Đôi khi, không thể tránh khỏi, khi một thông tin xuất hiện trên trang cá nhân một ai đó, hay thậm chí là trên một tờ báo, người ta có quyền đặt câu hỏi: Có thật không? Đã được kiểm chứng hay chưa? Một câu hỏi cần thiết trong thời buổi đầy rẫy fake news (tin giả) trên mạng xã hội  và đáng tiếc, cả trên báo chí. Và câu hỏi nghi ngờ sẽ chỉ chấm dứt khi nào sự trung thực của người làm nghề viết được đặt lên như một phẩm chất hàng đầu, bất kể khi nào đặt bút viết, dù chỉ là một dòng trạng thái ngắn trên face book.




NGHỀ VIẾT – TRUNG THỰC VỚI CHÍNH MÌNH

THÀNH VĨNH

Nhanh nhất có thể thực ra lại cũng là một đòi hỏi khác của thời buổi thông tin này. Không nói đến sự cạnh tranh của các cơ quan truyền thông, mà có vẻ như, sự cạnh tranh của những người tham gia mạng xã hội ngày nay mới thực sự là khốc liệt. Tham vọng mình là người đăng tin về chuyện A, chuyện B đầu tiên để có lượng like, chia sẻ, theo dõi… đông đảo, để trở thành một “facebooker quyền lực” đã khiến công cuộc săn tin hóng hớt trên mạng, ngoài vỉa hè, quán bia trở lên sôi nổi. Thấp thoáng ở đâu có tí nguồn tin là người ta sẵn lòng đưa lên, ỡm ờ, úp úp mở mở, tạo sự hấp dẫn. Và trong số rất nhiều “tin nhanh” kiểu ấy, tất yếu có những tin giả, tin không đúng sự thật. Đương nhiên, điều này chưa phản ánh tính thiếu trung thực của người đưa tin. Nhưng với cách chụp giật thông tin, thì điều đáng lo ngại là dần dần người ta hình thành thói quen, thói xấu là bất chấp nguồn tin có đáng tin cậy hay không, cứ phải đưa nhanh trước đã. Cẩn trọng, trách nhiệm không còn là điều khiến người ta phải băn khoăn nữa.
Đây là đang bàn về cái sơ đẳng nhất của người viết là đưa tin. Còn nhiều việc khác của nghề viết đòi hỏi sự trung thực trên trang giấy. Bởi vì nếu không có điều đó, thì người ta không thể nào có trách nhiệm với mỗi dòng mỗi chữ viết ra. Bàn luận về người này, bình phẩm về chuyện kia – những con chữ nhỏ nhoi trên trang cá nhân mỗi người, tưởng vô thưởng vô phạt, mà có khi trở thành thứ giết người không dao. Trong khi với người viết ra nó, có khi chỉ là trò đùa, có khi là để thoả mãn ý thích cá nhân, là sự hả hê đầy cảm tính…
Sự tranh luận về chữ nghĩa, không phải lúc nào cũng có thể giải quyết rạch ròi. Ví dụ như một cuộc tranh luận về đạo thơ vừa qua, người này bảo cóp nhặt, người khác bảo không, chứng minh được câu thơ này là cóp từ câu thơ kia là việc không dễ. Thế nên, chỉ có sự trung thực trong lòng người viết, mới hiểu rõ hơn ai rằng sự thật là gì?
Hơn nữa, đã làm nghề viết, thì nếu ngay cả sự trung thực còn chưa có đủ, thì sức nặng của câu chữ khó có thể hiện ra được. Không kể những tác phẩm văn học lớn, ngay cả mỗi bài báo hay những trang viết cá nhân, đều đòi hỏi người viết ra nó phải có trách nhiệm với chính nó. Viết phản biện trên mạng xã hội, chê trách cái xấu, đòi hỏi cái tốt, thì việc đầu tiên là tiếng nói phản biện ấy phải được bắt đầu từ cái tâm trong sáng, không phải là sự lợi dụng cho những mục đích cá nhân. Không khó để nhận ra đâu là những câu chữ trung thực, trách nhiệm. Đâu là viết để phục vụ cho lợi ích của ai đó, trong việc hạ bệ cá nhân này, vùi dập cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác.
