Mọi người đều nói về Marilyn Monroe như về một nàng Lọ Lem trong truyện cổ. Thực tế, chuyện đời của người đẹp cực kỳ bi kịch. Và càng đáng tiếc hơn, cuộc đời ấy không có chỗ dành cho các chàng hoàng tử. Nếu giả như Marilyn Monroe còn sống, liệu bà có thể đếm được chính xác con số những cuộc tình bà đã trải qua? Ấy vậy muốn tính những lần hôn nhân hợp pháp của bà lại không khó khăn. Tất cả chỉ 3 lần và kết thúc đều bằng các cuộc ly hôn. Những người đàn ông có may mắn lồng chiếc nhẫn cưới vào “biểu tượng tình dục của nước Mỹ liệu sống có vui vẻ, thoải mái dưới một mái nhà với bà hay không?



NHỮNG NGƯỜI CHỒNG CỦA MARILYN MONROE ĐÃ MAY MẮN HAY BẤT HẠNH?

TÔ HOÀNG

Người chồng đầu tiên, nhịp cầu đầu tiên
Những đám thành hôn  sớm sủa thường diễn ra bởi hai nguyên nhân: Hoặc bởi một tình yêu lớn, hoặc bởi những nguyên do “bất khả kháng” nào đó. Trường hợp Marilyn Monroe xảy ra khi cái tên Norma Jean Baker còn hoàn toàn chưa ai biết tới, và nếu có đọc to lên cũng không gợi ở ai một chút xúc cảm nào. Cha của Norma mất tích khi cô gái còn chưa cất tiêng khóc chào đời. Bà mẹ của ngôi sao màn bạc tương lai thì mắc chứng tâm thần. Bởi vậy, còn rất nhỏ tuổi cô bé Norma bất hạnh này, đã phải rời tổ ấm gia đình trở thành con nuôi của một gia đình khác. Cần nói thêm, ngay từ khi còn tấm bé Norma đã rất không hài lòng, bực bội với sự nghèo khổ; nghiệt ngã đối với chính bản thân. Chính bởi vậy khi ở chân trời xuất hiện James Dougherty, một chàng trai đưa tay đón Norma về làm vợ, giúp cô gái quên phắt đi cuộc sống nghèo khổ, thiếu nữ vui vẻ chấp nhận ngay. Hai người đăng ký kết hôn vào ngày 19 tháng Sáu năm 1942. Ngay sau đó quý bà Dougherty bỏ dở việc học hành, đi theo chồng và tìm việc ở một nhà máy quốc phòng.   
Đương nhiên nữ hoàng điện ảnh tương lai không mong ước vươn đến một cuộc sống nhạt nhẽo. Và phận số dường như cũng nghe ra nguyện vọng ấy, nên đã tạo cơ hội cho cô bước vào đời. Norma không bỏ qua cơ hội đó. Vào tháng 6 năm 1945, tại công xưởng nơi Norma làm việc có một nhà nhiếp ảnh quân sự tên David Conover tìm đến để làm một loạt ảnh phóng sự về người phụ nữ trong các nhà máy quốc phòng. Cần nói ngay, nhà nhiếp ảnh này làm theo yêu cầu của một nhân vật tiếng tăm- Ronald Reagan. Vào thời điểm ấy Ronald Reagan còn phụ trách một nhóm diễn viên và chỉ mới bắt đầu con đường hoạt động chính trị. Đương nhiên cái nhìn mang tính nghề nghiệp của ông ta để ý ngay tới bà Dougherty. Ronald Reagan cho chụp một loạt ảnh cần thiết, và sau buổi chụp ảnh đó liền đề nghị nàng thiếu nữ tóc bạch kim ấy làm người mẫu với một khoản thù lao không nhiều. Bà Dougherty đồng ý. Chỉ với 5 dollar trả cho 1 giờ như vậy, ngôi sao tương lai của Hollywood đặt những viên gạch đầu tiên cho con đường công danh của mình.
Cuộc hôn nhân với James Dougherty dần dần lùi xuống hàng thứ hai. Khát vọng của bà Dougherty lớn hơn ước mong của đức ông chồng rất nhiều. Norma muốn trở thành một tài tử tên tuổi vang dội thế giới. Những bức ảnh thuở nào tự hoàn thiện công việc của mình, khi lọt vào ánh mắt nhiều nhà làm phim. Vào tháng 8-1946, người ta đề nghị Norma ký hợp đồng với Hãng phim 20th Century Fox. Cũng ngay từ thuở đó những nhà sản xuất phim tinh mắt thính tai đã khuyên cô diễn viên trẻ mới bước vào nghề hãy đổi tên khác  làm sao cho mái tóc sáng màu hơn chút nữa. Kết quả là cô gái Norma đã trở thành nàng Merilyn Monroe tóc bạch kim. Mái tóc và cái tên cũ biến đi cùng với cuộc hôn nhân lần đầu.
Vào tháng 9 cũng năm đó ngôi sao điện ảnh tương lai ly hôn với Dougherty. Nàng băt đầu cuộc sống độc thân nhưng điều này không khiến người đẹp mảy may buồn. Sau này trong các cuộc trả lời phỏng vấn Meriryl Monroe đều khư khư một điều rằng nàng chưa từng yêu Dougherty. Một tình yêu thực sự đang chờ nàng ở phía trước…

