Có lẽ vì thấy nhà thơ Pờ Sảo Mìn dáng người mảnh khảnh, gầy gò, ăn mặc giản dị bèn chặn lại hỏi với giọng nghi ngờ: “Bác đi đâu? Hình như bác không là người dân địa phương?”. Ông vội đáp: “Không, tôi là người ở đây mà!”. Nói rồi ông rút trong ví ra cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Người chiến sĩ ấy tỏ vẻ nghiêm trọng, liếc nhìn thẻ, lại liếc nhìn nhà thơ và... cười như nắc nẻ. Anh lấy hơi rồi đọc bằng giọng truyền cảm: “Dân tộc tôi có hai ngàn người/Như cái cây có hai ngàn chiếc lá”. Thì ra anh ấy đã nhận ra nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhưng cố tình trêu chứ người dân và chiến sĩ nơi đây không ai là không biết nhà thơ “Hai ngàn lá”.



NHÀ THƠ PỜ SÀO MÌN: “CHIẾC LÁ” MÃI XANH

NGÔ KHIÊM

Nói một cách hình tượng, tôi gọi nhà thơ Pờ Sảo Mìn là một “chiếc lá” trong hai ngàn “chiếc lá” tương đương với hai ngàn nhân khẩu của dân tộc Pa Dí, nhưng phải khẳng định ông là một “chiếc lá” đặc biệt, “chiếc lá” mãi mướt một màu xanh của sự trẻ trung, sáng tạo và tâm huyết. Bằng chứng là mới đây, ở tuổi 74, ông đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ in riêng thứ 9 mang tên “Mủa say say” do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc “đỡ đầu”.

1.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp ông, đó là một đêm mùa đông buốt giá tại nhà con gái của ông trên phố Hàng Giầy (Hà Nội). Ông vừa “xuống núi” đã tức khắc điện cho tôi bằng cái giọng vô cùng hồn nhiên: “Tối mày đến nhà con gái tao “ăn rượu” (nói theo cách của nhà thơ) với tao và bạn tao”. Thế là khi phố đã lên đèn, bên bình rượu ngô Cốc Ngù thơm phức trong căn nhà nhỏ trên gác hai, tôi được diện kiến ông và các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số khác như nhạc sĩ Nông Quốc Bình, nhà nghiên cứu dân tộc Lò Giàng Páo.
Cũng chính từ cái duyên ấy mà mỗi lần xuống Hà Nội, ông lại gọi tôi đến… uống rượu. Dường như sau thơ thì rượu là thứ không thể thiếu với Pờ Sảo Mìn khi đi đâu ông cũng “thủ” sẵn chai rượu bên mình và bất cứ lúc nào ông cũng có thể dùng rượu để… giải khát. Và tôi cũng hiểu đó là cảm tình, sự ưu ái mà nhà thơ dành cho tôi vì tôi biết ở Hà Nội ông không thiếu những bạn văn, bạn thơ tri kỷ.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng vào dịp nghỉ lễ đầu tháng 5-2018, tôi đã vượt hơn 500km lên thăm ông tại quê nhà, mảnh đất mà theo ông đã là nơi cho ông “bầu sữa mẹ” mát lành, bổ dưỡng, khơi nguồn những mạch cảm xúc lai láng, bất tận. Mường Khương là mảnh đất miền biên viễn với khung cảnh thiên nhiên đẹp, thơ mộng, hùng vĩ, con người thân thiện, dễ mến và đang dần “thay da đổi thịt”. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ của ông nằm sát chân núi mà chỉ cần đi qua ngọn núi ấy đã là chủ quyền của quốc gia khác.
Người Pa Dí vốn rất mến khách, vì thế khi có “bạn” ở Hà Nội lên, ông bỏ hết mọi việc để dẫn tôi đi thăm thú một vài nơi nổi tiếng của vùng đất Mường Khương. Đi đến đâu ông cũng hồ hởi giới thiệu về nét văn hóa đặc sắc của người Pa Dí nói riêng và của nhiều dân tộc anh em sinh sống tại huyện biên giới Mường Khương nói chung.
Rong ruổi cùng ông trên mảnh đất này, tôi được tận mắt chứng kiến thấy ai, ai gặp ông cũng tay bắt mặt mừng chào đón nồng nhiệt. Và ông luôn cho đó là giải thưởng cao quý nhất mà cuộc đời làm thơ đã dành cho mình.
Nhưng có một thứ tình cảm ấm áp mà tôi cảm nhận được ở ông, đó là khi ông ân cần thăm hỏi, động viên một cháu sinh viên người Pa Dí đang học tại Khoa Sư phạm Ngữ Văn, Đại học Hùng Vương càng khiến tôi thêm chiêm nghiệm, thấm thía về những vần thơ ông từng viết: “Dân tôi có hai ngàn người/Như cái cây có hai ngàn chiếc lá/Ai nuôi ai cái rễ cái cây/Ai yêu ai trong tình yêu thầm lặng/Cái tình yêu bé nhỏ trong cây/Rễ nuôi lá, lá nuôi cây cùng lớn”. Cũng phải nói thêm rằng lâu nay người ta vẫn được coi bài thơ “Cây hai ngàn lá” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn là “bản tuyên ngôn” của người dân tộc Pa Dí. Và nhạc sĩ Trần Long Ẩn chính là người đã “chắp cánh” cho những vần thơ ấy được bay xa hơn, vang xa hơn.
Tôi vẫn kỷ niệm cùng ông lên thăm cột mốc biên giới 144 tại xã Sín Tẻn, nơi cách thị trấn Mường Khương ông đang ở chừng 10km. Ngồi trên xe ôtô giữa cái nắng vàng ngọt của buổi chiều biên giới yên bình cùng với giai điệu của “Chiều biên giới em ơi….” vang lên khiến chúng tôi lặng đi khi nghĩ về Tổ quốc, về biên cương tươi đẹp, về sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh.
Thế nhưng, khi vừa bước xuống xe thì một chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Sín Tẻn bước ra. Có lẽ vì thấy nhà thơ Pờ Sảo Mìn dáng người mảnh khảnh, gầy gò, ăn mặc giản dị bèn chặn lại hỏi với giọng nghi ngờ: “Bác đi đâu? Hình như bác không là người dân địa phương?”. Ông vội đáp: “Không, tôi là người ở đây mà!”.
Nói rồi ông rút trong ví ra cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Người chiến sĩ ấy tỏ vẻ nghiêm trọng, liếc nhìn thẻ, lại liếc nhìn nhà thơ và... cười như nắc nẻ. Anh lấy hơi rồi đọc bằng giọng truyền cảm: “Dân tộc tôi có hai ngàn người/Như cái cây có hai ngàn chiếc lá”. Thì ra anh ấy đã nhận ra nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhưng cố tình trêu chứ người dân và chiến sĩ nơi đây không ai là không biết nhà thơ “Hai ngàn lá”. Lúc này, anh lính nói với giọng đầy xúc động: “Anh em chúng tôi ở đây được người dưới xuôi lên thăm là quý hóa lắm!”.