Trong số những người tham gia mạng xã hội, có đông đảo các nhà báo, tức là những người làm nghề viết được coi là tương đối chuyên nghiệp. Tức là những người ngay cả trên face book cũng sẽ khác những người không làm nghề ở chỗ không phải cứ có những gì mắt thấy tai nghe là đưa lên, mà là người biết xử lí thông tin, thẩm định thông tin, truyền tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Thông tin đưa lên mà chưa thẩm định chưa xử lý nhiều khi là rác chứ không phải tin. Nhà báo khác người đưa tin ở chỗ phải có thao tác, có trách nhiệm của người làm báo, ở chính trách nhiệm ấy, ở trình độ nghề nghiệp ấy.
Càng ngày, công nghệ thông tin càng phát triển. Sự xuất hiện của các phương tiện kĩ thuật hiện đại sẽ tiếp sức cho một xã hội trở lên văn minh hơn nếu mỗi người tham gia vào đó có nhận thức văn minh hơn. Với những người viết, nếu phương tiện hiện đại mà tâm không sáng, thì trở thành mối nguy hại. “Tin rác” xuất hiện nhiều sẽ làm cho xã hội rối loạn. Khi mà nhờ công nghệ thông tin, ai cũng có phương tiện để loan truyền thông tin, suy nghĩ của mình tới người khác. Điều này một mặt làm cho xã hội đang trở lên cực kỳ phong phú, mặt khác cũng làm cho các nguồn thông tin nhiễu loạn. Những cái không lành mạnh đang có xu hướng lấn át những cái lành mạnh. Bởi vì nó đánh đúng vào sự tò mò, vào thị hiếu tiêu dùng của thời đại mà thư viện đang vắng khách hơn quán cà phê. Tin rác đôi khi lại "câu view” hơn những tin lành mạnh. Đó là câu chuyện đáng lo ngại hiện nay! 
Chúng ta không có đủ quyền năng để ngăn chặn được câu chuyện mang tính thời đại ấy. Nhưng nếu mỗi người viết khi tham gia vào xã hội thông tin bằng tất cả sự trung thực và trách nhiệm, thì ít ra chúng ta cũng góp phần vào giảm thiểu những sự nhiễu loạn. Tất nhiên, người đọc sẽ tự phân biệt được đâu là những nguồn tin, những tiếng nói phản biện, những câu chữ trung thực, trách nhiệm, chân thành.
Hiện thực xã hội vốn đang quá nhiều ngổn ngang, nhưng người viết có đạo đức và lương tâm là ngay cả khi phản ánh cái xấu cái ác cũng phải giúp cho con người tin và hướng về phía ánh sáng. Sự trung thực và trách nhiệm của nghề viết là cần phải đứng bên con người để cho con người sống tích cực hơn, có đủ nghị lực để sống, để con người đứng trước cái xấu mà không tuyệt vọng.
Đối mặt với sự chi phối của những luồng thông tin xuất hiện dễ dàng và thản nhiên trên những trang mạng xã hội, người làm nghề viết phải giữ được sự bình tĩnh để làm nghề. 
Phẩm chất của nghề viết là trung thực, là phản ánh hiện thực khách quan. Sự cạnh tranh thông tin đặt người viết dưới áp lực của sự nhạy bén nhưng đi kèm với nó có những phẩm chất cần thiết không kém đó là sự chính xác và tin cậy. Không thể chối bỏ vai trò cực kỳ quan trọng của các phương tiện kĩ thuật hiện đại, nhưng phương tiện hiện đại chỉ có ích khi được sử dụng kèm theo sự đúng mực, đạo đức và lương tâm. Nếu không, nó sẽ gieo họa vào niềm tin của người đọc. 
Những cơn bão về thông tin đang đổ bộ mỗi ngày trên mạng xã hội. Hôm nay cả xã hội cuốn theo chuyện này, ngày mai bị cuốn theo luồng thông tin khác. Nếu mỗi người viết, mỗi trang viết không tự có trách nhiệm với người đọc, để tiệm cận gần nhất tới thông tin đúng, để phân biệt thật giả, để không phán xét, a dua hời hợt và cảm tính, thì những luồng thông tin nhiễu loạn sẽ cuốn cả xã hội đi tới đâu. Sự trung thực của mỗi người viết làm nơi neo đậu cho xã hội tìm được niềm tin vào cuộc sống.  


Nguồn: Đại Đoàn Kết