Những câu chuyện trong đời sống hiện đại là một mảng đặc sắc trong quan sát của Nguyễn Thị Ngọc Hải: từ chuyện các ông có chức tước về hưu bị hẫng hụt, quán bia trở thành nơi chém gió tuyệt vời, đến việc các bà các mợ “đi tìm thời gian đã mất” ở các sàn nhảy, ở cửa hàng thời trang quần áo, các cô gái thời hiện đại từ “con dâu” thành “bà dâu” lái “con thuyền chồng” đi theo hướng của mình, bất kể; những bà về hưu trở thành osin quần quật suốt ngày vì thương con thương cháu...




TỪ ÁNH SÁNG CÂY ĐÈN BIỂN...

TÔN PHƯƠNG LAN 


1.
Nguyễn Thị Ngọc Hải quê gốc Thạch Thất, Sơn Tây, giờ vùng đất đó là Hà Nội nên nhiều năm nay, mỗi lần ra Bắc, chị đều về quê thắp hương cho các cụ. Thế nhưng ngày mới vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp chúng tôi chỉ biết chị là cô công nhân nhà máy đóng tàu Bạch Đằng ở Hải Phòng: bố ruột chị là một cán bộ cao cấp trong Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh; mẹ chị là nhà giáo từ thời Pháp thuộc. Giữa một đám sinh viên choai choai vừa ít tuổi vừa còi cọc, chị xuất hiện trong ngày nhập trường (dạo ấy còn ở Tràng Dương - Đại Từ - Thái Nguyên heo hút) với hình thể khá cao to. Nghe nói chị đã có đến mấy cái truyện đăng trên báoVăn nghệ ( dạo ấy có bài đăng báo đã là oai, được đăng ở báo Văn nghệ thì lại càng khỏi phải bàn!), lại thấy nói chị quen thân với những nhà văn như Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu...,lúc đầu chúng tôi nhìn chị không khỏi vừa khâm phục lại vừa tò mò. Nhưng những cách biệt e dè dần dần được khỏa lấp khi tiếp xúc với con người giản dị, hồn hậu, hóm hỉnh, có giọng hát hay, chữ đẹp, tính tình điềm đạm, học giỏi... ấy. Là lớp phó phụ trách công việc kế toán ở bếp ăn tập thể của lớp, tôi nhớ chị tếu táo một cách dễ thương khi ghi ngoài bìa cuốn sổ “nghiệp vụ” hàng ngày vẫn thường cắp nách: “Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” và thỉnh thoảng có những câu pha trò hóm hỉnh, những trò đùa tinh nghịch. Hồi ấy, lạ nước, sinh viên chúng tôi hầu như ai cũng bị ghẻ. Cẳng chân cẳng tay lúc nào cũng được bôi xanhmetilen trông như những cành violét. Mà chị Hải bị nặng hơn: những mụn ghẻ bị mưng mủ trông thì biết là rất đau. Nhìn chị loay hoay với chúng, bọn nhóc tồ chúng tôi rất ái ngại chẳng biết làm sao được khi bấy giờ duy nhất chỉ có “bác sỹ thuốc đỏ” Bích - một y tá nghiệp vụ bình thường mà lại chẳng có thuốc men chi! Vậy nhưng chị vẫn không chịu nhận bất cứ một sự ưu tiên nào, vẫn làm mọi việc công như đi rừng lấy củi, trồng rau, công việc quản lý bếp ăn một cách vui vẻ. Chị vẫn giản dị, khiêm nhường trước bọn đàn em cả về tuổi tác, học lực và kinh nghiệm sống. Tôi nhớ khi nghe cô Đặng Thanh Lê nói chuyện, chúng tôi bị cuốn hút bởi kiến thức, bởi giọng nói truyền cảm và tác phong của cô nên chỉ sau vài lần tôi đã nghiệm ra rằng: đối với phụ nữ, thông minh, hóm hỉnh cũng là một thứ nhan sắc trời phú. Chị Ngọc Hải của chúng tôi hồi ấy cũng là như vậy. Cho nên không ngạc nhiên khi bọn trẻ ai cũng thích chuyện