Rất nhiều trong số những người thể hiện lòng tri ân với người làm báo nhân dịp 21-6, chính là những nhân vật giải trí của làng Vpop. Việc gửi nhau chút quà tặng vào ngày kỷ niệm cũng là chuyện bình thường. Nhưng chính trong cái bình thường ấy, có không ít người làm nghề nhận ra rằng đang tồn tại một thứ bất thường trong đời sống âm nhạc hằng ngày. Mỉa mai thay, cái bất thường ấy đang ngày một trở nên nghiễm nhiên.



ĐỐI TÁC CỦA NHÀ BÁO LÀ AI?

VĂN ĐOÀN

Mỗi năm, đúng ngày này, những người làm nghề báo lại được nhận những lời chúc, nhận hoa, quà tặng và thậm chí là cả… phong bì từ những người quen, đối tác của mình. Sẽ thật lạ nếu ngồi mổ xẻ “đối tác của nhà báo là ai?”. Nhưng thôi, tạm bỏ qua chuyện đó để nhìn nhận những người đã từng được người làm báo giúp đỡ cũng tạm gọi là đối tác, và ngày 21/6 tới, họ muốn thể hiện lòng tri ân. Và nhiều trong số những người thể hiện lòng tri ân với người làm báo chính là những nhân vật giải trí của làng Vpop. Trong mối quan hệ hai bên cùng cần nhau, mà cụ thể là báo chí chạy theo xu hướng của độc giả thì rất cần những ngôi sao giải trí Vpop và ngược lại, các ngôi sao Vpop cũng cần báo chí trong các đợt truyền thông của mình.
Việc gửi nhau chút quà tặng vào ngày kỷ niệm cũng là chuyện bình thường. Nhưng chính trong cái bình thường ấy, có không ít người làm nghề nhận ra rằng đang tồn tại một thứ bất thường trong đời sống âm nhạc hằng ngày. Mỉa mai thay, cái bất thường ấy đang ngày một trở nên nghiễm nhiên. Hãy mở một trang tổng hợp báo chí hiện nay, ví dụ như trang baomoi.com hoặc docbao.vn chẳng hạn, để lần tìm vào mục “Âm nhạc” của họ, liệu chúng ta sẽ tìm được gì? Sẽ là hàng trăm, hàng ngàn tin, bài liên quan đến Vpop, Kpop và âm nhạc quốc tế từ rất nhiều các tờ báo lớn nhỏ khác nhau, từ báo uy tín cho đến báo “cỏ”. Nhưng trong số hàng trăm, ngàn tin bài tạm gọi là có liên quan đến chủ đề Âm nhạc ấy, chúng ta kiếm tìm được bao nhiêu bài có chất lượng chuyên môn thực sự, phân tích, đánh giá, bình luận về một sản phẩm âm nhạc với kiến thức đúng nghĩa?
Cực hiếm, nếu không nói là có những thời đoạn tuyệt nhiên không có. Số lượng bài vở nghiêm túc thuộc diện cực hiếm ấy đã trở thành những tiếng nói đơn lẻ, yếu ớt của báo chí văn nghệ hôm nay, khi mà lực lượng hùng hậu nhấn chìm nó là những tin bài nhăng nhố kiểu như kể lại chuyện một ca sỹ ngã sẽ trẹo chân hay một cô nàng hot-girl chuyển giới chứng minh rằng mình đủ sức ngồi ghế nóng một chương trình giải trí theo mùa.
Sự khan hiếm của những bài báo văn nghệ có kiến thức đến từ chính đội ngũ làm nghề báo thiếu kiến thức chuyên môn mà mình phụ trách. Nếu như ở mảng kinh tế, một nhà báo kinh tế có những am hiểu khá sâu sắc về thị trường, về sản xuất, về tài chính… hay ở mảng nội chính, một nhà báo có thể nắm rất vững về cơ chế, chính sách, luật pháp… thì ở mảng âm nhạc nói riêng, hiện trạng hôm nay là đa số những người cầm bút mù nhạc và kinh khủng hơn là mù mờ cả về cảm thụ âm nhạc.
Nếu thế hệ nhà báo làm mảng văn nghệ kỳ cựu có những tay bút như Hải Ninh, Hữu Trịnh… là những người từng tốt nghiệp Nhạc viện đàng hoàng thì thế hệ những người làm báo văn nghệ thời nay gần như không có người nắm được solfège. Nếu thế hệ kế tiếp những người như Hải Ninh, Hữu Trịnh còn có những nhà báo sinh ra vào khoảng thập niên 70-80 vẫn chịu khó đi học khoá “Music Appreciation” (Cảm thụ âm nhạc) của Trường MPU tổ chức để nhằm làm nghề tốt hơn nữa thì thế hệ làm báo sinh ra từ sau năm 90 trở lại đây tuyệt đối xem thường. Cơ bản không phải họ xem thường âm nhạc. Cơ bản, họ cho rằng làm báo văn nghệ thì chỉ cần đưa tin về ngôi sao là đủ. Và tất cả họ đều quên rằng, thứ tạo nên ngôi sao là sản phẩm, chứ không chỉ là công nghệ hay thậm chí là cả sự lố lăng câu khách tầm xàm.
Đến bây giờ, những người làm báo thế hệ cũ (tạm gọi những người sinh từ thập niên 80 đổ về trước) vẫn thi thoảng ngồi lại với nhau và ngạc nhiên không hiểu nổi tại sao lại có những sản phẩm truyền thông ở mảng văn nghệ có thể được coi là sản phẩm báo chí. Ở thời của họ, chuẩn mực khắt khe không cho phép điều đó tồn tại.
Và vẫn biết, thời thế đã khác, song không thể đổ cho thời thế để cứ kệ nó như thế. Định hướng thời thế không lệch chuẩn vẫn phải là con người, nhất là con người dám dũng cảm làm nghề cầm bút. Và khi đã cầm bút để đụng đến lĩnh vực nào đó, ít ra cũng phải có sự tự trọng tối thiểu để nghiên cứu về nó, dù chỉ là lớp bề nổi đơn thuần. 


Nguồn: Văn Nghệ Công An