Nhiều khi, Vũ Từ Trang vào vai nhà phê bình tác phẩm, đời văn trên những trang viết chân dung. Khác nhiều tác giả, ông không phủ kín mọi trang viết chỉ bằng các cảnh tượng đời thường hoặc những lời bàn luận về buồn vui số phận, nhiều khi quá xa với sự nghiệp văn chương. Ông dành một số dòng, có khi là cả đoạn văn cho việc thẩm bình sáng tác, nhận định sự nghiệp văn chương của đồng nghiệp.



VƯƠN TỚI VÒM TRỜI CAO CỦA VĂN CHƯƠNG
(Đọc Vì ai ta mãi phong trần” của Vũ Từ Trang, NXB Phụ nữ)

PHẠM ĐÌNH ÂN

Nhan đề bài viết này mượn một ý trong chân dung tập thể (bài duy nhất) khi nhà thơ Vũ Từ Trang nhớ về khóa 6 Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể là cố ý, ở cuối bài, cũng là khép lại cuốn sách, tác giả có lời tâm sự thật xúc động, sâu lắng, có sức khái quát về một thế hệ văn chương. “Một buổi, tình cờ mấy anh em cùng khóa chúng tôi gặp nhau trên mảnh đất Quảng Bá (…) Tôi thêm nhớ về những khát vọng đầu đời thuở cầm bút. Dù phải qua bao chặng đường thác ghềnh, có lúc như tuột dốc với chính mình, niềm khao khát vươn tới vòm trời cao sang lồng lộng của văn chương, vẫn luôn luôn ám ảnh và thôi thúc. Vẫn nguyên niềm khát khao đắm say, thánh thiện thuở ban đầu”.
Ngược lần lượt về đầu sách, là chân dung các nhà văn: Vũ Quần Phương, Anh Vũ, Nhật Tuấn, Tô Hà, Lê Minh Khuê, Nguyễn Phan Hách, Thúy Toàn, Tạ Hữu Yên, Nguyễn Thanh Kim, Pờ Sảo Mìn, Chử Văn Long, Vương Tùng Cương, Phạm Ngọc Luật, Xuân Diệu, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Văn Chương, Tạ Vũ. Trong đó, có một nhà văn nữ nổi tiếng: Lê Minh Khuê, một dịch giả tài danh: Thúy Toàn, một nhà văn dân tộc thiểu số: Pờ Sảo Mìn và năm nhà văn đã mất: Xuân Diệu, Anh Vũ, Nhật Tuấn, Tô Hà, Tạ Vũ. Chân dung viết về Tạ Vũ, đã có ở cuốn Phía sau con chữ, lần này in lại, có bổ sung.
Lâu nay, trên văn đàn nước nhà, gọi tách riêng nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình theo thể loại mà tác giả sáng tác, chỉ đúng phần nào, bởi vì đó là thói quen. Ở nhiều trường hợp, là nhà thơ đấy, nhưng đóng góp của họ về văn xuôi (hoặc phê bình, nghiên cứu) cho nền văn học lại rất đáng kể. Có mấy trăm tác giả như thế, tạm nêu một cách ngẫu nhiên: Hoài Anh, Võ Văn Trực, Vũ Quần Phương, Nguyễn Phan Hách, Trần Mạnh Hảo, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Vũ Tiềm, Phan Quế, Nguyễn Văn Toại, Phạm Khải v.v. Nhà thơ Vũ Từ Trang cũng thế, ông có sách văn xuôi nhiều hơn sách thơ. Truyện dài, có. Khảo cứu, có. Chân dung văn học, có. Riêng chân dung văn học, là 3 tập sách dày dặn: Phía sau con chữ (2007), Nhà văn độc hành độc bộ (2013), Vì ai ta mãi phong trần (2017)

1.
Vũ Từ Trang viết thể loại này không phải tạt ngang như một số tác giả, mà đi hẳn vào chuyên nghiệp. Vũ Từ Trang có ý thức sáng tạo kỹ càng từ rất lâu về việc viết chân dung nhà văn, trên cơ sở tình yêu văn chương và lòng yêu kính, cảm phục đối với đồng nghiệp, cùng nỗi niềm sẻ san vui buồn đối với cuộc đời của họ. Ông tạo nên quá khứ sống tươi ròng từ những hiện tại đã chết. Ông biết thụ hưởng niềm đam mê viết thể loại này từ các nhà văn đi trước (kể cả nhà văn nước ngoài) và rút ra những kinh nghiệm sáng tác quý báu từ họ.

