Cái bóng ma ấy chỉ là một cách ẩn dụ quen thuộc trong nền văn chương cổ điển, phương Đông cũng như phương Tây, một thứ kỹ thuật thể hiện để dễ cảm nhận vì hợp tạng chất của các độc giả ngày xưa vốn quen sống trong ảo tưởng huyền hoặc về loài ma quỷ cùng các thánh thần. Ở đây, bóng ma Đạm Tiên không chỉ là sự phản chiếu của bản ngã Kiều ở trên bình diện tâm linh, theo như một vài tác giả đã gắng phân tích một cách khoa học, mà chính là một biểu hiện của ý thức hệ phong kiến trong tâm hồn Kiều.
NGHĨ VỀ BÓNG MA ĐẠM TIÊN VÀ LÃO THẦY TƯỚNG TRONG TRUYỆN KIỀU
VŨ HẠNH
Ở vào độ tuổi 15, khi gặp ngôi mộ Đạm Tiên hoang lạnh bên đường, nàng Kiều buột miệng than: “Rằng hồng nhan tự thuở xưa/ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu!”. Cái nhìn như thế, có tính tuyệt đối, nên không tránh khỏi phi thực. Làm sao mà tất cả phụ nữ đẹp trên cõi đời này đều phải chịu chung kiếp số bạc mệnh, không chừa một ai. Thực ra, tính tuyệt đối trong nhận thức Kiều cho thấy thái độ hết sức bi quan của nàng đối với thân phận đàn bà. Vậy thái độ ấy xuất phát từ đâu? Trước hết là ở nơi cuộc sống thực, từ cái xã hội phong kiến phụ quyền tồn tại nhờ sự áp bức, bóc lột, trong đó phụ nữ là một lớp người chịu hơn ai hết về những thiệt thòi. Với ba xiềng gông - gọi là tam tòng - đàn bà phải sống tùy thuộc, nô lệ của đàn ông, suốt ba giai đoạn của cuộc đời mình: trong gia đình thì tùy thuộc cha định đoạt, khi xuất giá thì tùy thuộc chồng điều khiển, và nếu chồng chết thì tùy thuộc con - và hẳn nhiên đây là đứa con trai. Điều bất công ấy mà ngày hôm nay chúng ta cho là man rợ thì suốt mấy ngàn năm qua lại được xem như chân lý, không chỉ thể hiện ở trong cuộc sống hằng ngày mà còn được học ra rả như kinh nhật tụng. Một người có học như Kiều hẳn đã tiếp thu điều ấy ở trong sách vở “thánh hiền” từ buổi ấu thơ. Và cái ấn tượng “hồng nhan bạc mệnh” được khắc sâu vào tâm não của nàng như một định mệnh không sao tránh thoát.
Thật là dễ hiểu khi sống trong sự bế tắc của một xã hội thường xuyên lấy bất bình đẳng chế ngự con người và con người ấy chưa được soi sáng cũng như võ trang bằng những kiến thức khoa học, thì trước bao nhiêu vấn nạn trong cõi nhân sinh phải tìm thấy câu trả lời ở đâu, nếu không là hướng đôi mắt lên chốn cao xanh thăm thẳm hoặc để hồn theo hương khói vật vờ từ các bàn thờ khấn niệm quyện vào một cõi hư vô, cõi ấy - theo óc tưởng tượng thô thiển của họ - chứa đầy linh hồn cao cấp có thừa khả năng phán xét việc dưới trần gian. Đồng thời, để diễn dịch các ý đồ từ những thế lực siêu nhiên xuất hiện một lũ trung gian tự coi như có được sự cảm ứng nhiệm màu với cõi vô hình, là các thầy tướng, thầy bói, thầy pháp, thầy rùa… những thầy là thầy - thực chất là bọn cò mồi… huyền bí - đã được quần chúng suy tôn do lòng sợ hãi. Và đây thực sự là nỗi sợ hãi đối với chính mình, bởi con người luôn cảm thấy một nỗi lo lắng âm thầm đứng trước viễn ảnh tương lai mờ mịt. Vì vậy, chủ nghĩa xã hội đã rất có lý khi nhận định rằng nếu bảo đảm được cho mọi con người có thể sống trong no đủ, an lành thì sẽ trừ diệt được lòng tham lam đưa đến vơ vét một cách thô bạo, tích lũy một cách điên cuồng, đồng thời cũng loại trừ được mọi sự tin tưởng mù quáng nơi một bọn “thầy” cò mồi đem các thế lực huyền bí ra để hù dọa.
