Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử công khai vụ án hành chính mà bản chất sự việc được giới nhà văn đánh giá là “biến đất công thành tài sản riêng” với rất nhiều thủ đoạn lắt léo và bất chấp pháp luật, kéo dài gần 10 năm nay. Những tưởng khi vụ án được xem xét ở cấp phúc thẩm thì sẽ tránh được tình trạng “các anh kiện chính thủ trưởng của chúng tôi nên không biết phải xử lý thế nào” như lời than thở của những người tham gia xét xử tại phiên tòa sơ thẩm; ngờ đâu vẫn lại như một kịch bản cũ diễn lại với tất cả những né tránh cũng như biện giải thiên lệch trong quá trình thẩm xét. Điều này đã gây nên những bất bình thực sự cho phía nguyên đơn là Hội Nhà văn Việt Nam, những người đang cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ công sản của Nhà nước và sự đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật…
BIẾN ĐẤT CÔNG THÀNH TÀI SẢN RIÊNG - ĐÚNG HAY SAI?
Không chấp nhận, và cũng không thể chấp nhận, với phán quyết mang đầy tính qua quýt và có phần khiên cưỡng của phiên tòa sơ thẩm ngày 26/11/2018 – Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng, xét xử đơn kiện của Hội Nhà văn Việt Nam khởi kiện quyết định hành chính số 234.61.QĐUB.2017 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở số 010701554000755 cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị và ông Trần Duy Bình tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, theo Bản án số 03/2018/HCST, tuyên: Công nhận Quyết định hành chính nói trên được ban hành đúng thẩm quyền và đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý. Bác yêu cầu khởi kiện của Hội Nhà văn Việt Nam; Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã kháng án lên tòa Phúc thẩm. Ngày 08/4/ 2019 vừa qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử công khai vụ án hành chính mà bản chất sự việc được giới nhà văn đánh giá là “biến đất công thành tài sản riêng” với rất nhiều thủ đoạn lắt léo và bất chấp pháp luật, kéo dài gần 10 năm nay. Những tưởng khi vụ án được xem xét ở cấp phúc thẩm thì sẽ tránh được tình trạng “các anh kiện chính thủ trưởng của chúng tôi nên không biết phải xử lý thế nào” như lời than thở của những người tham gia xét xử tại phiên tòa sơ thẩm; ngờ đâu vẫn lại như một kịch bản cũ diễn lại với tất cả những né tránh cũng như biện giải thiên lệch trong quá trình thẩm xét. Điều này đã gây nên những bất bình thực sự cho phía nguyên đơn là Hội Nhà văn Việt Nam, những người đang cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ công sản của Nhà nước và sự đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật…
Một vụ án hành chính hay một vụ tranh chấp dân sự?...
Đó là câu hỏi đầu tiên cần đặt ra cho phiên tòa này. Theo nội dung vụ án, Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành khởi kiện Vụ kiện hành chính, và kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng trong vụ kiện quyết định hành chính số 234.61.QĐUB.2017 của UBND quận Hai Bà Trưng. Đối tượng chính của vụ kiện là UBND quận Hai Bà Trưng. Các đối tượng có quyền lợi và trách nhiệm liên quan là Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội cùng gia đình ông bà Nguyễn Thị Nhị, Trần Duy Bình. Tuy nhiên có mặt tại phiên tòa chỉ có vợ chồng ông bà Trần Duy Bình và Nguyễn Thị Nhị, cùng một vị đại diện cho Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hai luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cũng là luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình ông Bình, bà Nhị. Các đối tượng liên quan khác phía bị đơn đều có lý do xin xử vắng mặt. Với thành phần tham dự như vậy, đặc biệt là sự vắng mặt của đại diện UBND quận Hai Bà Trưng, đã vô hình dung biến toàn bộ quá trình tranh tụng của một vụ án hành chính thành một vụ tranh chấp đất đai mang tính dân sự. Đây có lẽ cũng là một phần lý do để diễn biến phiên tòa đi theo kịch bản cũ. Mọi chứng cứ pháp lý, mọi ý kiến quan trọng nhất của bên nguyên đưa ra đều không có người đối thoại
Mặc dù ông thẩm phán Hoàng Chí Nguyện, Chủ tọa phiên tòa, đã công bố lý do vắng mặt của các đương sự nói trên. Song không hiểu những người có trách nhiệm trong hộ đồng xét xử có nhận ra, là dù được phép, nhưng chính sự vắng mặt “hợp pháp” ấy có thể đã làm cho bản chất của phiên tòa không còn đúng với tên gọi của nó?...
