Tâm lý dân tộc An Nam (của tác giả Paul Giran) và Hội kín xứ An Nam (của tác giả Georges Coulet) là hai tựa sách đầu tiên xuất hiện trong Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt. Tại buổi giao lưu, dịch giả Phan Tín Dụng (người dịch cuốn Tâm lý dân tộc An Nam và cùng dịch cuốn Hội kín xứ An Nam) đã cẩn trọng lưu ý độc giả tiếp cận cuốn Tâm lý dân tộc An Nam ở góc nhìn “người Việt xấu xí” sẽ dễ chịu hơn, bởi cuốn sách được viết dưới con mắt của nhà cai trị.



“Tâm lý dân tộc An Nam” và “Hội kín xứ An Nam”: góc khuất người Việt

LÂM HẠNH

Tác giả Paul Giran học Trường Thuộc địa, sau đó được bổ nhiệm làm việc tại Đông Dương. Tâm lý dân tộc An Nam là công trình nghiên cứu của ông sau 3 năm làm việc tại Đông Dương, được ra mắt độc giả nước Pháp năm 1904, vì mục đích “để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu, phải biết rõ, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ”.
Chủng tộc và môi trường, theo Paul Giran chính là hai yếu tố góp phần hình thành bản sắc quốc gia An Nam nên ông tập trung khảo sát ở các góc độ ấy. Đây không phải là một cuốn sách của ngôn ngữ ngoại giao mà là một cái nhìn thẳng thắn của Paul Giran về tâm hồn và sự tiến hoá của dân tộc An Nam sau những năm tiếp xúc, thu thập tài liệu và nghiên cứu.

Chính vì vậy, người đọc Việt có thể bị sốc khi tác giả cho rằng đặc trưng tình cảm của người An Nam là sự lãnh đạm, đặc trưng ý chí xứ này là sự trơ ỳ. Sách viết: “Tình thương yêu đồng loại, biểu hiện ở lòng trắc ẩn và bác ái là những đức tính ít khi thấy hành xử ở An Nam” hoặc “Không thể nói thẳng thừng rằng người An Nam lười biếng; trái lại, họ rất siêng năng; rất ít người An Nam ăn không ngồi rồi; có điều, họ lao động một cách uể oải, đặc biệt là khi họ làm không phải do bị nhu cầu thúc bách hoặc không vì lợi riêng”.

Về nghệ thuật, khoa học ở An Nam, tác giả cũng đánh giá ở mức độ tầm thường, hời hợt, thiếu sáng tạo. Trong quá trình chuyển ngữ cuốn sách này, dịch giả Phan Tín Dụng cảm nhận rằng “có lẽ Paul Giran cũng bị sốc trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu về người An Nam”, vì vậy đây ít nhiều là cái nhìn chủ quan của tác giả.

Trong khi đó, dịch giả Nguyễn Thanh Xuân (người dịch cuốn “Hội kín xứ An Nam) cho rằng: “Lâu nay, chúng ta hay tự hào về dân tộc, nhưng khi có một người ngoài nhìn vào thì có phần nào khách quan. Bạn đọc có thể phản biện và điểm nào hợp lý thì phải thừa nhận, không hẳn tất cả đều chính xác nhưng qua đó chúng ta soi rọi lại mình”.

Tâm lý dân tộc An Nam khái quát tập tính của một dân tộc nên là vấn đề nhạy cảm và dễ gây tranh cãi. Chính vì vậy đã có nhiều trao đổi xung quanh vấn đề này trong buổi giao lưu. Tiến sĩ Bùi Trân Phượng có mặt trong buổi giao lưu đã góp ý nên “khoanh vùng” góc tiếp cận tác phẩm như: đặt sách trong bối cảnh lịch sử mà nó ra đời là đầu thế kỷ 20, nghiên cứu nhân chủng học trong tác phẩm là cách nghiên cứu của đầu thế kỷ 21 chứ không phải đầu thế kỷ 21, và cho dù là người ngoài nhìn vào thì trong sách vẫn là cái nhìn chủ quan của tác giả… để bạn đọc trẻ tránh những hoang mang không cần thiết.

Ở góc độ khác, trong cuốn “Hội kín xứ An Nam, tác giả Georges Coulet tập trung nghiên cứu về sự hình thành và cách hoạt động của các hội kín trong lãnh thổ này.
Ông Georges Coulet là tiến sĩ văn chương, từng dạy tại trường Pétrus Ký và là người nghiên cứu thuần tuý. Tác phẩm này ra đời từ sự ngỡ ngàng của người Pháp về chuỗi sự kiện mưu loạn bạo động diễn ra ở khắp 3 kỳ của xứ An Nam kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ở đây, người đọc sẽ thoả óc tò mò về các hội kín và các phong trào khởi nghĩa tại thời điểm đó, về thầy phù thuỷ và vai trò của phép thuật trong các hội kín, về những biểu tượng tĩnh như bùa hộ mệnh, ấn, cờ, sắc phong và những biểu tượng động như bài trí khung cảnh, những cử chỉ bí mật... Người đọc còn có thể thấy tôn giáo và đời sống thường ngày đóng vai trò gì trong các hội kín. Theo dịch giả Nguyễn Thanh Xuân: “Đa số chúng ta nghĩ rằng hội kín là phong trào cách mạng yêu nước nhưng không thành công và bị đàn áp đẫm máu, nhưng thực chất chúng hình thành do tôn giáo và văn hoá”.

Hội kín xứ An Nam và “Tâm lý dân tộc An Nam, đề cập đến những khía cạnh ít được nói đến, nay đã được ra mắt chính thức trong làng xuất bản Việt Nam. Theo bà Bùi Trân Phượng điều này như một cách “trả nợ lịch sử”, vì “lẽ ra những tài liệu này phải được dịch từ ngay sau năm 1945. Các nước thuộc địa khác đã dịch tài liệu và nghiên cứu rất nhiều về tình hình đất nước trước, trong và hậu thuộc địa. Đối với người nghiên cứu lịch sử, tư liệu trong những cuốn sách này quý giá vì nó chứa đựng những sự kiện, chi tiết mà các tác giả là nhân chứng thời đó đã chứng kiến tận mắt”.


Nguồn: Người Đô Thị