Do vậy, nàng Kiều vẫn không thoát khỏi áp lực của sự bói toán. Như nhiều phụ nữ thời xưa, phải sống thường trực trước nhiều đe dọa của đời, Kiều đã tìm lời giải đáp tương lai nơi thầy tướng số. Gã này đã không ngần ngại vẽ lên cho nàng nhìn thấy một cái hậu vận thê thảm chừng nào: “Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa! Câu nói trên đây đã ám ảnh Kiều gần trọn cuộc đời. Lời khuyên của một người cha, lời dạy của một người thầy, dầu được tuân thủ, vẫn có tác động giới hạn vì được tiếp nhận bằng một tình cảm bình thường hoặc một lý trí quen thuộc. Nhưng các phán đoán từ trò bói quẻ, xin xăm, từ các loại thầy tà đạo, lại có tác động hết sức sâu sắc, lâu bền vì đi vào tâm linh người, được cắm sâu vào tiềm thức thành một ám ảnh dai dẳng có thể chi phối trọn một kiếp sống.
Để diễn tả sự xâm nhập của ý thức hệ vào trong cá nhân nàng Kiều, tác giả đã dùng bóng ma Đạm Tiên - như là sự nhân cách hóa - để cách diễn tả được cụ thể hơn và hấp dẫn hơn. Chẳng ai quá đỗi ngây thơ để tin tưởng rằng bóng ma Đạm Tiên với những “dấu giày từng bước in rêu rành rành” ở giữa ban ngày là điều có thực, hoặc có thực một Đạm Tiên hiện lên trò chuyện, nhận thơ nàng Kiều, chờ Kiều ở bến Tiền Đường… Cái bóng ma ấy chỉ là một cách ẩn dụ quen thuộc trong nền văn chương cổ điển, phương Đông cũng như phương Tây, một thứ kỹ thuật thể hiện để dễ cảm nhận vì hợp tạng chất của các độc giả ngày xưa vốn quen sống trong ảo tưởng huyền hoặc về loài ma quỷ cùng các thánh thần. Ở đây, bóng ma Đạm Tiên không chỉ là sự phản chiếu của bản ngã Kiều ở trên bình diện tâm linh, theo như một vài tác giả đã gắng phân tích một cách khoa học, mà chính là một biểu hiện của ý thức hệ phong kiến trong tâm hồn Kiều. Nơi tâm hồn ấy, từ lâu đã nuôi sẵn ý bạc mệnh, đó vừa là một chất sống vừa là độc tố cho cuộc đời nàng. Thực ra, nếu không bị ràng buộc bởi tư tưởng bạc mệnh, đoạn trường, thì Kiều đã sớm kết liễu đời mình từ lâu. Sau lần tự tử ở nhà Tú bà nhưng được cứu sống, Kiều không còn nghĩ đến cuộc tự sát lần hai, và sự kiện này đã được Nguyễn Du thể hiện bằng một Đạm Tiên hiện lên, bảo rằng nàng hãy tiếp tục sống cho xong kiếp đoạn trường. Bởi đối với một chế độ bất công, con người chỉ có hai cách để chống trả lại: tích cực, là hãy vùng lên để đánh đổ nó, như chàng Từ Hải đã làm trong lúc khởi đầu binh nghiệp; tiêu cực, là trốn thoát nó, và cách đơn giản là tự kết liễu đời mình. Dĩ nhiên, cả hai cách đó đều không được chế độ ấy tán thành. Và điều mà nó tán thành là hãy ngoan ngoãn chịu đựng, chấp nhận mọi nỗi dày vò, đày đọa do nó gây nên.