Những chi tiết đã và vẫn tiếp tục bị “bỏ quên”…
Luật sư Nguyễn Văn Quang - Công ty luật hợp danh V.I.P - Đoàn luật sư Hà Nội, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện là Hội Nhà văn Việt Nam tại phiên tòa, sau khi nghiên cứu rất kỹ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã cho rằng: Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND quận Hai Bà Trưng, tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị đã căn cứ vào văn bản trái thẩm quyền, trái quy định của pháp luật. Và do vậy, Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng đã bác yêu cầu khởi kiện của Hội Nhà Văn Việt Nam là không đúng, gây ảnh hưởng và làm thiệt hại nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của Hội Nhà văn Việt Nam. Xâm phạm vào tính đúng đắn, nghiêm minh của quy định pháp luật đối với công sản.
Sau khi đưa những phân tích về một số vấn đề bao gồm: 1/ Quy định của pháp luật về tổ chức được giao đất (trong đó có Hội Nhà văn Việt Nam); 2/ Quy định của pháp luật về việc bán nhà số 9 Nguyễn Đình Chiếu cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị theo Nghị định 61 (nếu đủ tiêu chuẩn); và 3/ Ý kiến của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là của Bộ Tài chính, sau thời điểm gia đình bà Nguyễn Thị Nhị đã được cấp “sổ đỏ”, được dẫn luận bằng những điều khoản hết sức cụ thể mà ông mang theo, luật sư Quang khẳng định:
Thứ Nhất:
Bằng văn bản 3379.QT, ngày 15/10/1990, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã chuyển giao quyền sử dụng ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu cho Hội Nhà văn Việt Nam. Diện tích 700m2. Việc giao đất của Hội đồng Bộ trưởng cho Hội Nhà Văn Việt Nam theo chế định giao đất không phải trả tiền sử dụng đất. Đó là đất công sản
Căn cứ vào Pháp lệnh ngày 14/10/1994; Nghị định số 85/CP/1996; Nghị định 61/CP/1994; Luật Đất đai 2003; Quyết định 38/2005 của UBND TP Hà Nội, thì: Hội Nhà văn Việt Nam không được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất. Nghị định 61 cho phép mua bán, kinh doanh nhà ở, nhưng trừ các loại nhà ở là biệt thự, công thự, như trường hợp nhà ở của gia đình bà Nhị tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu.
Việc Hội Nhà văn Việt Nam đã có “Biên bản thỏa thuận” ngày 15/10/1991với gia đình bà Nhị để xây một gian nhà mới cho gia đình bà Nhị tại đầu hồi bên phải tòa nhà biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu là tôn trọng lịch sử, tạo điều kiện để gia đình bà Nhị được lưu cư, bố trí tạm làm nhà ở. Điều đó đúng với truyền thống nhân văn của dân tộc, và không trái quy định pháp luật.
Thứ Hai:
Trên cơ sở văn bản số 3379.QT, thì kể từ ngày 15/10/1990. Hội Nhà văn Việt Nam là cơ quan chủ quản, sử dụng công sản 700m2 đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu.
Căn cứ theo các văn bản được viện dẫn về Những quy định của pháp luật để bán nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu theo Nghị định 61 cho gia đình bà Nhị (giả sử nếu đủ tiêu chuẩn), bao gồm các văn bản: Nghị định số 88/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất đô thị; Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai 2003; Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ “Quy định bổ sung vềviệc cấp Giấy chứng nhận quyền Sử dụng đất..."; thậm chí ngay cả Nghị định 61/1994 và Quyết định số38/2005/QD-UB ngày 29/3/2005 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy trình bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang ở thuê theo Nghị định 61/CP ngày 05/711994 của Chính phủ trên địa bản thành phố; thì nếu nhà đất của gia đình bà Nhị thuộc diện được bán, thủ tục bắt buộc trước tiên phải có ý kiến bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan được giao đất là Hội Nhà văn Việt Nam, vì Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam mới là người duy nhất có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký địa chính. Như vậy văn bản số 2314/MTTW-BTT ngày 11/7/2007 về việc chuyển giao nhà tự quản của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho bà Nguyễn Thị Nhị do ông Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Pha ký tên, đóng dấu là văn bản trái thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật, bởi lẽ: Tại thời điểm tháng 10/1990, Mặt trận Tổ quốc không còn là cơ quan chủ sử dụng đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Người sử dụng đất hợp pháp là Hội Nhà Văn Việt Nam. Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không có thẩm quyền “Chuyển giao nhà tự quản” từ công sản của Nhà nước sang cho cá nhân. Văn bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển giao nhà tự quản cho hộ gia đình bà Nhị là văn bản trái thẩm quyền, trái quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó có thể xác định: Trong hồ sơ mua nhà nhà theo Nghi định 61/1994 của bà Nguyễn Thị Nhị còn thiếu hai văn bản rất quan trọng mới đảm bảo thủ tục. Đó là:
- Văn bản cho phép bán nhà theo Nghị định 61 của thủ trưởng cơ quan được giao đất (Hội Nhà văn Việt Nam)
- Văn bản của Bộ Tài chính cho phép chuyển công năng từ sử dụng đất biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu sang mục đích làm nhà ở
Do đó, hồ sơ mua bán nhà theo Nghị định 61 của gia đình bà Nhị là chưa đúng Điều 4 của quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 38/2005/QĐ-UB ngày 29/3/2005 của UBND TP Hà Nội. Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan sau này, là TP Hà Nội, là quận Hai Bà Trưng, chủ yếu chỉ dựa vào văn bản số 2314 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trái thẩm quyền, trái pháp luật thì đương nhiên bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý.
