Việc đáng chê trách nhất của Chu Hòa, đó là ông tự xóa chính công lao của ông bằng việc lobby để Bộ Công an đồng ý “mật hóa” các công văn gắn với cấm đoán hoặc nhắc nhở lỗi về một cuốn sách nào đó, bắt đầu từ năm 2018 (có lẽ sau vụ công văn đình chỉ tiểu thuyết “Mối chúa” tràn lan trên mạng). Nhiều khi chỉ là nhắc sửa vài câu không đâu vào đâu trong một ấn phẩm chả có gì ghê gớm, cũng phải thượng lên một con dấu mật. Sự nghiêm trang của luật pháp, thể diện quốc gia bị mang ra đùa cợt không thể tức cười và nhếch nhác hơn qua việc làm ấy. Có người nói ông định “bẫy” những thằng biên tập ngang ngạnh, bởi chỉ cần do quá bức xúc mà công khai cho báo chí hoặc mạng xã hội là phạm luật.


VÀI LỜI TIỄN CHU HÒA VỀ HƯU

TẠ DUY ANH

Tôi không mấy khi để mắt tới cấp Cục trưởng. Nhưng Chu Hòa thì khác. Ông ít nhiều cũng can dự đến công việc tôi làm hàng ngày. Tôi là người thẳng tính và sòng phẳng, nên thấy cần phải có vài lời…chia tay ông.
Dấu ấn tích cực của Chu Hòa với nền xuất bản
Thứ nhất, ông thiết lập lại trật tự kỉ luật của cơ quan. Cơ quan Cục xuất bản từ xưa vẫn nổi tiếng là nhiều “cục con”. Nhưng Chu Hòa về, ông dẹp loạn đám cát cứ, dằn mặt những gã “sứ quân” quen hỗng, bắt phần lớn phải vào khuôn phép. Mặc dù vẫn còn hiện tượng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, thích ra oai, cả với việc rất nhỏ như nhận sách lưu chiểu, song về cơ bản, nề nếp làm việc của cơ quan Cục XB thời Chu Hòa là chấp nhận được.
Thứ hai, từ xưa, Cục xuất bản vẫn có truyền thống “ném đá giấu tay” khi “đánh” các cơ quan xuất bản, các cơ sở kinh doanh, in ấn sách báo hoặc cá nhân ai đó, hoặc ngăn cấp phép cuốn sách nào đó bằng cách ra lệnh miệng, qua điện thoại. Việc cấm phát hành cuốn Đi tìm nhân vật của tôi năm 2002 là theo kiểu này, tất nhiên còn bởi một cơ quan cao chót vót so với Cục xuất bản. Hiện tượng cấm mồm, ra lệnh miệng, chỉ đạo qua điện thoại kéo dài suốt mấy chục năm. Ngoài ra, một truyền thống “quý báu” khác cũng được Cục XB kiên định gìn giữ là tìm mọi cách để ngăn cản những tác phẩm có dấu hiệu vượt ra ngoài khuôn khổ về tư tưởng chính trị, hình thức và quan niệm nhân sinh. Tôi có thể liệt kê ra hơn sáu mươi cuốn sách loại đó. Giả sử không có chúng, thì chả biết nền văn học vốn đã nghèo rớt này liệu có còn ai biết tới? Hài hước lại ở chỗ, đến giờ này phần lớn chúng đều được chế độ coi như thành tựu của nền văn học XHCN! Nhưng khi nó còn là bản thảo thì bị săn lùng ráo riết. May mắn được in thành sách thì bị CXB (tất nhiên có thêm cả vài cơ quan khác) làm khó dễ, truy bức, cấm đoán. Biên tập, người kí duyệt nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”.
Đến thời Chu Hòa, những hiện tượng trên vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể. Chu Hòa làm được một việc quan trọng là văn bản hóa hầu hết những lệnh miệng. Nghĩa là lần đầu tiên, cơ quan ra lệnh cấm hoặc yêu cầu thẩm định lại tác phẩm nào đó, đã dám đối mặt với sự phán xét của dư luận.
Việc đáng kể thứ ba Chu Hòa làm được là ông dám chấp nhận một số tên tuổi vẫn bị các đời lãnh đạo trước của ông ném thẳng vào sổ đen! Nhiều tác phẩm gai góc đã được tái bản, hoặc ra đời trong thời kì ông làm Cục trưởng.
Chu Hòa cũng không ngại làm những việc rất đáng bị chê trách.
Thứ nhất, tuy là người từng “ngậm bút lông mèo”, nhưng ông vẫn né tránh hầu hết sự thật, sẵn sàng nói dối ngang ngửa cấp trên. Ông vẫn để cho đám kền kền mặc sức rỉa róc các nhà văn đồng nghiệp của ông.
