Nhà thơ Tô Thùy Yên, tên thật Đinh Thành Tiên, vừa qua đời ngày 22-5-2019 tại Mỹ, hưởng thọ 81 tuổi. Nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng đánh giá: “Thơ Tô Thùy Yên là loại thơ không những để đọc bằng mắt mà còn để đọc lớn lên, ngâm lên, giữa những người khác. Gần đây, sau tập thơ cuối cùng, không thấy Tô Thùy Yên viết nữa. Có lẽ công việc của ông đã xong. Sự thưởng thức và đánh giá là dành cho dư luận. Bất chấp khuynh hướng trừu tượng và khuynh hướng trí thức, sự dùng chữ tinh tế, khác thường, đó vẫn là một loại thơ mở lớn cánh cửa, tìm đến với người đọc, kêu gọi người đọc…"




TÔ THÙY YÊN CHIA SẺ CHÚT TÌNH CAY MẶN CŨ

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Trong thời kỳ hai mươi năm của thơ miền Nam 1954-1975, và giai đoạn kéo dài của nó, Tô Thùy Yên giữ một vị trí rất đặc biệt. Đó là người khởi đi từ giai đoạn khai phóng đầu tiên, những năm 60, với sự nổi loạn chống ảnh hưởng của văn học tiền chiến. Nhà thơ của chiến tranh Việt Nam, của những suy nghiệm triết học, nhà thơ của những ngày tù tội cải tạo, và cuối cùng của giai đoạn lưu vong. Đời sống của ông đầy biến động. Tô Thùy Yên lúc nào cũng chăm chú sống cuộc đời mình, để tâm hồn rung lên theo nhịp điệu của thời thế. Nhưng đó không phải là thơ thời sự hay thơ trữ tình thế sự. Đó là một loại thơ trữ tình thực sự, tuy vậy mang dấu ấn lịch sử. 
Trong khi tuân thủ nghiêm ngặt một số quy ước về vần điệu, sở trường nghiêng về thơ có vần hơn là về thơ tự do, Tô Thùy Yên vẫn sở hữu một ngôn ngữ vừa truyền thống vừa mới lạ. Sự chọn chữ, cách thiết lập câu thơ, âm điệu và từ vựng trong từng bài thơ, tạo nên phong cách riêng, một phong cách của tài hoa dụng ngữ.
Thơ Tô Thùy Yên có ba giai đoạn: trước năm 1975, sau năm 1975 ở trong nước và trong tù, và sau này khi ra hải ngoại. Giai đoạn thứ ba, thể hiện những cố gắng làm mới ngôn ngữ ở nhà thơ này, tuy vậy xét về thành tựu nghệ thuật, không thể nào sánh được với giai đoạn thứ nhất và thứ hai. 
Là một tác giả được nhiều người biết tới và tìm đọc, có những bài thơ được phổ nhạc, nhưng Tô Thùy Yên vẫn là thi sĩ của giới trí thức, với bút pháp tinh lọc và sang trọng. Ông không thiết lập nên một thi pháp mới, và hầu hết thơ đều dựa trên những âm luật cũ, nhưng Tô Thùy Yên đẩy nghệ thuật dùng chữ đến mức tuyệt hảo. Sống trong thời binh lửa, ông mặc áo lính, đến các trận tiền, viết về cuộc chiến đấu bi thảm của một quân đội, đời sống thực của người lính, nỗi đau thương của quê hương bị tàn phá, sự nghĩ ngợi đầy tính triết học, nỗi u hoài Đông phương, tình yêu, sự lạc lối của tuổi trẻ, một thiên nhiên mù lòa cay đắng, những cây cỏ hiền hòa, tình yêu thuần hậu và bạo liệt.
Thơ Tô Thùy Yên là thơ nhân chứng. Bằng chính cuộc đời mình, ông sống qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử. Bài thơ của ông, với tất cả hình ảnh và chất liệu của chúng, bao giờ cũng tạo nên một lực đẩy hướng tới sự kết thúc, tạo ra một phức hợp tình cảm ở người đọc. Trong khi người đọc chia sẻ cùng nhà thơ gánh nặng của lịch sử, của số phận, thì cũng hạnh phúc được sống trong nguồn suối ngọt ngào của tiếng mẹ đẻ, vui thú với nhạc điệu, thưởng thức khả năng nắm bắt ý nghĩa của tồn tại. Ẩn dụ trong thơ Tô Thùy Yên giàu có, chúng chứa đầy khả năng mới mẻ: giá trị tiên đoán. 
Thơ Tô Thùy Yên là loại thơ không những để đọc bằng mắt mà còn để đọc lớn lên, ngâm lên, giữa những người khác. Gần đây, sau tập thơ cuối cùng, không thấy Tô Thùy Yên viết nữa. Có lẽ công việc của ông đã xong. Sự thưởng thức và đánh giá là dành cho dư luận. Bất chấp khuynh hướng trừu tượng và khuynh hướng trí thức, sự dùng chữ tinh tế, khác thường, đó vẫn là một loại thơ mở lớn cánh cửa, tìm đến với người đọc, kêu gọi người đọc.
Một thứ thơ của ý thức tự do, của bi kịch lịch sử, của nhân phẩm, của lòng tin vào các giá trị căn bản của dân tộc. Thơ ông tạo nên một ảo ảnh nghệ thuật bằng chất liệu có thực của đời sống, một đời sống đã kinh qua hạnh phúc và bất hạnh, những vàng son và khổ nhục. Một loại thơ đôi khi siêu hình, đôi khi mênh mang kỳ bí, nhưng vẫn dung chứa xúc động chân thật. Đó có lẽ là một trong những bí ẩn sâu xa của thơ Tô Thùy Yên.


