Trong 14 công trình được trao giải Hồ Chí Minh về điện ảnh của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quang Ngọc, thì theo ông Hồ Văn Tây “có 4 công trình mà tôi biết có làm và tìm hiểu thì hoàn toàn không phải như vậy; có cái ông Trần Quang Ngọc không làm mà của người khác làm, có cái do ông Trần Quang Ngọc làm mà không hiệu quả gì cả. Vậy 4 công trình ấy thực sự như thế nào?




MỘT CÔNG TRÌNH GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐIỆN ẢNH NÊN XEM XÉT LẠI

HỒ VĂN TÂY

Theo tạp chí Điện ảnh số 3 năm 2012 có giới thiệu sơ lược 14 công trình mà Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Quang Ngọc giúp cho ngành điện ảnh Việt Nam giải quyết những khó khăn trong thời chiến tranh và còn phát triển trong hòa bình, nếu đúng và hiệu quả như báo Điện ảnh viết thì xứng đáng nhận Huân chương Hồ Chí Minh đầu năm 2012.
Tôi công tác điện ảnh thời chống Pháp ở Nam bộ, tập kết ra miền Bắc 1955 phụ trách in tráng phim, phụ trách quay kỹ xảo, dựng phim và quay phim thời sự tài liệu. 1965, tôi về Nam ở Xưởng phim Giải phóng tới 1975 và Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh đến 1997 về hưu.
Trong 14 công trình vừa nói thì có 4 công trình mà tôi biết có làm và tìm hiểu thì hoàn toàn không phải như vậy; có cái ông Ngọc không làm mà của người khác làm, có cái làm mà không hiệu quả gì cả.

1.
Máy in phim cho chiến trường, máy in phim này ở Đồng Tháp Mười năm 1949 do sáng chế của anh Khương Mễ lấy máy quay Kodak kiểu cổ chế ra. Chỉ cưa 2 kẽ trên máy và dưới máy gầm chỗ móc kéo phim để đưa phim negatif chạy ra ngoài, còn phim positif thì cuốn vào trong hộp, mỗi lần in là 30m với ánh sáng đèn manchon di động xa gần tùy theo độ dày của phim negatif. Mãi đến khi tập kết, mang ra triển lãm cuối năm 1955 thì mang tặng Bảo tàng Quân đội ở Cột Cờ (vì chúng tôi thuộc hệ Quân đội).
Cuối 1961, có đoàn về Nam cũng là anh em ở tổ điện ảnh khu 8, tôi và anh Khương Mễ lấy máy quay Paillard cũ, cũng rạch 2 khe trên và dưới đầu máy để làm máy in, anh Cao Thành Nhơn và anh Nguyệt Hải mang về Nam và thành lập Xưởng phim Giải phóng, sau đó còn làm cho điện ảnh miền Tây 1 cái máy in, cho tới cuối năm 1972 thì được viện trợ máy in khác bằng máy chiếu Liên Xô Ucraina 16mm. Còn cái máy của ông Ngọc làm lúc nào, ai mang vô Nam, ở đâu thì không rõ, vì lúc này ông Ngọc đang học (từ 1960) ở Liên Xô.

2.
Máy in hình và tiếng cho phim 16mm là do anh Phan Nghiêm cải tiến máy chiếu thành công từ 1954 từ Việt Bắc, kéo dài sau giải phóng miền Bắc thêm thời gian nữa thì mới hoàn thành làm tiếng cho phim “Giữ nước giữ làng” đầu tiên; đến năm 1957 – 1958 thì bỏ vì lúc bấy giờ ta dùng hệ máy móc phim nhựa 35mm nên dẹp cất để đó (1972 đem vào Nam). Khi Xưởng phim Giải phóng thành lập ở Nam bộ vì điều kiện cơ động, độ ẩm, bảo mật, chuyên viên không có, nên không cho phép mang máy móc vào. Đến cuối năm 1972, Mỹ rút quân và chiến trường mở rộng nên đoàn anh Như Hồng, anh Bùi, anh Năm Nhơn và một số chuyên viên in tráng và máy in tiếng và hình 16mm vào chi viện cho Xưởng phim Giải phóng, phim có tiếng đầu tiên của Xưởng phim Giải phóng là phim “Nghệ thuật tuổi thơ” do anh Hồng Sến làm đạo diễn, giữa năm 1973. Những máy này tôi biết từ miền Bắc trước 1965, gần 10 năm sau được vào Nam tôi cũng biết. Những người sử dụng còn sống ở Sài Gòn, những người thực hiện làm tiếng, in tiếng còn đây. Sau khi có phim và máy 35mm thì anh Nghiêm cải tạo máy tự cường II và tự cường III cho máy 35mm. Việc này một số chuyên viên kỳ cựu của Xưởng phim truyện Việt Nam và Xưởng phim Thời sự khoa học trung ương đều biết.

