Sáng tác văn học, âm nhạc cho thiếu nhi là công việc quan trọng và chẳng hề dễ dàng. Trong khi đó, các trào lưu giải trí thiếu lành mạnh đang làm nghèo tâm hồn trẻ thơ. Tiến sĩ- Nhà văn Phạm Việt Long cho rằng nghệ thuật cần cùng lúc đáp ứng bốn chức năng rõ ràng, đó là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí.



CẦN COI TRỌNG CẢ 4 CHỨC NĂNG CỦA NGHỆ THUẬT

NGUYỄN VĂN HỌC

@ Mỗi ca khúc ngày xưa như vitamin bồi bổ tâm hồn, ngân vang, đầy sáng tạo, sức kêu gọi; đầy sự nhuần nhị về tình yêu trong chiến tranh, ngày giải phóng và cả trong dựng xây đất nước. Ông thấy nhạc sĩ ngày nay còn thiếu gì?
Phạm Việt Long: Ngày nay, người ta nhấn mạnh chức năng giải trí của nghệ thuật, trong đó có âm nhạc và coi nhẹ chức năng giáo dục, thẩm mỹ. Trong khi đó, thế hệ chúng tôi thưởng thức âm nhạc bằng khoái cảm nghệ thuật rất cao, qua đó được giáo dục, được định hướng thẩm mỹ, định hướng sống để sống tốt, sống có ích. Như vậy, thời đó chúng tôi vẫn được giải trí khi tiếp xúc với nghệ thuật, chứ không phải là không được giải trí, nhưng đó là sự giải trí hữu ích, giúp tiếp nhận sự giáo dục và các giá trị thẩm mỹ một cách tự nhiên.
Cho nên, ngày nay, nhạc sĩ đang bị thiếu, cần có sự đồng tình của cả xã hội về việc coi trọng cả bốn chức năng của nghệ thuật, là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí. Xã hội phải đồng tình như vậy thì mới có chỗ đứng cho các ca khúc được sáng tạo theo quan điểm này. Từ đó, cần sống với tình yêu cuộc sống dào dạt, khao khát cống hiến, có rung cảm mãnh liệt với những gì tốt đẹp để tạo ra tác phẩm có giá trị.

                                         


@ Nhân nói về các giá trị, trước cuốn “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”, ông đã xuất bản bộ sách dành cho thiếu nhi có tên “Bi Bi và Mặt Đen”, với hơn 1.000 trang sách gồm 200 câu chuyện khác nhau. Ở tuổi 70, đó có phải một sự dấn thân cho giá trị nhân văn?
Phạm Việt Long: Tôi đã sống lại tuổi hồn nhiên và cố gắng hiểu trẻ em ngày nay nghĩ suy như thế nào. Viết và xuất bản bộ truyện này, trước hết tôi muốn thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm của tôi với các cháu ngoại của tôi nói riêng và với các cháu thiếu nhi nói chung.
Nhân vật Bi Bi là tên cháu gái tôi gọi ở nhà, còn Mặt Đen được hư cấu hoàn toàn, đối nghịch tính cách Bi Bi, nhưng hai nhân vật đều có chung phẩm chất ngoan hiền, hướng thiện. Tôi muốn bộ sách đến được với đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, để các cháu được giải trí một cách bổ ích, qua đó giúp các cháu có được hiểu biết thêm về các vùng miền của đất nước, cuộc sống của các bạn nhỏ từ thành thị đến nông thôn, đồng thời có thêm kỹ năng sống, hướng tới những giá trị nhân văn.

@ Ông cũng đang lo lắng khi trẻ thơ ngày hôm nay bị đánh mất hoặc bị tước mất sự hồn nhiên?
Phạm Việt Long: Tôi rất lo lắng, bởi thấy các cháu nhỏ thời nay bị ảnh hưởng của nhiều thứ tiêu cực trong xã hội quá. Trẻ em bị lạm dụng tình dục, lạm dụng làm việc, trong đó có cả nghệ thuật, giải trí. Chẳng hạn để cháu gái mới 13 tuổi đóng cảnh nóng trong phim “Vợ ba”, nhiều cháu bị dẫn vào thế giới showbiz với rất nhiều nỗi ngang trái, ảnh hưởng xấu tới nhân cách của các cháu. Thêm nữa, trẻ em tiếp xúc với môi trường mạng xã hội quá sớm khiến không ít em bị đầu độc, hấp thụ những cái xấu. Trách nhiệm của người lớn là phải giúp trẻ em tránh xa cái xấu, dung nạp những điều tốt đẹp.