Ngôi sao bóng rổ: Đánh đập có nghĩa là yêu?
Cuộc hôn nhân thứ hai diễn ra trong cuộc đời của nữ diễn viên khi danh hiệu “biểu trưng sex của nước Mỹ” như một chiếc vương miện Merilyn Monroe đã đội chắc chắn trên đầu. Monroe đã có cả những đám đông người sủng ái, nhưng người đẹp tóc bạch kim biết khoanh vùng đối tượng với một  ngôi sao nổi tiếng khắp nước Mỹ. Đó là cầu thủ bóng rổ Joe Dimaggio, 37 tuổi, vào thời điểm đó như đã hoàn thiện công danh thể thao của mình và trở thành thần tượng của hàng triệu người. Joe và Monroe có cái nhìn hoàn toàn khác nhau về cuộc sống. Chàng muốn tiện nghi gia đình, sự ấm áp và được chăm sóc. Nàng tiếp tục muốn tìm tiếng tăm trong những vai diễn mới. Thành thử ngay từ khi cặp đôi về chung sống dưới một mái nhà, mọi người đã hiểu rằng mối quan hệ giữa hai người sẽ không kéo dài và cả hai đang chơi trò mạo hiểm.
Ngày 14 tháng Giêng năm 1954, Merilyn và Joe chính thức trở thành vợ chồng. Cặp đôi này bí mật làm lễ thành hôn tại tòa thị chính San-Fransico. Nữ minh tinh bận một bộ đồ giản dị với những chấm hoa nhỏ trên vải, không có khăn voan choàng vai. Nhưng cánh nhà báo vẫn phát hiện ra buổi hôn lễ ấy nên xúm đến phỏng vấn, chụp hình. Từ giờ phút này Dimaggio bắt đầu hiểu rằng, sẽ không bao giờ có sự yên ả, bình lặng tới với cuộc sống của hai vợ chồng nữa. Dẫu sao sau đám cưới hai người vẫn có những tuần lễ hạnh phúc tại Palm-Spint, nơi tuyệt nhiên không hề có sự dòm dỏ của những ống kính, sự ồn ào của đám nhà báo và những người hâm mộ. Tiếp đó, mọi sự bắt đầu lại từ đầu: Những đám đông hâm mộ vây kín lấy Monroe, bất cứ ở nơi nào hai vợ chồng xuất hiện. Mỗi lần như vậy Joe mất bình tĩnh vì giận dữ. Càng bực bõ ,hơn khi anh nhận ra trong đám người sủng mộ kia có nhiều gã đàn ông. Joe công khai tỏ vẻ mất thiện cảm với Hollywood. Anh ta không cần tới công chúng. Theo những tin đồn, vì tính ghen tuông nhiều lần Joe đã thương cẳng chân hạ cẳng tay với Monroe.
Một chuyện xy ra trên trường quay bộ phim “Cơn ngứa vào năm thứ bảy”. Cảnh sau này cuốn hút người xem khi Merilyn Monroe mặc chiếc váy trắng để gió làm cho căng phồng lên khi đứng trước mấy chiếc quạt mạnh, trở thành giọt nước cuối cùng dẫn tới cuộc xung đột vợ chồng. Cuộc hôn nhân của hai ngôi sao cuốn hút toàn nước Mỹ chỉ kéo dài được 9 tháng. Tuy chia tay Monroe và Joe vẫn coi nhau là những người bạn thân thiết. Không lâu trước khi Monroe qua đời, hai người tỏ ý muốn trở thành vợ chồng một lần nữa (đám cưới ấn định diễn ra vào ngày 8 tháng 8 năm 1962, nhưng cái trớ trêu của số phận là ở chỗ vào đúng ngày ấy thi thể của Monroe được hạ huyệt). Sau ngày Marilyn Monroe qua đời, hóa ra Joe Dimaggio là người đàn ông duy nhất trong số đàn ông được Moroe yêu, đã đưa người đẹp tới mộ. Và hai mươi năm tiếp theo Joe vẫn tiếp tục mang hoa tới nghĩa trang đặt lên ngôi mộ người đàn bà mà ông yêu thương nhất..

