Xưa nay có hai nghề được xã hội vô cùng kính trọng goi là Thầy giáo và Thầy thuốc mà những chuẩn mực đạo đức của họ luôn là thước đo. Nay thì đến trường học nào, bệnh viện nào cũng nghe thấy những chuyện thất đức đến não nề. Từ tham nhũng đến lừa đảo, từ gian lận thi cử “hiên ngang” đến tắc trách, giết người... Đáng buồn hơn là tham nhũng nằm ngay trong cán bộ phòng, chống tham nhũng, thanh kiểm tra, thực thi bảo vệ pháp luật. Tham nhũng cả trong hoạch định chính sách, quy hoach, dự án, chi tiêu ngân sách, trong cứu trợ bão lụt, xóa đói giảm nghèo... Có đại biểu Quốc Hội phải kêu lên: Chúng ta đã ăn vào thịt của mình rồì!



CHỐNG THAM NHŨNG ĐỂ LẤY LẠI NIỀM TIN

VÕ KHẮC NGHIÊM

Ngân hàng Thế giới (WB) từng công bố kết quả khảo sát tình hình tham nhũng tại Việt Nam. Có 79% doanh nghiệp thừa nhận đã từng hối lộ và trên 40% khẳng định tham nhũng là một trong ba nguyên nhân chính kìm hãm sản xuất kinh doanh. Năm ngành được cho là tham nhũng nhiều nhât có: Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên, Thuế - Hải quan, Tài chính - Ngân hàng, Cảnh sát...
Dưới mọi góc nhìn xã hội, từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt tích tụ mênh mông, che đậy tinh vi không thể thống kê, rất khó phát hiện, khó xử lý… Nhưng những thành quả bước đầu trong quyết liệt phòng chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta ba năm qua, đưa ra xét xử hàng loạt cán bộ cao cấp, tướng lĩnh, thu hồi hàng chục ngàn tỷ đồng, đã tạo được niềm tin mới, sức mạnh mới trong toàn dân dũng cảm, sáng tạo hơn trong công cuộc“diệt giặc tham nhũng”.
Kể từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo TƯ) với nhiều biện pháp quyết liệt, ba năm qua đã thu hồi, xử lý tài chính gần 319.000 tỉ đồng, hơn 7.200ha đất, xử lý trách nhiệm đối với 5932 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra đưa ra xét xử 311vụ, 481 đối tựơng. Riêng năm 2018 xử lý tài chính 108.000 tỉ, hơn 1000 ha đất, đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo, (tăng gấp 5 lần so với năm 2017) thu hồi trên 30.000 tỉ đồng. Năm 2019 đã và sẽ tiếp tục truy tố 22 vụ án, xét xử sơ thẩm 27 vụ án, phúc thẩm 10 vụ và kết thúc 43 vụ việc lớn. Với phương chấm hành động: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo TƯ đã nhấn mạnh đến ý nghĩa những thành tựu bước đầu và công tác hoàn thiện thể chế, luật pháp có những bước tiến mới quan trọng để phòng nừa chặt chẽ “không thể tham nhũng”. Đặc biệt sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử nhanh, hiệu quả cao các vụ án lớn đã có tác động mạnh mẽ trong toàn dân, đẩy mạnh việc xét xử các vụ án tham nhũng ở các địa phương, đẩy lùi, răn đe tham nhũng vặt… Tuy nhiên theo Ban chỉ đạo TƯ, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương còn hạn chế, tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu vẫn xẩy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp (Năm 2018 chỉ chiếm 30%)...
Các chuyên gia kinh tế của WB đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong đổi mới thể chế, phòng chống tham nhũng ba năm qua, nhưng cần có những phân tích sâu sắc về thực trạng tham nhũng để toàn dân nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong cuộc chiến đầy gian nan này.