Thứ hai, khi trừng phạt nghiêm khắc việc để xảy ra lỗi in ấn, có vẻ ông muốn chứng tỏ bản thân nhiều hơn là vì sự hoàn hảo của sản phẩm văn hóa. Trong điều kiện cho tác giả tự in, không Nhà xuất bản nào kiểm soát nổi, khiến việc sai sót mang tính kỹ thuật có lúc cực kì nghiêm trọng là có thật. Tôi từng đọc một cuốn sách cỡ 1.500 trang, với lời giới thiệu được gần 1.200 người sửa morat nhưng mới chỉ đọc hết nửa cuốn đã nhặt được vài lỗi! Nhân loại có lẽ đã lường tới việc không bao giờ in một cuốn sách nào đó lại không mắc sai sót, bằng việc đưa ra biện pháp khắc phục là in tờ đính chính gắn kèm. Chu Hòa xổ toẹt phát minh này. Điều đó khiến các nhà kinh doanh sách buộc phải đối phó bằng gian lận và dối trá nếu không muốn in lại rất tốn kém.
Thứ ba và đây là việc đáng chê trách nhất của Chu Hòa, đó là ông tự xóa chính công lao của ông bằng việc lobby để Bộ Công an đồng ý “mật hóa” các công văn gắn với cấm đoán hoặc nhắc nhở lỗi về một cuốn sách nào đó, bắt đầu từ năm 2018 (có lẽ sau vụ công văn đình chỉ tiểu thuyết “Mối chúa” tràn lan trên mạng). Nhiều khi chỉ là nhắc sửa vài câu không đâu vào đâu trong một ấn phẩm chả có gì ghê gớm, cũng phải thượng lên một con dấu mật. Sự nghiêm trang của luật pháp, thể diện quốc gia bị mang ra đùa cợt không thể tức cười và nhếch nhác hơn qua việc làm ấy. Có người nói ông định “bẫy” những thằng biên tập ngang ngạnh, bởi chỉ cần do quá bức xúc mà công khai cho báo chí hoặc mạng xã hội là phạm luật. Tôi không nghĩ thế nhưng khẳng định đó là việc làm chỉ có tác dụng dung túng thói vô pháp ở cấp nguy hiểm hơn.
Dưới thời Chu Hòa làm Cục trưởng, Luật xuất bản sửa đổi có hiệu lực thi hành, với quy định Biên tập viên phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Nếu chương trình học để lấy chứng chỉ (vô cùng vớ vẩn và nhem nhuốc) tới đây được công khai, tôi nghĩ phần lớn các đại biểu Quốc hội bấm nút phê chuẩn sẽ phải tự thấy hổ thẹn (có thể tôi đánh giá họ hơi cao!). Chu Hòa không thể không chịu trách nhiệm về quy định đó (trên thực tế là một hình thức lũng đoạn chính sách, vì Chứng chỉ biên tập thực chất chỉ là một loại giấy phép con).
Mấy ân oán cá nhân
-Chu Hòa từng dành cho tôi sự tôn trọng của bạn đồng nghiệp. Sau vụ tôi viết thư cho ông nói thẳng ý nghĩ của mình, khiến khi đọc ông gầm vang cả mấy tầng nhà, thì ông thay đổi thái độ. Việc ông ép Nhà xuất bản phải kỉ luật tôi vì có mấy chục đầu sách do tôi biên tập bị coi là mắc sai phạm (tất nhiên là sai phạm so với luật ngầm không thành văn), hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng việc ông nhắm mắt kí vào cái công văn không cho tôi đứng tên biên tập là Tạ Duy Anh (xem ảnh) thì thật nhăng nhít. Ông không thể biện hộ bằng bất cứ lý do gì ngoài việc nhằm xóa cái tên TDA, bởi tôi đã ghi rõ cả tên thật và tên bút danh trong bản khai lấy chứng chỉ. Vả lại trước khi có Luật xuất bản sửa đổi, tôi đã biên tập vài ngàn cuốn sách dưới cái tên Tạ Duy Anh, có từ năm 1980 khi tôi bắt đầu viết văn, cũng là tên tác giả của hơn hai mươi đầu sách, chưa kể suốt 20 năm qua hàng chục triệu học sinh đã biết cái tên này qua tác phẩm của tôi mà họ được học.
-Công văn đình chỉ tiểu thuyết Mối chúa, nguyên là thẩm định của cơ quan Hậu kiểm kém cỏi toàn diện và quen đố kị, với giọng điệu “tố giác tội phạm”, dù đã có người can, nhưng ông vẫn kí. Ngoài việc ông đẩy trách nhiệm cho người khác, còn có cả sự trả thù cá nhân, là điều nhỏ mọn mà ông không thể chối cãi.
Vài lời cuối
Vài hôm nữa sẽ có người thay Chu Hòa. Nghe nói đang có cuộc chạy đua khốc liệt để tranh cái chế Cục trưởng Cục XB chắc phải nhiều mầu mỡ, bổng lộc lắm mới có người nghe nói đã bán gần hết cả liêm sỉ vì cái ghế đó mà chả biết có nên cơm cháo gì không. Dù Chu Hòa còn có điều đáng chê trách, dù CXB dưới thời ông về cơ bản vẫn là một sào huyệt của bảo thủ, nhưng chưa biết chừng các NXB, các cơ sở in ấn phát hành sẽ lại phải nhớ đến ông, nuối tiếc ông khi sống với “triều đại” Cục mới cũng nên? Cái đất nước này chuyện gì chả có thể!
Theo hồ sơ thì Chu Hòa tuổi Kỉ Hợi, cái tuổi phải tu thân nghiêm khắc lắm mới hy vọng không gặp họa lớn cuối đời. Thôi thì trước mắt hãy cứ mong cho ông hạ cánh an toàn.

Nguồn: Facebook Lão Tạ