Hai bản ghi âm của Bùi Lan Hương được phát trên youtube đã tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng thú vị giữa hai luồng quan điểm: thích và không thích. Nhưng phải thừa nhận rằng ngay cả những người không thích cách làm mới hai nhạc phẩm kể trên của Bùi Lan Hương cũng phải gật đầu tấm tắc khen giọng hát đẹp của cô. Và điều khiến họ không thích ở phần thể hiện hai nhạc phẩm này của Bùi Lan Hương chính là cô đã làm mất hẳn đi hồn cốt của ca khúc cũ. Cụ thể, một khán giả có tri thức đã nhận xét rằng Bùi Lan Hương "đã giết bài "Mưa hồng" của Trịnh Công Sơn".. 


HÃY MỞ LÒNG VÀ HÃY THẬN TRỌNG

VĂN ĐOÀN

Bùi Lan Hương, cái tên có thể mới mẻ với nhiều người, nhưng không quá lạ lẫm với những người theo dõi đời sống âm nhạc. Và khi cô được xướng tên ở hạng mục Nghệ sỹ mới của Giải Cống hiến 2019, không ít người từng theo dõi cô trong một thời gian dài đã phải thừa nhận, đó là một phần thưởng xứng đáng đối với một nữ nghệ sỹ trẻ trung, tài năng và có trình độ chuyên môn.
Ngay sau khi nhận giải thưởng Cống hiến, Bùi Lan Hương đã tham gia dự án âm nhạc "Music Home" của ban nhạc Anh Em vào tháng Tư vừa rồi. Với hiệu ứng tích cực từ dự án "Music Home", Bùi Lan Hương lập tức trình làng hai sản phẩm mới. Đó là ca khúc "Dư âm" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý và "Mưa hồng" của Trịnh Công Sơn. Và hai bản ghi âm được phát trên youtube đã tạo ra một cuộc tranh luận vô cùng thú vị giữa hai luồng quan điểm: thích và không thích. Nhưng phải thừa nhận rằng ngay cả những người không thích cách làm mới hai nhạc phẩm kể trên của Bùi Lan Hương cũng phải gật đầu tấm tắc khen giọng hát đẹp của cô. Và điều khiến họ không thích ở phần thể hiện hai nhạc phẩm này của Bùi Lan Hương chính là cô đã làm mất hẳn đi hồn cốt của ca khúc cũ. Cụ thể, một khán giả có tri thức đã nhận xét rằng Bùi Lan Hương "đã giết bài "Mưa hồng" của Trịnh Công Sơn".
Thực tế, đa số những khán giả không thích cách làm mới lại hai ca khúc kể trên của Bùi Lan Hương đều có tuổi. Bởi vậy, họ đã bị ấn tượng quá mạnh với những phiên bản đầu tiên của "Mưa hồng" mà họ đã nghe. Do đó, ngay khi chạm vào bản ghi của Bùi Lan Hương, chỉ cần ở câu đầu tiên, họ đã bị "dội", thậm chí là "sốc".
Cụ thể, ở câu "Trời ươm nắng, cho mây hồng", nếu chiểu theo tông mà Bùi Lan Hương hát ở giọng Đô trưởng, Trịnh Công Sơn viết giai điệu gồm chuỗi 6 nốt "đồ rê mí, rê đô là" thì Bùi Lan Hương phá cách và hát theo chuỗi nốt "đồ rê mí, mí mí đồ". Theo lối phá cách này của Bùi Lan Hương, thực tế hoà thanh không thay đổi và nếu là một người nghe mở lòng hơn, họ có thể cảm thấy thú vị, tò mò và bị cuốn theo lối hát ấy.
Từ sự chống lại việc cải biến của Bùi Lan Hương (cải biến là cách Bùi Lan Hương diễn tả việc mình làm ngay từ bản ghi đầu tiên, bản "Dư âm"), chúng ta nhận ra rất rõ rằng đang có một lối nghe nhạc chưa "mở lòng" ở Việt Nam. Lối nghe nhạc chưa mở lòng ấy vốn dĩ đến từ ấn tượng ban đầu quá mạnh và ấn tượng ban đầu này đã tạo thành một định kiến trong lòng người nghe. Do đó, trước mỗi cải biến, cách tân, biến tấu, phá cách, cảm tác… dựa trên bản gốc đều sẽ không được chấp nhận bất chấp nó thực sự có giá trị nghệ thuật.
Nhưng ở phía ngược lại, dù có cổ xúy, khen ngợi Bùi Lan Hương đi chăng nữa, chúng ta cũng cần phải nhìn thấy 1 vấn đề mà chính Bùi Lan Hương rất cần tuân thủ. Đó chính là Bùi Lan Hương có thể cải biến giai điệu, đặt lại hoà thanh, cải biến ca từ cho phù hợp với giai điệu và hòa thanh mới nhưng cô cũng phải nhớ rằng một ca khúc bao gồm 2 phần sáng tạo là nhạc và lời. Cô có thể phổ giai điệu mới hoàn toàn cho 1 phần lời mà cô thích nhưng nhất thiết nó cần phải có sự đồng ý của tác giả hoặc người thay mặt tác giả quản lý quyền nhân thân trên tác phẩm. Đặc biệt, nếu trong trường hợp kênh youtube của Bùi Lan Hương có bật chế độ kiếm tiền, cô sẽ càng phải khắt khe hơn để tránh những hệ lụy về pháp lý sau này, nhất là ở trong giai đoạn Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang phải được hoàn thiện dần cho phù hợp với các quy ước quốc tế.
Nói chung, trường hợp của Bùi Lan Hương là một câu chuyện điển hình và thú vị, nếu không nói là đặc sắc trong đời sống âm nhạc đang khá nhàm chán và hỗn loạn hiện nay. Hãy mở lòng để nghe, và chờ đón thêm những sáng tạo mới trên các vật liệu cũ của Hương, để thấy được cái đẹp của sự đa dạng trong âm nhạc. Song, cũng rất cần Hương phải thận trọng hơn, để sự say mê sáng tạo của cô được phát huy chứ không gặp phải những rào cản pháp lý vô cùng bình thường.