2.
 Từ một kĩ sư tốt nghiệp Đại học Cơ khí chế tạo máy, chuyên ngành các loại động cơ đốt trong gồm cả động cơ xe máy, ôtô, tàu thủy tại Tiệp Khắc (cũ), Pờ Sảo Mìn đã có bước chuyển mình đầy táo bạo sang làm thơ và lần lượt tham gia khóa ngắn hạn tại Trường Viết văn trẻ Quảng Bá rồi khóa dài hạn tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Trở thành nhà thơ chuyên nghiệp, hỏi ông tại sao lại rẽ ngang như vậy, ông nói đó vừa là bản mệnh vừa là số mệnh.
Cũng dễ hiểu thôi, Pờ Sảo Mìn sinh ra trong “cái nôi” văn hóa của người dân tộc Pa Dí, chính vì vậy ngay từ hồi nhỏ tâm hồn ông đã thấm đẫm chất thi ca, âm nhạc qua những điệu hát dân ca cùng tiếng đàn Tròn tha thiết. Bên cạnh lĩnh vực thi ca, ông còn là một tay ghi ta rất “cừ” cùng với giọng hát truyền cảm mà mỗi khi bên chén rượu nồng ông lại ngân nga.
Có lẽ nhắc đến Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai, nhiều người vẫn không thôi nói về “bộ ba huyền thoại”: Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn và Mã A Lềnh. Họ - mỗi người một dân tộc nhưng đều có cách của riêng mình để “kê cao quê hương” bằng câu chữ. Thế nhưng hiện nay, nhà thơ Lò Ngân Sủn đã về với núi, nhà văn Mã A Lềnh sức khỏe đã yếu dần, riêng nhà thơ Pờ Sảo Mìn vẫn rất sung sức, dường như bài thơ hay nhất của ông vẫn còn ở phía trước. Mặc dù sinh sống chủ yếu ở Mường Khương nhưng cứ ít ngày lại thấy ông lên Hà Nội, lúc thì thăm con gái, lúc thì tham dự hội thảo, hội nghị, Trại Sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tổ chức.
Cách đây mấy tháng, ông còn tham dự Trại Sáng tác trong tận Tây Nguyên và nơi đó đã tạo cảm hứng để ông sáng tác bài thơ “Bản hòa tấu của bầy chim di trú” góp mặt là 1 trong 28 bài thơ trong tập thơ “Mủa say say” này.
Đó là tình cảm được ông rung lên từ mảnh đất đại ngàn đất đỏ khi có biết bao dân tộc anh em cùng người dân tứ xứ đến làm ăn, sinh sống và tạo nên một vùng văn hóa đắc sắc: “… Hôm nay non sông liền dải/Trên rừng già Đắk Lắk, Đắc Nông Gia Lai, Lâm Đồng.../Cứ mỗi chiều/Có bầy chim di trú/Hót gọi nhau về tổ Bản người Thái, người Mường/Bản người Nùng, người Giáy/Miền Việt Bắc, Tây Bắc/Mời gọi nhau gặp gỡ Tây Nguyên/Cả tiếng cồng tiếng chiêng/Người Ê đê, Ba na, Mơ nông ngân dài/Theo dòng sông Mẹ Sêrêpốk/Khúc êm đềm khúc thác cười vang Dray Sáp, Dray Nur/Mang về ánh sáng/ Sáng rọi mặt người/Của bầy chim di trú đang cười/Múa điệu sạp Tây Bắc năm xưa/Đàn tính tẩu ngân vang/Giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng nắng/Âm thầm chữ Thái cổ.../ Trên bảng đen phấn trắng…”.

