Tại Đại hội Văn minh châu Á tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc không giấu giếm tham vọng thiết lập con đường tơ lụa trong văn học, do Trung Quốc làm chủ soái. Thiết Ngưng nói, Hội Nhà văn TQ hiện có 11.700 hội viên, năm nay kỉ niệm 70 năm thành lập hội. Hội Nhà văn TQ chủ trương mở rộng giao lưu trao đổi, văn học có thể góp sức thúc đẩy sự phát triển sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình, đặt nền móng "con đường tơ lụa trong văn học". Bà nói, Trung Quốc đã và sẽ xúc tiến mở rộng các diễn đàn văn học: Trung Quốc và các nước sông Mê Kông, Trung Quốc và các nước Nam Á, Trung Quốc và các nước Arab, duy trì Hiệp hội nghiên cứu quốc tế dịch văn học của các nhà Hán học, diễn đàn văn học Trung- Nhật- Hàn…
VỀ ĐẠI HỘI ĐỐI THOẠI VĂN MINH CHÂU Á
HÀ PHẠM PHÚ
Nguyễn Trí Huân và tôi được cử (Hội nhà văn Trung Quốc mời) tham dự đại hội “Đại hội Văn minh châu Á” do Bộ Văn hóa- Du lịch Trung Quốc chủ trì tổ chức. Ở đây cần nói rõ, phía TQ chỉ mời Chủ tịch Hội nhà văn VN. Vì nhiều lí do chủ tịch Hữu Thỉnh không thể tham dự, nên đề cử phó chủ tịch thay. Tôi được đi kèm để giúp Phó Chủ tịch Nguyễn Trí Huân về mặt ngôn ngữ.
Khởi hành ngày 14/5, chúng tôi đáp VN Air xuống Bắc Kinh lúc đầu giờ chiều. Gặp gỡ bộ phận đón tiếp, kêu chờ sẽ có xe đưa về khách sạn TAM NGUYÊN KIỀU DUY CẢNH QUỐC TẾ TỬU ĐIẾM (nằm bên đường vành đai 3). Chờ đến 4h chiều một tình nguyện viên dẫn hai chúng tôi ra xe. Đó là một chiếc đại xa như chiếc xe buýt tuyến số 01 Hà Nội, nhưng sang trọng. Chiếc xe khởi hành, chở hai hành khách chung tôi về khách sạn.
Thủ tục nhận phòng, nhận các tài liệu liên quan nhanh chóng, chỉ riêng thẻ an ninh là còn thiếu. Trước khi lên phòng, riêng tôi bị chặn lại, nói rằng họ chỉ đón tôi ngày hôm sau. Tôi phải trả tiền phòng, sau khi giảm phần trăm còn là 960 tệ (khoảng 3.283.200 đồng Việt Nam). Tôi nói tôi là khách mời của Hội Nhà văn TQ. Nhân viên khách sạn mở danh sách và nói, danh sách đặt phòng hôm nay không có tôi. Tôi mở giấy mời của Hội Nhà văn TQ do nữ sĩ Thiết Ngưng kí, nói Hội Nhà văn TQ mời tôi từ ngày 14- 18/5. Những cú điện thoại đi lại, và cuối cùng người ta cũng chấp nhận thanh toán tiền phòng đêm 14-5.
Sáng sớm hôm sau, tôi gặp ban tổ chức lấy thẻ an ninh để đi dự lễ khai mạc đại hội do chủ tịch Trung Quốc- Tập Cận Bình chủ trì. Chỉ có một thẻ tham gia lễ khai mạc cho Nguyễn Trí Huân. Tôi dẫn nhà văn không nói được tiếng Anh và TQ ra xe, rồi quay lại khách sạn bật tivi xem tường thuật lễ khai mạc, tự cười thầm, để xem "Hoàng đế Trung Hoa" nói gì. Ông Tập xuất hiện, được tung hô như thời ông Mao xuất hiện trước đám đông. Ông nói như là lãnh tụ của Châu Á, ông kêu gọi hãy tin tưởng vào TQ. Toàn những lời có nhiều mùi vị đường mật. Riêng gương mặt ông thẳm sâu không chút biểu cảm.
Buổi trưa tôi gặp Nguyễn Trí Huân ở nhà ăn ngàn người trước khi vào cuộc hội thảo đầu tiên do Bộ trưởng Văn hóa Du lich TQ chủ trì. Cũng ở đó tôi nhận ra phó chủ tịch hội nhà văn TQ Diêm Tinh Minh. Ông thông báo Hội nhà văn TQ sẽ làm việc với chúng tôi một ngày.
Cuộc hội thảo bắt đầu vào 14h chiều. Khách mời phát biểu tại diễn đàn có cựu bộ trưởng Văn hóa Du lịch Thái Lan, Bộ trưởng Văn hóa Du lịch Cămpuchia và bộ trưởng Văn hóa Thông tin Du lịch Lào. Tôi dò danh sách mời không thấy có đại diện Việt Nam nào khác, ngoài hai chúng tôi.