Trước đây dân ta quen gọi tham nhũng là “cướp ngày”. Thời nào, nước nào cũng có tham nhũng, nhiều ít, lớn nhỏ do điều kiện, văn hóa đạo đức, luật pháp của mỗi quốc gia… Nước Việt Nam ta nghèo, lại trải qua chiến tranh dai dẳng, bao cấp nặng nề, dù đã đổi mới hơn 30 năm nhưng năng suất lao động vẫn rất thấp, dẫn đến tiền lương chưa thể cao, dù tăng lương liên tục cũng chỉ đủ bù trượt giá, nhiều gia đình cán bộ công nhân vẫn rất khó khăn. Vì thế nạn tham nhũng vặt diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc như một bệnh truyền nhiễm dai dẳng khiến cho bao người trong sạch, liêm khiết cũng phải dằn vặt, lao đao, thâm chí bị cô lập, coi là kẻ “không thức thời”. Cơ chế thị trường thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, nhưng cũng thúc đẩy mọi người thi đua làm giàu cả chân chính và bất chính... lâu dần thành thói quen, thành nếp bẩn từ công sở, cơ quan, doanh nghiệp... tác động vào tiềm thức mỗi con người. Làm nghề gì ăn nghề đó; Chức càng to ăn càng lớn… Tham nhũng tác động dây chuyền vào mọi lĩnh vực từ chạy chức, chạy quyền, chạy đất, chạy dự án, chạy vốn, chạy học, chạy án... len lỏi cả vào đền chùa cũng xuất hiện cái gọi là “nhóm lợi ích”… Xưa nay có hai nghề được xã hội vô cùng kính trọng goi là Thầy giáo và Thầy thuốc mà những chuẩn mực đạo đức của họ luôn là thước đo. Nay thì đến trường học nào, bệnh viện nào cũng nghe thấy những chuyện thất đức đến não nề. Từ tham nhũng đến lừa đảo, từ gian lận thi cử “hiên ngang” đến tắc trách, giết người... Đáng buồn hơn là tham nhũng nằm ngay trong cán bộ phòng, chống tham nhũng, thanh kiểm tra, thực thi bảo vệ pháp luật. Tham nhũng cả trong hoạch định chính sách, quy hoach, dự án, chi tiêu ngân sách, trong cứu trợ bão lụt, xóa đói giảm nghèo... Có đại biểu Quốc Hội phải kêu lên - Chúng ta đã ăn vào thịt của mình rồì!
Tham nhũng ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện, tham nhũng hiện đại cũng đã mang màu sắc trí thức, vừa khôn ngoan lách luật, vừa mưu mẹo che chắn giảo quyệt, nhất là với những kẻ có chức có quyền, kinh nghiệm đầy mình, biết né tránh, biết đánh bóng vỏ bọc đạo đức nhân nghĩa, cao giọng vì dân. Khi bọn tội phạm tham nhũng thông minh hơn, quyết liệt hơn những người chống tham nhũng thì đó là bi kịch lớn cho đất nước. Quan chức lãnh đạo một quốc gia lớn phải ngửa mặt mà than rằng: Chống tham nhũng là khó nhất. Chống ai? Trước hết phải chống chính cái thói tham lam chức quyền, tiền bạc trong mỗi chúng ta…
Ở Việt Nam, nền kinh thế thị trường chưa hoàn chỉnh, đang từng bước đổi mới thể chế đã bộc lộ những kẽ hở, kích khích hối lộ, tham nhũng. Tham nhũng lớn, tập trung chủ yếu vào những người quyền cao chức trọng và những công chức liên quan đến tài chính, đất đai, tài nguyên, dự án, thiết bị lớn... Sự liên kết, liên doanh chạy theo lợi nhuận với bất kỳ giá nào đã nhanh chóng nhuốm màu ma quỷ, từ trốn thuế hợp pháp đến những ưu đãi về sử dụng đất, vay vốn và chỉ định thầu... hình thành những nhóm lợi ích có ô che… Các vụ tham nhũng lớn đã làm cho mức tăng trưởng không đem lại hiệu quả cao, lạm phát gia tăng cao hơn nhiều so với tăng lương, sự phân hóa giầu - nghèo càng làm cho xã hội rối loạn. Chính những vụ tham nhũng lớn không bị phát hiện, không bị trừng phạt nghiêm khắc đã dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt phát triển “hành dân mênh mông”, từ xin học, chữa bệnh đến tìm việc làm, đi lại, hộ khẩu, thuế má, lệ phí v.v…
Thời bao cấp dù thiếu thốn, khổ cực mọi người vẫn cảm thấy thanh thản, vui vẻ sống vì nhau, đó là nhờ giá trị đạo đức được đề cao, luật pháp nghiêm minh dù chưa thật đầy đủ và có phần cứng nhắc. Thời ấy cũng có đặc quyền, đặc lợi, nhưng tiêu cực chỉ ở mức chai rượu, bao thuốc, gói chè, cân thịt… Ngày nay mức sống toàn dân đã cao hơn rất nhiều so với thời bao cấp, nhưng đa số dân chúng lại cảm thấy nhức nhối, đau lòng khi hàng ngày chứng kiến cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp tìm mọi cách để tham nhũng… Chẳng cần phải kê khai tài sản, chẳng cần phải tìm chứng cứ, dân chúng biết nhận diện ngay chân dung những kẻ tham nhũng thông qua những khối tài sản khổng lồ mà họ đang sở hữu trong khi lương cán bộ cao nhất ở nước ta cũng chỉ hơn 1000 USD… Vậy nhưng việc xử lý những tài sản bất minh đem ra Quốc Hội bàn mãi vẫn chưa xong. Mới đây nhất vụ đất Thủ Thiêm, thanh tra đi kiểm tra lại mà vẫn nhùng nhằng…
Gần đây nhiều người nói đến “lỗi hề thống” để biện minh cho những yếu kém, tiêu cực, tham nhũng. Điều này đúng, nhưng quá mơ hồ, chung chung, dễ làm chỗ dựa cho sự bảo thủ, cố chấp, tham lam và cả sự ngu dốt nữa. Cần phải quan niệm đúng căn bệnh tham nhũng cực kỳ nguy hiểm có thể làm suy sụp cả một chế độ, làm kiệt quệ cả đất nước, đói nghèo cả dân tộc thì mới tìm ra được cái gốc của tham nhũng cùng những nguyên nhân sâu xa, đề ra những biện pháp phòng chống hữu hiệu.