Chính từ những điều khuất tất ấy trong quá trình “biến đất công thành tài sản riêng” tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu của gia đình bà Nhị, nên mặc dù gia đình bà Nguyễn Thị Nhị đã được cấp “sổ đỏ“ từ năm 2007. Nhưng năm 2010, Bộ Tài chính vẫn có Văn bản số 15726/BTC-QLCS ngày 18/11/2010 gửi Hội Nhà Văn Việt Nam có đoạn: “Bộ Tài chính để nghị Hội Nhà Văn Việt Nam thực hiện theo quy định tại Quyết định nêu trên để Hội phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội thực hiện di dời hộ gia đinh bà Nguyễn Thị Nhị ra khỏi khuôn viên cơ sở nhà, đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và có trách nhiệm hỗ trợ chi phí di đời cho bà Nhị theo quy định của pháp luật hiện hành”
Như vậy, có một sự thật không thể bàn cãi đó là: Gia đình bà Nguyễn Thị Nhị được cấp “sổ đỏ" tại UBND quận Hai Bà Trưng năm 2007. Năm 2010, Bộ Tài chính là cơ quan thay mặt Chính phủ quản lý công sản vẫn yêu cầu Hội Nhà văn Việt Nam phải thực hiện các thủ tục để di dời hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị khỏi khuôn viên đất công sản của Hội Nhà Văn. Luật sư Quang phân tích: “Giả sử cứ cho là án sơ thấm của Tòa Hai Bà Trưng đã nhận định “sổ đỏ" của gia đình bà Nhị được cấp là đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật từ năm 2007. Vậy thì từ năm 2010 đến nay. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý công sản của quốc gia vẫn yêu cầu Hội Nhà văn Việt Nam phải di dời hộ gia đình bà Nhị ra khỏi khuôn viên số 9 Nguyên Đình Chiểu là như thế nào? Có ai dám “ăn mật gấu" để nói rằng Bộ Tài chính đã sai trong quản lý công sản, khi yêu cầu Hội Nhà văn Việt Nam phải di dời hộ gia đình bà Nhị ra khỏi khuôn viên số 9 Nguyễn Đình Chiểu?...”
Và ông Quang chốt lại: - Chúng tôi xin dành vấn đề này để Hội đồng xét xử công tâm thẩm xét khi nghị án.
