Khi tôi bắt đầu gõ những dòng chữ đầu tiên trên máy tính thì hình ảnh “con người của Bóng bàn” Nguyễn Trọng Trúc với hình dáng khỏe khoắn, điềm đạm, đẹp trai... cùng tiếng lách tách của quả bóng nảy trên mặt bàn bóng xanh mướt suốt gần nửa thế kỷ quen biết anh, suốt bao nhiêu mùa giải thi đấu lại hiện lên trong trí nhớ của tôi... Trong những năm tháng ấy, người mà tôi gắn bó thân thiết nhất chính là anh Nguyễn Trọng Trúc, anh là người cần mẫn sống chết cùng môn Bóng bàn và gắn bó đặc biệt với Giải Bóng bàn Quốc tế Cây Vợt Vàng sau 32 mùa giải đầy dấu ấn của làng banh nhựa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.



LỜI TỰA
Vào một ngày đầu tháng 6.2018, tôi thấy có một số điện thoại lạ gọi đến, và đầu dây bên kia là giọng một cô gái Hà Nội trong trẻo và nhẹ như hơi thở cất lên:
– Em chào anh Huỳnh Dũng Nhân, em là Nguyệt Ánh, con gái bố Nguyễn Trọng Trúc...
Và chúng tôi đã gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Lê Duẩn. Nguyệt Ánh đến, mang theo bao nhiêu câu chuyện đầy yêu thương về bố mình là anh Nguyễn Trọng Trúc, người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với Bóng bàn Việt Nam. Cả cuộc đời anh hình như duy nhất chỉ có một tình yêu nghề nghiệp với niềm say mê quả bóng nhựa mà thôi.
Anh vừa mất tháng 11.2017 tại TP.HCM. Thời gian trước khi mất anh đã cố gắng dành hết sức lực chạy đua với tuổi già và chống trả mọi thách thức về bệnh tật để hoàn thành cuốn hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của mình, nhưng căn bệnh ung thư đã tàn nhẫn chặn đứng ngay cả đam mê cuối cùng của anh và cướp anh đi khỏi vòng tay gia đình, đồng nghiệp và bạn bè.
Nguyệt Ánh nói với tôi:
– Bây giờ gia đình em muốn nhờ anh hoàn chỉnh giúp cuốn hồi ký của bố em, vì anh vừa là nhà văn nhà báo, vừa là dân đam mê Bóng bàn, lại có thời gian là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn TP.HCM và cùng làm việc với bố em...
Tôi rất cảm động và nhận lời.
Cuốn sách này đã ra đời như thế. Phần ghi chép và tổng hợp tư liệu anh Nguyễn Trọng Trúc đã hoàn thành gần như đầy đủ bằng những trang giấy cũ kỹ, với những dòng chữ “khó đọc như chữ bác sĩ”, nhưng đã được người con trai út là Hoàng Anh đánh máy lại cẩn thận và chính xác, cùng với phần hình ảnh tư liệu quý giá mà anh sưu tầm cẩn thận từ nửa thế kỷ trước trở lại đây. Nhưng vì anh Nguyễn Trọng Trúc ít viết hoặc không đủ thời gian để viết lại những ký ức riêng về cuộc đời mình trong hồi ký, nên tôi đã bổ sung thêm những trang viết của mọi thành viên trong gia đình anh về những kỷ niệm của những năm tháng sống đầm ấm bên nhau ấy.
Khi tôi bắt đầu làm công việc mà người ta thường gọi là chấp bút, tôi hết sức trân trọng giữ lại tất cả những gì anh đã dành trọn cuộc đời lưu giữ, thổ lộ, chia sẻ, nhắn nhủ với nền thể thao nước nhà nói chung, với bộ môn Bóng bàn nói riêng và chỉ đụng bút vào những phần tư liệu tham khảo và những ký ức chung, những kỷ nệm chung mà tôi từng biết rõ về anh.
