Hãy xem Trần Vũ đặt cả quá khứ và hiện tại lên cùng một mặt phẳng, vào một góc độ, chiếu dưới một luồng ánh sáng để tất cả cùng hiện lên sắc nhọn như thế nào. Truyện Phố cổ Hội An là tiêu biểu nhất cho cách nhìn, cái được nhìn thấy từ lịch sử. Vợ chồng Dần cùng ở trọ một nhà với Lữ. Dần là một nhà khảo cổ. Loan, vợ Dần và Lữ – anh hàng xóm – không rõ là làm gì. Trong khi Dần miệt mài với lịch sử thì Loan trao thân cho anh hàng xóm. Và trắng trợn. Ngay trong bữa ăn: “Phía trên khăn bàn Dần vô tư hồn nhiên thao thao về lịch sử thì phía dưới khăn bàn, Loan ngồi cạnh Lữ, bàn tay Lữ như tiên đoán, thả xuống đùi Loan, dưới mặt bàn, mơn mơn ở bắp đùi non nang. Người Loan vụt nóng lên vì kích thích… Ngón tay Lữ mỗi lúc một dạn dĩ…


VĂN CHƯƠNG TIẾNG VIỆT CỦA TRẦN VŨ

CHU GIANG

Mời bạn đọc cùng xem văn chương tiếng Việt của Trần Vũ “làm giàu có” nền văn học như thế nào qua tập truyện ngắn “Phép tính của một nho sĩ”, do NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành quí I – 2019. Trong 9 truyện của tập sách hơn 200 trang (khổ 14×20,5cm) thì có 6 truyện về đề tài lịch sử, từ lịch sử xa xưa, thời Trần, cho đến hiện tại. Biên tập viên Nhã Nam nhận xét các thủ pháp của Trần Vũ nhằm khai phá mối tương quan giữa lịch sử, hiện thực, bạo lực và tình dục… để tìm thấy con người hoặc ở nơi sâu thẳm hoặc ở chốn man rợ khốn cùng. Nhưng vấn đề là mối tương quan như thế nào và con người được tìm thấy như thế nào? Người giới thiệu ở bìa 4 cũng là biên tập viên của Nhã Nam – Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, lẩn tránh. Chúng tôi sẽ đưa ra. Vì đây mới là chủ ý nghệ thuật của Trần Vũ. Làm giầu có hay làm nhơ bẩn nền văn học viết bằng tiếng Việt chính là chỗ này.
Hãy xem Trần Vũ đặt cả quá khứ và hiện tại lên cùng một mặt phẳng, vào một góc độ, chiếu dưới một luồng ánh sáng để tất cả cùng hiện lên sắc nhọn như thế nào. Truyện Phố cổ Hội An là tiêu biểu nhất cho cách nhìn, cái được nhìn thấy từ lịch sử. Vợ chồng Dần cùng ở trọ một nhà với Lữ. Dần là một nhà khảo cổ. Loan, vợ Dần và Lữ – anh hàng xóm – không rõ là làm gì. Trong khi Dần miệt mài với lịch sử thì Loan trao thân cho anh hàng xóm. Và trắng trợn. Ngay trong bữa ăn: “Phía trên khăn bàn Dần vô tư hồn nhiên thao thao về lịch sử thì phía dưới khăn bàn, Loan ngồi cạnh Lữ, bàn tay Lữ như tiên đoán, thả xuống đùi Loan, dưới mặt bàn, mơn mơn ở bắp đùi non nang. Người Loan vụt nóng lên vì kích thích… Ngón tay Lữ mỗi lúc một dạn dĩ… Dần kể đoàn công tác tìm được mấy đôi khoen đá… Loan rùng mình khi bàn tay Lữ trườn đến sát bụng… Lịch sử thong thả… Loan căng người trong cái đau chín mình mẩy. Mu bàn tay Lữ chai lằn những sợi gân đang dồn sức cho hai ngón tay kẹp cứng, vừa ấn, vừa muốn rứt thịt da Loan… Không có ai như Loan, rút ruột để yêu, xẻ thịt để yêu, tùng xẻo thân xác để phục tùng trọn vẹn cho Lữ” (Phố cổ Hội An. Sđd. Trg.174-175).
Trần Vũ trình diễn lịch sử như thế đấy. Đọc những trang như vậy, rất khó phân biệt được giữa Trần Vũ – Đỗ Hoàng Diệu – Nguyễn Huy Thiệp ai viết cho ai, ai viết theo ai, hay tam nhân đồng hành đồng thanh đồng khí!