*
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Quang, những căn cứ chủ yếu của Bản án sơ thẩm mà Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng đưa ra để bác yêu cầu khởi kiện của Hội Nhà Văn Việt Nam, tại trang 11 của Bản án, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã căn cứ vào 4 quy định để bác yêu cầu khởi kiện của Hội Nhà Văn Việt Nam. Đó là: 1/ Luật Đất đai 2003; Luật Nhà ở 2005; Nghị định 61/1994; và Quyết định số 38/2005/QĐ-UB ngày 29/3/2005 của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên nếu theo như ông Quang phân tích, thì các quy định của pháp luật mà tòa sơ thẩm viện dẫn để bác yêu cầu khởi kiện của Hội Nhà văn Việt Nam, bản chất pháp lý lại ngược hoàn toàn với nhận định của tòa sơ thẩm. Và nếu cho rằng “thực tế gia đình bà Nhị sống sử dụng nhà đất ổn định, quá trình sử dụng không có tranh chấp gì từ năm 1984 cho đến năm 2007 thì cơ quan chủ quản là Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ Quốc Việt Nam có văn bản số 2314/MTTW-BTT gửi Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất đề nghị chuyển giao căn hộ của bà Nhị làm thủ tục tiếp nhận, quản lý và được ký Hợp đồng thuê nhà, mua nhà theo Nghị định 61/CP theo đúng quy định hiện hành” (vẫn tại trang 11 của Bản án) là một đánh giá thiên về tình mà bỏ qua những quy định của pháp luật về công sản, không cần biết ai là cơ quan chủ quản được giao đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu vào thời điểm cấp “sổ đó" năm 2007 cho gia đình bà Nhị. Một việc làm xem như “cấm kỵ” của các cơ quan tư pháp
*
Trước những lý lẽ mà luật sư bên nguyên đưa ra, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan thực chất ra chỉ còn có vai trò về mặt nhân sự đối với bà Nguyễn Thị Nhị cho đến lúc này, còn ngoài ra không có vai trò gì đối với công sản 700m2 đất tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu từ sau ngày 15/10/1990, vị đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Phạm Thị Hồng, khi trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, yêu cầu chứng minh vai trò của cơ quan này đối với ngôi nhà tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu của gia đình bà Nguyễn Thị Nhị tại thời điểm ban hành công văn số 2314/MTTW-BTT, đề nghị cho bà Nhị được ký hợp đồng thuê nhà, mua nhà theo Nghị định 61/CP; thì trong hơn 1 phút trả lời, đã 3 lần khẳng định: “Chúng tôi làm theo đúng các quy định của pháp luật (!)”… Khẳng định vậy, nhưng vị Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam này không hề đưa ra một điều khoản pháp lý nào để chứng minh các quy định đó là gì, mà chỉ căn cứ vào một hệ quả hết sức hồn nhiên: “Nếu chúng tôi ban hành công văn không đúng thì chắc đã không được các cơ quan chức năng chấp nhận”…
Và những kiến nghị bị bỏ qua…
Chúng tôi không đề cập đến nội dung tranh tụng của các luật sư bên bị có mặt tại phiên tòa này, bởi như trên đã nói, họ chỉ là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Bình, bà Nhị, vậy nên mọi ý kiến, quan điểm của họ, mục đích cuối cùng vẫn chỉ ở phía dân sự. Những vấn đề cụ thể của một phiên tòa hành chính mà Hội Nhà văn Việt Nam đang khởi kiện vì thế đã không được chú trọng đúng mức
Tham dự phiên tòa với một thái độ hết sức thận trọng, luật sư Nguyễn Văn Quang đánh giá: “Đây là vụ kiện rất “nhạy cảm”, bởi nó liên quan tới Hội Nhà văn Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội; đặc biệt là liên quan lới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức xã hội chính trị tập hợp tất cả các hội, đoàn thể trong cả nước…”
Biết vậy, song với quan điểm Mọi công dân cũng như mọi tổ chức trong đất nước này vẫn phải tuân thủ “thượng tôn pháp luật”. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nên thái độ làm việc của luật sư cũng hết sức cẩn trọng, thấu tình, đạt lý. Sau phần trình bày, lập luận của mình, ông Quang đã đưa ra ba đề nghị với Hội đồng xét xử. Theo quan điểm của luật sư, thì để xử lý sự kiện pháp lý chỗ ở và quyền sử dụng đất của hộ gia đình bà Nhị là không khó, bởi đã có các quy định của pháp luật để điều chỉnh. Hội Nhà Văn Việt Nam cũng có tình, có trách nhiệm và sẵn sàng bù đắp cao nhất để cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhi có một chỗ ở ổn định, lâu dài, đúng pháp luật. Vấn đề là phải vận dụng hài hòa, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Từ tất cả những điều đã trình bày ở trên, luật sư đưa ra đề nghị Hủy Bản án sơ thẩm số 03/2018/HCST ngày 26/11/2018 của TAND quận Hai Bà Trưng để:
Yêu cầu trưng cầu giám định Bộ Tài nguyên và Môi trường về tính pháp lý của văn bản số 2314/TTTW-BTT ngày 11/7/2007 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tư cách không phải là cơ quan được giao đất, có quyền để “chuyển giao nhà tự quản” theo Nghị định 61 cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị không?
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ý kiến về hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61 của gia đình bà Nhị, không có văn bản thỏa thuận của Bộ Tài chính về chuyển mục đích sử dụng công sản, thì đã đầy đủ, đúng quy trình, đúng quy định để bán nhà theo Nghị định 61 chưa?
Đề nghị UBND TP Hà Nội cho biết ý kiến băng văn bản về biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu có nằm ở trong danh sách các biệt thự, công thự không được bán không?