2.
Vũ Từ Trang thuộc số những nhà văn quảng giao, có mục đích riêng tích cực. Trong nhiều năm và tại nhiều nơi, ông trực tiếp gần gũi và hiểu biết nhiều nhà văn ở nhiều vị trí, hoàn cảnh, số phận. Từ một, hai riêng lẻ hoặc nhóm nhà văn này gọi ra nhiều nhà văn cùng nhiều nhóm khác. Tất cả kết nối trong một cộng đồng của tình bạn và nghiệp văn. Ông quý mến họ và họ quý mến ông. Họ tin cậy khi tâm sự với ông và tự giác, thoải mái tạo ra cùng ông những kỷ niệm chung không thể nào phai mờ. 
Nếu để sang một bên vài ba bài in hai lần và một số bài nói đến người thuộc lĩnh vực khác, thì đến nay, Vũ Từ Trang đã công bố khoảng 60 chân dung nhà văn. Đọc những chân dung ấy, độc giả có thể gặp thêm để hiểu ít nhiều đến vài trăm người khác, cả gia đình, người thân của nhà văn, do tác giả có tiếp xúc, hoặc qua lời kể, hoặc biết mà nhắc đến.

3.
Vũ Từ Trang thuộc số những nhà văn có trí nhớ tốt và ông siêng năng ghi chép. Nếu không, không thể có những trang viết kỹ và nhiều chi tiết đến thế. Chi tiết trong sáng tác hư cấu phần lớn do tưởng tượng, tổng hợp, sàng lọc mà có. Chi tiết trong sáng tác rất ít hư cấu như thể loại chân dung này, là chi tiết có thật trong đời sống của nhân vật. Ở nhiều trường hợp, ông từng sống, từng trải nghiệm cùng nhân vật. Thí dụ: ông viết về Anh Vũ: “Những câu thơ ào ạt cảm xúc, thường được anh viết bằng chiếc bút chấm mực màu tím”. Hoặc viết về Chử Văn Long, hai anh em đi Chùa Hương đèo nhau bằng chiếc xe máy cũ nát. Tiếng là học qua trường trung cao cơ điện, nhưng Long không sửa được xe. Hai nhà thơ tay nhọ nhem dầu mỡ, loay hoay mãi, chiếc xe máy vẫn ì ạch. Đêm ấy, họ trải báo ngủ ngay bên thềm đền Trình. Với Trần Ninh Hồ, nhà thơ phong trần, lận đận nhiều lần chuyển nhà, nhưng xem ra mỗi lần chuyển nhà thì nhà lại nhỏ hơn, vậy mà ông vẫn luôn tếu táo, vì tâm hồn ông là tâm hồn thi sĩ. 
Vũ Từ Trang viết về Vương Tùng Cương cũng thế. Thật hấp dẫn. Độc giả tiếp cận những chi tiết rất xúc động, cũng thương Cương chẳng kém gì Trang.

4.
Nhiều sáng tác chân dung văn học của Vũ Từ Trang hướng đến những nhà văn có số phận không may mắn, thậm chí trắc trở, ngang trái. Nói như vậy, có lẽ phù hợp hơn là nói rằng đó là những nhà văn, những cảnh ngộ bị khuất lấp. Khuất lấp, ở tập sách này, có chăng, chỉ là Phạm Ngọc Luật, Nguyễn Văn Chương (Bắc Ninh) và Vương Tùng Cương. Phạm Ngọc Luật là nhà phê bình văn học chính hiệu, ông khá tinh tường, sắc sảo, hiềm một nỗi là rất ít xuất hiện, ông viết rải rác suốt năm mươi năm, mà mới đây mới ra sách. Nguyễn Văn Chương rất say mê thi ca, có nhiều sáng tác hay, nhưng chưa được dư luận quan tâm đúng mức. Vương Tùng Cương chịu quá nhiều vất vả, buồn đau, mà thơ thì không phải không có bài, câu đáng nhớ.

