Để chuẩn bị cho vở diễn Chuyện tình Khâu Vai, các nghệ sỹ thuộc sân khấu cải lương Đại Việt vừa có chuyến đi thực tế tới vùng đất Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) tìm hiểu thực tế. Đây là một chuyện lạ trong bối cảnh cải lương đang vào buổi xế chiều hiện nay, việc đầu tư thêm vốn cho một vở diễn có khi chỉ làm tăng thêm phần… lỗ vốn. Vở cải lương Chuyện tình Khâu Vai (Tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ - Chuyển thể Cải lương- Hoàng Song Việt- Đạo diễn Triệu Trung Kiên) ra mắt khán giả từ ngày 7/6 tại sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang. Tham gia vở diễn sẽ là các nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Trần Hữu Trang như Quang Khải, Hà Như, Quế Trân, Lê Tứ…


NSƯT Trần Trung Kiên, đạo diễn của vở Chuyện tình Khâu Vai lại cho biết tổ chức chuyến đi thực tế cho các nghệ sỹ là hoàn toàn xứng đáng, vì sân khấu cải lương đang gặp nhiều khó khăn lớn. Với những đoàn cải lương Nhà nước quản lý, dù được đầu tư lớn nhưng thiếu tương tác với khán giả nên vở diễn không ăn khách. Với các đoàn cải lương tư nhân hay đoàn xã hội hóa, áp lực phải thu hồi vốn để có lãi, các vở diễn thường được đầu tư thấp, cảnh trí sân khấu chỉ mang tính ước lệ, đơn giản. Diễn viên cũng chỉ được tập vài buổi là lên sân khấu. “Chính vì vở diễn không chuyên nghiệp dẫn tới cải lương đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”- Trung Kiên cho biết.
Sân khấu Đại Việt (quy tụ những nghệ sỹ cải lương có tâm huyết của cả 2 miền Nam Bắc) ngay khi mới ra đời, các nghệ sỹ đã xác định “Làm cải lương thực sự là… cải lương”. Khi lựa chọn dựng vở Chuyện tình Khâu Vai, dù chi phí có tốn kém nhưng sân khấu Đại Việt vẫn quyết tâm đưa những nghệ sỹ tham gia vai diễn chính trong vở đi thực tế tại Khâu Vai (địa danh ra đời của câu chuyện tình trong vở). Trung Kiên khẳng định: “Tôi cho rằng chuyến đi hoàn toàn xứng đáng. Các nghệ sỹ cảm nhận được không khí của Khâu Vai, có thêm chất liệu, hưng phấn và cảm xúc để đưa vào vở diễn. Điều đó sẽ khiến cho vở diễn có sức sống hơn”.
NSƯT Quế Trân cho biết: “Tôi đã có nhiều chất liệu, cảm xúc chân thật để hóa thân vào vai diễn. Được sống giữa mảnh đất Khâu Vai, hoà mình vào với thiên nhiên và con người bình dị, mộc mạc của nơi đây, tôi cảm nhận rất rõ hơi thở của nhân vật như quyện vào chính mình. Mong rằng những cung bậc cảm xúc tuyệt vời nhất trong tôi có được từ chuyến đi sẽ truyền tải đến công chúng qua vai diễn”. 
Trung Kiên cho rằng trong bối cảnh cải lương đang xuống cấp hiện nay, cách tốt nhất để cứu cải lương là phải kéo được khán giả trở lại với cải lương. Nhưng để khơi dậy được sự quan tâm của khán giả thì phải đầu tư những vở diễn có chất lượng. “Sân khấu Đại Việt sẽ gây ấn tượng với khán giả bằng vở diễn đầu tiên là Chuyện tình Khâu Vai, một câu chuyện phù hợp với không khí của sân khấu cải lương được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng không chỉ ở âm nhạc, ở sân khấu mà còn ở từng diễn viên. Hóa thân vào những nhân vật của miền núi phía Bắc, các nhân vật sẽ đem lại một sắc thái mới mẻ nhưng cũng đầy hấp dẫn cho vở diễn”, Trung Kiên nói thêm. 
Một tín hiệu đáng mừng cho sân khấu Đại Việt là sau chuyến đi thực tế tại Hà Giang, đã có nhà đầu tư quyết định tài trợ cho vở diễn. Dù số tiền tài trợ chưa đủ lớn so với số vốn đầu tư cho vở diễn nhưng điều đó làm các nghệ sỹ vui hơn.
Soạn giả Hoàng Song Việt- người chuyển thể cải lương cho vở Chuyện tình Khâu Vai cho biết: “Không chỉ với vở Chuyện tình Khâu Vai mà với mỗi vở diễn chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức một hoặc nhiều chuyến đi thực tế. Việc này rất hữu ích, tạo điều kiện để nghệ sỹ được sống với văn hóa vùng miền, truyền tải đến người xem tình yêu dành cho quê hương, đất nước”.
TRỌNG THỊNH - Tiền Phong