Một văn bản sai dẫn đến một quy trình sai, và kết quả là một quyết định trái pháp luật. Rõ ràng khi nhận ra vấn đề như vậy, thì việc xem xét lại nguyên nhân ngay từ ban đầu là việc làm cần thiết để có giải pháp sửa chữa, khắc phục. Tiếc thay những đề nghị hết sức thận trọng và nghiêm túc ấy đã không được Hội đồng xét xử xem xét, khiến cho phán quyết của phiên tòa đã gây nên những bất bình, thậm chí là cả những nghi ngờ…
Từ một phiên tòa, nghĩ về một nền tư pháp thời 4.0
Chủ tọa phiên tòa công bố Quyết định “mở phiên tòa xét xử vào lúc 8 giờ 30 phút…”, khi kim đồng hồ đã chỉ sang con số 9. Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, tòa tuyên bố: “14 giờ mọi người có mặt để tiếp tục làm việc”, thì đến 14 giờ 30 phút mới thấy chủ tọa búng tàn thuốc cắp áo thụng “thăng đường”. Ngày hôm sau, cũng tuyên bố có mặt giờ ấy, và một lần nữa lại thấy ông xuất hiện giờ ấy… Đó phải chăng là cung cách làm việc?...
Phiên tòa hành chính xét xử vụ kiện một quyết định hành chính, vậy mà người bị kiện không có mặt, dẫn đến tranh tụng không tập trung vào đúng bản chất của vấn đề cần xét xử. Đó phải chăng là quan điểm, và đương nhiên tiếp theo sẽ là chất lượng làm việc?...
Một phiên tòa lấy các thỏa thuận dân sự để thay thế các văn bản quy định của pháp luật. Đó phải chăng là sự công tâm, khách quan, đúng đắn?...
Chủ tọa phiên tòa không xem xét đến những nội dung đề cập đến trong đơn kiện. Cụ thể trong trường hợp này là việc giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở cấp cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị và ông Trần Duy Bình tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu với tổng diện tích 45,2m2 của UBND quận Hai Bà Trưng đã vượt quá cả so với “quyết định” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 14,2m2, và so với thỏa thuận của Hội Nhà văn Việt Nam là 19,2m2 . Song trước khi vào nghị án lại gợi ra một chi tiết khác không liên quan đến vụ án, đó là việc ngôi nhà của ông Bình, bà Nhị xây tại mảnh đất nói trên đã vượt quá số tầng được cấp phép… Mở ra rồi bỏ đấy. Điều này gợi lên những nghi ngờ về tính minh bạch của việc xét xử…
Và cả những chi tiết tiếp tục bị “bỏ quên”, cùng những kiến nghị bị bỏ qua như vừa nói đến…
*
Trong quá trình chuyển động mạnh mẽ, đầy nỗ lực và đầy thực chất của đất nước, sự cải cách, đổi mới của các cơ quan công quyền thời gian vừa qua, Cơ quan lập pháp với một Quốc hội thảo luận thay cho tham luận luôn được đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát chặt chẽ; Cơ quan hành pháp với một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động luôn là đối tượng quan tâm của công luận cũng như toàn xã hội với những chỉ số hết sức cụ thể và minh bạch; thì cơ quan Tư pháp dường như vẫn đang còn những góc khuất mà chỉ có những ai đã đến ngồi tòa mới thấu. Thời đại 4.0, một phiên tòa ở cấp phúc thẩm như phiên tòa vừa nói ở trên, khi đã dám tuyên bố việc “biến đất công thành tài sản riêng” là điều hợp pháp, thì chắc chắn là điều không thể chấp nhận được. Chắc chắn với một phán quyết như vậy sẽ không thể khép lại vụ án. Đó là điều mà Hội đồng xét xử chắc chắn cũng đã nhận ra, bởi theo khẳng định của Hội Nhà văn Việt Nam, và cũng căn cứ vào tất cả các văn bản pháp luật đã được viện dẫn tại tất cả các phiên xét xử trừ trước đến nay, và vẫn đang còn giá trị, thì đến thời điểm này (văn bản gần đây nhất của Bộ Tài chính năm 2010) vẫn yêu cầu Hội Nhà văn Việt Nam phải thực hiện di dời hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhị ra khỏi khuôn viên đất công sản tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu… Đứng giữa nghĩa vụ pháp luật và trách nhiệm theo đạo đức của một con người, của một tổ chức Hội đầy ắp tính nhân văn, Hội Nhà văn Việt Nam thực sự cần có một sự phán xét nghiêm khắc và công tâm hơn nữa.
PV