Trần Vũ làm sống lại Tộc Trần, Nhà Trần chỉ với Trần Thủ Độ, như một người khai sáng Triều Trần, không phải khai sáng trên logic của lịch sử mà trên thân xác một người đàn bà: Buổi chiều đó, tộc Tần khởi nghiệp trên thân thể Trần Thị Dung (Phép tính của một nho sĩ. Trg.34). Người khởi nghiệp tộc Trần hiện lên như một kẻ hung bạo: “Độ bước trở lên thềm, người tắm máu, dáng dấp của tên khổng lồ cuồn cuộn thịt gân… Độ cúi xuống, hôn vào giữa đôi môi run rẩy của Trần Thị, một bàn tay sờ soạng phần ức trắng, mân mê bầu vú. Rồi bàn tay trườn xuống bụng. Trần Thị thót mình, co rút mình mẩy… Độ giận dữ: – Trao thân cho tôi là trao cho đất nước. Hiến thân cho tôi là hiến thân cho tộc Trần…” (Sđd. Trg.33-34).
Đây là chỗ thâm hiểm cực kỳ của Trần Vũ. Nếu bạn đọc chỉ chú mục vào nhân vật Trần Thủ Độ, hành vi và tính cách bạo liệt như thế sẽ không thấy, sẽ quên đi, sẽ lạc hướng về một lịch sử vĩ đại mà Triều Trần đã để lại cho dân tộc và cả nhân loại: Ba lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông, cứu nhân loại thoát khỏi vó ngựa tàn bạo của quân xâm lược.
Chiến thắng quân Nguyên – Mông thời đó có thể đặt ngang với chiến thắng phát-xít Đức của Hồng quân Liên Xô năm 1945. Danh tướng Trần Hưng Đạo không chỉ vĩ đại về quân sự mà còn là người đứng ra đoàn kết vương triều họ tộc, vượt qua những xích mích trong nội bộ vương triều, thật lòng hòa hiếu đoàn kết anh em trên dưới trong ngoài, là trụ cột để đoàn kết quốc gia, mới đủ sức chiến thắng quân giặc. Trần Hưng Đạo còn là người đưa ra tư tưởng dân chủ sớm nhất trong lịch sử chính trị và tư tưởng của nhân loại. Trước Trần Hưng Đạo đã có chính khách nào đưa ra tư tưởng: Phải khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc? Hi vọng các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị và tư tưởng sẽ làm sáng tỏ điều này. Đó là bước khai mở cho Nguyễn Trãi sau này vào thế kỷ XV đưa ra tư tưởng Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân… mà đến nay dân tộc đang noi theo và là ước mong của nhân loại. Danh nhân Trần Nhân Tông còn vĩ đại hơn cả sự vĩ đại. Người đã xem ngai vàng như chiếc giày rách. Người đã sáng lập ra Phật giáo Việt Nam với Thiền phái Trúc Lâm, ngày nay chúng ta tôn vinh là Phật hoàng. Hào khí Đông A là danh hiệu mà lịch sử dân tộc đã tôn vinh Nhà Trần. Dĩ nhiên Nhà Trần cũng như lịch sử và cuộc sống, không phải chỉ có một mặt hào hùng tốt đẹp. Còn có Trần Ích Tắc và nhiều chuyện khác nữa. Khi nhìn vào một triều đại nào đó trong lịch sử, phải nhìn toàn diện. Thấy mặt hào hùng tích cực để kế thừa. Thấy mặt tiêu cực để tìm ra bài học. Cái khó nhưng cũng rất hay đối với nhà văn là dựng lại dù bất kỳ sự kiện, nhân vật, kể lại bất cứ câu chuyện gì của lịch sử cũng phải toát lên tinh thần đó. Thế mà Triều Trần, Tộc Trần qua cách nhìn của Trần Vũ, trở nên đê tiện, tàn bạo, man rợ.
Còn lịch sử gần đây? Trong truyện “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” là lịch sử từ Cách mạng tháng 8-1945, qua Cải cách ruộng đất đến ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975 được Trần Vũ phục hiện thế này: Nụ thoát li gia đình đi theo Cách mạng, khi trở về bị cha mẹ ghẻ lạnh.
“Tôi không có con gái, nên nhận lầm đứa con nuôi phản phúc! Bộ chị tưởng tôi quên những bất hạnh chị đem đến cho gia đình này à? Tôi làm sao quên chị đã tố khổ gia đình này, đã xui người tra tấn cụ Cố đến tê liệt nửa thân người, đã tra điện cho chồng tôi đến mất trí.
… Phải, tôi chính là con Nhài bỏ nhà trốn theo trai rồi gia nhập Việt Minh trở về cướp chính quyền, đấu tố Thầy và Cố nuôi tôi đến dở sống dở chết, như lời thề độc sau lần phải đòn vì đi ngủ với Phú. Nhưng Phú cũng đã bỏ rơi tôi sau khi giải phóng miền Nam. Chỉ còn ngôi nhà nằm sau lưng Văn Miếu luôn ở đó, đời đời như một vết nhơ” (Sđd. Trg.114).
Trần Vũ đã “bao nhiêu đêm tôi thức trắng tự hỏi: Tôi cần gì? Kiếm gì? Và tìm gì ở cái đất nước này? Đất nước ba trăm sáu lăm ngày thuế má. Đất nước đi rửa chén cũng phải có bằng. Đất nước ăn ngủ mối tình đầu không thấy người yêu nhỏ giọt nước mắt khóc cho phần trinh tiết đánh mất” (Cánh đồng mùa gặt khô. Sđd. Trg.212).