Các tổ chức Minh Bạch Thế giới hàng năm đều xếp hạng mức độ tham nhũng các quốc gia. Nước ta luôn ở vào nhóm có tham nhũng cao. Đó là điều rất đáng phải suy ngẫm mà lấy làm xấu hổ và tìm ra những nguyên nhân sâu xa để phòng chống hiệu quả hơn.
Luật pháp là để trừng trị, răn đe, phòng ngừa, nhưng không thể bỏ tù hết, quét sạch hết tham nhũng khi còn tồn tại những đặc quyền, đặc lợi. Cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng tràn lan, là do đạo đức suy đồi, phẩm chất cán bộ, công chức quá kém. Nạn chạy chức, mua chức, chạy án là khá phổ biến... Dưới mọi góc nhìn của nhân dân, tham nhũng ngày càng biến tuớng muôn hình vạn trạng mà không thiếu những chuyện bi hài từ “quà tết, quà sinh nhật nhẹ tênh” đến  “cái phong bì ma chay cưới xin”… Không ít doanh nghiệp nước ngoài đã than phiền về sự nhũng nhiễu, phiền toái trong đầu tư vào Việt Nam dù Nhà nước đã nỗ lực cải cach các thủ tục hành chính thì phí “bôi trơn” vẫn rất lớn. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều thừa nhận đã từng phải biến hóa “tiêu cực phí” vào quĩ lương, thưởng hoặc bịa ra các cuộc hội thảo để hợp pháp hóa… Từ vụ án mua ụ nổi sắt vụn đẩy giá lên hàng trăm tỉ đồng, nghĩ rộng ra cái đầu vào của nhiều tập đoàn nhà nước mua những thiết bị lạc hậu vừa tốn năng lượng vừa ô nhiễm với giá cao ngất đội giá thành lên như giá điện tăng vùn vụt, lại ngụy biện là còn rẻ chán so với thế giới!?. Đã có không ít “những công trình làm nghèo đất nước” vẫn ngang nhiên tồn tại nhờ khéo léo, khôn ngoan bưng bít hay vì lợi ích nhóm, chẳng ai dám động vào? Đã thực sự không còn vùng cấm chưa?
Không thể phủ nhận vai trò của nhiều cán bộ lãnh đạo, nhiều công chức liêm khiết, trung thực đã có tác động to lớn đưa đất nước đổi mới, phát triển, nâng tầm vóc Việt Nam trong hội nhập toàn cầu. Nhưng “Thói quen tham nhũng” vẫn đang từng ngày tác động vào lối sống sa đọa, thực dụng của thế hệ trẻ, sự cám dỗ vật chất gắn liền với sự suy thoái đạo đức đang bị chi phối mạnh từ những đồng tiền tham nhũng cứ ngang nhiên tồn tại như một sự thừa nhận tất yếu… Vậy nên chống tham nhũng dù rất khó nhưng nếu mọi người cùng tự chiêm nghiệm lại mình, nhận thức đúng hành vi tham nhũng là tự ăn thịt mình thì phải biết căm thù mà quyết liệt tiêu diệt. Nên thay chữ chống bằng chữ diệt như Bác Hồ từng nói: diệt giặc đói, diệt giăc dốt, mạnh mẽ hơn nhiều.
Kiến nghị của nhiều cử tri, nhiều học giả rất tâm huyết, cần được coi trọng. Để phòng ngừa tham nhũng lâu dài phải làm từ gốc, coi chấn hưng đạo đức, vỗ về sức dân, dũng cảm cách mạng chế độ tiền lương đã quá duy tâm như một mũi đột phá mang tính chiến lược cùng với xây dựng những quy chuẩn văn hóa đạo đức của bộ máy công quyền và toàn dân đủ sức đề kháng trước mọi cám dỗ, mọi thủ thuật tinh vi của tham nhũng. Khi mỗi người biết xấu hổ vì gia đình, dòng họ, làng xóm có người tham nhũng; Khi lãnh đạo dám từ chức vì để xẩy ra tham nhũng... thì chắc chắn toàn dân sẽ quyết liệt diệt tham nhũng, đất nước Việt Nam sẽ giàu đẹp hơn, văn minh hơn và tham nhũng không còn chỗ tồn tại.



Nguồn: Báo Văn Nghệ