Nhưng Kiều đã không bạc mệnh. Sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường, nàng được cứu sống, được gặp lại Kim Trọng cùng với gia đình. Người ta tưởng chừng bóng ma Đạm Tiên và gã thầy tướng ngày nào - vốn là hai dạng khác nhau của ý thức hệ phong kiến chi phối con người trong chế độ cũ - đã bị gạt bỏ một cách quyết liệt bởi vì những gì bọn chúng nói về tương lai nàng Kiều kể như trật lất cả rồi. Nhưng không, chúng chỉ tạm lánh mặt đi chứ không hề bị phủ nhận ở trong tác phẩm, như ở ngoài đời. Xét trên ý thức nào đó thì sự việc Kiều gặp lại chàng Kim và đoàn tụ với gia đình có một giá trị tích cực của kẻ đã lấy cái tâm chiến thắng định mệnh, như Nguyễn Du viết: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, bởi những nỗ lực của người vẫn vượt qua được bao nhiêu áp lực của trời, và trời được hiểu là các yếu tố khách quan thường là chướng ngại ở trong cuộc sống.
Rõ ràng Kiều đã được hưởng ân huệ đoàn viên vì nàng “có hiếu, có trung” - qua việc bán mình chuộc tội cho cha và khuyên Từ Hải chiêu hồi - đồng thời nàng còn tỏ ra trung thành nhiều hơn với chế độ, qua cách thừa nhận một cách ngoan ngoãn phương thế tồn tại của chế độ ấy là sự tham nhũng của quan lại bằng 300 lạng vàng ròng - giá mạng của cuộc đời mình và khi đã là bà lớn, Kiều lại chấp nhận tham nhũng, qua các lễ vật dồi dào do Hồ Tôn Hiến đem dâng, để khuyên Từ Hải ra hàng. Tìm cho được một công dân trung thành có cỡ như Vương Thúy Kiều, đâu phải là chuyện dễ dàng. Và chế độ xét ban thưởng cho nàng hưởng sự đoàn viên, cũng là chí phải.
Nhưng bản chất chế độ ấy là sự áp bức của con người cho nên nó luôn xử sự bằng sự lừa bịp. Và cái mề đay nó đã trao tặng cho Kiều thực sự cũng là loại mề đay giả. Bởi cho Kiều gặp gỡ lại chàng Kim nhưng chế độ không dễ gì để một cô gái thanh lâu dày dạn như Kiều trở thành người vợ của một quan lại triều đình là chàng Kim Trọng, điều đó xúc phạm thể giá của cái chế độ phụ quyền. Khôn khéo hơn nữa, chế độ để cho nàng Kiều lựa lời từ chối cái quyền làm vợ, đổi tình cầm sắt thành ra… cầm kỳ, nghĩa là Kiều xin chỉ làm người bạn cho đến trọn đời. Rồi cốt khỏa lấp việc này một cách êm xuôi, chế độ để cho gia đình nức nở khen nàng là một “thục nữ chí cao - phải người sớm mận, tối đào như ai?”. Thế mà trước đó, khi cho biết Kiều sẽ được gặp lại gia đình, vì trời đã đánh giá nàng rất cao, chính người đại diện cho trời - là bà Tam Hợp Đạo Cô - đã hứa hẹn rằng: “Duyên sau đầy đặn, phúc sau dồi dào”.
Thế hệ phụ nữ trưởng thành từ sau Cách mạng tháng Tám hiểu rằng vận mệnh của mỗi con người, cũng như vận mệnh của một dân tộc, phải do chính bản thân nó quyết định chứ không thể đợi một thế lực nào sắp xếp, cho dầu đó là thế lực siêu nhiên. Mỗi người đều có khả năng cũng như quyền năng thay đổi cuộc sống của mình, bằng sự tranh đấu bền bỉ để vượt qua các chướng ngại và luôn hướng về một lý tưởng sống cao hơn. Những thứ quan điểm lỗi thời về sự trọng nam khinh nữ, về tính thụ động như là đặc điểm bất biến của giới quần thoa, về lẽ tiền định của các số phận con người, về đủ mọi lối suy nghĩ mang cả ý đồ giam giữ phụ nữ vào sự lệ thuộc v.v… đều bị vứt bỏ lại sau, trên con đường tiến về nẻo tương lai. Không ít những người phụ nữ hiền lành, nhút nhát ngày nào nay đã trở thành chiến sĩ gan dạ, anh hùng hiển hách, không ít những cô nông thôn chân lấm tay bùn đã là những trí thức khoa bảng có nhiều công trạng, cũng có cô gái mù lòa sống trong thiếu thốn, nghèo nàn nhưng vẫn phấn đấu bước vào ngưỡng cửa đại học, và những cô gái khuyết tật đoạt được các huy chương vàng quốc tế điền kinh…