Còn cuộc sống hiện tại?
Trần Vũ cứ bị đóng đinh vào cái đói ở miền Bắc thời chiến tranh – bao cấp: “Ở miền Bắc sau này ăn là lẽ sống, được ăn nhiều, uống nhiều… thoải mái, tức là có thực thi dân chủ! (Sđd. Trg.209). Vâng, miếng ăn ở miền Bắc từ sau Đổi Mới (1986) đến hôm nay nó như thế nào? Tôi. Chính tôi. Đã đói suốt thời Hợp tác hóa cho đến hết thời bao cấp, xóa bỏ tem phiếu, thị trường tự do. Bây giờ tôi đang thèm một cảm giác đói. Phải cố nhịn ăn theo bài tập điều trị thực dưỡng mới có cảm giác đói. Thực tế cuộc sống nó như thế đấy. Những suy nghĩ, tưởng tượng, những trang viết thù hận từ nơi tha hương kia làm sao che lấp được sự thật!
Trần Vũ đang bị nghẹn. Không phải nghẹn vì tiếp nhận điều gì quá sốc. Mà nghẹn vì niềm uất hận dâng trào từ thâm tâm khiến ông nhìn cuộc sống thấy ngột ngạt tăm tối:
“Nhưng ở Hà Nội, ăn giữa khung cảnh sừng sững của lịch sử, nhấp nháp bát bún chả mà cứ khổ não vì chung quanh chứng tích công đức của tiền nhân nhiều quá, rực rỡ là thế mà thời đại mình thì cứ tàn lụi, tâm thần day dứt thì còn bụng dạ đâu mà thưởng thức. Bốn bề tiền nhân, văn hóa bao đời từ cái cổng Văn Miếu, đến ngôi đền Quan Thánh, tượng Trấn Võ… sao mà lắm! Của ngon có dâng đến tận miệng cũng chả nuốt được. Nghẹn! Phải nói là mình bị nghẹn! (Cánh đồng mùa gặt khô. Sđd. Trg.209).