Và kỳ lạ thay, khi tôi bắt đầu gõ những dòng chữ đầu tiên trên máy tính thì hình ảnh “con người của Bóng bàn” Nguyễn Trọng Trúc với hình dáng khỏe khoắn, điềm đạm, đẹp trai... cùng tiếng lách tách của quả bóng nảy trên mặt bàn bóng xanh mướt suốt gần nửa thế kỷ quen biết anh, suốt bao nhiêu mùa giải thi đấu lại hiện lên trong trí nhớ của tôi...
Trong những năm tháng ấy, người mà tôi gắn bó thân thiết nhất chính là anh Nguyễn Trọng Trúc, anh là người cần mẫn sống chết cùng môn Bóng bàn và gắn bó đặc biệt với Giải Bóng bàn Quốc tế Cây Vợt Vàng sau 32 mùa giải đầy dấu ấn của làng banh nhựa Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Và ấn tượng đẹp nhất của tôi về Anh – là Anh – chứ không phải ai khác – xứng đáng được gọi là một chuyên gia, một từ điển sống của Bóng bàn miền Bắc trước kia và cả nước sau này...
Thưa bạn đọc và thưa các bạn hâm mộ Bóng bàn, tôi xúc động viết những dòng này trong cuốn hồi ký của anh vì tin tưởng chắc chắn và mãnh liệt một điều rằng: Đã là đam mê thì đam mê nào cũng đáng khâm phục, dù đó là niềm đam mê nghiên cứu vũ trụ rộng lớn hay đam mê về quả bóng bàn bằng nhựa đường kính chỉ 40mm và nặng chỉ 2,5g nhẹ nhất trong tất cả các loại bóng trên trái đất này...
                                                            HUỲNH DŨNG NHÂN

LỜI CẢM ƠN
Với cuốn sách này, tôi muốn đó là món quà cuối cùng mà cả gia đình có thể tặng bố Trúc vì ông đã luôn mong muốn ra mắt trong những ngày sức khoẻ còn tốt... Thật
ra, cuốn hồi ký đã được ấp ủ từ rất lâu nhưng bố vì mải mê với công việc cua Liên đoàn ngay cả khi ông đã nghỉ hưu, do đó ông chỉ viết vào những lúc thật rảnh rỗi với sự động viên của cả nhà. Đó cũng là di nguyện sau cùng của ông và chúng tôi đã quyết tâm để thực hiện điều này sớm nhất có thể.
Thay mặt gia đình, xin được gửi lời cảm ơn đến nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vì đã nhận lời chấp bút cho cuốn sách này. Sự nhiệt tình và tình cảm của anh dành cho bố và cuốn hồi ký là động lực rất lớn để tôi tin rằng mình không thể chọn ai tốt hơn anh để giúp bố hoàn thành tác phẩm này.
Lời cảm ơn của gia đình đến bác Nguyễn Hồng Phước, bác Bùi Hưng Kỳ, anh Từ Nhân Luân, bác Mai Duy Diễn, chú Nguyễn Quang Việt, cô Thúy Ngân, anh Vương Khải, Liên đoàn
Bóng bàn TP.HCM, một người bạn “đặc biệt” của gia đình và gia đình hai bên nội ngoại đã hỗ trợ để chúng tôi hoàn thành sớm nhất tâm nguyện này.
Tôi tin cuốn sách không chỉ là món quà với gia đình tôi mà còn là một cuốn cẩm nang rất có ý nghĩa về lịch sử môn Bóng bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung với những độc giả yêu mến môn thể thao này. Không chỉ có những tình tiết thú vị trải dài suốt cuộc đời của một trong những bậc thầy của môn Bóng bàn, tôi tin nó còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho các thế hệ trẻ: Thành công sẽ đến với những người có đam mê, chịu khó học tập và nỗ lực, dù ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất!
                           NGUYỄN HOÀNG NGUYỆT ÁNH (con gái ông Nguyễn Trọng Trúc)