Buổi tối chúng tôi được đưa đến sân vận động Tổ Chim xem chương trình văn nghệ tổng hợp do các nghệ sĩ TQ và quốc tế phối hợp biểu diễn. Trong số các diễn viên quốc tế có một nữ ca sĩ Việt Nam, tôi không rõ tên tuổi. Ông Tập cùng phu nhân cũng đến dự và phát biểu tại buổi biểu diễn này. Tôi không mấy có ấn tượng về đêm biểu diễn. Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến 30 phút trước khi biểu diễn chính thức diễn ra. Đó là phương thức kích động lòng tự tôn và hiếu chiến, đồng thanh hô TÔI LÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC, QUÊ HƯƠNG TÔI LÀ TRUNG QUỐC trước hàng mấy ngàn người nước ngoài, bắt mọi người cùng đứng lên tập hát một bài hát do ban Tổ chức soạn ra. Giống như không khí thời TIỀN CÁCH MẠNG VĂN HÓA năm 1965-1966 mà tôi chứng kiến và trải nghiệm khi lưu học ở Nam Kinh.
Buổi chiều 15-5, khi đang dự hội thảo thì Lý Cẩm Kì, phó ban đối ngoại hội nhà văn TQ đến gặp tôi, nói giấy mời dự thăm và làm việc với Hội NVTQ ngày 16-5 đã gửi đến khách sạn. ( Tuy nhiên giấy mời này tôi chỉ nhận được sau khi cuộc làm việc đã kết thúc, hì hì). Người này tôi đã gặp vài lần, là dịch giả văn học Nhật. Ông nhờ tôi chuyển lời tới lãnh đạo Hội Nhà văn VN rằng đề án hợp tác xuất bản tạp chí “Đèn đường” bản tiếng Trung Quốc phát hành ở TQ giới thiệu thơ văn của các tác giả Việt Nam đã hai năm không được Hội Nhà văn VN trả lời. Ông nói tiếp, phía TQ đã thông qua Đại sứ TQ ở VN thúc giục nhiều lần. Tôi nói sẽ thông báo ông Nguyễn Trí Huân, có thể trong buổi làm việc trực tiếp hôm sau sẽ trả lời.
Hôm sau, chúng xuống chờ ở đại sảnh. Lý Cẩm Kì đã chờ sẵn. Hóa ra không phải là cuộc gặp tay đôi như tôi nghĩ. Cuộc gặp đa phương. Do phối hợp giữa hội nhà văn Trung Quốc và Ban Tổ chức có trục trặc sao đó, tôi nghe Lí cãi nhau với người ở đầu dây bên kia nên các quan khách quốc tế phải chờ khá lâu mới có xe đến đón.
Chương trình làm việc được ấn định, buổi sáng xin mời các bạn đi tham quan Bảo tàng văn học Trung Quốc và Bảo tàng Lỗ Tấn.
Hai bảo tàng này tôi đã thăm cách đây ngót chục năm, khá hoành tráng và phô trương. Ông Nguyễn Trí Huân cũng đi thăm rồi. Nhưng tôi và ông Huân bị bất ngờ, cả hai bảo tàng đã được di chuyển đến địa điểm mới, diện tích trưng bày được thu gọn lại. Bảo tàng văn học TQ được trưng bầy theo phân kì lịch sử văn học, toàn các tác giả đã mất. Ở phân kì hiện đại có các tác giả nổi danh, có tác giả không phải hội viên hội nhà văn, chẳng hạn Lý Nhuệ. Ông này đã từ chức chủ tịch hội nhà văn tỉnh và tuyên bố rời khỏi hội tịch hội nhà văn Trung Quốc, làm người viết ăn tự do.
Bảo tàng Lỗ Tấn cũng vậy, đặt cạnh bảo tàng văn học Trung Quốc, trong cùng khuôn viên. Ngoài các phòng trưng bầy, còn có nhiều phòng khách, trang bị vừa đủ.
Mô hình bảo tàng kiểu này, có thể tìm thấy hình bóng ở bảo tàng văn học VN. Điều tôi quan tâm là cuộc đối thoại buổi chiều với nhà văn Thiết Ngưng, chủ tịch hội nhà văn Trung Quốc.
Cuộc đối thoại không diễn ra ở Hội nhà văn TQ mà ở một phòng khánh tiết của một khách sạn. Chủ tịch Thiết Ngưng cùng hai ủy viên Ban thư kí là nhà lý luận phê bình, tiến sỹ giáo sư Ngô Nghĩa Cần và Nhà tiểu thuyết Lỗ Mẫn chủ trì. Ngô Nghĩa Cần khoe có một học trò tiến sĩ người Việt Nam, hình như tên Thanh thì phải, hiện giảng dạy ở Đại học sư phạm Hà Nội.
