Một phát hiện của nhà báo Kiều Mai Sơn! Cuốn sách “Báo QĐND - Ký sự một thời” có liên quan đến nhiều nhân vật tầm cỡ như Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh… nhưng lại là một sản phẩm rất cẩu thả. Bây giờ thật giả lẫn lộn, ngón nghề kiếm oai kiếm lợi cũng nhân danh đủ thứ cao cả và thiêng liêng. Nhà báo từng hăng hái chống tiêu cực Trần Đình Bá định ăn mày dĩ vãng bằng một sản phẩm hàng chợ chăng? Hay có kẻ xấu muốn bôi tro trét trấu vào bộ mặt sang trọng của NXB Hội Nhà văn? Kiến nghị rút thẻ hành nghề biên tập viên của tác giả “Mối chúa”, liệu có quá đáng không?




KÍNH CHẲNG BÕ PHIỀN

KIỀU MAI SƠN

1.
 Ra Đinh Lễ, thấy cuốn sách tập hợp tư liệu về chiến tranh biên giới 1979 trên báo QĐND, người biên soạn lại là nhà báo nổi tiếng với các vụ chống tiêu cực, tôi háo hức mua ngay.
Khi về mang sách ra đọc, tôi cứ băn khoăn "báo QĐND" là báo gì nhỉ? Ai chẳng biết đấy là viết tắt của báo Quân đội Nhân dân, nhưng sao bìa sách lại viết tắt như vậy mà cũng được cấp phép à? Hay sách tự in? Lật trang xinhe thì thấy có đủ cả đăng ký kế hoạch xuất bản lẫn giấy phép xuất bản.
Ngó kỹ cái bìa thì lại thấy ảnh nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên - Hà Giang. Quái, Vị Xuyên thì phải là biểu tượng của cuộc chiến năm 1988 chứ sao lại năm 1979? Thiếu gì hình ảnh của năm 1979 mà không đem ra thiết kế bìa? (Câu đối thì ... không dám bàn).

2.
Banh sách ra, đập ngay Lời nhà xuất bản đứng tên ông Giám đốc - Tổng biên tập Nguyễn Quang Thiều. Tôi cứ nghĩ ông này giữ tài khoản cơ quan mà mới trừ 4 chữ số (tương đương tiền nghìn) còn sai thế này thì quản lý sao được tiền lên đến 8-9-10 chữ số (tiền tỷ) nhỉ? Sao thành lập Quân đội lại được các ông các bà dời sang năm 1946?

                                             

Đọc Lời giới thiệu của ông Dương Trung Quốc còn hài nữa: Tên bìa sách một đàng, tên trong lời giới thiệu một nẻo; người viết giới thiệu đã ghi tác giả đồng tuế - sinh năm 1947 thế mà ngay tay gấp bìa 1 lù lù Trần Đình Bá sinh năm.... 1944.

                                                    

Cuốn sách này giới thiệu thì nội dung là bài viết trên báo Quân đội Nhân dân năm 1979 nhưng trong ruột khi thì nêm bài trên báo Nhân dân, trên Tạp chí Cộng sản, rồi lại có bài năm 1984, kết thúc là bài của Lê Thọ Bình năm 2016 với bài thơ của Anh Ngọc trên Dân Việt (chả rõ năm). Lạ vậy!

3.
Người ta cứ nhân danh làm những việc thiêng liêng cao cả, những biểu tượng của lòng yêu nước nhưng sản phẩm cho thấy một sự cẩu thả không thể chấp nhận nổi. Trước đây là cuốn Gạc Ma vòng tròn bất tửcũng vậy.
Tôi đề nghị: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thu hồi thẻ biên tập viên đã cấp cho ông Tạ Viết Đãng, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm của Giám đốc - Tổng biên tập Nxb Hội Nhà văn theo đúng quy định của pháp luật.
Dù là cha đẻ của Mối chúa hay cha đẻ của gì gì đi nữa, nhưng khi đã làm nghề xuất bản, cấp phép cho những cuốn sách mang tính biểu tượng của lòng yêu nước như cuốn sách này, các ông đừng mang tư duy con buôn áp vào. Khi biểu tượng của lòng yêu nước bị rẻ rúng, đưa ra cho xã hội một ấn phẩm cẩu thả như thế này là xúc phạm đến vong linh hàng triệu liệt sỹ ngã xuống để chống Trung Quốc xâm lược dọc tuyến biên giới phía Bắc năm 1979. Đó là kính chẳng bõ phiền!
Tôi đề nghị xử lý biên tập viên và Giám đốc - Tổng biên tập theo đúng quy định của Luật Xuất bản hiện hành. Còn cuốn sách cứ để nguyên đấy làm gương treo trước mặt cho những người có tư duy con buôn kiếm ăn trên lòng yêu nước của bạn đọc. Một lời chỉ đạo đình chỉ phát hành hay thu hồi sách khác gì phong thánh cho thằng thọt khiếm thị và khiếm thính.
Thu hồi chứng chỉ biên tập của một biên tập viên thì người có lòng tự trọng hẳn sẽ biết liêm sỉ cỡ nào!



Nguồn: Facebook Kiều Mai Sơn