Văn nhân ghét bỏ cô bé ngốc nghếch
Người chồng thứ ba cũng là người chồng cuối cùng của “biểu trưng sex của nước Mỹ là soạn giả Arthur Miller. Hai người làm quen với nhau ngay từ năm 1950 trong thời gian quay bộ phim “Anh vẫn còn trẻ”, nhưng họ chỉ gặp lại nhau 5 năm sau đó. Arthur Miller không phải là người đẹp trai nhưng là một trí thức, và Merilyn luôn luôn bị cuốn hút bởi những mẫu người như thế. Người đẹp rất muốn có bên cạnh một người đàn ông có thể làm cố vấn cho mình. Còn với nhà biên kịch học vấn cao như vậy, liệu sẽ tìm ra ở cô nữ diễn viên tóc bạch kim danh đang nổi như cồn điều gì đây? Thật không rõ.
Hai người làm lễ thành hôn vào ngày 29-5-1956. Lựa chọn cho mình một ngôi sao điện ảnh tầm cỡ thế giới, Arthur Miller không hề nghĩ rằng ông sẽ được hưởng thêm tiếng thơm và đám đông sủng ái. Và quả là đám phóng viên không khiến ông phải đau đầu. Nhưng bản thân Monroe cũng đã tạo nên cho chồng mình rất nhiều sự bận rộn. Người đẹp muốn được quan tâm, chăm sóc. Không đạt được ước nguyện đó, Monroe rơi vào trạng thái trầm cảm. Chỉ một tuần sau đám cưới, Miller đã ghi lại trong nhật ký: “Tôi có cảm giác nàng là một đứa trẻ, tôi thấy ghét nàng!”. Monroe đọc được trang nhật ký này và thế là giữa hai vợ chồng xy ra cãi cọ. Nhưng trái với tên gọi “cô gái tóc bạch kim ngốc nghếch”, Monroe biết nhắm mắt làm ngơ trước yêu ghét của ông chồng.
Tuy có sự bất đồng và những lần cãi cọ thường xuyên, Monroe vẫn mang thai. Người đẹp rất muốn làm mẹ, nhưng không giữ được thai nhi. Sự cố ấy càng đẩy Monroe lún sâu vào trạng thái trầm uất. Cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm tháng nhất trong cuộc đời Marilyn Monroe, nhưng đến năm 1961 thì hai người cũng chia tay.
Trở thành người tự do, Arthur Miller lấy nữ nhiếp ảnh Ingeborg Morat làm vợ. Nói thêm, Miller không có mặt trong đám tang Monroe, vì người vợ mới mang thai. Nhưng ly hôn cũng không có nghĩa đặt dấu chấm hết trong mối quan hệ giữa Moroe và Miller. Vài năm sau soạn giả Arthur Miller viết vở kịch “Sau lần đổ vỡ” về cuộc hôn nhân bẽ bàng giữa hai người. Trong vở kịch này Merilyn được miêu tả như một thiếu phụ không bình thường, thiếu khả năng tự điều chỉnh hành vi. Nhưng những người hâm mộ Moroe không chịu chấp nhận thần tượng của mình lại hiện lên sân khấu như thế. Một lần vở kịch diễn tại Paris nước Pháp, đã bị khán giả huýt sáo phản đối.
Quả là Merilyn Monroe rời khỏi cõi đời này có thể trong trạng thái u uất, trầm cảm. Người đẹp chưa phải là nàng tóc vàng thông minh, sâu sắc xứng đáng để hàng triệu triệu người tôn thờ. Nhưng trong tâm tưởng, trong ký ức của những ai đã từng yêu mến Monroe,  dầu gì đi nữa, ngôi sao này mãi mãi vẫn là biểu hiện không một ai bắt chước nổi, để bất cứ người đàn ông nào cũng phải ngơ ngẩn, mộng mơ…