Nguyễn Hiến Lê nhiều lần tự nhận mình không biết làm thơ, cũng không rành viết văn miêu tả. Ông nhắc đi nhắc lại, đời ông chỉ có hai việc mà ông không lúc nào thôi làm là đọc (học) và viết. Đó là cái đam mê lớn nhất đời ông, đam mê có ích cho đời và hoàn toàn không “cuồng loạn”. Ông cũng đa tài – viết văn, viết báo, phê bình văn học, dịch thuật, nghiên cứu (lịch sử, triết học, giáo dục), cũng có lúc dạy học… nhưng ông không hề “đa tật”




TÂM HỒN NGHỆ SĨ CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN HIẾN LÊ

NGUYỄN MINH HẢI

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984) vốn đã qnổi tiếng với các tác phẩm vgiáo dục làm người, vnghiên cứu triết học, văn học cổ… Ông cũng là một tấm gương vtinh thần làm việc nghiêm túc, kluật, đến đcó người nói ông viết mà như “hành xác”. Nhưng không phải chỉ có vậy, vhọc giả đáng kính này còn có một tâm hồn nghệ sĩ, với đầy những rung động trước các hiện tượng của cuộc sống.
Trong bài tựa của cuốn Đời nghệ sĩ, đề ngày 1-8-1979, Nguyễn Hiến Lê viết: “Đa tài thường đa tật; nhất là các nghệ sĩ phương Tây thế kỷ XIX, thế kỷ lãng mạn, đam mê, cuồng loạn thì lại càng nhiều tật vì không khí chung của thời đại. Nhưng họ có tài, cảm xúc sâu sắc hơn ta, tưởng tượng dồi dào hơn ta, phô diễn được nỗi lòng cùng tư tưởng một cách tinh tế hơn ta, miêu tả được thiên nhiên một cách chân xác, bóng bẩy hơn ta. Họ vừa là những đại biểu của nhân loại – vì là người thường như chúng ta – vừa là những vì sao lấp lánh, những bông hoa rực rỡ tô điểm cho vũ trụ”.
Nguyễn Hiến Lê nhiều lần tự nhận mình không biết làm thơ, cũng không rành viết văn miêu tả. Ông nhắc đi nhắc lại, đời ông chỉ có hai việc mà ông không lúc nào thôi làm là đọc (học) và viết. Đó là cái đam mê lớn nhất đời ông, đam mê có ích cho đời và hoàn toàn không “cuồng loạn”. Ông cũng đa tài – viết văn, viết báo, phê bình văn học, dịch thuật, nghiên cứu (lịch sử, triết học, giáo dục), cũng có lúc dạy học… nhưng ông không hề “đa tật”. Đừng nhìn vào việc viết lách như “hành xác” của ông (viết theo thời khóa biểu, không đợi hứng, viết hết cuốn này đến cuốn khác, khi đã nhận lời viết cho ai thì không bao giờ để người ta nhắc mà luôn gửi trước hạn…), cũng đừng vì ông từng viết những vấn đề hay bị cho là khô khan (như triết học, lịch sử…) mà bảo rằng ông khô khan. Thực ra ông cũng lãng mạn và nghệ sĩ lắm. Tính nghệ sĩ đó hoàn toàn trùng khớp với nhận xét của ông về nghệ sĩ, nghĩa là “có tài, cảm xúc sâu sắc hơn (chúng) ta, tưởng tượng dồi dào hơn (chúng) ta, phô diễn được nỗi lòng cùng tư tưởng một cách tinh tế hơn (chúng) ta, miêu tả được thiên nhiên một cách chân xác, bóng bẩy hơn (chúng) ta”.
