“Giấu vàng trong gió thu”, hấp dẫn độc giả bởi những trang viết có lý, có tình,  thấm nhuần và hòa quyện đời văn - đời người, tác giả - tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi thuộc nhiều thế hệ. Người đọc cũng bị lôi cuốn bởi kiến văn, kiến thức và những hiểu biết rất có hệ thống của người viết. Điều đáng nói nữa là: 20 bài viết trong cuốn sách này đều được sinh thành trên cái nền của cảm xúc và cũng nhờ vậy, chúng truyền cảm hứng tới độc giả. 

                          
NGƯỜI TÌM VÀNG TRONG GIÓ THU

                   ĐẶNG HUY GIANG

     Tính từ năm 2009 đến nay, “Giấu vàng trong gió thu” (NXB Hội Nhà văn quý 1 năm 2019) là tác phẩm thứ 9 của Khuất Bình Nguyên. Như vậy trung bình mỗi năm, nhà thơ người có gốc gác xứ Đoài này cho ra đời một đầu sách. Một người sắp bước sang tuổi “xưa năm hiếm” mà sức viết, sức sáng tạo còn dồi dào và tiềm tàng như thế, thì thật đáng nể. Nhưng đáng nể hơn là những đứa con tinh thần của Khuất Bình Nguyên không chỉ mạnh về lượng, mà còn tinh về chất. Và ông không chỉ làm thơ, mà còn viết phê bình văn học, chân dung văn học nữa.
    Bằng chứng là: Cũng trong khoảng thời gian trên, Khuất Bình Nguyên đã kịp nhận liền 3 giải thưởng danh giá về văn chương: Giải nhì cuộc thi thơ 2008 – 2010 do Báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bằng khen (tặng thưởng) của Hội Nhà văn Việt Nam 2012 cho tập thơ “Hoa hoàng đàn nở muộn”, giải thưởng của Hội Nhà văn 2016 cho tập phê bình văn học, chân dung văn học “Giọt trời trong lá sen”.
    “Giấu vàng trong gió thu”, hấp dẫn độc giả bởi những trang viết có lý, có tình,  thấm nhuần và hòa quyện đời văn - đời người, tác giả - tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi thuộc nhiều thế hệ. Người đọc cũng bị lôi cuốn bởi kiến văn, kiến thức và những hiểu biết rất có hệ thống của người viết. Điều đáng nói nữa là: 20 bài viết trong cuốn sách này đều được sinh thành trên cái nền của cảm xúc và cũng nhờ vậy, chúng truyền cảm hứng tới độc giả. Nên nhớ trong sáng tác nói chung, truyền cảm hứng là một việc khó làm. Trên thực tế, đối với nhiều người viết, truyền cảm hứng có lắm khi là một việc “bất khả thi”.
    Khuất Bình Nguyên không chỉ trở lại với Thạch Lam, mà còn trở lại với nhiều nhà văn, nhà thơ khác như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Chính Hữu…Bên cạnh đó, ông cũng không quên những nhà thơ tài hoa bạc mệnh xuất hiện sau 1975 như Lãng Thanh, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh. Ông trở lại với họ theo cách tiếp cận kiểu “liên tài” và góp phần khẳng định thêm chân giá trị của từng tác giả theo cách của riêng mình. Thêm nữa, ông cũng muốn “gọi tên sự vật với đúng tên gọi của nó”.
    Khuất Bình Nguyên sắc sảo và góc cạnh, hàm chứa chất phát hiện khi trở lại với Nguyễn Tuân: “Cái mệnh của ông Nguyễn là làm thơ trên những dòng văn xuôi chải chuốt vô tiền khoáng hậu”, “Tôi đọc “Vang bóng một thời” thấy dường như phảng phất văn hóa xứ Đoài ở đâu đây. Cái xứ sở nghèo túng nhàn nhạt pha trộn giữa cái xưa cũ của mới ngày hôm qua với cái bóng dáng nghìn năm chưa mất của sông núi và cõi đời đâu đó vẫn còn ẩn hiện đến bây giờ (“Người thi sỹ tài hoa trong Vang bóng một thời”); khi trở lại với Thạch Lam: “Không có dòng văn nào trong “Hà Nội băm sáu phố phường mà không có rất nhiều Thạch Lam, rất nhiều Hà Nội ở bên trong (“Trở lại với Thạch Lam”); khi trở lại với Bích Khê: “Sắc vàng là bản vị thơ Bích Khê” (“Giấu vàng trong gió thu”)…
