỉ nêu chung chung một hiện tượng có thực hiện nay. Ai có tật thì giật mình thôi mà... Ông ta tái mặt, hầm hầm đứng lên, ra về chẳng chào ai.
Vậy mà trong buổi họp báo chí cuối tuần trên thành phố, một vị phụ trách chúng tôi nêu rõ là báo Người Hà Nội tuần vừa qua đã nêu một hiện tượng xấu của vài quán giải khát trong thành phố là không nên vì Thủ đô đang có bao người tốt, việc tốt sao báo không nêu gương để động viên mọi người làm theo mà lại nêu một hiện tượng xám xịt như vậy làm xấu bộ mặt Thủ đô?

Lúc tan họp, hai chúng tôi dắt xe đạp đi quanh Hồ Gươm về tòa soạn ở 19 Hàng Buồm, tôi than phiền với nhà văn: Em chán quá. Làm báo mà chỉ nói cái tốt thì còn có tác dụng gì nữa? Phải dám nêu cái xấu cho mọi người biết mà đấu tranh hoặc ít nhất cũng tránh xa chứ ạ?
Tô Hoài cười: Báo có gì sai sót, bị phê bình, cô cứ đổ hết tội cho tôi. Tôi là Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm là đúng rồi. Tôi... đối đáp giỏi hơn cô mà! Cấp trên hoặc bạn đọc phê bình, ta cứ nhận hết và cảm ơn để sẽ sửa chữa. Và bác nháy mắt, nói nho nhỏ: Nhưng mà ta vẫn cứ ý của ta mà làm tiếp thôi cô ạ. Miễn là mục đích của ta trong sáng, chỉ mong xã hội tốt lên thôi. Ý kiến thì thiên biến vạn hóa, có trời mà làm theo hết được, cô nhỉ. Cho nên duyệt bài phải hết sức tỉnh táo, đọc kỹ từng câu từng chữ. Nhưng đã làm việc là có sai sót, nếu có, cứ nghiêm túc nhận khuyết điểm để sửa cô ạ. Thành phố và cấp trên rất tin cậy và quý trọng chúng ta, cô đừng ngại.

Nhờ sự từng trải và chỉ bảo thân tình của nhà văn, tôi đã yên tâm hơn. Tuy vậy, báo Người Hà Nội của chúng tôi cũng đôi lần bị phê bình gay gắt khiến tôi nhớ mãi. Năm 1991, tôi chọn bài thơ Sám hối của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn và được Tổng biên tập duyệt đăng. Sau khi báo ra, tôi đến cơ quan làm việc thì nhận ngay điện thoại của một đồng chí trên Ban Tuyên giáo Thành ủy nói báo phải thu hồi ngay vì đăng bài thơ có ý xấu. Tôi toát mồ hôi, giở bài thơ ra đọc lại. Trịnh Thanh Sơn viết: “Nếu sống lại tuổi hai mươi/ Tôi sẽ đi ngược lại…”. Ý này của nhà thơ bị cho là phủ nhận quá khứ.
Tôi lo quá, vội đạp xe đến nhà Tổng biên tập ở ngõ Đoàn Nhữ Hài. Thấy mặt tôi tái mét, nhà văn cười: Cô cứ yên tâm đi, tôi mới là người chịu trách nhiệm. Cô về gọi lại trên thành phố, nói là cô đã trao đổi với tôi và Tổng biên tập đề nghị cấp trên gửi cho công văn chính thức vì sao đề nghị thu hồi báo. Chúng ta chỉ thi hành lệnh trên giấy tờ chính thức, có chữ ký, con dấu đàng hoàng chứ không thu hồi báo theo lệnh miệng qua điện thoại. Cô cứ nói rõ là Tổng biên tập Tô Hoài nói vậy. Rồi bác nháy mắt cười: Đừng lo, cô chỉ là phó, không sợ gì cả.
Tôi nhẹ cả người, một phần vì tôi không phải chịu trách nhiệm (như bác Tô Hoài đã nói) mà chính là vì nhà văn đã không hề lo lắng bối rối như tôi, vẫn bình tĩnh, sáng suốt và tự tin nhận trách nhiệm hết cho tờ báo khiến tôi cũng lấy lại được sự cân bằng và yên tâm hơn.

