Không nói thì ai cũng hiểu: những người ra đề thi ngầm coi đó là những áng văn chương tiêu biểu, kiểu mẫu, nếu không tuyệt hay thì cũng rất hữu ích (vì nó có thể gợi mở những suy nghĩ lớn lao, sâu sắc… cho thí sinh). Và cũng ngầm nói với thí sinh là phải tán thành đánh giá đó, nếu muốn bài thi được điểm cao. Tại sao lại có một thứ định hướng hẹp hòi như vậy trong văn chương, nghệ thuật?




ÁP ĐẶT THẨM M
(Nhân đọc đề thi văn tốt nghiệp PTTH 2019)

TRẦN ĐỨC TIẾN

Trích một đoạn văn (hay thơ) trong một tác phẩm nào đó, rồi yêu cầu thí sinh viết cảm nhận, phân tích, bình luận… về nó – đấy là cách ra đề thi rất, rất thường thấy trong các kỳ thi lâu nay ở bậc học phổ thông của chúng ta. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng không phải ngoại lệ: hai tác phẩm của Vũ Quần Phương (thơ) và Hoàng Phủ Ngọc Tường (văn xuôi) được chọn để làm mồi cho cảm hứng viết bài thi.

Không nói thì ai cũng hiểu: những người ra đề thi ngầm coi đó là những áng văn chương tiêu biểu, kiểu mẫu, nếu không tuyệt hay thì cũng rất hữu ích (vì nó có thể gợi mở những suy nghĩ lớn lao, sâu sắc… cho thí sinh). Và cũng ngầm nói với thí sinh là phải tán thành đánh giá đó, nếu muốn bài thi được điểm cao.

Tại sao lại có một thứ định hướng hẹp hòi như vậy trong văn chương, nghệ thuật? Cách ra đề thi như thế chẳng khác gì một sự áp đặt thẩm mĩ. Nó không khá hơn thứ văn mẫu tồi tệ. Nó góp phần công thức hóa nhận thức, đồng nhất hóa tâm hồn các em. Nó cũng là nguyên nhân của bệnh ăn theo nói leo, của thói a dua a tòng…

Chương trình học văn trong trường phổ thông đề cập nhiều tác phẩm, nhiều tác giả. Và mình tin, ngoài những tác phẩm học trong nhà trường, các em học sinh còn được đọc nhiều tác phẩm khác, của chính những tác giả đó hoặc nhiều tác giả khác. Trong số những tác phẩm “ngoài luồng” đó, biết đâu có những tác phẩm các em còn thấy hay hơn, thích hơn những tác phẩm trong sách giáo khoa?

Không thể nói các em học sinh cấp 2, cấp 3 (đối tượng của những đề thi văn kiểu này), là chưa có những suy nghĩ riêng, cảm nhận, đánh giá riêng về những gì mà các em được học, được đọc. Với những em học sinh thi tốt nghiệp PTTH, ở lứa tuổi 17-18, điều đó càng đúng. Nếu có những đề thi “cởi mở” hơn (ví như cảm nhận của em về một tác phẩm văn học mà em thích), thì khối bác trong sách giáo khoa, kể cả các bác xưa nay rất hay được chọn để ra đề thi, sẽ bớt “thiêng”, thậm chí còn bị các em hạ bệ.

Như thế là tốt hay xấu? Theo mình: tốt. Bớt thiêng, không có nghĩa là các bác không còn là những nhà văn lớn, nhà thơ lớn. Các bác chỉ trở về đúng cái giá trị mà các bác có. Và các em học sinh sẽ có nhiều cơ hội làm giàu thêm tâm hồn, tình cảm của mình. Những con người biết cảm bằng trái tim của mình, biết nghĩ bằng cái đầu của mình, sẽ là nền tảng của một xã hội lành mạnh, văn minh, dân chủ.