“Nếu tính ra, 1 tỷ đồng chia cho cả êkip người mua, người bán, và người được thụ hưởng cũng đồng nghĩa với việc một tỷ đồng đó chia cho nhân cách, đạo đức, danh dự, nhân phẩm thậm chí cả tương lai của một thí sinh hoặc cả e kip là quá rẻ. Nó chỉ đắt khi sự việc đã bị phát hiện, đó là cái giá phải trả quá đắt”




MỘT TỶ ĐỒNG CHẠY ĐIỂM, ĐẮT HAY RẺ?

@ Khi nhận được thông tin giá trung bình cho một suất chạy điểm lên tới 1 tỷ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa được các nghi phạm ở Sơn La bước đầu khai nhận với cơ quan điều tra, từng là người phản ứng mạnh mẽ với những nạn tiêu cực trong môi trường giáo dục, bà có “sốc” không khi đón nhận thông tin này?
Phạm Thị Minh Hiền: Trước khi đặt vào cảm xúc của dư luận, tôi đặt mình vào cảm xúc của những thí sinh và gia đình thí sinh có số điểm xứng đáng nhưng lại bị tước đi cơ hội thì thấy rằng không sốc. Mà chỉ là sự uất nghẹn vì thật sự họ đã rất nỗ lực, phấn đấu không chỉ một mình thí sinh mà cả gia đình cùng định hướng, nỗ lực cùng các em trong suốt quá trình học tập để hướng đến mục tiêu nhưng vì những con người có mục đích xấu trong giáo dục đã tước đi cơ hội của các em.
Nếu tính ra, 1 tỷ đồng chia cho cả êkip người mua, người bán, và người được thụ hưởng cũng đồng nghĩa với việc một tỷ đồng đó chia cho nhân cách, đạo đức, danh dự, nhân phẩm thậm chí cả tương lai của một thí sinh hoặc cả e kip là quá rẻ. Nó chỉ đắt khi sự việc đã bị phát hiện, đó là cái giá phải trả quá đắt.

@ Có ý kiến cho rằng, sự việc không chỉ dừng lại tước đi cơ hội của hơn trăm thí sinh khác mà nó là biểu hiện của sự tha hoá trong trường học. Nhất là khi đặt nó trong bối cảnh rất nhiều vấn để, vấn nhiều vụ việc có chiều hướng xấu xảy ra trong môi trường giáo dục gần đây, bà có đồng tình với quan điểm này không?
Phạm Thị Minh Hiền: Đúng vậy, sự tha hóa của những con người có mục đích xấu trong giáo dục đã tước đi cơ hội của các em. Qua sự việc này, chúng ta phải thấy được sự thật, đồng tiền đã làm tha hóa, như là một hệ thống để rồi chúng ta phải đặt ra câu hỏi và tìm ra giải pháp. Tha hóa thực ra chỉ là cái ngọn.
Đừng nói tới cải cách, bây giờ phải làm sao để người dân và học sinh, phụ huynh và lớp lớp thế hệ các thầy cô giáo phải nhận thức một cách đúng đắn về vấn đề học tập và giáo dục thì lúc đó chúng ta mới nói chuyện cải cách. Chúng ta cứ nói chuyện cải cách, đề án này, đề án khác rất nhiều tiền, tốn tiền của nhưng rồi xã hội thấy bộ mặt xấu, những khía cạnh rất cay đắng của ngành giáo dục... Mà việc bàn cũng chỉ loanh quanh không vào thằng vấn đề, phải bàn sâu.
Tôi đã có rất nhiều góp ý về vấn đề giáo dục, từng có nhiều người cho rằng giáo dục dễ bàn lắm nhưng làm khó, nếu đặt mình vào họ mà làm thì sẽ thấy. Nhưng với vai trò của tôi trong hiện tại - được giao trọng trách của một đại biểu dân cử thì mình phải bàn, bàn cho ra vấn đề.

@ Vậy vấn đề ở đây là gì thưa bà?
Phạm Thị Minh Hiền: Câu chuyện gian lận thi cử, dư luận mới chỉ tập trung xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm các phụ huynh học sinh và cách xử lý đối với các thí sinh nhưng tôi nhận thấy chưa ai nhắc tới mấu chốt vấn đề.
Tôi được biết, ngân hàng câu hỏi, và phần mềm chấm thi được xem như là bí mật quốc gia nhưng vì đâu, cách làm như thế nào mà người ta bỏ đồng tiền ra mua quá sức dễ dàng như vậy? Bí mật quốc gia đâu phải mua bằng tiền, nhưng người ta đã mua được. Mấu chốt vấn đề ở chỗ đó, tại sao chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật này. Tại buổi thảo luận ở tổ về phát triển KT - XH, tôi đã đưa vấn đề này ra…
Thứ hai là vấn đề chấm thi, tại sao phần mềm chấm thi có lỗ hổng “giết người” như thế mà vẫn có thể đưa vào sử dụng. Vấn đề đặt ra phần mềm này có được đánh giá chất lượng trước khi đưa vào sử dụng hay chưa? Rõ ràng, vấn đề không phải từ người mua, người thụ hưởng mà khâu “bán” - là một e kip, một hệ thống. Tại sao không nhìn vào vấn đề đó? Chúng ta đã có những động thái và hành vi tiếp tay cho những sự tha hóa. Sự dễ dãi, quản lý lỏng lẻo, chủ quan và có thể vì lợi ích của một nhóm người nào đó đã tiếp tay cho những hành vi tiếp theo. Sự tha hóa, vơ vét đến tận cùng mà không nhìn thấy hệ quả của bao lớp thế hệ học sinh đang, đã phải gánh chịu. Giáo dục là tri thức của một quốc gia, tương lai đất nước sẽ đi về đâu?

@ Giữa bối cảnh như hiện nay, theo bà gia đình, nhà trường, các cơ quan quản lý sẽ phải làm gì để… giải quyết tận gốc những vấn nạn này?
Phạm Thị Minh Hiền: Có rất nhiều giải pháp, nhưng theo tôi, trong trường học nên có bộ phận làm công tác xã hội. Ở đó, nhân viên công tác xã hội sẽ hoạt động theo chuyên ngành mà họ đã được đào tạo, họ sẽ nhận diện được những vấn đề tiềm ẩn sau đó kết hợp các nguồn lực để giải quyết vấn đề tận gốc, vừa giải quyết tâm lý, vừa trợ giúp pháp lý vừa kết nối với gia đình, nhà trường, cộng đồng để giải quyết những vấn đề của mỗi cá nhân trong trường học một cách hài hòa. Như vậy mới giải quyết được vấn đề một cách thỏa đáng.
Đối với các bậc cha mẹ, theo tôi phải trang bị cho con mình một loại vitamine đề kháng để nhận diện vấn đề, để xác định việc học là cho mình, việc học là cả đời chứ không phải vì “ai đó”, không phải đi “vay mượn” hay đi “mua”… Và việc học trước hết không chỉ học vì điểm số, mà học để làm người. Cha mẹ thay vì chạy chọt, mua, xin thì hãy trang bị cho con mình ngay từ khi còn nhỏ thái độ không luồn cúi, không khuất phục và hiểu được rằng năng lực của mình mới là giá trị, phải định nghĩa được giá trị của chính bản thân các con thì mới phát triển được.

@ Xin cảm ơn bà!

NGÔ HUYỀN - Báo Kiến Thức Gia Đình