                                        
PGS- TS Trần Quang Ngọc!


3.
Nghiên cứu sản xuất phim 8mm yêu cầu về sản xuất phim rất cao, đất nước phải có một nền khoa học tiên tiến về hóa chất và cơ khí chính xác để làm ra nhựa nhũ tương cho phim, làm đế phim, đục lỗ phim cũng phải thế. Với hoàn cảnh chiến tranh phá hoại lúc bấy giờ thì ta khó mà làm được, anh Bùi và chị Hà là chuyên viên học ở ngoại quốc về cũng nói rằng không có vì hoàn cảnh kinh tế nước ta chưa làm được.
Còn việc thu, từ phim 35mm, 16mm vào 8mm đòi hỏi cái máy rất phức tạp, độ chính xác thật cao và đồng bộ tuyệt đối, với nền cơ khí của chúng ta khó có thể sản xuất phim và máy thu phóng 35mm và 16mm vào 8mm được. Bản thân tôi cũng chưa nghe nói máy in thu phim 35mm – 16mm vào phim 8mm ở nơi nào làm ra!
Anh Sáu Thanh, anh Hồng Sơn là người của điện ảnh R chịu trách nhiệm đem phim kháng chiến vào nội thành nói rằng chưa bao giờ nghe nói phim 8mm ở miền Bắc gởi vào đem chiếu cho nhân dân Sài Gòn xem. Duy nhất một lần đem phim “Đồng Xoài rực lửa” 16mm vào Sài Gòn chiếu ở rạp Công Nhân( trước 1975 là rạp Nguyễn Văn Hảo) ở đường Trần Hưng Đạo, hiện 2 anh còn sống ở Sài Gòn. Đặt vấn đề phim 8mm khi thu phim 35mm và 16mm vào thì tiếng để chỗ nào, không thể được.

4.
Sáng chế máy tự động chiếu phim liên tục mà chỉ dùng 1 máy, theo anh Quảng và anh Thú là chuyên viên chiếu phim ở Quốc doanh chiếu bóng từ Việt Bắc kể lại với tôi rằng nghe nói chớ không biết có thực hiện và phổ biến ra sao, cho nên hiện nay toàn Việt Nam chiếu phim lưu động phải dùng 2 máy chiếu, có những lý do sau đây:
a. Nếu lắp 12 cuốn phim truyện 35mm vào một bành làm sao dây couroa kéo nổi.
b. Đèn máy chiếu lưu động không thể chạy một lèo 2 tiếng đồng hồ, vì nóng quá bóng đèn sẽ phù và mổ chết, cho nên dùng 2 máy chạy 10 phút nghỉ 10 phút thì chiếu được hoài.
Là tạp chí chuyên ngành mà viết bài lại thiếu tìm hiểu, điều tra cặn kẽ thì ai mà hiểu được kia chứ, lãnh đạo Cục Điện ảnh phải chịu trách nhiệm chuyện này vì xác nhận không căn cứ mà đưa cho Hội đồng khen thưởng thông qua. Báo Thế giới Điện ảnh rất quan liêu và không hiểu biết gì về điện ảnh và tình hình điện ảnh trong nước đưa ra một tin như thế. (Số báo tạp chí Thế giới Điện ảnh tháng 3-2012, giới thiệu công trình Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ ngành điện ảnh năm 2010 từ trang 23, 24, 25-30).
Bốn vấn đề tôi kể trên là có tìm hiểu điều tra còn 10 vấn đề kia tôi không có dịp ra Bắc để tìm hiểu nên tôi không có ý kiến.


Nguồn: Văn Nghệ TPHCM