Nhà nghiên cứu Châu Hải Kỳ, người có nhiều năm tìm hiểu về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, trong công trình Nguyễn Hiến Lê, cuộc đời và tác phẩm, có nhận xét: “Quanh năm suốt tháng, hễ đặt cuốn sách xuống là cầm cây bút, còn thì giờ đâu nữa mà mơ mộng hay lãng mạn; tôi nhớ cũng trong cuốn Tương lai trong tay ta, có chỗ ông cho “cái việc đó mất thì giờ lắm”. Nhưng đọc lại bài tựa cuốn Nghề viết văn và bài Hoa đào năm trước, thì tôi thấy có lẽ con người đó, như thi sĩ Quách Tấn nhận định, “cũng đa tình lắm” chứ không phải không. Có điều là cái “đa tình” đó tất kín đáo lắm, mà chỉ thoảng qua vì ông cho rằng “cái tuyệt mỹ bao giờ cũng phù du”.
Cái đa tình của Nguyễn Hiến Lê (ông đã “đính chính” với nhà thơ Quách Tấn, ý rằng ông không phải đa tình trong quan hệ với phụ nữ!) nên hiểu là giàu tình cảm với con người, với cảnh vật, với cuộc sống xung quanh… Tình cảm đó cùng với ý tưởng sâu sắc, khả năng quan sát tinh tế, kỹ thuật miêu tả sinh động, giàu hình tượng, ở nhiều chỗ trong văn của ông, ta dễ có cảm giác rằng ông đang viết văn miêu tả, hơn là kể chuyện hay viết thư. Đọc xong, ta như không thấy sự cao xa của văn chương, sự bóng bẩy của nghệ thuật mà nó rất gần gũi, giản dị, đời thường. Có lúc, chính ta cũng có cảm giác đó khi trước một hình ảnh nào đó, cũng thấy được cảnh sắc đó nhưng ta để nó thoáng qua hoặc có nghĩ đến cũng không thể tả lại một cách sinh động như ông. Bởi ở ông, bên cạnh vị trí một nhà nghiên cứu, một nhà văn, ta còn thấy ông là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ thực thụ, chứ không phải gán ghép khiên cưỡng.
Trong Hồi ký (viết vào lúc ông đã gần 70 tuổi), ông đã ghi những phút xao xuyến trước một hình ảnh lãng mạn, khi ông còn làm kỹ sư công chánh vào những năm 1930, tức là đã hơn 40 năm sau (chứng tỏ hình ảnh và cảm xúc ấy sâu đậm trong ông đến dường nào): “Tôi cũng đã có lần được một bạn rủ đi nghe một cuộc đàn ca của vợ chồng tài tử ở trên bờ rạch Bình Thủy. Một căn nhà lá nhỏ cất trên một khu đất mới vừa phát, còn gốc lau sậy. Ngoài sân phơi nhiều quần áo của hạng phụ nữ sang mà trong nhà đồ đạc rất sơ sài: một cái bàn con, vài cái ghế, một bộ ván trải chiếu. Trên vách treo một cây đàn kìm. Năm sáu cành sậy, xuyên qua vách lá hở, đâm tua tủa vào một góc phòng. Người chồng trẻ dáng dấp một thư sinh, bận bộ bà ba lụa đen, đun nước pha trà Thiết Quan Âm tiếp chúng tôi. Vợ bận áo dài, nhỏ nhắn, nước da trắng mịn, vẻ mặt thanh tú, dịu dàng, hỏi thăm chúng tôi vài câu, rồi anh bạn tôi lên dây cây đàn kìm, gảy khúc Phụng cầu hoàng, nàng cất tiếng hát họa theo. Ngón đàn của anh mùi, mà giọng nàng thanh, ấm. Nàng ngước cặp mắt long lanh lên ca, cặp mắt bồ câu tuyệt đẹp, hai bàn tay búp măng đặt lên đùi, móng tay hồng hồng, lúc này tôi mới thấy nét mặt nàng phảng phất buồn. Bạn tôi vừa đàn vừa đăm đăm nhìn nàng và mỗi khi xuống một nhịp nào, giọng đàn, giọng ca thật hòa hợp nhau, thì hai người cùng mỉm cười ngó nhau, và người chồng ngồi bên cũng mỉm cười. Sự hân hoan tương đắc đó chỉ hạng nghệ sĩ mới cảm được. (…) Vợ chồng đó là một cặp nghệ sĩ, mê nhau rồi bỏ nhà ra đi sống cuộc đời giang hồ; vì có tài mà lại đứng đắn, lễ độ, nên được nhiều người mến, thương tình, giúp đỡ; và họ biết giữ tư cách của họ. Người vợ sau bị giặc Pháp giết, người chồng theo kháng chiến”. Ông bảo mình không phải là nghệ sĩ nhưng thực ra ông cũng là một nghệ sĩ ở góc độ khác. Ông không đàn, không hát nhưng khả năng cảm thụ và sự rung động của ông còn vượt qua cả một người nghe đàn hát với sự nhạy cảm tuyệt vời.