Phía khách có các chủ tịch Hội nhà văn các nước: Cadacxtan, Campuchia, Miến Điện, Maroco, Thái Lan, Gioocdani, Hội trưởng Hiệp hội văn hóa người Hoa Malaysia, Hội trưởng Hiệp hội các nhà văn Hồng Kong, Giám đốc quĩ nghệ thuật Singapore, Thư kí Viện văn học Ấn Độ, Giám đốc chuyên trách Hiệp hội giao lưu văn hóa Nhật- Trung, Viện trưởng Viện văn học Nepal. Phía Việt Nam là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Trí Huân.
Nhà văn Thiết Ngưng xuất hiện tại đối thoại đúng giờ, lần lượt đi chào mọi người. Bà nói với Nguyễn Trí Huân, hình như tôi đã gặp ông rồi. Ông Huân đáp bằng cách nhắc lại chuyện đón tiếp bà chủ tịch ở VN và nịnh khéo, rằng tôi đã đến chào bà ở khách sạn Dawoo rồi đưa tiễn bà ra sân bay. Rồi cười cười, ngần ấy năm rồi mà bà vẫn trẻ đẹp như xưa. Thiết Ngưng cười đáp lại ông Huân ý nhị, không nói ông khéo nịnh mà nói, đó là câu phụ nữ ai cũng thích nghe.
Đối thoại mở đầu bằng phát biểu của chủ nhà. Thiết Ngưng nói, Hội nhà văn TQ hiện có 11.700 hội viên, năm nay kỉ niệm 70 năm thành lập hội. Hội nhà văn TQ chủ trương mở rộng giao lưu trao đổi, văn học có thể góp sức thúc đẩy sự phát triển sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình, đặt nền móng "con đường tơ lụa trong văn học". Bà nói, Trung Quốc đã và sẽ xúc tiến mở rộng các diễn đàn văn học: Trung Quốc và các nước sông Mê Kông, Trung Quốc và các nước Nam Á, Trung Quốc và các nước Arab, duy trì Hiệp hội nghiên cứu quốc tế dịch văn học của các nhà Hán học, diễn đàn văn học Trung- Nhật- Hàn. Tạp chí “Nhân dân văn học” sẽ tiếp tục phát hành các bản tiếng Anh, Đức, Italia, Pháp, Nga, Nhật, Arab. Năm nay Trung Quốc tiếp tục mở diễn đàn văn học Trung Quốc và các nước Nam Á (phối hợp với Nepal), Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và các nước Trung Á...
Đại diện các nước, trong một không khí cởi mở đã phát biểu những kiến giải về giao lưu trao đổi văn hóa văn học. Nhịp cầu giao lưu văn học là dịch thuật, khó khăn cũng ở chỗ này. Nhiều đại biểu nói giao lưu cần sự bình đẳng.
Trong đối thoại tôi chú ý đến ý kiến của đại biểu Malaysia, kiến nghị lập Hội nhà văn thế giới những nhà văn viết tiếng Hoa, bầu Thiết Ngưng làm chủ tịch. (Ngô Nghĩa Cần nói, ý kiến rất đáng chú ý).
Ông giám đốc Hội giao lưu văn hóa Nhật- Trung kiến nghị, chính phủ Trung Quốc nên xem lại quy định chỉ cho các nhà văn đi nước ngoài tối đa 4 ngày, như vậy họ chỉ ở Nhật Bản có ba đêm, với hội Nhật chi tiêu bằng hội phí sẽ đỡ tốn tiền, nhưng giao lưu trao đổi thì bị hạn chế. (Thiết Ngưng phản ứng bằng cách nói với Ngô Nghĩa Cần, cũng nên kiến nghị nhỉ). Nhà văn Nguyễn Trí Huân nói, trong quá trình giao lưu văn hóa thông hiểu giữa các dân tộc thì văn học là người mở đường. Ông cũng nói tình trạng nhập siêu văn học Trung Quốc vào Việt Nam...
Hiển nhiên không có làm việc tay đôi. Ông Huân buộc phải tranh thủ giờ nghỉ gặp riêng Thiết Ngưng, chuyển lời thăm hỏi của chủ tịch Hữu Thỉnh và lời mời bà thăm lại Việt Nam.
Có thể rút ra điều gì ở cuộc đối thoại này?
Như nhà văn Thiết Ngưng thừa nhận việc xây dựng "con đường tơ lụa văn học" là nhằm thúc đẩy sự phát triển chủ thuyết "một vành đai một con đường" của Tập Cận Bình. Nó có mục tiêu chính trị hàng đầu, nếu biết cách khai thác thì cũng có thể tìm thấy ở đó những điều có ích cho giao lưu văn học.
Nhìn vào danh sách khách tham dự, thấy vắng các đại diện của nền văn học có danh tiếng như Nhật Bản, Ấn Độ, cùng các quốc gia Châu Á khác như Hàn Quốc, Indonesia , Philippines...và Triều Tiên. Vì thế có thể nói việc xây dựng "con đường tơ lụa văn học " với bà Thiết Ngưng là khó khăn chứ không dễ dàng gì.
Chương trình hôm sau đi thăm bảo tàng thủ đô và Cố cung, những nơi nhiều người Việt Nam đã thăm, xin miễn làm mất thì giờ của bạn bè./
Nguồn: Facebook Hà Phạm Phú