trò, gần gũi chị. Càng không ngạc nhiên khi chỉ ít lâu sau, một anh chàng cùng lớp cùng tổ cao to đẹp trai (suýt trúng phi công, sau này là Giám đốc nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh), thể thao cừ, cũng học giỏi, chữ đẹp, ít tuổi hơn một ít, “kết” luôn. Mối tình ấy, mặc ai, đã tồn tại nửa thế kỷ nay, đơm hoa kết trái ngọt khi cho ra đời hai cậu con trai mà cậu cả Hà Nguyên là dịch giả cuốn Đời tôi - hồi ký của Bil Clinton - hiện đang làm giám đốc một công ty truyền thông tại Sài Gòn. Tôi cũng còn nhớ, ngày ấy quá nghèo, một anh bộ đội trong lớp tổ chức cưới vợ ở quê, chị đã ngồi vẽ thiệp cho anh suốt cả mấy đêm. Cậu em Nguyên Trần di truyền năng khiếu và tính ham vẽ của mẹ, sau này được hướng nghiệp, trở thành họa sỹ, đang lập nghiệp ở Mỹ. Nguyên Trần đã từng vẽ minh họa cho nhiều tờ báo lớn trong đó có tờ The New York Time. Bức chân dung Phạm Xuân Ẩn trong cuốn Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời là do cậu chàng ký họa đã lột tả được những đăc sắc trong thần thái của nhà tình báo nổi tiếng mà cuốn sách viết về ông đã làm tên tuổi mẹ cậu vượt ra ngoài biên giới. Cảm hứng và những cứ liệu có trong sách phần nào đã giúp cho nhà văn Mỹ Lary Becman trong quá trình viết cuốn Điệp viên hoàn hảo. Cuốn sách của ông được dựng thành phim và phát trên truyền hình. Cả sách và phim đều rất ăn khách ở nhiều nước. Còn cuốn sách của Ngọc Hải cũng đưa chị  nhận Giải A cuộc thi Vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên lần thứ 3 (1999 – 2002) do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức.

 2.
Văn chương mỗi người có một cái tạng và có lẽ Ngọc Hải cũng không là ngoại lệ. Ở văn chị có cái chân chất, trầm tĩnh như con người chị. Từ thời chống Mỹ, những truyện ngắn đầu tay như Ánh sáng cây đèn biển, Phần việc người đi vắng thực sự là những câu chuyện nhỏ xinh xảy ra hàng ngày quanh chúng ta mà ai có thiện tâm quan sát sẽ không khó nắm bắt. Cái tạng văn đó là tạng văn của cả một thế hệ viết văn có xuất phát điểm từ lối nhận thức của cuộc sống một thời mà độ lắng của những câu chuyện đó khi bước vào văn chương đến đâu còn tùy thuộc vào tài hoa của ngòi bút. Bấy giờ tình cảm con người ta với nhau trong sáng, giản dị. Tình yêu nước không chỉ biểu hiện qua việc tòng quân, qua chiến đấu hy sinh mà cả trong những công việc nhỏ hàng ngày như giúp đỡ một người mẹ có con đi chiến đấu xa, như cặm cụi làm hết trách nhiệm của một công nhân ngoài đảo đèn. Sau khi ra trường, chị về báo Phụ nữ Việt Nam, cưới chồng, sinh con. Công việc của một người làm báo, của người một nách hai con nhỏ khi chồng được phân công công tác nơi xa, chỉ chủ nhật mới về...trong thời bao cấp đã chi phối thời gian và mạch viết của chị. Mặc. Văn chương đã thành cái nghiệp là nó cứ đeo bám chị hay nói cách khác là chị không rời bỏ nó dù lúc bấy giờ chị đã là một nhà báo có uy tín và là Thư ký Tòa soạn. Sau tập truyện ngắn đầu tay Ánh sáng cây đèn biển 14 năm, tiểu thuyết Kẻ lãng mạn đi qua mới ra đời (1993). Tuy nhiên, phải đến Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống (1997) thì đời văn của chị mới sang một bước định vị. Không chỉ là với tác phẩm đó, chị được nhận Giải thưởng danh giá, sang trọng hàng năm trao cho những tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nhà văn mà từ cuốn tiểu thuyết này, một mạch viết mới hình thành trong đời văn của chị: kiểu viết ký sự nhân vật. Từ con người có thật ngoài đời và những tư liệu về họ, chị đã tạo nên nhân vật của văn chương: dường như vẫn giữ được thần thái, tính cách, câu chuyện của nhân vật ngoài đời mà không hề bị lệ thuộc vào nguyên mẫu một cách cứng nhắc. Có thể coi dạng viết này là một bước phát triển mới của dạng truyện ký trong dòng văn học tư liệu khá phát triển sau chiến tranh. Trong Tôi chết, bắt đầu một thế giới sống Nguyễn Thị Ngọc Hải đã đưa người đọc theo dấu chân người bác sỹ đi tìm lại đồng đội của mình. Viết trong bối cảnh hòa bình nhưng đằng sau mỗi mảnh xương, một bộ hài cốt mà bác sỹ Bản chủ tâm đi tìm là chân dung một con người, một trận chiến đấu, là tấm lòng, là tình cảm và trách nhiệm của người đang sống đối với người đã khuất. Những câu chuyện mà người bác sĩ kể lại cho các thành viên trong Đội xung kích Chữ thập đỏ về hoàn cảnh gia đình, về tính cách người đã hy sinh; những việc anh làm: sự kiên trì trong quá trình tìm kiếm, thái độ trân trọng, nâng niu khi tìm được nơi hài cốt đồng đội được chôn cất, hướng dẫn các cháu cách nhận dạng, tìm địa điểm...đã cho thấy ý nghĩa của việc làm cao đẹp này: đúng là những người chết để cho sự tồn tại một thế giới sống; vậy thì phải sống sao cho xứng đáng, để những cái chết như vậy càng trở nên có ý nghĩa hơn.
            Là một phụ nữ nên chị thấu hiểu nỗi đau của những bà mẹ mất con. Câu chuyện về người mẹ những tưởng sẽ không bao giờ còn được “gặp” con vì chiến tranh đã qua hơn hai mươi năm, khóc khi nâng trong tay từng đốt xương nhỏ còn lại của con mình: “Nào tôi có thể tưởng tượng được có ngày nó trở về thế này. Đúng con đây rồi Kiên, hồi nhỏ con bị gãy đùi trái”...quả thật cảm động. Bốn năm trời, Bản cố tìm bằng được hài cốt người bạn nối khố cùng quê, cùng học một trường, cùng nhập ngũ đi B một ngày, cùng một đơn vị, lúc hấp hối chỉ dặn anh rằng: “Nếu mày còn sống sau này cố đem tao về cho mẹ tao”. Lời trăng trối của một trong hai mươi bảy chàng trai lên đường không trở về ngày ấy mà sau này chỉ Kiên là người duy nhất có hài cốt được lấp vào các ngôi mộ gió trong nghĩa trang xã, luôn đau đáu trong Bản. Nó đốc thúc anh, tạo nên một sức mạnh cho anh và anh đã truyền lửa sang người khác: sức mạnh của lòng nhân nghĩa. Hai mươi năm đi tìm hài cốt của đồng đội, Bản đã đối mặt với nỗi đau của người mẹ mất con. Nhưng cũng theo hành trình dấu chân của người bác sỹ đó, Nguyễn Thị Ngọc Hải cũng cho ta cảm nhận nối đau mất con của người mẹ Mỹ không biết con mình mất vì mục đích gì, và hình dung ra nỗi đau đớn của người mẹ những người lính cộng hòa tham chiến chết trong chiến tranh ...