@ Nhiều người vẫn nói, văn học thiếu nhi thời nay vừa thiếu vừa yếu. Ông có nhận định gì?
Phạm Việt Long: Tôi đồng tình với nhận định trên. Điều này có lỗi ở các nhà văn, trong đó có tôi và có lỗi ở cả phía độc giả. Nhà văn viết cho thiếu nhi còn ít, chưa hấp dẫn. Bản thân tôi viết cả chục đầu sách nhưng nay mới có một bộ viết cho thiếu nhi.
Nhưng, có lần định tặng bộ sách tâm huyết ấy của mình cho ông bạn để ông ấy tặng các cháu của mình, thì ông ấy hỏi: “Sách có nhiều tranh không? Phải nhiều tranh thì mới hay”, khiến tôi buồn quá. Nhà văn viết sách ra cần được bạn đọc ủng hộ, bằng cách mua sách, đọc sách, nếu không thì nhà xuất bản nào dám xuất bản, họ lỗ chết! Ai cũng chỉ chăm chăm mua truyện tranh, thì truyện chữ xuất bản ai mua? Do vậy, cần phát huy sự nỗ lực của cả hai phía, phía nhà văn dành tâm huyết viết sách cho thiếu nhi, phía phụ huynh dành tiền mua sách cho con em mình, hướng dẫn con em mình lựa chọn và đọc sách, ủng hộ việc xuất bản những cuốn sách có giá trị, được như vậy thì sách thiếu nhi mới vươn lên được.

@ Một vấn đề nữa là sự phát triển tràn lan của truyện tranh đang làm cho thiếu nhi lười đọc chữ. Chúng ta phải có biện pháp gì để làm giàu có tâm hồn trẻ thơ, giúp các em yêu tiếng Việt và chăm đọc sách?
Phạm Việt Long: Truyện tranh nhập của nước ngoài quá ít lời văn, câu văn cụt lủn, khiến rất nhiều người lo lắng. Loại sách đó tạo thói quen cho các cháu xem sách chứ không phải là đọc sách. Bởi như ta vẫn nghe nói “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng”, thứ ngôn ngữ trong truyện tranh cụt, thô khiến cách suy nghĩ của các cháu nông cạn và làm hỏng cách hành văn của các cháu. Nội dung loại sách này lại hay tung hô lối ứng xử quậy phá, châm chọc, tìm nụ cười trong cách “chơi khăm” người khác... khiến các cháu bắt chước, hại nhân cách của các cháu. Văn hóa -  nghệ thuật, trong đó có văn học và âm nhạc, là dưỡng chất vô cùng quý giá cho tâm hồn. Các bậc phụ huynh cần dành thời gian, tâm huyết dạy dỗ con cháu mình, trong đó có việc hướng dẫn các cháu đọc sách, tạo thói quen đọc sách cho các cháu, tạo ra một tầng lớp độc giả biết thưởng thức văn học lành mạnh và bổ ích, từ đó kích thích sự sáng tạo của các nhà văn và tạo thị trường để các nhà xuất bản đầu tư, xuất bản những cuốn sách có giá trị.

@ Qua những cuốn sách, hẳn ông muốn một lần nữa nhắc lại, khơi dậy tình yêu con người, khát vọng vươn tới những điều giản dị, tốt đẹp?
Phạm Việt Long: Vâng, tình yêu thương con người, khát vọng vươn tới những điều giản dị, tốt đẹp vốn vẫn đang có trong mỗi người chúng ta, nhưng có khi bị che mờ bởi nhiều thứ bộn bề trong cuộc sống. Khi viết sách, tôi càng nhận thức rõ hơn rằng nghệ thuật có bốn chức năng rõ ràng, đó là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí.
Thời của chúng tôi, nghệ thuật, trong đó có ca khúc đã giúp chúng tôi được giải trí rất thoải mái, vui vẻ, đồng thời ngấm những giá trị tốt đẹp thuộc về con người vào tâm hồn, giúp chúng tôi hình thành nhân cách tốt, đẹp, để khi cần cống hiến cho đất nước, chúng tôi thực hiện một cách tự nhiên, dễ dàng. Bây giờ, chúng ta cần coi trọng cả bốn chức năng ấy để cuối cùng, qua nghệ thuật, chúng ta góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

@ Ông có thấy áp lực khi hiện nay vẫn phải làm cùng lúc nhiều công việc, cả công tác xuất bản, quản lý một ấn phẩm tạp chí?
Phạm Việt Long: Tôi không dám nói “Tuổi cao chí càng cao”, nhưng cũng tự thấy tuy tuổi cao, nhưng làm việc vẫn ổn, thậm chí nhờ có công việc mà mình được giao lưu, hoạt động, vì thế mà vui, khỏe hơn. Về công việc lãnh đạo, quan trọng là biết cách tổ chức để đội ngũ cán bộ, nhân viên trong cơ quan phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều nhất, người lãnh đạo không bao biện, làm thay.
Về sáng tác, quả thật là tôi không bao giờ đặt ra kế hoạch mình phải viết gì, mà cứ tùy sở thích, gặp đề tài, thể loại nào thấy tâm đắc thì viết, cho nên viết khá thoải mái, không chịu sức ép nào cả.
Làm lãnh đạo một Nhà xuất bản, tôi thấy rất hạnh phúc, vì đấy là môi trường rất tốt khơi dậy sự sáng tạo, khiến tôi tìm và thực hiện khá nhanh các chủ đề văn học. Tôi cảm thấy về hưu rồi, làm việc lại nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn khi đương chức. Như đã nói ở trên, tôi không đặt ra kế hoạch viết lách gì cả. Thiếu nhi vẫn là đối tượng tôi rất quan tâm, ưu ái. Nhưng viết về các cháu, viết cho các cháu, quả là rất khó.

@ Xin trân trọng cảm ơn ông!

                  

Nguồn: Cảnh Sát Toàn Cầu