Trần Vũ quả là tay cao thủ trong những câu văn tưởng như ngẫu nhiên mà cực kì độc địa. Cũng ở truyện Cánh đồng mùa gặt khô, “hai người đàn ông nhậu lịch sử, với nỗi ưu uất lưu vong, với cảm giác tan hoang xơ xác” (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy). Đây là mấy câu thoại:
- Thiết tha, trăn trở cho bi kịch đất nước, thế sao anh còn qua đây làm gì?
….
- Qua thì sao? Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu cũng lưu vong mà?
- Các cụ có làm gì được đâu?
Tam im lặng. Biết anh không muốn trả lời, tôi lảng truyện bằng cách rót thêm rượu vào ly. Tam nạp liên tục như muốn khỏa lấp… Chẳng mấy chốc anh đổ kềnh ra ghế.
Tam “lặt” rồi tôi mới thấy mình lạc lõng… Giá tôi đừng hỏi điều ấy chắc bữa rượu còn vui. Lần đầu, tôi trông thấy tận mắt đau khổ của một kiếp người” (Sđd. Trg.221).

“Các Cụ có làm gì được đâu?”. Nhẹ nhàng quá mà thật ghê gớm. Các Cụ có làm gì được đâu! Đường phố và trường học trên đất nước này mang tên các Cụ là vì sao? Toàn tập của các Cụ là thực hay giả?
Làm sao Trần Vũ lại căm hận lịch sử của quê hương đất nước mình như thế? Người biên tập Nhã Nam đặt Cánh đồng mùa gặt khô vào cuối tập truyện, xem “như một hé lộ về chân dung thật của Trần Vũ” (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy), có đoạn: “Năm bảy tám gia đình tôi bị đánh tư sản, kiểm kê từ cây đinh đến con ốc. Thuế siêu ngạch, nghĩa vụ quân sự rình rập. Mối tình đầu tan vỡ. Bằng phổ thông cấp ba hụt thi. Trốn chui trốn nhủi sau những cồn cát Phan Thiết đợi đi chui…” (Sđd. Trg.215). Còn tiểu sử tóm tắt của Trần Vũ theo Nguyễn Hoàng Diệu Thủy: Sinh năm 1962 tại Sài Gòn trong gia đình Bắc di cư, Trần Vũ theo học Lasan Taberd, đến 1979 vượt biên đến Phi Luật Tân. Ban đầu sống trong một cô nhi viện miền Bắc nước Pháp, anh tốt nghiệp điện toán và làm quản lí dự án tin học cho đến 2013, lúc sang Hoa Kỳ… Trần Vũ từng làm chủ biên tạp chí Hợp lưu giai đoạn 2003 đến tháng 7-2005… Trần Vũ chỉ được biết đến trong giới người đọc nhỏ bé ở hải ngoại mà càng ngày càng mỏng đi (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Gai sắc trong truyện Trần Vũ).

Thế mà NXB Hội Nhà văn lại rước về để “làm giàu có thêm cho nền văn học”. Đấy là điều khó hiểu mà dễ hiểu vậy thay! Vì Trần Vũ mang trong mình trái tim Tần Cối “tử tâm hoài đại độc” (Nguyễn Du toàn tập. Tập 2 – Tần Cối tượng. Văn học – 2015). Cái khác nhau chỉ là Tần Cối thì đã “tử tâm” còn Trần Vũ thì “sanh tâm” vẫn đang hiện sinh!


Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM số 545