     Ông cũng gọi tên ba chàng thi sỹ tài hoa với sự trìu mến, trân trọng qua “Ba chàng thi sỹ ấy đã ra đi”. Đây là Lãng Thanh: “Tiếng thơ Lãng Thanh tôi nghe như tiếng vạc kêu thảng thốt lúc chạng vạng bình minh, để rồi khi ánh dương ló rạng, tôi không nhìn thấy cánh chim ấy nữa. Một ngày mới sắp đến…” Đây là Nguyễn Lương Ngọc: “Gọi hạc là bài thơ hay nhất của tập “Lời trong lời” và cũng là của đời thơ Nguyễn Lương Ngọc. Nó như một tuyên ngôn sinh tử của cuộc cách tân thơ đương đại, cũng như đó là tấm lòng trong suốt và thanh thản cho sự mất mát thường có trong một cuộc cách tân”. Còn với Dương Kiều Minh, sau khi trích dẫn ba câu thơ: “Một sớm vắng/ Ùa lên khói bếp/ Về đây củi lửa ngày xưa”, ông viết: “Dương Kiều Minh bắt đầu cuộc đời thơ của mình như thế bằng một ký ức đẹp và sự giản dị mà huyễn hoặc của Củi lửa (tên một tập thơ của Dương Kiều Minh)  ngày xưa”.
    Tôi thích những đoạn văn rất gợi và rất thơ, ưa ngẫm ngợi, đậm chất triết lý nơi Khuất Bình Nguyên: “Thời gian vô hình vô ảnh cứ hiu hắt trôi đi giữa vùng Nhã Nam già không biết bao nhiêu thế kỷ mà chẳng khi nào dừng lại. Dường như nó không để ý đến cái gì đang xảy ra phía trước. Cái hữu hình đang đi tìm phần còn lại của cái vô hình (“Ta cởi áo lội dòng sông ta hát”). Cả những câu định nghĩa về thi ca rất đặc trưng Khuất Bình Nguyên: “Thi ca không phải là hình vuông, dù hình vuông đó có nằm trong bàn cờ người vô cùng thâm hậu. Bởi vì thi ca không phải là nơi được xây cất để chứa đựng sự khôn ngoan của con người”, “Thi ca là lễ vật của lòng tin”…Tôi cũng thích một câu của triết gia Đức F. Nietzsche được Khuất Bình Nguyên sử dụng như là đề dẫn trong “Làng ta, ngựa đá đã qua sông”: “Chỉ có những tư tưởng đến với chúng ta khi đang bước đi mới có giá trị mà thôi”.
     Khi đọc “Hoa hoàng đàn nở muộn” (xuất bản năm 2012), tôi đã viết: “Có một nhà thơ nước ngoài đã ví sáng tác của những người khi đã có tuổi mới “phát tiết”, mới “thăng hoa” là một thứ ánh sáng chậm. Và tôi cũng coi thơ Khuất Bình Nguyên là một thứ ánh sáng chậm như thế”. Giờ nghĩ lại, mới thấy mình võ đoán. Khuất Bình Nguyên đang đồng hành với bạn văn, bạn thơ trong làng văn, làng thơ. Dường như mấy chục năm gắn bó với ngành kiểm sát, từng đảm đương chức Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ là khoảng thời gian ông gìn giữ, nuôi nấng, ghìm nén để giải thoát niềm đam mê văn chương khôn cùng của mình một cách mạnh mẽ hơn và ào ạt hơn mà thôi. Có thể nói: Từ “Giọt nước trong lá sen” đến “Giấu vàng trong gió thu” là một bước phát triển, bước hoàn thiện trong phong cách phê bình của Khuất Bình Nguyên. Và trong một khoảng thời gian không dài, Khuất Bình Nguyên được coi là một hiện tượng trong làng văn, ngày càng được bạn đọc xa gần yêu mến.
        Nếu coi “Giấu vàng trong gió thu” là một người bạn, thì tôi muốn gặp người bạn ấy không chỉ một lần. Không giống như đọc nhiều tác phẩm khác, tôi chỉ coi là những người bạn đã gặp một lần thì không muốn gặp lại lần thứ hai nữa.
       Đó cũng là xuất phát và động cơ của tôi khi viết bài viết này.