Nếu ai đó chịu khó quan sát thì dễ nhận thấy ở các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có rất nhiều lần được trao cho những người trong Hội đồng chuyên môn hoặc Ban Chấp hành, họ có quyền bỏ lá phiếu quyết định cho một tác phẩm có đoạt giải hay không. Tất nhiên người ta sẽ lí giải rằng, trong những cuộc bầu chọn ấy, người có tác phẩm sẽ không được bỏ phiếu. Tất nhiên là thế, nhưng Hội đồng chuyên môn chỉ có 5, 7 người, những nhân vật có tác phẩm tham dự giải là những người trong Hội đồng hoặc thậm chí là lãnh đạo của những người được quyền bỏ phiếu.




SỰ MẤT GIÁ CỦA CÁC GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC

UÔNG TRIỀU

Sự lùm xùm, chậm chạp của giải Nobel văn học 2016 là minh chứng rất rõ cho sự mất giá của các giải thưởng văn học. Người được trao giải là Bob Dylan mãi mới chịu lên tiếng và đến nhận, văn đàn thì ồn ào quanh cái giải thưởng văn học được coi là danh giá nhất này. Trước hết tôi cho rằng, sự ồn ào của giải Nobel văn học chẳng phải vì nó trao cho một nhạc sĩ dù điều này dường như “xúc phạm” giới nhà văn quá lớn. Bob Dylan là một nhạc sĩ thiên tài và ngôn từ trong các ca khúc của ông đầy chất thơ, nhưng đây là một giải thưởng văn học cơ mà. Được xướng tên đoạt giải Nobel văn học nhưng đến mấy tuần Bob Dylan không thèm lên tiếng. Đến gần hạn chót quy định nếu người nhận không lên tiếng thì có thể bị tước giải, ông nhạc sĩ mới đủng đỉnh cất lời. Cái Ủy ban lừng danh của Thuỵ Điển có lẽ chưa bao giờ bị một phen muối mặt như thế. Sự lừng khừng, kiêu ngạo có thể là cá tính của Bob Dylan - ông thiếu gì vinh quang trong suốt cuộc đời mình hoặc một điều khủng khiếp hơn, Bob Dylan chả coi cái giái thưởng này ra cái quái gì dù phần thưởng của nó là cả triệu đô. Hoặc nữa, có thể giải thưởng có thể gây cho ông một sự khó xử nào đấy vì nó là giải thưởng Nobel văn học mà ông lại là một nhạc sĩ?
Dù vì bất cứ lí do gì thì sự chậm chạp và khụng khiệng của Bob Dylan cũng gây ra một cú sốc lớn cho giải Nobel.   
Nhưng giải Nobel đã thế, các giải văn học khác liệu có khá khẩm hơn, ví dụ nhìn trực diện vào những giải thưởng của văn học Việt những năm gần đây. Tôi nói thật là bây giờ rất ít người tin vào các giải thưởng văn học Việt và giá trị của nó. Điều này thật mâu thuẫn và nguy hiểm vì chẳng phải các giải thưởng để vinh danh tác phẩm văn học đó sao và người viết nào chẳng vui mừng khi tác phẩm của mình được tôn vinh? Nhưng có vẻ điều mâu thuẫn này càng trở nên phổ biến và ít mâu thuẫn.
Thứ nhất, tôi không rành tâm lí của tất cả những người được trao giải nhưng đã xuất hiện những tâm lí chối từ không muốn nhận nó. Nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Ly Hoàng Ly từng từ chối, và ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ở một tình huống và bối cảnh sát nút cũng đã từ chối! Gần đây nhất, giải của Hội Nhà văn Hà Nội ở hạng mục văn học dịch cũng có người từ chối và gây ra những lời qua tiếng lại không ít. Như vậy ở phía những người được tôn vinh, đã có một tâm lí không cảm thấy vinh dự hoặc nghi ngờ. Vì sao như vậy: vì giải thưởng thấp, vì Ban Giám khảo không đáng tin, vì thấy mình không cần giải thưởng, vì sở thích cá nhân... Dù vì bất cứ lí do gì, những vụ từ chối trên cho thấy các giải thưởng văn học đã thất bại phần nào. Nó đã không thuyết phục được những người nó muốn vinh danh, nó đã không đủ hấp dẫn cho người ta thích, nó đã không đủ giá trị để cho người ta phục…
Còn về phía độc giả, sự thất bại này còn lớn hơn. Ngoài cái tâm lí đố kị, bất cứ khi nào có một tác phẩm được vinh danh thì những tiếng nói đầy hằn học và khinh miệt sẽ cố tìm ra cái dở của nó, xỉ nhục cả tác phẩm và tác giả, nhưng có lẽ công chúng về cơ bản cũng không còn mấy tin vào những giải thưởng như thế.
Cuộc trao giải thưởng năm 1991 của Hội Nhà văn Việt Nam có lẽ là cuộc trao giải được nhiều người công nhận là chính xác và có giá trị hơn cả. Năm đó hạng mục văn xuôi có ba cuốn tiểu thuyết được vinh danh: “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường và “Bến không chồng” của Dương Hướng. Vì sao giải thưởng năm 1991 được coi là có giá trị nhất? Vì ba cuốn tiểu thuyết nói trên được coi là những thành tựu tiêu biểu của văn học Việt Nam, đặc biệt là cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh được coi là cuốn tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam đương đại cho đến bây giờ. Còn những cuốn được giải thưởng những lần khác, bây giờ mấy ai còn nhớ?