Từ Tôi chết cho một thế giới sống Ngọc Hải nhận ra được thế mạnh của mình và dường như chị biết phát huy thế mạnh đó, thế mạnh mà vai trò của một nhà báo đã hỗ trợ, nâng cánh cho ngòi bút văn chương của chị để cánh cửa văn chương mở ra trước chị thông thoáng hơn. Và chị đã “bén duyên” cùng một số con người ưu tú nắm giữ nhiều bí mật, trong đó có những người là điệp viên, để rồi sau đó lần lượt các tác phẩm thuộc đề tài này ra đời. Trong văn học phương Tây, loại tác phẩm này- thể phi hư cấu rất được ưa chuộng. Ở Việt Nam, trước chị, Hữu Mai đã có Ông cố vấn nổi tiếng viết về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ gây được tiếng vang cả trong và ngoài nước. (Ông cũng là nhà văn đã cho người đọc có một chân dung hoàn hảo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hình thức người chấp bút qua những tập Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Đường tới Điện Biên Phủ...). Và trước nữa là Trần Bạch Đằng với Ván bài lật ngửa đã được dựng thành phim viết về người điệp viên Phạm Ngọc Thảo. Với Nguyễn Thị Ngọc Hải, chưa kể những chân dung văn học như Hồ DZếnh, Hoàng Cầm, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Thanh Tùng... được in rải rác trên các báo, công bằng mà nói với loạt tác phẩm viết về những con người đặc biệt như Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời, Trần Quốc Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại, Đại tướng Mai Chí Thọ, Trở về xứ Kado, Đời người xuyên thế kỷ, Chuyện đời Đại sứ, chị đã có những đóng góp cho thể loại này. Viết chân dung văn học trong dung lượng dăm bảy trang cho báo, thực tế không thể khó như dựng lại chân dung những nhà tình báo, những nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội trong dung lượng một cuốn sách. Một trong những cái khó với người viết về loại nhân vật này ngoài niềm đam mê, là tư liệu: liệu mình có đủ độ tin cậy để nhân vật cho tiếp cận và rồi có thể kể mọi chuyện cho mình? Liệu mình có kiên trì bám đuổi hay dễ nản lòng mà bỏ cuộc khi gặp trắc trở? Phải xử lý tư liệu thế nào để điều gì có thể viết ra, điều gì không được phép trong khi một trong những điều tạo nên độ hấp dẫn cho tác phẩm chính là những góc khuất của sự kiện, của nhân vật? Nhân vật ngoài đời càng “lớn” thì đòi hỏi kỹ năng xử lý vấn đề càng phải cao tay mới hòng thoát khỏi thất bại như không ít người đã gặp, nhất là giờ đây, khi lịch sử đã sang trang, những con người thuộc thế hệ vàng đó dường như không mấy xuất hiện trong xã hội. Nguyễn Thị Ngọc Hải đã cố gắng vượt thoát ra khỏi cách viết của một nhà báo chuyên nghiệp, dựng lại nhân vật với thao tác của một người viết văn. “Tìm ra nhân vật, phát hiện ra nhân vật ly kỳ vẫn còn trong bóng tối và thuyết phục sao cho họ nói ra. Với tôi sự thật lớn nhất không phải là lịch sử mà là chân dung sống động của họ trong các biến cố.” “Tôi đam mê lục lọi tâm hồn con người để tìm cho ra vẻ đẹp lạ lẫm, âm thầm, dung dị rất riêng trong họ’. Tùy từng nhân vật mà chị có cách tiếp cận, giải mã vấn đề theo một cách riêng. Mai Chí Thọ là một cách. Trần Quốc Hương là một cách. Hoàng Đạo, Ya Duk, Vũ Hắc Bồng là những cách khác nữa. Những con người có thật ngoài đời, bước vào văn chương qua “bộ lọc” của chị trở thành các nhân vật truyện ký có cá tính, tác phong, đời sống nội tâm riêng và mỗi nhân vật đều có độ hấp dẫn.