5.
Do thật lòng, xúc động chân thành, thuần thục về nghề, Vũ Từ Trang có những trang chân dung có văn. Mềm mại. Bâng khuâng. Thăm thẳm. Gợi nỗi bồn chồn, xót xa, thảng thốt. Một số đoạn văn có thể bóc tách ra, làn nên tản văn, chuyện làng văn nghệ. Đoạn mở đầu viết về Chử Văn Long, tả cảnh làng quê bãi sông Hồng hơi dài, có phần lạc đề, nhưng lại hay ở phía rung động trong ngần, chất phác về làng quê, đất nước. Ông thật tài hoa khi viết về Pờ Sảo Mìn. “Cái con ngựa hoang này vẫn thèm đi. Đi để mở rộng tầm nhìn đất nước. Đi để mở tấm lòng mình với bè bạn. Đi để nhìn lại mảnh đất cô liêu ngủ trong mây mù và củi lửa mùa đông sưởi ấm ngôi nhà gỗ đầy ám khói của anh. Chính tôi chợt bần thần, khi gặp nét cô liêu trên khuôn mặt anh giữa đám đông. Cái nét đơn côi dù chỉ thoáng qua, nhưng không giấu được. Tôi lại thấy có cái gì rất thơ của anh trong khoảng khắc ấy. Tôi còn nhớ một buổi về dự hội nghị rất đông tại một hội trường lớn ở Thủ đô, sau phút ồn ào bên bát rượu núi với bạn bè, Pờ Sảo Mìn như co mình, anh lui lại góc khuất và thoáng hiện nỗi buồn dữ dội. Một tối khác, liên hoan thơ quốc tế ở Nhà hát sang trọng tại Hà Nội, Pờ Sảo Mìn kéo tôi bỏ về giữa chừng. Anh kiếm quán chè chén xập xệ góc phố, cầm điếu cày ám muội rít liền mấy mồi thuốc lào rõ dài. Anh lặng yên không nói. Tôi nhận ra nỗi buồn lẻ loi của anh trước đám đông quần áo mũ mão sang trọng, lòe loẹt vừa diễn ra trên sân khấu nhà hát. Tôi chợt liên tưởng đến con ngựa hoang rất đẹp, rất phóng khoáng đang sải vó trên cao nguyên bao la. Rồi có lúc con ngựa hoang tự ngẩn ngơ trước nẻo đường xa lạ”.

