Tại Thanh Hóa, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội cùng Trường Đại học Hồng Đức phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy văn học về đề tài lịch sử dân tộc. Hội thảo tập trung trao đổi về một số vấn đề quan trọng của việc nghiên cứu và giảng dạy văn học về lịch sử như: Tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán; Văn học viết về đề tài lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến 1945; Văn học viết về đề tài lịch sử từ 1945 đến nay, nhất là giai đoạn từ sau 1986; Giảng dạy các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử dân tộc ở tất cả các cấp học trước và sau đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.



PGS.TS. Hoàng Thị Mai (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức) nhấn mạnh: Hội thảo diễn ra lần này nhằm mục đích đưa văn học về đề tài lịch sử đến gần hơn với độc giả cũng như tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đọc hiểu các văn bản văn học về đề tài lịch sử, góp phần bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương- Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, chia sẻ: “Với một số người, lịch sử có thể đơn giản chỉ là lửa đã cháy xong. Nhưng với trí thức, đặc biệt các nghệ sĩ, xem ra lịch sử phức tạp hơn, nó là thì tương lai của hiện tại, và là tương lai của mọi tương lai [...] Lịch sử không phải là lửa đã cháy xong, trái lại, lịch sử luôn có sức lung lạc và thao túng hiện tại. Ý thức được điều ấy cho nên chúng ta mới có mặt tại đây để tìm cách gia tăng sức lan tỏa tích cực của lịch sử vào đời sống xã hội thông qua các tác phẩm văn học”.

Trong báo cáo tổng kết, TS. Phạm Duy Nghĩa- Phó tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, đánh giá: Hội thảo lần này là một dịp quan trọng và ý nghĩa để các nhà văn, các nhà nghiên cứu, thầy cô giáo và sinh viên hiểu thêm các vấn đề về văn học lịch sử, từ đó chúng ta có thêm những hi vọng về một tương lai rực rỡ hơn của văn học viết về lịch sử. Sự công phu kỹ lưỡng trong các tham luận, ý kiến trao đổi tâm huyết của các quý vị đại biểu đã cho thấy sự thành công của hội thảo, đồng thời là động lực cho những hoạt động văn học nghệ thuật, khoa học tiếp theo”.
                                PV