Tôi muốn đi sâu hơn một chút vào cuốn Phạm Xuân Ẩn – tên người như cuộc đời, một tác phẩm tiêu biểu trong đời viết của chị để thấy rõ hơn sự nỗ lực của chị trong cách nhìn, điểm đến, giữa hư cấu và phi hư cấu, sự giao hòa thể loại trong một tác phẩm văn chương và báo chí. Đây là cuốn sách được một số ký giả nước ngoài đánh giá cao. Larry Berman tác giả Điệp viên hoàn hảoviết tặng chị: “Cuốn sách của bà về Phạm Xuân Ẩn đã mở đường cho tất cả chúng tôi... Trong tất cả những người viết về Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết”. Còn Giáo sư Thomas Bass tác giả Điệp viên Z21 kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ đã trả lời phỏng vấn như sau: Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải là tác giả quan trọng hàng đầu về Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách của bà là chỉ dẫn quan trọng cho tất cả chúng tôi - những người theo bước chân bà viết về ông.” (Tuổi trẻ cuối tuần số ra 27.4.2014).
Phạm Xuân Ẩn là một nhà tình báo tài năng, yêu nước và có một trái tim nhân hậu. Phải nói rằng có không ít người cũng được sống trong điều kiện như ông: sinh ra ở Việt Nam, lớn lên học tập làm việc ở nước ngoài  rồi lại trở về làm việc ở trong nước. Vậy tại sao họ không thấm được văn hóa của dân tộc mình, của các nước mà họ từng được sống, như ông? Vì sao mà ông dám hy sinh tình cảm cá nhân, vượt qua được sự cám dỗ của cuộc sống no đủ, sang trọng nơi xứ người để giữ lòng trung kiên với cách mạng khi ông là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng nước ngoài với mức lương rất cao và là một ký giả có tên tuổi được trọng dụng, để rồi dưới chính cái vỏ ký giả đó, những tin tức tình báo quan trọng đã được ông cập mật, gửi về cấp trên gây cho đối phương rất nhiều thiệt hại? Rồi trong giờ phút gần như tuyệt vọng, ông vẫn tìm mọi cách đưa kỳ được Giám đốc Sở mật vụ Trần Kim Tuyến lên chuyến trực thăng di tản cuối cùng cho dù ông biết rất có thể sau này sẽ bị hệ lụy? Vì sao mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông rất ý thức một cách nguyên tắc việc làm sao những người đã giúp mình sẽ không bị phương hại nếu như mình bị bắt?... Theo tôi, chỉ có thể giải thích điều này trên căn cước của văn hóa: ông là người có tư chất thông minh, có nhân cách, là người trung thành với lý tưởng nhưng cũng là con người sống có thủy có chung với bè bạn, có lòng nhân hậu với mọi người. Trên cơ sở những tư liệu của mười năm theo đuổi, đam mê, tiếp xúc với ông và rồi được ông coi chị như một người thân quý, Ngọc Hải đã chọn cách nhìn đắc địa nhất về Phạm Xuân Ẩn để thể hiện kỳ được cái một con người bình thường nhưng lại mang tầm vóc khác thường bởi những cảnh huống ông đã trải qua, bởi cách ông xử lý công việc trên cái phông nền của một tính cách thông minh, khôn khéo, hóm hỉnh và đậm chất nhân văn. Tiếp thu được văn hóa Pháp ở tinh thần tự do, bác ái; ở văn hóa Mỹ là nguyên tắc làm việc kỷ cương, luật pháp, lao động phải có hiệu quả và sáng kiến; là người thấm nhuần tư tưởng yêu nước trong văn hóa Việt Nam... lại mang bản tính của một người Việt trầm lắng, Phạm Xuân Ẩn đã vượt qua được những thử thách nghiệt ngã của nghề nghiệp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người tình báo. Thành công của tác phẩm chính là chị biết nắm bắt được hồn cốt của nhân vật, cắt nghĩa được bản chất của vấn đề, tạo ra được một cách tiếp cận hợp lý và đưa lại cho nhân vật văn chương một hình hài mang đầy đủ phẩm chất của một con người ngoài đời: anh hùng mà giản dị, trầm tĩnh mà sâu sắc, nhân văn trong cách hành xử, trong thái độ sống. Những đặc trưng này trong tính cách nhà tình báo cách mạng Phạm Xuân Ẩn của Nguyễn Thị Ngọc Hải đã có sức tâm phục, khẩu phục đối với người nước ngoài. Đấy là sức mạnh của văn chương mà tác phẩm này có được.