Ở một đoạn khác, ông tiếp tục tả về cảnh và người: “Trăng ở đây (Nam kỳ) tỏ nhất vào giữa tháng giêng và tháng hai âm lịch. Vào những khoảng đó, nếu làm việc ở một miệt vườn như Long Xuyên, Cần Thơ, mà lại nhằm ngày rằm, làng nào cũng cúng đình, thì thế nào tôi cũng dạo trên bờ rạch để ngắm cảnh. Dưới rạch thỉnh thoảng có một hai chiếc ghe tam bản hoặc ghe bầu lặng lẽ xuôi dòng đưa các ông già bà cả đi lễ đình, có thiếu nữ theo hầu. Trên đường đất theo bờ rạch, nam thanh nữ tú dập dìu chơi xuân, lúc ẩn lúc hiện dưới bóng rặng dừa, rặng xoài hay bằng lăng. Trong gió mát, phảng phất hương xoài, hương mù u. Và chỗ nào cũng nghe thấy tiếng đàn kìm từ trong nhà sàn bên đường đưa ra các điệu vọng cổ, Tây thi, tứ đại oán… Cứ tiếng đàn sau lưng nhỏ dần thì đã văng vẳng tiếng đàn ở phía trước. Trời trong, nước trong. Trăng nhấp nhô trên mặt nước, lấp lánh trên đường cát, nhảy múa trên tàu dừa, chảy trên tóc, trên vai thiếu nữ…”. Đọc những dòng này, ta nghĩ Nguyễn Hiến Lê đang đứng lại để quan sát thật tỉ mỉ rồi ghi chép thật cẩn thận, bằng sự quan sát chi tiết, kỹ lưỡng với một tâm hồn tinh tế, dễ rung động. Ở góc độ này, người ta quên mất Nguyễn Hiến Lê là một học giả mà là nhà văn như cách hiểu những người chuyên viết truyện ngắn hay tiểu thuyết. Mà giá ông đi theo con đường trở thành tiểu thuyết gia chắc thành công đầu tiên của ông là khả năng miêu tả…
Ông cũng viết những tác phẩm được coi là “du kí” như Đế Thiên Đế Thích, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười khá thành công với nhiều hình thức miêu tả. Ngay cả các truyện dịch như Kiếp người (của Maugham), Chiến tranh và hòa bình (của Tolstoi), Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu (của Alan Paton), Cầu sông Drina (của Gaillard)… thì ông cũng rất chú ý Việt hóa những đoạn miêu tả, cả cảnh và tình, đến độ như ông đang kể lại với người đọc điều mà ông thấy.