6.
Nhiều khi, Vũ Từ Trang vào vai nhà phê bình tác phẩm, đời văn trên những trang viết chân dung. Khác nhiều tác giả, ông không phủ kín mọi trang viết chỉ bằng các cảnh tượng đời thường hoặc những lời bàn luận về buồn vui số phận, nhiều khi quá xa với sự nghiệp văn chương. Ông dành một số dòng, có khi là cả đoạn văn cho việc thẩm bình sáng tác, nhận định sự nghiệp văn chương của đồng nghiệp. Ý kiến của Vũ Từ Trang khá chính xác, đồng thời cũng đủ tinh tế. Đây là Vũ Quần Phương: “Ông là người có cách nói khéo, ngay từ nửa tập thơ đầu ông đã có những câu thơ phơi ra cái khéo, cái tinh tế (…) Thơ ông hay khi viết về sự vân vi”. Vũ Từ Trang còn bình bài thơ một câu lục bát của Vũ Quần Phương. Đây là Nhật Tuấn: “Nhắc đến nhà văn Nhật Tuấn, là phải nhắc tới tiểu thuyết Đi về nơi hoang dã”. Đây là Lê Minh Khuê: “Truyện của Lê Minh Khuê không có nhân vật điển hình. Nhưng tâm lý điển hình, lớp người điển hình trong văn Lê Minh Khuê rất rõ, không lẫn được”. Viết về những số phận không may mắn, những cảnh huống bi thương hoặc viết khéo, tế nhị, làm đẹp cho người văn mà mình mến trọng, cũng là ưu điểm của cây bút viết chân dung này. 
Đọc đến tập chân dung thứ ba này, hẳn nhiều độc giả vẫn mong muốn nhà thơ Vũ Từ Trang tiếp tục viết. Bởi vì, soi vào những trang viết cuốn hút, mọi người được hiểu thêm về tác giả với những đóng góp có giá trị của ông, được gặp lại, gặp thêm nhiều nhà văn mà độc giả ngưỡng mộ về tài năng, cảm thông về những nỗi vui buồn của nghiệp văn và cuộc đời.
“Chân dung văn học”, “Chân dung nhà văn” và “Chân dung văn nghệ sỹ” chỉ là một hay là hai, hay là ba, lâu nay chưa được phân định rành mạch.”Từ điển Văn học”. bộ mới, không có mục này. Nhưng trên thực tế, đã và đang tồn tại một thể loại sáng tác “xen lẫn phê bình” viết về đời sống và hoạt động sáng tạo của nhà văn. Những áng văn chân dung văn học buổi đầu xuất hiện trên văn đàn ở thời kỳ hiện đại, khi ý thức về tác giả được xác lập. Từ thời kỳ Đổi mới, ý thức về tác giả sâu sắc hơn bao giờ hết, thì tác phẩm chân dung văn học càng nhiều, ở cả dạng báo và dạng sách. Dễ thấy nhất nó lẫn trong hàng nghìn trang sách “Hồi ký-Tự truyện” của nhà văn Tô Hoài. Rồi cuốn sách “Chân dung văn học” nghìn trang của Hoài Anh. Những năm qua, rất nhiều tác giả viết chân dung văn học, được đăng tập trung nhất ở hai tờ báo Văn Nghệ và Văn nghệ Công an. Năm 2014, báo Văn Nghệ phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ, công bố cuốn “Câu chuyện văn chương” gồm 52 bài viết về 52 nhà văn. Có thể nhiều độc giả đồng cảm với Lời giới thiệu của nhà văn Khuất Quang Thụy: “Từ xưa tới nay, những câu chuyện về cuộc đời và lao động sáng tạo của các văn nhân thi sĩ luôn luôn được người đời chú ý. Sự thăng trầm ngang trái của kiếp người thì ai cũng từng nếm trải, đâu chỉ có văn nhân? Nhưng khác với người đời, văn nhân coi những thăng trầm ngang trái đó như những trải nghiệm mà khi đã vượt qua thì nó lập tức được coi như một thứ vốn liếng để tiếp tục suy ngẫm, khám phá rồi từ đó mà viết lên những câu thơ, những trang văn thấm đẫm nhân tình. Người đọc tìm được ở nhà văn nhà thơ những tri âm, tri kỉ, chính là từ được những gì chưng cất từ những trải nghiệm quý giá ấy”
Vũ Từ Trang là một trường hợp như vậy. Hiện nay ông đã soạn xong cuốn chân dung văn học thứ tư, có tên sách “Phận người trôi nổi”. Hai mươi năm qua, ông đã viết thể loại này ngày càng chuyên nghiệp. Khác Tô Hoài, Vũ Từ Trang ngay từ đầu, đã viết tách riêng từng nhà văn, tạo nên một hệ thống tác giả. Khác Hòai Anh, Vũ Từ Trang không thiên về thẩm định văn chương, xác định chỗ đứng của tác giả một cách khách quan khoa học, nhằm vào cả những nhà văn đã qua đời, không có điều kiện tiếp xúc. Vũ Từ Trang chỉ viết về bạn nghề đương thời, thân ít hoặc nhiều, tiếp xúc nhiều hoặc ít, với dạt dào xúc cảm chủ quan. Đặc biệt, ông nghiêng viết về những số phận nhà văn nhiều lận đận, hoặc bị khuất lấp. Đấy là những trang sách chân thật, hấp dẫn, mới mẻ, tránh được sự trùng lặp với những điều người trước đã viết. Đọc ông, bạn nghề nể phục về trí nhớ, về lao động bản thảo. Nếu không cần cù ghi chép và một trí nhớ tốt, với một ý thức sâu sắc sáng tạo chuyên nghiệp về chân dung, thì không thể có bốn tập sách với hơn trăm gương mặt nhà văn có những số phận, những tài năng riêng. Bộ sách của Vũ Từ Trang còn có giá trị vừa về tinh thần, vừa về vật chất, khi chúng đóng góp vào tài sản Bảo tàng Văn học Việt Nam./.