3.
Tập thơ in riêng thứ 9 “Mủa say say” của ông mang một cái tên ấn tượng mà theo tiếng Mông nghĩa là “Đi nhanh nhanh”. Tập thơ này còn đặc biệt ở chỗ nó được in song ngữ Việt - Thái, phần tiếng Thái do nhà báo người dân tộc Thái - Vàng Thị Ngoạn, hiện là Phó trưởng Phòng Biên tập phụ trách các tiếng dân tộc Đài Phát thanh Truyền hình Lai Châu- chuyển ngữ. Chia sẻ về lý do này, ông cho biết Pa Dí là một dân tộc thuộc hệ ngữ Tày - Thái, vì thế in song ngữ Việt - Thái chính là cách ông muốn nhắc nhở con cháu người Pa Dí đời đời không được quên đi tổ tiên của dân tộc mình.
Một điều nữa cần phải nhắc đến về tập thơ này là bên cạnh kinh phí xuất bản do Hội Nhà văn Việt Nam đảm trách thì Huyện ủy, UBND huyện Mường Khương cũng tài trợ một phần. Đây chính là sự ghi nhận, khích lệ, động viên của chính quyền địa phương với những đóng góp của một công dân ở huyện nhà khi biết dùng những câu chữ để ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp quê hương mình.
Lật mở từng trang sách của tập thơ này, người đọc sẽ bị cuốn theo những vần thơ mà “ông già trên núi” đau đáu về những vấn đề lớn lao của đất nước trong thời đại 4.0: “Mủa say say/Bay nhanh nhanh/Bằng tốc độ mây/Bằng tốc độ gió/ Như tia nắng mặt trời/ Mới ngang bằng nhân loại/Văn minh và hiện đại/ Đất Việt/Trên hành tinh này/ Mủa say say/ Mủa say say/ Đi cho kịp biển/ Thái Bình Dương/Hỡi Thái Bình”.
Bên cạnh đó, tập thơ cũng có sự xuất hiện của bài thơ “Đất nước tôi xanh mãi một cung đàn” thể hiện niềm tự hào dân tộc của nhà thơ khi tiết trời chuẩn bị sang xuân và bài thơ đã được nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc: “Mường Khương xanh rất xanh bầu trời/Biên giới xanh rất xanh hơi thở/Như ánh trăng rằm, như mặt trời nắng ấm ban mai/ Tổ quốc tôi xanh một cung đàn tròn/ Có một phương đông đỏ…Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn”.
Nghĩ về nhà thơ Pờ Sảo Mìn, tôi vẫn hình dung một đàn ông với “tấm lưng cong cong mang hình dấu hỏi” nhưng vô cùng nhanh nhẹn và trên môi lúc nào cũng nở nụ cười sảng khoái, lạc quan. Vì thế không khó hiểu khi dòng chảy thơ ca trong ông luôn tuôn trào, ngây ngất. Có thể nói rằng sức sáng tạo trong ông còn rất thanh xuân.



Nguồn: Văn Nghệ Công An