Ở nhiều bức thư với Nguyễn Hiến Lê vốn là để bày tỏ suy nghĩ, tâm trạng, tình cảm với những người bạn thân (Đông Hồ, Giản Chi, Quách Tấn, Châu Hải Kỳ…) cũng như qua đó trao đổi về văn chương, học thuật, ông cũng “tranh thủ” tả cảnh tả tình. Kể cây xoài trong vườn nhà ở Long Xuyên, Nguyễn Hiến Lê viết: “Từ trước tôi vẫn khen một cây xoài khi nở rộ coi như mâm xôi đậu, mùi hoa của nó ngọt ngọt chua chua, vì ngọt mà chua nên ngọt mát, nay đọc văn của ông tôi như thấy ông ngồi trước mặt mà cùng cười với tôi” (Thư gửi Quách Tấn ngày 3-4-1968). Tả cây mận thì ông viết: “Vườn tôi ở Long Xuyên cũng có mấy cây mận, nhưng có một cây trái đỏ, tôi cũng mến lắm, và tôi cũng như ông, thích nhìn nhị trắng của nó lả tả rơi xuống sân, không muốn quét chút nào cả, không muốn giẫm lên nữa” (Thư gửi Quách Tấn ngày 8-1-1975).
Cũng trong thư gửi người bạn già họ Quách ở Nha Trang ngày 30-9-1978, ông kể: “Tôi đã để ý cây đuôi chồn (một loại lilas) của tôi đương nhiên nhiều hoa, bướm và ong cùng tới một lúc, buổi sáng. Tôi thích cây đó vì nó làm tôi nhớ tới một loại cây đó trên đường từ nhà tôi tới trường Tiểu học Yên Phụ (ở Hà Nội); lá nó xanh quanh năm, xanh như ngọc thạch, chỉ trừ hồi cuối mùa nắng, nó gần rụng, đỏ như lá bàng, hương ngào ngạt, và bướm ong tới rất nhiều, có lần cả mấy trăm con”. Trong thư ngày 22-10-1978, Nguyễn Hiến Lê viết tiếp: “Kể một chuyện nữa cho anh nghe: Một đứa nhỏ 6 tuổi, con trai, mới học lớp 1, mà cũng thích cây đuôi chồn của tôi. Một buổi sáng nọ nó qua nhà tôi chơi – nhà nó ở bên cạnh – rồi cao hứng cất lên một bài hát giọng êm đềm, chứ không phải giọng hàng hàng của các bài nó học ở trường, láy đi láy lại, nào bướm, nào ong, nào hoa, nào chim, say mê như vậy có tới 10 phút tới khi mẹ nó gọi nó mới thôi. Nghệ sĩ không? Tôi yêu nó quá! Nó rất đẹp trai, tính như con gái”. Đó là cây đuôi chồn trước nhà ở đường Kỳ Đồng (quận 3, TP.HCM). Cây đuôi chồn đó rõ ràng là gắn bó với nhà văn còn hơn cả một kỷ niệm mà như một người bạn thân thiết.
Trong thư ngày 10-2-1979 viết tại Long Xuyên, Nguyễn Hiến Lê kể về một thú vui hiếm hoi của mình: “Cái mương bên cửa sổ phòng viết của tôi. Nó rộng độ 4 – 5 thước, dài 30 – 40 thước, nhờ mùa lụt năm ngoái mà nay còn nước, chỗ sâu nhất được 1 thước nước, hai tháng nữa sẽ khô; hiện nay mặt nước đầy bèo cám, lấp lánh ánh vàng dưới ánh nắng. Hai bên bờ là những cây xoài, mận, chuối, dừa, cả một khóm trúc nữa. Tàu dừa, nhất là cành trúc ở sát bờ, chiếu bóng xuống mặt bèo, nét chỗ mờ mờ, chỗ đậm sắc, đẹp hơn một bức họa của Mễ Phố. Một đàn 5 con vịt, có 2 con trắng, ngơ ngác trôi trên mặt bèo, ung dung, để lại phía sau một vạch nước, lần lần bị bèo khép lại. Tôi nằm ở chiếc võng, dưới mái hiên và tàng mận, nhìn cảnh không chán. Trời xanh ngắt, hoa mận lả tả rắc xuống bờ nước; sáng và chiều thoang thoảng hương xoài”. Còn thư ngày 27-8-1983, ông viết: “Mươi bữa nay mưa ngâu. Trời u ám. Sân lầy lội. (…) Đàn vịt năm con, tháng trước còn nắng, cứ cách ba, bốn giờ, chúng lại từ sân sau quạc quạc, lạch bạch chạy ra sân trước, tắm dưới mương, hụp lặn rồi lên bờ rỉa lông, xong rồi lại quạc quạc, lạch bạch rút về vườn sau. Mỗi ngày ba, bốn lần như vậy. Từ khi mưa ngâu, chúng cũng ủ rũ, không rủ nhau đi tắm nữa”.
