Châu La Việt luôn ân tình với đồng chí, đồng đội, trong tâm hồn anh, trong mỗi trang văn, trong nhịp sống của anh mỗi ngày không bao giờ phai mờ những con đường Trường Sơn, những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường! Hằng đêm anh vẫn viết, hằng năm anh đều đặn cho ra mắt những tập sách mới, khi viết chân dung về những vị tướng, khi viết về những năm tháng chiến đấu giữa rừng Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh, khi viết về những tiếng hát và những nghệ sĩ ra trận, và cả khi viết về mẹ mình (nữ nghệ sĩ Tân Nhân)... thì bao giờ trong truyện, trong thơ của anh cũng nổi bật lên hình tượng người lính, cũng viết về chủ đề chiến tranh và cách mạng như tự thuở tuổi 17 cầm súng ra trận đến hôm nay




LỬA VẪN CHÁY TRÊN NHỮNG TẦNG CÂY SĂNG LẺ

PHAN TRUNG

Mở tập sách Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ (Nhà xuất bản Văn học), ngay những dòng chữ đầu đã làm bạn đọc xúc động, dành tặng những người đã góp phần làm nên một “huyền thoại Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” thời chống Mỹ, cứu nước. Đó là các cán bộ, chiến sĩ binh trạm, thanh niên xung phong và cả các văn nghệ sĩ khoác áo lính lăn lộn trên những cung đường đạn bom khốc liệt của Trường Sơn chi viện cho mặt trận của nước bạn Lào. Đáng trân quý hơn là toàn bộ nhuận bút và phần lớn lợi nhuận từ phát hành tập sách được dành tặng những đồng đội đã và đang còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống hiện tại, như một món quà nhỏ ân tình.
Châu La Việt là vậy, luôn ân tình với đồng chí, đồng đội, trong tâm hồn anh, trong mỗi trang văn, trong nhịp sống của anh mỗi ngày không bao giờ phai mờ những con đường Trường Sơn, những năm tháng chiến đấu nơi chiến trường! Hằng đêm anh vẫn viết, hằng năm anh đều đặn cho ra mắt những tập sách mới, khi viết chân dung về những vị tướng, khi viết về những năm tháng chiến đấu giữa rừng Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh, khi viết về những tiếng hát và những nghệ sĩ ra trận, và cả khi viết về mẹ mình (nữ nghệ sĩ Tân Nhân)... thì bao giờ trong truyện, trong thơ của anh cũng nổi bật lên hình tượng người lính, cũng viết về chủ đề chiến tranh và cách mạng như tự thuở tuổi 17 cầm súng ra trận đến hôm nay. Nhà thơ, đại tá Vương Trọng gọi anh là “Nhà văn chung thủy với đề tài người lính”. Nhiều đồng đội của anh ghi nhận: Châu La Việt viết trước hết là vì đồng đội và những người lính, nhất là những người lính trên những tuyến đường vận tải Trường Sơn và mặt trận Lào (anh từng có tác phẩm được nhận giải thưởng của Tổng cục Hậu cần và Giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2009 - 2014).
Tôi nhớ năm 1968, lần đầu cái tên Châu La Việt xuất hiện với bài thơ Tuổi trẻ Trường Sơn viết năm 17 tuổi trước đêm vào mặt trận, và được in trang trọng trên trang nhất Báo Văn Nghệ. Rồi năm 1971, cái tên Châu La Việt lại thêm một lần hấp dẫn bạn đọc với truyện ngắn đầu tay Những tầng cây săng lẻ in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Chỉ với một bài thơ, một truyện ngắn ấy thôi, bạn đọc đã biết và chú ý tới một người lính trẻ có một giọng điệu văn học riêng. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng nhận xét về anh thế này: “Với thế hệ cầm bút của tôi, cái tên Châu La Việt đã trở nên khá thân thuộc từ những năm đầu kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Với Châu La Việt, thơ với đời, đời với thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương và đời lính, hiện thực và mộng mơ… Đó là dấu ấn đẹp đẽ và tinh khôi về một chặng đời không bao giờ phai của Châu La Việt. Lấp lánh phía sau những trang chữ là một cuộc đời lính, một tâm hồn lính, một tính cách lính với những rung động nội tâm sâu đằm và thuần phác. Đó là một thứ của tin mà tác giả đã gặt hái được qua những năm tháng đẹp nhất của đời mình”.
Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ bao gồm bốn phần. Phần một là mười ký sự về chân dung nghệ sĩ từng gắn bó với người lính và một thời hào hùng của cuộc trường chinh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mà Châu La Việt viết bằng kỷ niệm của mình. Anh viết rất xúc động, và có lẽ đây là phần nội dung cuốn hút nhất của anh về những năm tháng đã qua. Đó là tùy bút về chân dung các nghệ sĩ: Nguyễn Tài Tuệ, Lê Dung, Quang Lý, Trần Tiến, Thảo Phương, Y Phương... Phảng phất ít nhiều trong đó như có hơi văn Pau-tốp-xki và của cả nhà văn lão thành Đỗ Chu mà anh chịu nhiều ảnh hưởng. Chỉ có cái khác là anh đặt các nhân vật của mình trong chiến tranh, trong khói bom, đạn lửa, như khi anh viết về nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhạc sĩ Trần Tiến: “Bài hát Din ba cầu ấy, cũng lại do chính anh Trần Tiến ôm ghi-ta trình diễn với những lời hát mộc mạc, khỏe khoắn... Lính ta nghe anh hát, khoái lắm, vỗ tay cứ vang rừng... Những người lính Hà Nội nhìn anh cứ mê mẩn, bởi khi ấy anh đang là ca sĩ trẻ của đoàn ca múa Hà Nội vào mặt trận phục vụ, người còn thơm lừng mùi hoa sữa. Anh xung phong cùng đoàn vào tuyến đường Trường Sơn ác liệt, nơi có nhà thơ Phạm Tiến Duật đang làm ngất ngây bao người yêu thơ... Họ nhận ra nhau nhanh lắm, chỉ một buổi là thành tri âm tri kỷ như Bá Nha - Tử Kỳ. Thế là suốt đêm ấy đọc thơ, đàn hát tâm đắc đến nỗi anh Tiến nhập tâm ngay bài thơ Din ba cầu của anh Duật, và ôm đàn hát ngay thành lời... Từ đấy, hai “bố” này cứ nắm tay nhau đi diễn khắp các đơn vị, hét toáng cả rừng Trường Sơn lên bài hát Din ba cầu trong tiếng vỗ tay rào rào của lính tráng!”. Những dòng văn xúc động anh viết về ca sĩ Lê Dung cũng vậy, về chiếc khăn đỏ của những người lính tặng cô trước khi lần lượt hy sinh anh dũng trên dòng Vàm Cỏ Đông...
Phần hai của tập sách có mười bài thơ tuyển chọn của Châu La Việt, phần lớn là những bài thơ viết ở chiến trường của anh tự thuở “tuổi trẻ Trường Sơn”. Nhưng, phần mang “sức nặng” nhất có lẽ là phần ba với mười truyện ngắn. Văn của Châu La Việt đẹp, chính từ thực tế chiến trường ngồn ngộn anh đã trải qua. Những câu chuyện anh kể về người lính và chiến tranh dù đã qua hàng nghìn tác phẩm viết về nó, nhưng vẫn được anh kể lại với một giọng điệu riêng, một hiện thực riêng không trùng lặp với ai trước đó. Nhà văn lão thành Đỗ Chu đã từng phẩm bình những truyện ngắn này của Châu La Việt: “Tôi đọc Lửa đã cháy trên những tầng cây săng lẻ trong vòng một tuần. Mất thêm một tuần nữa loanh quanh không rứt ra nổi những truyện trong tập này. Không phải loanh quanh tìm một hướng viết cho lời tựa mà vì đây là những trang viết có sức ám ảnh người đọc. Đây là những trang viết thô mộc không ít vụng về vậy mà qua nó ta bỗng như gặp lại tiếng vang xào xạc của những cánh rừng xa, tiếng vọng nghiêm trang của những tháng năm xa. Tôi muốn cảm ơn tác giả về điều đó. Một giá trị đáng kể làm nên sức nặng cho tập sách cũng là ở đó”.
Rất giản dị như câu anh thưa với mẹ ngày vào mặt trận khốc liệt: “Không đi thì con không thể viết được”. Sự thật cho thấy không chỉ là không thể viết, mà không đi còn khó biết, khó bàn, có muốn nghe cũng không dễ đã nghe nổi. Khi viết những dòng này, tôi lấy làm mừng cho Châu La Việt, dù tập sách của anh tránh sao khỏi những thiếu hụt. Nhưng điều làm tôi vẫn xúc động hơn cả bao giờ cũng là tấm lòng, là nghĩa tình của Châu La Việt khi viết văn, làm thơ và cả khi xuất bản tập sách, anh luôn hướng về đồng đội của mình, luôn hướng về những người lính. Tôi lại nhớ cách đây ít năm, khi tiểu thuyết Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng của anh được Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác, anh đã chia toàn bộ số tiền ấy gửi tặng các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn; rồi nhiều lần khác anh thầm lặng hỗ trợ, giúp đỡ những đồng chí, đồng đội gặp bệnh tật hay khó khăn trong cuộc sống... Và lần này nữa, với việc in và phát hành tập sách này, anh hy vọng có thêm món quà dành tặng các cựu chiến binh - các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu ở mặt trận Lào trong những năm tháng lửa đạn, giờ có những người vẫn đang gặp những khó khăn trong cuộc sống...
Được biết lúc này, khi tập sách Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ đã in xong và phát hành, Châu La Việt lại vừa tiếp tục cho ra mắt tập sách Bài ca ra trận và đặc biệt là tập Trăng Him Lam và nước sông Thu dày 500 trang tại Nhà xuất bản Văn học, về những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, hướng tới Kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.


Nguồn: Báo Nhân Dân