Tuy thế, tôi cho rằng những lần khác, ở giải thưởng thường niên hay các cuộc thi, vẫn có những cuốn sách chắc chắn còn được lưu danh với thời gian. Đó là tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh  hay “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần… “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội là cuốn tiểu thuyết đáng kể nhất của nhà văn từng chịu rất nhiều sóng gió này.
Bây giờ ta sẽ đi tìm nguyên nhân của sự mất giá của những giải thưởng văn học.
1. Sự không đủ công tâm, khách quan của Ban Giám khảo. Nếu ai đó chịu khó quan sát thì dễ nhận thấy ở các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có rất nhiều lần được trao cho những người trong Hội đồng chuyên môn hoặc Ban Chấp hành, họ có quyền bỏ lá phiếu quyết định cho một tác phẩm có đoạt giải hay không. Tất nhiên người ta sẽ lí giải rằng, trong  những cuộc bầu chọn ấy, người có tác phẩm sẽ không được bỏ phiếu. Tất nhiên là thế, nhưng Hội đồng chuyên môn chỉ có 5, 7 người, những nhân vật có tác phẩm tham dự giải là những người trong Hội đồng hoặc thậm chí là lãnh đạo của những người được quyền bỏ phiếu. Ai dám chắc chắn không có sự thiên vị, cảm tính, nể nang những người sẽ ngồi ăn cơm, cà phê với mình sau cuộc bỏ phiếu? Dù sự bầu chọn này có nghiêm túc thế nào thì cách thức của nó đã không đáng tin và người ta có quyền nghi ngờ về nó khi chỉ cần xem lại danh sách thống kê những tác phẩm được giải và tác giả của nó ở thời điểm ấy. So sánh về mặt tiêu chí này tôi thấy giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đáng tin hơn giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, vì có quy định những người trong Ban Chấp hành không có quyền được tham dự giải.
2. Uy tín của Ban Giám khảo. Người ta không thể tin vào những Ban Giám khảo khi những nhân vật ở đó không nổi trội ở chuyên môn hay không phải chuyên gia hay là người đã có thành tựu ở lĩnh vực đó. Ban Giám khảo không có chất lượng ngang bằng hoặc thậm chí yếu kém hơn thí sinh tham dự thì làm sao có thể hi vọng sự tìm kiếm và tôn vinh những tác phẩm có giá trị đích thực.
3. Con mắt xanh và sự dũng cảm. Khi đã hội đủ những yếu tố lí tưởng kể trên thì con mắt xanh và sự dũng cảm cũng là điều quan trọng. Ban Giám khảo khách quan, có chuyên môn nhưng liệu họ có nhận ra được vàng mười hay dũng cảm trao cho những tác phẩm giàu “cá tính” để tôn vinh giá trị thực sự. Hay để cho an toàn và ít đụng chạm thì trao giải thưởng cho những tác phẩm ngoan ngoan, hiền hiền, ở đây có những yếu tố ngoài văn chương đôi khi ảnh hưởng rất lớn đến sự trao thưởng. Cuộc trao giải năm 1991 với ba tiểu thuyết kể trên sau đã phải nhận những sóng gió rất lớn, đặc biệt với cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Nhưng chẳng phải sau những bão tố ấy thì “Nỗi buồn chiến tranh” chẳng phải là một trong những thành tựu văn học đáng kể nhất của văn học đương đại đó sao. Tôi cho rằng đã có những tác phẩm hay đã bị bỏ sót hoặc người ta không dám trao giải cho nó. Ví dụ tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” của Nguyễn Xuân Khánh hoặc “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương. Không những không được trao giải, hai tác phẩm trên còn phải chịu những đòn roi rất khốc liệt trước khi được một sự công nhận rộng rãi. Và để công nhận ưu điểm của Hội Nhà văn Hà Nội như đã nói ở trên thì “Mình và họ” sau đó đã được trao giải và Nguyễn Xuân Khánh - cùng những tác phẩm khác của ông cũng từng được tôn vinh ở đây như “Mẫu thượng ngàn” - được trao giải “Thành tựu văn học trọn đời”.
Có người sẽ bảo rằng cuộc chơi nào cũng có những luật chơi của nó. Đến giải Nobel còn bỏ sót những tên tuổi vĩ đại như Lev Tolstoy, Marcel Proust... cơ mà. Không được Nobel thì Lev Tolstoy và Marcel Proust cũng chẳng kém bất cứ tên tuổi được giải nào, thậm chí còn hơn rất nhiều người. Nhưng chẳng phải các giải thưởng dùng để tôn vinh các tác phẩm, để nó đến với người đọc dễ dàng và thuận lợi hơn sao? Và cho dù đầy khiếm khuyết thì các giải thưởng văn học cũng tác động ít nhiều đến tâm lí người đọc. Không có giải thưởng, tác phẩm vẫn sống nhưng con đường của nó sẽ gập ghềnh và chông gai hơn. Và hà cớ gì không tôn vinh nghệ thuật và những giá trị đích thực thì lập ra các giải thưởng văn học để làm gì?
Đã có rất nhiều những sự lỡ làng trong việc tôn vinh các tác phẩm có giá trị và tôi thấy buồn vì những người như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh với những tác phẩm xuất sắc của mình vẫn chưa được tôn vinh một cách xứng đáng. Chừng nào những người cầm cân nảy mực chưa dám trao thưởng cho những người đó, chưa dám vì một nền văn học lành mạnh và có giá trị đích thực thì các giải thưởng văn học còn tiếp tục mất những giá trị đáng ra phải có của mình. 


Nguồn: Đại Đoàn Kết