Nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá: Hữu Thọ là một nhà báo lớn. Nhiều bài viết của ông xứng đáng là tác phẩm kinh điển, có thể làm sách giáo khoa cho ai muốn học nghề. Ông cũng rất tài đúc kết kinh nghiệm 



CẦN CÓ MỘT CON ĐƯỜNG MANG TÊN HỮU THỌ

TRẦN ĐĂNG KHOA

Hữu Thọ là một nhà báo lớn. Ông từng giữ nhiều trọng trách của Đảng: Tổng biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và rất nhiều chức tước khác. Tuy nhiên, ông vẫn không bỏ nghề. Dù ở trọng trách nào, ông cũng vẫn là một nhà báo. Dù bận việc, ông vẫn viết hàng ngày. Có bài báo chỉ bằng một... bàn tay, tãi ra chỉ vài trăm chữ, có khi vài chục chữ, mà vẫn nói được những vấn đề lớn. Nhiều bài viết của ông xứng đáng là tác phẩm kinh điển, có thể làm sách giáo khoa cho ai muốn học nghề. Ông cũng rất tài đúc kết kinh nghiệm. Thế nào là một nhà báo giỏi? Đó là người có mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Quả đúng vậy.

Trong công tác quản lý báo chí hay quản lý văn nghệ nói chung, tôi thấy ông cũng rất xuất sắc, đặc biệt là việc xử lý những vấn đề phức tạp. Hồi ông làm công tác tư tưởng, ở Hội Nhà văn VN có một tác giả rất có tài nhưng ông không “bay theo đường dân tộc đang bay”, cũng không nghĩ những điều Đảng nghĩ, có người yêu cầu phải xử lý, thậm chí kỷ luật thật nặng, hỏi ý kiến ông, ông bảo: “Kỷ luật thì dễ thôi, nhưng kỷ luật thì Đảng được gì? Hội Nhà văn được gì và dân được gì? Cậu ấy lại có tài. Mà tài năng bao giờ cũng hiếm. Chúng ta không dĩ hoà vi quý. Cũng phải giữ đúng nguyên tắc, giữ nghiêm kỷ luật, nhưng cách xử lý phải khéo. Cần rút kinh nghiệm trong vụ xử lý nhân văn giai phẩm. Sắp Đại hội Đảng rồi, đừng làm to chuyện rồi những thế lực thù địch ở nước ngoài, những kẻ xấu trong nước lại lu loa chúng ta đàn áp văn nghệ, chúng ta không có dân chủ. Thôi cứ lờ đi. Lờ đi cũng là một kỷ luật mà kỷ luật nặng đấy!”. Sau này, khi từng trải thêm nhiều, tôi mới thấy cách xử lý của ông là thông minh nhất, đúng đắn nhất.

Hữu Thọ cũng là người sâu sắc trong những vấn đề lớn. Ông không chỉ nói mà còn viết và viết rất sâu sắc về những vấn đề nhạy cảm. Ông bảo nước đã thống nhất rồi, chúng ta đã hợp tác toàn diện với cả những kẻ thù địch rồi, sao lòng người trong cùng một nước thì vẫn không ngồi được với nhau. Ở ngoài Bắc thì đơn giản, nhưng trong Nam, có bà mẹ có con là bộ đội giải phóng, nhưng cũng lại có đứa con ở chiến tuyến bên kia. Cả hai đứa đều chết trận. Với bà mẹ thì con nào chẳng là con. Đau lắm chứ. Nỡ lòng nào lại hất một đứa ra khỏi bàn thờ. Nhìn nhận vấn đề đó như thế nào đây. Nước thống nhất rồi thì vấn đề lớn nhất là hoà hợp dân tộc. Có hoà hợp được dân tộc thì nước mới lớn mạnh. Chúng ta tri ân những người hy sinh vì cách mạng. Nhưng cũng đừng quá nặng nề trong việc phân biệt đối xử. Có thế lòng người mới thống nhất được. Phải nói Hữu Thọ rất sâu sắc. Nếu nhà lãnh đạo nào cũng được như ông thì thật là một hồng phúc cho dân tộc.

Hữu Thọ ra đi cũng đã lâu rồi. Nhưng ông vẫn còn sống mãi trong lòng người có lương tri. Ước gì ở các thành phố, mà trước hết là Hà Nội, nơi ông sống và Thái Bình - miền đất đã sinh ra ông có một con đường mang tên ông. Cần giữ ông lại với hậu thế. Đó là một con người rất đẹp mà tôi biết.