Tiếp xúc được với những nhân vật đặc biệt như vậy, tôi nghĩ chị cũng phải có điểm gì đó trong tính cách để họ trao gửi cả những bí mật có thể thỏa mãn trí tò mò của người đọc mà không gây phương hại cho người khác, không ảnh hưởng đến công việc của mình. Chuyên viên báo chí Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là một phần. Cái chính, nói như Phạm Xuân Ẩn là sau những lần từ chối, dần dần “ông nhận ra ra điều tôi muốn là có thể giúp cho bạn đọc có một cái nhìn mới, không phải về bản thân ông mà về thời cuộc và lịch sử. Có bao nhiều điều trong lịch sử cần được giải mã từ chính những cuộc đời”. Động cơ đó đã đưa chị đi được một quãng thời gian khá dài, tiếp xúc được với nhiều người mà đối với người khác, sẽ rất khó khăn. Loạt đầu sách về đề tài này đã cho người đọc nhận ra đằng sau câu chuyện về những nhân vật này là một lịch sử sinh động hơn chính sử - một lịch sử viết bằng văn. Nó không chỉ là lịch sử một con người, lịch sử một cuộc chiến tranh mà còn là lịch sử văn hóa một vùng đất, dân tộc. Và cũng chính trong quãng thời gian hoàn thành các tác phẩm đó chị đã có thêm những trải nghiệm mới.

 3.
Những năm gần đây nghiệp văn của chị chuyển sang một chặng mới, đỡ “cực” hơn, vui hơn, mà ở đó chị tư chất của chị lại có thêm cơ hội thể hiện. Nếu như nghiệp báo đã giúp chị trong việc đi tìm tư liệu, tiếp xúc nhân vật để viết nên những chân dung văn học trong các truyện ký thì nghiệp văn cũng đã đồng hành cùng chị trong những bài báo vừa được tập hợp lại trong hai tập “Chuyện nhà tôi” vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Liệu đây có phải là chuyện riêng của một nhà nào khi ai cũng có thể nhìn thấy ở đó những câu chuyện thường xảy ra trong nhà mình, thường xuất hiện trong suy nghĩ của mình, những vấn đề đặt ra trong đời sống hiện đại, ngoài xã hội bởi những chuẩn mực sống thay đổi; công nghệ thông tin đã làm cho con người hiểu biết nhau hơn nhưng dường như cũng xa cách nhau hơn, sống thực dụng hơn... Những điều đó đã tác động hàng ngày vào đời sống con người. Mới thấy cái ăng ten của chị nhạy thật. Nó bắt được đủ các loại sóng trên... muôn mặt đời thường! Với cách thể hiện hóm hỉnh của người hoạt ngôn, những câu chuyện đời thường như cách các cô các bà “buôn dưa lê” ở công sở, lúc đi bộ, lúc ngồi chơi, có khi là câu chuyện làm quà, là những trao đổi giữa vợ chồng đang cùng làm bếp...bỗng được khoác lên cái áo mới mang một dáng vẻ mới, vượt ra khỏi cái chất tầm phào dễ vấp.
