Với mạng xã hội, thì một cá nhân ở nơi hẻo lánh cũng tương đương với một cá nhân ở nơi đô hội về khả năng tiếp nhận thông tin cũng như truyền đạt thông tin. Nói cách khác, chỉ cần một tài khoản Facebook thì ai cũng oai như… “Tổng Biên tập” một tờ báo mang phẩm cách riêng mình.



BÁO CHÍNH THỐNG VÀ MẠNG XÃ HỘI TRONG CUỘC GIẰNG CO KHÔNG CÂN SỨC

LÊ THIẾU NHƠN

Tại hội thảo “Báo chí tuyên truyền văn hóa nghệ thuật” do Trường Đại học Văn Lang tổ chức nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đã có nhiều ý kiến than phiền về tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với chất lượng phản ánh của báo chính thống. Nhìn rộng ra, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mà mọi mặt đời sống đang có sự giằng co không cân sức giữa báo chính thống và mạng xã hội!

Đến bây giờ, không còn ai dám nghi ngờ sức mạnh của Facebook hoặc Youtube với từng hoạt động thường ngày. Ngay cả Hội Nhà báo VN cũng phải ban hành Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, chứng tỏ nhà báo chuyên nghiệp cũng phải dè chừng sức ảnh hưởng từ phía những thông tin trăm hồng ngàn tía trên không gian ảo. Hai yếu tố quan trọng của công nghệ đã chia đều quyền thông tin cho mọi người là giải trung tâm (decentralization) và giải chính thống (delegitimisation). Với mạng xã hội, thì một cá nhân ở nơi hẻo lánh cũng tương đương với một cá nhân ở nơi đô hội về khả năng tiếp nhận thông tin cũng như truyền đạt thông tin. Nói cách khác, chỉ cần một tài khoản Facebook thì ai cũng oai như… “Tổng Biên tập” một tờ báo mang phẩm cách riêng mình. Tuy nhiên, cái tiện ích ấy của mạng xã hội lại tạo nên nhiều hệ lụy cho báo chính thống!

Báo chính thống phải chấp nhận quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi công bố một thông tin, còn mạng xã hội dễ dãi chấp nhận luôn tin đồn. Do đó, hai trạng thái nảy sinh, báo chính thống chạy đua với mạng xã hội, đồng thời báo chính thống cũng bị quấy rối bởi mạng xã hội. Không thể phủ nhận, mạng xã hội rất nhanh nhạy và rất đa dạng. Thế nhưng, mạng xã hội cũng dung chứa cả sự phiến diện và sự cực đoan. Sự kết nối thường xuyên và dày đặc của mạng xã hội tạo những hiệu ứng dây chuyền rất khó đoán định và rất khó kiểm soát. Mạng xã hội giúp báo chính thống có được những “từ khóa” quan trọng để nắm bắt xu hướng độc giả, nhưng mạng xã hội cũng đẩy báo chính thống vào thế bị động khi lan tỏa những thông tin hư nhiều hơn thực, xấu nhiều hơn tốt.

Có những người chơi Facebook nổi tiếng có lượng theo dõi vài trăm ngàn, cao hơn nhiều so với số lượng phát hành của một nhật báo. Cho nên, sự cạnh tranh giữa họ và báo chính thống đã thúc đẩy những thông tin được cập nhật liên tục hơn, chuẩn xác hơn, sâu sắc hơn. Thực tế, có không ít nhà báo chuyên nghiệp đã chuyển hướng tác nghiệp, xem Facebook mới là diễn đàn chính của mình. Cái điện thoại thông minh phủ sóng khắp nơi, khiến độc giả tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thay cho hành vi mua báo và đọc báo. Kết quả của sự chọn lựa nhiều toan tính và đầy tinh ranh kia, đã khiến báo chính thống bị thua thiệt về thị trường phát hành lẫn doanh thu quảng cáo. Những thuật toán khôn ngoan của Facebook và Youtube đã chinh phục được nhiều doanh nghiệp và nhiều thương hiệu, khi cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu khách hàng hiện hữu và khách hàng tiềm năng tương thích với từng sản phẩm. Báo chính thống chắc chắn sẽ thất bại trước mạng xã hội, nếu không chuyển đổi phù hợp theo tiện ích công nghệ mà chỉ gửi gắm hy vọng vào những độc giả trung thành với báo in. Báo chính thống có e ngại mạng xã hội không? Có chứ! Facebook và Youtube không chỉ thâu tóm nguồn lợi quảng cáo, mà còn có biên độ thoải mái cho những thông tin chưa qua kiểm duyệt. Muốn giữ vị trí của mình không lòng bạn đọc, báo chính thống phải nâng cao chất lượng của thông tin, sao cho bổ ích hơn, sao cho hấp dẫn hơn. Ưu điểm của báo chính thống nằm ở những nhà báo chuyên nghiệp, với tài năng phân tích thông tin lẫn tài năng diễn đạt thông tin. Cụ thể, báo chính thống phải vượt lên mạng xã hội không bằng thông tin về cái đã xảy ra hoặc cái đang xảy ra, mà bằng thông cái sẽ xảy ra, cái cần xảy ra. Bản lĩnh ấy, những “Tổng Biên tập” báo… Facebook không thể có được!