Mấy hôm sau, Ban Tuyên giáo Thành ủy gọi bác Tô Hoài và tôi lên để hỏi về bài thơ của Trịnh Thanh Sơn mà sau khi tôi nói yêu cầu có công văn chính thức thì tờ báo vẫn phát hành như thường - không thấy có công văn nào yêu cầu thu hồi nữa!
Bác Tô Hoài dặn:
- Hôm nay, cô cứ ngồi im nghe thôi, không cần nói gì nhé, để tôi... đối đáp cho!
Tôi khẽ gật đầu và ngồi bên Tổng biên tập của mình, tim đập thình thình và mặt có lẽ tái mét vì lo lắng. Không khí có vẻ nặng nề. Các đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, chuyên viên theo dõi báo chí của TW, Tổng biên tập các báo ở Hà Nội ngồi quanh bàn, mặt ai cũng nghiêm trang và có phần căng thẳng.

Sau khi nghe các vị cấp trên nói về sơ suất của báo Người Hà Nội trong tình hình thời sự năm 1991, nhà văn Tô Hoài nói:
- Đây không phải là sơ suất, mà là chủ trương của cá nhân tôi - Tổng biên tập tờ Người Hà Nội. Tôi nghĩ, trong tình hình thời sự hiện nay, từ 1986, chúng ta đã chủ trương đổi mới, ví dụ sẽ không còn hợp tác xã nông nghiệp đánh kẻng đi ra ruộng, chấm công hàng ngày mà chia ruộng cho dân tự sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, động viên các gia đình buôn bán nhỏ... Vậy tác giả viết nếu sống lại tuổi trẻ, anh ta sẽ không làm thơ viết báo nữa - vì nghèo, mà sẽ đi buôn chẳng hạn, theo tôi là được. Báo chúng tôi sẵn sàng đăng tất cả các bài phê phán bài thơ đó và sẽ có bài trả lời rõ ràng. Tha hồ tranh luận. Như vậy chứng tỏ Thủ đô ta đã thực sự đổi mới, báo chí đã cởi mở hơn, đúng không ạ? Thứ nữa, nếu hôm đó chúng tôi thu hồi báo ngay theo lệnh qua điện thoại của Ban Tuyên giáo thì bài thơ đã lập tức được cả Hà Nội bàn tán xôn xao rất không có lợi, phải không ạ? Chính vì không thu hồi nên không gây tò mò. Và hôm nay vẫn chưa thấy ai nhắc đến bài thơ này cả...
Nhìn quanh, chưa thấy ai có ý kiến gì, nhà văn Tô Hoài bèn cười mỉm: Tuy nhiên, theo góp ý của các đồng chí, chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc duyệt đăng mỗi bài, cân nhắc kỹ cái lợi cái hại của từng câu từng chữ...
Tôi ngồi im từ đầu đến cuối, tim đập thình thình. Không hiểu nếu bác Tô Hoài nói tôi là người chọn bài thơ đưa lên, vì tin cậy tôi nên bác cứ ký duyệt mà không kịp đọc thì tôi sẽ ra sao?...

Làm báo với nhà văn Tô Hoài không nhiều, chỉ vài năm nhưng tôi rất kính phục việc bác luôn nhận trách nhiệm về mình mỗi khi báo có gì sai sót. Và với kinh nghiệm sống, với sự từng trải của một nhà văn rất yêu Hà Nội, muốn Thủ đô ngày một tốt hơn, đẹp hơn, đáng sống hơn, bác đã truyền lòng yêu mến và quý trọng công việc của một nhà văn, nhà báo chân chính, luôn đi vững trên sợi dây cheo leo của dư luận xung quanh, mạnh dạn làm báo vì cái đẹp, vì sự tiến bộ của Thủ đô.