Từ thực trạng về số lượng và chất lượng của các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương trong thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng nên có một quy định cứng với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để được phép xuất bản một tờ tạp chí văn nghệ địa phương. Từ những tiêu chí đó mà so ra, địa phương nào chưa đủ điều kiện theo tiêu chí thì có thể hợp nhất với ấn phẩm văn nghệ của các địa phương lân cận, làm chung một tờ tạp chí vùng. Ví dụ như vùng miền Tây Nam bộ chẳng hạn, có trên mười tỉnh, thành phố, nếu thành lập một tờ tạp chí văn nghệ chung cho cả vùng...



QUY HOẠCH CÁC TẠP CHÍ VĂN NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG - TÍN HIỆU VUI?

NGUYỄN THẾ HÙNG

Ngày 2 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong đề án của Chính phủ về việc quy hoạch lại hệ thống báo chí cả nước, có nội dung: Mỗi tỉnh, thành có một cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một cơ quan tạp chí thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Đây thực sự là tin vui cho những người làm văn nghệ và văn nghệ sĩ cả nước. Nhưng vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc sắp xếp, thay đổi hình thức từ báo văn nghệ địa phương sang tạp chí văn nghệ và liệu có cần thiết hay không khi mỗi địa phương dù lớn hay nhỏ đều có một tờ tạp chí văn nghệ?

Làm thế nào nâng cao chất lượng tờ tạp chí văn nghệ địa phương để thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa văn nghệ có uy tín, chất lượng cho anh em văn nghệ sỹ trong tỉnh tụ họp, trao đổi nghề, truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo nghệ thuật và gửi gắm niềm tin, tác phẩm của mình, cũng như thu hút được những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng của các nhà văn nổi tiếng trên cả nước? Việc duy trì các tờ tạp chí văn nghệ địa phương theo Đề án của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, vì tiêu chí văn nghệ của các tờ báo chính trị xã hội nó rất khác với tiêu chí văn nghệ của các tờ văn nghệ chuyên ngành, chuyên sâu. Chính vì thế, những tác phẩm văn nghệ in trên các tờ báo thông tấn thường được coi như những chiếu nghỉ cầu thang. Có nghĩa là khi đọc xong các bài báo mang tính thông tấn, người đọc "nghỉ mắt" ở một vài bài thơ, một vài câu chuyện nhẹ nhàng. Chính vì tiêu chí đó nên những tác phẩm văn nghệ in trên các tờ báo chính trị, xã hội thường chỉ là những tác phẩm mang tính tuyên truyền, giải trí tức thời, dễ đọc, dễ hiểu.

Từ tính đặc thù đó nên những người làm biên tập ở các tờ báo thông tấn thường nặng về tính báo chí hơn là văn chương. Vậy nên muốn tìm những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, có tính sáng tạo, chuyên sâu, hàm lượng văn chương cao, bút pháp thâm hậu… thì phải tìm đến các tờ báo, tạp chí văn nghệ. Vì đặc thù của tính học thuật chuyên sâu nên ở các tờ tạp chí đó thường quy tụ được một đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình… uy tín để quy tụ, bồi dưỡng được những người viết trẻ… Chính những lý do trên quyết định sự tồn tại của các tờ tạp chí văn nghệ địa phương.

Từ thực trạng về số lượng và chất lượng của các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương trong thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng nên có một quy định cứng với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để được phép xuất bản một tờ tạp chí văn nghệ địa phương. Từ những tiêu chí đó mà so ra, địa phương nào chưa đủ điều kiện theo tiêu chí thì có thể hợp nhất với ấn phẩm văn nghệ của các địa phương lân cận, làm chung một tờ tạp chí vùng. Ví dụ như vùng miền Tây Nam bộ chẳng hạn, có trên mười tỉnh, thành phố, nếu thành lập một tờ tạp chí văn nghệ chung cho cả vùng, các nhà văn của vùng đó sẽ về làm tạp chí (còn Hội Văn học - Nghệ thuật thì vẫn tách riêng ở các tỉnh, không liên quan đến tạp chí), mỗi tháng ra một số tạp chí văn nghệ, mỗi tỉnh đặt mua 1.000 cuốn, một số ra được trên dưới 10.000 cuốn.

Nên thực hiện theo cơ chế đặt hàng chứ không bao cấp (đơn vị sự nghiệp có thu). Chỉ có cơ chế đặt hàng thì mới thúc đẩy được sự nỗ lực và sáng tạo, cống hiến của những người trực tiếp làm tạp chí. Nếu làm tốt thì ngoài địa phương đặt hàng còn có thể bán được ra ngoài, tăng thêm thu nhập; nếu làm dở thì địa phương có quyền yêu cầu nâng cao chất lượng. Nếu quá ba tháng mà chất lượng vẫn thấp thì địa phương có quyền cắt giảm số lượng. Chỉ như thế thì sự tồn tại của các tờ tạp chí văn nghệ địa phương mới thực sự có ý nghĩa.



Nguồn: Văn Nghệ Công An