Trong Hồi ký ông kể một chuyện cảm động: “Trước cửa nhà tôi có một cây lớn gọi là cây nính (?), cao đến 20 thước, thân đến hai ôm, cứ lúc đầu xuân này thay lá một lượt, bay lả tả suốt ngày đêm, độ nửa tháng là trút hết lá. Ban đêm tôi nằm nghe thấy lá rụng ào ào, sáng dậy sân và đường đã đầy những lá đen, và một cô giáo với hai đứa con bảy tám tuổi, đã tới từ hồi nào để quét và thồn vào những cái bao ni lông lớn. Cô giáo cột vào xe đạp chở về. Có khi mẹ bận, hai đứa nhỏ phải đội những bao đó đi bộ về nhà. Chúng thật dễ thương, có trái cây hay một miếng bánh tráng chúng cũng chia nhau: con chị cắn trước rồi chìa cho thằng em, em cắn một miếng rồi lại đưa cho chị. Nhìn họ, tôi vui được sống lại tuổi thơ”…
Vậy đó, những đoạn văn miêu tả của Nguyễn Hiến Lê luôn giàu âm thanh, màu sắc, còn hình ảnh thì rất sinh động. Về tình cảm, người đọc rất dễ cảm thụ và chia sẻ với tác giả bởi sự đồng điệu, dung dị. Cảnh vật, từ cỏ cây, chim thú… đều có sức sống, có tình, nên luôn đẹp, dù không phải khi viết ra, lúc nào Nguyễn Hiến Lê cũng trong trạng thái vui vẻ. Những đoạn văn ấy đáng được trích trong chương trình ngữ văn tiểu học, trung học cơ sở để giúp học sinh có tư duy về cảm thụ và khả năng miêu tả tốt hơn. Đó cũng là cách giúp học sinh có được tính “nghệ sĩ” hơn thay vì bị ảnh hưởng cuộc sống quá thực dụng hiện nay.
Xin mượn bài Tựa của quyển Hương sắc trong vườn văn, để kết thúc bài viết này. Trong tác phẩm viết năm 1956 đó, Nguyễn Hiến Lê nhận xét: “Theo tôi, cái gì làm cho đời người phong phú lên là cái ấy đẹp. Phong phú về vật chất cũng như về tinh thần, vì vật chất và tinh thần liên quan mật thiết với nhau. Một kiểu áo giúp cho điệu bộ của ta uyển chuyển hoặc nghiêm trang; một trái cam ăn vào ta thấy cơ thể nhẹ nhàng, sảng khoái; một nền trời lấp lánh những vì sao, một cánh đồng thơm tho những lúa chín, một định lý hóa học, một hành vi bác ái… những cái đó đều là đẹp cả. Hiểu như vậy thì cái Đẹp bao trùm cả cái Chân và cái Thiện; mà mục đích của đời người là tìm tòi thực hiện rồi hưởng cái đẹp. Chúng ta càng văn minh bao nhiêu thì càng bỏ nhiều thì giờ để theo đuổi mục đích đó bấy nhiêu”. Kể như vậy, có rất nhiều người làm được cái Đẹp. Nhưng với một nghệ sĩ như Nguyễn Hiến Lê thì cái Đẹp gần như là mục tiêu của suốt cuộc đời ông. Và, giá trị của cái Đẹp mà ông tạo ra phải chăng xuất phát từ tâm hồn nghệ sĩ của ông?


Nguồn: Văn Nghệ TPHCM