Chỉ với những tác phẩm bằng văn xuôi đầu tiên, Kundera mới bộc lộ rõ vẻ độc đáo của mình: “Lần đầu tiên tôi tìm thấy chính bản thân mình, tôi tìm thấy giọng điệu mình, vẻ xa cách giễu cợt đối với thế giới và với cuộc sống của chính mình, nói ngắn gọn, tìm thấy con đường của một tiểu thuyết gia.”




ĐIỀU GÌ KHIẾN NHÀ VĂN BẤT TỬ?

TRẦN KHANH

Milan Kundera là một cái tên có thể khuynh đảo thế giới với tầm tư tưởng và sự mạnh mẽ, sức sống trong triết lý đời người. Không còn nghi ngờ gì, ngay khi ông còn đang sống đây, chúng ta đã tin ông là một trong số hiếm nhà văn bất tử.
Tháng 6- 2019, một cuộc tọa đàm về nhà văn Milan Kundera hay một cái tên bất tử - tọa đàm về dịch Kundera tại Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp (HN) nhân dịp cuốn tiểu thuyết “Sự bất tử” của ông vừa được Nhã Nam xuất bản.
Buổi tọa đàm có hai diễn giả và cũng là hai dịch giả của các tác phẩm của Milan Kundera là nhà văn Nguyên Ngọc và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Chương trình được dẫn dắt bởi nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp với tư cách một độc giả yêu sách và dành nhiều tình cảm cho các tác phẩm của nhà văn lớn người Séc này.
Milan Kundera sinh năm 1929 tại Brno, Tiệp Khắc (nay là cộng hòa Séc), nơi ông sống cho tới tận hết những năm học trung học. Ông lớn lên trong một môi trường mà văn hóa nghệ thuật có vị trí rất quan trọng. Bố ông là Ludvik Kundera (1891-1971) là một nhà nghiên cứu âm nhạc và nghệ sĩ piano nổi tiếng ở Séc, giám đốc Học viện âm nhạc tại Brno.
Kundera được học piano từ khi còn bé và điều này đã giúp ích cho ông trong quãng thời gian sau này khi mới bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản, ông phải kiếm sống bằng nhiều việc lặt vặt trong đó có làm nghệ sĩ chơi piano. m nhạc để lại dấu ấn không nhỏ trong cuộc đời cũng như tác phẩm của ông.
Từ năm 1948, Kundera bắt đầu theo học văn học và mỹ học tại khoa Nghệ thuật, nhưng sau hai học kỳ ông nhanh chóng chuyển sang học Điện ảnh tại học viện nghệ thuật biểu diễn Praha. Ông tốt nghiệp năm 1952 sau nhiều lần việc học bị gián đoạn vì các lý do chính trị. Ông sang Pháp năm 1975 và nhập quốc tịch Pháp năm 1981.
Tên tuổi ông bắt đầu được biết tới vào những năm 60 khi ông cho xuất bản hai tập thơ của chính mình và biên tập một hợp tuyển thơ Apollinaire. Ngoài ra ông còn viết vài vở kịch mà tên, nội dung và cấu trúc đều gợi nhớ tới nhà viết kịch nổi tiếng Ionesco hay nhà văn Diderot, điều này đã báo trước tính trò chơi trong các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, chỉ với những tác phẩm bằng văn xuôi đầu tiên, Kundera mới bộc lộ rõ vẻ độc đáo của mình: “Lần đầu tiên tôi tìm thấy chính bản thân mình, [...], tôi tìm thấy giọng điệu mình, vẻ xa cách giễu cợt đối với thế giới và với cuộc sống của chính mình, nói ngắn gọn, tìm thấy con đường của một tiểu thuyết gia.”
Những tác phẩm lớn đầu tiên của ông là tiểu thuyết La Plaisanterie (Trò đùa) và Risibles amours (Những mối tình nực cười) đã tái hiện tất cả luồng sinh khí của tự do trong thời kỳ Mùa xuân Praha, khi chính quyền quyết định cải cách. Các tiểu thuyết sau này như La vie est ailleurs (Cuộc sống không ở đây), La Valse aux adieux (Điệu valse giã từ) cũng lấy bối cảnh nước Tiệp Khắc cũ. Tuy nhiên, Kundera không phải một tiểu thuyết gia lịch sử. “Ông không quan tâm đến việc tái hiện một thời kỳ lịch sử mà muốn đề cập tới những điều được coi là vấn đề muôn thuở của nhân loại đặt dưới lăng kính của một thời đại”.
Thái độ giễu cợt mỉa mai, sự phức tạp trong cấu trúc hình thức ngôn ngữ của tác phẩm, dấu ấn của âm nhạc, lối phân tích lạnh lùng và quá tỉnh táo, tính “triết” là những điều làm nên phong cách không thể lẫn được của Kundera.
Sau các biến động về chính trị tại quê hương, ông bị mất việc giảng dạy tại trường đại học và các tác phẩm cũng không được cho lưu hành, ông sang định cư tại Pháp. Tại đây, ông tiếp tục nghiệp viết của mình. Kundera vẫn viết bằng tiếng Séc nhưng văn bản gốc đó hầu như chỉ được dùng để dịch sang tiếng Pháp. Các tiểu thuyết của ông thời kỳ này đều được phát hành ngay lần đầu bằng bản tiếng Pháp, trong đó có cuốn L'insoutenable légèreté de l'être (Đời nhẹ khôn kham), tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Việc sang định cư tại Pháp cũng cho phép ông có điều kiện để đích thân chỉnh sửa lại các bản dịch trước đây các tác phẩm của mình sang tiếng Pháp, đặc biệt là bản dịch tiểu thuyết La plaisanterie (Trò đùa) vốn vẫn bị phê bình là có văn phong quá hoa mỹ cầu kỳ so với bản gốc.
Việc chuyển sang sinh sống ở Pháp cũng mở đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp sáng tác của ông: giai đoạn viết trực tiếp bằng tiếng Pháp, với tác phẩm như các tiểu thuyết La Lenteur (Chậm), L'Identité (Căn cước), L'Ignorance (Ngu dốt) hay các chuyên luận L'art du roman (Nghệ thuật tiểu thuyết) và Les testaments trahis (Những di chúc bị phản bội).
Kundera la một người rất coi trọng sự riêng tư. Ông cố giữ bí mật mọi chi tiết về đời tư của mình. Từ năm 1985, ông không chấp nhận trả lời phỏng vấn trực tiếp nữa mà chỉ trả lời bằng văn bản. Mọi thông tin liên quan đến đời tư đều được ông kiểm soát chặt chẽ cẩn thận. Thậm chí, tiểu sử tác giả in trên các tác phẩm được phát hành của ông cũng thường chỉ giới hạn ở hai câu: “Milan Kundera sinh tại Tiệp Khắc. Năm 1975, ông chuyển sang sinh sống tại Pháp.”


Nguồn: Giáo Dục & Thời Đại