Giữa cuộc so kè giữa báo chính thống và mạng xã hội, còn có một đối tượng hưởng lợi dễ nhìn thấy khác là các trang tin điện tử. Không phải báo chính thống cũng không phải mạng xã hội, các trang tin điện tử dung hòa cả hai nền tảng thông tin để tồn tại một cách trớ trêu. Trong hành trình quy hoạch báo chí quốc gia, không ít ý kiến đã cảnh tỉnh về sự hoạt động tung tẩy của các tạp chí điện tử. Tuy nhiên, tạp chí điện tử còn có cơ quan chủ quản để quản lý, còn các trang tin điện tử thì muôn hình vạn trạng mà Cục Báo chí hoặc các Sở Thông tin Truyền thông cũng chưa có giải pháp nào hữu hiệu để thiết lập trật tự. Có những trang tin điện tử cũng thành lập ban bệ chuyên môn, cũng gửi công văn đe nẹt các đơn vị kinh tế, cũng gửi thư chào mời quảng cáo và cũng cấp Thẻ Phóng Viên tác nghiệp dọc ngang như một cơ quan báo chí chính quy. Có một công ty cổ phần đã nhờ tài chính của một quỹ đầu tư mạo hiểm để tổ chức nhiều trang thông tin điện tử chi phối thị trường, mà công chúng bình thường cứ ngỡ họ là một tập đoàn truyền thông. Khi Hiến pháp đã quy định cấm tư nhân hóa báo chí, thì sự xuất hiện của những công ty cổ phần như vậy, thực sự là một câu hỏi khiến những nhà báo chuyên nghiệp phải băn khoăn!

Để có một trang thông tin điện tử xem ra quá đơn giản. Chỉ cần thành lập công ty rồi xin đăng ký trang web, và hồn nhiên làm một tờ báo giả mạo. Cách khéo léo nhất là nghĩ ra tên trang web rồi đặt tên công ty tương tự để có cơ hội hành nghề báo chí. Ví dụ, trang thông tin điện tử Ngôi Sao Việt ngạo nghễ trên mạng, vì nó là sở hữu của công ty Ngôi Sao Việt. Càng tìm hiểu càng buồn cười, có công ty đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh nhưng chẳng có hoạt động thương mại hoặc dịch vụ nào, ngoài việc… thực hiện trang tin điện tử theo mô hình tờ báo chính danh. Vì không có cơ quan chủ quản cũng không được giám sát chất lượng, nên các trang tin điện tử lao vào những trò câu khách rẻ tiền, với những thông tin như diễn viên X lộ nội y hoặc ca sĩ Y bị đánh ghen. Giới nghệ sĩ sợ các trang tin điện tử vì họ sẵn sàng “mớm” cho người mẫu họ mạt sát đồng nghiệp, hoặc vô tư thêm mắm thêm muối cho mâu thuẫn show biz. Giới kinh doanh cũng sợ các trang tin điện tử vì họ không cần đạo đức hay tự trọng, mà chỉ nhăm nhăm “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”. Sự bát nháo kia làm sao giải quyết? Giấy phép công ty thì đăng ký ở Sở Kế hoạch Đầu tư, còn trang tin điện tử thì đăng ký ở Sở Thông tin Truyền thông, mà hai đơn vị này thì ít cơ hội phối hợp liên ngành để kiểm tra khoảng cách xa xôi giữa mục đích lập công ty và mục đích lập trang thông tin điện tử. Không thể che đậy một biểu hiện rõ ràng, chính các trang thông tin điện tử đang làm nhiễu loạn thị trường báo chí. Hầu hết, các trường hợp giả danh nhà báo để quấy nhiễu doanh nghiệp hoặc đưa tin giật gân câu khách đều xuất phát từ các trang tin điện tử. Nếu quy hoạch báo chí quốc gia, mà không có biện pháp chế tài các trang tin điện tử thì chất lượng báo chí vẫn là một ẩn số đáng hoài nghi.

Hiện nay có bao nhiêu trang tin điện tử đang hoạt động kiểu báo chí? Có lẽ không ai trả lời được, vì chưa có thống kê nghiêm túc và chi tiết. Báo chính thống và mạng xã hội đang có cuộc giằng co không cân sức, thì các trang tin điện tử lại ngang nhiên “đục nước béo cò”. Nguồn lợi mà các trang tin điện tử có được, đã đổi bằng tai tiếng của báo chính thống chăng? Độc giả chỉ phân biệt được báo chính thống và mạng xã hội, chứ độc giả không cách nào biết các trang tin điện tử đang khoác ác báo chính thống ngược ngạo ra sao. Có lẽ đã đến lúc, các cơ quan quản lý phải có cái nhìn tổng quan hơn và nghiêm khắc hơn về các trang tin điện tử. Bởi lẽ, một thông tin trên báo chính thống khi qua sự cóp nhặt vi phạm bản quyền của các trang tin điện tử, sẽ dẫn đến sự sai lệch nghiêm trọng và mức độ tin cậy, và trực tiếp gây nhiễu loạn cho đối tượng tiếp nhận. Nếu Luật Báo chí dành cho báo chính thống, và Luật An ninh mạng dành cho mạng xã hội, thì luật nào dành cho các trang tin điện tử? Một câu hỏi rất nhỏ mà muôn trùng ái ngại…/.