….

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh Petrus Ký và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông dạy học, làm báo tại Sài Gòn và mang cấp bậc Thiếu tá trong quân đội VNCH trước 1975. Sau 1975 ông bị giam gần 13 năm, từ 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị. 
Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các hoạ sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ tự do" trên văn đàn miền Nam vào thập niên 60.
Tác phẩm: Thơ tuyển (1995), Thắp tạ (2004).



TÀU ĐÊM
      TÔ THÙY YÊN

Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi. 
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê. 
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy, 
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi.
Thức dậy, những ai còn sống đó, 
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này. 
Tàu đi như một cơn giông lửa 
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay.
Cảnh vật mơ hồ trong bóng đêm 
Dàn ra một ảo tượng im lìm. 
Ủ ê những ngọn đèn thưa thớt, 
Sáng ít làm đêm tối tối thêm.
Bến cảng, nhà kho, những dạng cây… 
Chưa quen mà đã giã từ ngay. 
Dẫu sao cũng một lần tan hợp, 
Chớ tiếc nhau vài cái vẫy tay.
Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc, 
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai. 
Ta gọi rụng rời ta thất lạc. 
Ta còn chẳng đủ nửa ta đây.
Người bạn đường kia chắc chẳng ngủ. 
Thành tàu sao chẳng vỗ mà ca? 
Mai này xô giạt về đâu nữa? 
Đất lạ ơi, đừng hắt hủi ta!
Đất lạ, người ta sống thế nào? 
Trong lòng có sáng những trăng sao, 
Có buồn bã lúc mùa trăn trở, 
Có xót thương người qua biển dâu?
Tàu đi như một cơn điên đảo, 
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau. 
Ta tưởng chừng nghe thời đại động 
Xô đi ầm ĩ một cơn đau.
Ngồi đây giữa những phân cùng bụi 
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn, 
Ta trở thành than, thành súc vật. 
Tiếng người e cũng đã quên ngang.
Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc, 
Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau. 
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến 
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau.
Dường như ta chợt khóc đau đớn. 
Lệ nóng cường toan cháy ruột gan. 
Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt. 
Nghẹn ngào đến cả tiếng than van.
Giá ta có được một hơi thuốc, 
Dẫu chỉ là hơi thuốc mốc thôi. 
Để phả cho hồn ấm tỉnh lại, 
Để nghe còn sự sống trên môi.
Ta nhớ dăm ba hình ảnh cũ, 
Lờ mờ như nhớ lại tiền thân. 
Đời ta khi trước vui vầy thế 
Bỗng thảm thương nghìn nỗi ngói tan.
Đem thân làm gã tù lưu xứ, 
Xí xóa đời ta với đất trời, 
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu, 
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi.
Đã mấy năm nay quằn quại đói, 
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo. 
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại, 
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu.
Liệu còn một bữa cơm đầm ấm 
Bên ánh đèn đoàn tụ vợ con, 
Chia xẻ chút tình cay mặn cũ, 
Miếng không ngon cũng lấy làm ngon.
Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép, 
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa. 
Lịch sử dường như rất vội vã. 
Tàu không đỗ lại các ga qua.
Ô, những nhà ga rất cổ xưa, 
Dường như ta đã thấy bao giờ. 
Đến nay, người giữ ga còn đứng, 
Đèn bão đong đưa chút sáng mờ.
Tàu qua những ruộng đồng châu thổ. 
Hiu hắt làng xa mấy chấm đèn. 
Đêm ở nơi đây buồn lặng lặng. 
Cái buồn trải nặng mặt bằng đen.
Hỡi cô con gái trăng mười bốn, 
Đêm có nằm mơ những hội xuân, 
Đời có chăng lần cam dối mẹ, 
Nhớ thương nào giấu thấm vành khăn?
Có lúc tàu qua những chiếc cầu 
Sầm sầm những nhịp động đều nhau. 
Dưới kia con nước còn thao thức 
Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu.
Có lúc tàu qua những thị trấn 
Mà đêm đã gói lại im lìm. 
Tàu qua, âu cũng là thông lệ, 
Nên chẳng ai buồn hé cửa xem.
Ôi những nỗi sầu vô dạng ấy 
Gọi ta về với những đêm vui… 
Ở đâu đèn sáng như châu ngọc, 
Đường phố người chen chúc nói cười.
Ở đâu mộng ảo vườn sao tụ, 
Yến tiệc bày trong những khóm cây. 
Ta rót mừng em ly rượu đỏ… 
Mà thôi, chớ nhớ nữa, lòng ơi.
Mà thôi, hãy nuốt lệ còn nghẹn, 
Tỉnh thức, lòng ơi, nhìn tận tường 
Thời đại đang đi từng mảng lớn, 
Rào rào những cụm khói miên man.
Người bạn đường kia chắc vẫn thức, 
Mong tàu đi đến chỗ đêm tan, 
Có nghe lịch sử mài thê thiết 
Cho sáng lên đời đã rỉ han.
Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục 
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu, 
Lay động những tầng mê sảng tối… 
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau.
1980