Nhưng bên cạnh vùng sáng ấy vẫn còn một mảng tối lớn theo nền kinh tế thị trường càng ngày càng có chiều hướng loang ra, và nếu không có biện pháp quyết liệt cũng như khẩn trương ngăn chặn kịp thời sẽ là bóng đen che mờ lên nhiều sinh hoạt tinh thần xã hội. Bởi hầu như trên khắp các nẻo đường, trước các cổng chùa, và nhiều nơi khác, chúng ta dễ dàng gặp lại gã “thầy” tướng số ngày xưa ở trong Truyện Kiều. Các “thầy” không chỉ xuất hiện ở dạng nhân hình mà còn có mặt qua đủ loại sách rao bán ở trên thị trường. Đôi khi là những quyển sách đội lốt khoa học - như là khoa học nhân dạng mà báo chí đã tố cáo về tính lừa bịp, đôi khi là sách ngoại nhập, và thường là loại in lậu, in chui trong nước với đủ loại hạng chủ đề cốt để rao giảng một cách giải đáp vận mệnh, tương lai. Trên các chuyến tàu, trên những xe đò, ở nơi nhà ga hay một bến phà luôn luôn có những em bé lém lỉnh rao giảng nhiệt tình các loại sách này. Và không chỉ ở dọc đường… gió bụi, với những con người thất học, mới có những chuyện phán đoán theo ngã thầy… mò, mà nó hiện diện ngay cả những nơi có vẻ trang trọng uy nghi như một trụ sở, hay một công đường, hoặc một biệt thự xênh xang với những người có học, đầy vẻ đạo mạo khả kính...
Với nhiều loại “thầy” như thế, bóng ma Đạm Tiên trở về trên xứ sở này. Và cũng như một thuở nào xa lắc xa lơ, không ít phụ nữ lại cảm thấy mình… bạc mệnh. Hãy đi vào nơi bói quẻ, xin xăm, vào hang ổ của thầy bói, thầy rùa, vào bất cứ một nơi nào có sự bái lạy, cầu xin phán đoán tương lai, chúng ta sẽ rõ phần đông thuộc giới tính nào, bởi cùng bước theo chân họ, có cái hình bóng ngày nào của ả Đạm Tiên.
Khác chăng, Đạm Tiên ngày nay không chỉ vận quần áo dài theo đúng mốt mới của sự cải tiến thời trang mà còn mặc đồ tây, đồ đầm và cả chỉ độc mặc một thứ quần “cực cụt” với áo “ba lỗ”, khoe nách phơi đùi. Đạm Tiên không phải thất học mà còn có cả bằng cấp, học cả đại học và trên đại học, nói nhiều sinh ngữ, làm đủ ngành nghề. Rõ ràng Đạm Tiên không chỉ tạm trú nơi các vũ trường và các ổ chứa, mà đã chui vào trong ký túc xá, trong các cơ xưởng, công trường, leo lên những cái cao ốc nhiều tầng, chễm chệ trong những biệt thự cao sang. Bên trong bao nhiêu mốt miếc và thời trang ấy, bên trong bao nhiêu màu mè lòe loẹt phấn son, vẫn thấy còn nguyên xi đấy các loại mê tín, dị đoan của thời xưa cũ.
Mùa đông lạnh lẽo trôi qua vẫn còn lưu lại bao nhiêu lá úa trong ngày xuân mới. Hệ thống ý thức phong kiến phụ quyền và thần quyền từng ngự trị mấy ngàn năm trong tâm hồn người đã ngấm sâu trong tiềm thức cộng đồng của một dân tộc, cũng như tiềm thức của từng cá nhân - lại được tiếp lực bằng nhiều thủ đoạn đến từ nhiều phía của bọn địch thù - nếu không có sự rũ bỏ quyết liệt bằng những kiến thức khoa học, bằng quan niệm sống tiến bộ và sự đánh giá sâu sát thực tại, thông qua những phong trào lớn mang tính quần chúng sâu rộng, thì không thể nào trục xuất hoặc là xóa lấp được chúng ở trong tâm hồn. Sự sống dai dẳng của các tư tưởng lạc hậu, lỗi thời là một chướng ngại vô cùng to lớn cho sự vươn lên của mỗi con người và làm chậm lại bước tiến của cả dân tộc.