Cái hay là những vấn đề to thật là to, chẳng hạn như giáo dục, qua những Có học đâu mà bảo hiếu học? Lời của “thần đồng”, Giàu từ lúc nào ấy nhỉ?, Học tiếng nước nào, Lý giải vì sao chỉ số PISA cao, Chớ nói về tùy tiện du học lại được đặt ra rất mở và vì vậy, rất đáng suy nghĩ. Ở các góc nhìn khác nhau, vấn đề học văn hóa và văn hóa học (học vấn, kỹ năng, ứng xử...) được chị đề cập khá thấu đáo. Không khó lắm để nhận ra mấy vấn đề được chị quan tâm là internet, thời trang, tình huống xã hội và quan hệ gia đình. Những mặt được của nó đương nhiên là ai cũng nhận thấy. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 quả đã làm thay đổi cuộc sống và tư duy, nâng xã hội lên một tầm cao hơn trước, nó cho thấy được văn minh vật chất là một nhu cầu không thể thiếu của con người trong xã hội hiện đại. Nhưng làm thế nào để có được cuộc sống tiện nghi và đồng tiền cần được sử dụng như thế nào để thấy đúng là nó làm cho con người trở nên giàu có hơn thì cũng không là dễ. Chưa nói đến mối quan hệ xã hội trong điều kiện kinh tế được coi trọng trong khi vai trò của văn hóa trong yêu cầu phát triển bền vững của xã hội chưa được đánh giá như là một động lực nên hệ lụy là khôn lường. Qua nhiều câu chuyện trong hai cuốn sách, chị đã cho thấy được mặt trái của tấm huy chương: sự đảo lộn ngôi thứ, hệ giá trị, sự vênh lệch trong lối sống, trong cách nghĩ giữa các thế hệ... Những câu chuyện trong đời sống hiện đại là một mảng đặc sắc trong quan sát của Nguyễn Thị Ngọc Hải: từ chuyện các ông có chức tước về hưu bị hẫng hụt, quán bia trở thành nơi chém gió tuyệt vời, đến việc các bà các mợ “đi tìm thời gian đã mất” ở các sàn nhảy, ở cửa hàng thời trang quần áo, các cô gái thời hiện đại từ “con dâu” thành “bà dâu” lái “con thuyền chồng” đi theo hướng của mình, bất kể; những bà về hưu trở thành osin quần quật suốt ngày vì thương con thương cháu... Mỗi mẩu chuyện mang một cảnh huống được kể theo những cách khác nhau: hóm hỉnh, duyên dáng. Có thể tìm thấy ở đây những bài học cho mình để có cách ứng xử thích hợp trong gia đình. Cũng có thể mang chúng ra buôn dưa lê, chém gió... Giải trí chứ sao!

4.
Đã ngoài bảy mươi, chị vẫn bươn bả hết trường đại học này lại về tòa soạn nọ. Chị bảo không phải để kiếm tiền (dù ai chẳng muốn nếu có cơ hội) mà là cần phải đi để nạp cho mình năng lượng sống để không bị “chết mòn”. Mà quỷ quái thế: họ tín nhiệm nên cứ đặt bài, cứ mời thỉnh giảng, từ chối thì không nỡ nên cứ bị hút theo. Tôi chắc viết lách là cái nghiệp rồi. Mà phải lên phây, vào internet, phải đi, phải giao lưu thì mới viết được. Mừng là chị vẫn đi vẫn viết và ông xã là người chia sẻ không chỉ đời sống tinh thần. Một thời viết ký văn chương, tạo được dấu ấn, lại làm báo với mấy chục năm trong nghề nên ít nhiều chị cũng tích lũy được kinh nghiệm. Vào thời kinh tế thị trường, con người bươn chải mưu sinh, thời gian không còn nhiều nên văn hóa đọc phải thích ứng: đến tiểu thuyết cũng phải là tiểu thuyết ngắn, huống chi, nên những bài viết ngắn của chị như trong Chuyện nhà tôi chắc chắn là có độc giả. Mà mỗi nhà văn có một cái tạng, mỗi nhà văn có một vùng đất. Cái tạng của chị thì khá rõ. Vùng đất của chị: đời sống gia đình, cuộc sống trong xã hội hiện đại. Tôi vẫn muốn chị thử lại thể truyện ngắn xem sao. Biết đâu với chất liệu sống ngồn ngộn này, chị lại cho ra được những truyện ngắn hút khách./.