Chẳng ai nói nhạc của Trần Long Ẩn không hay, mà cũng không ai nói nhờ một giải nhất mà tên tuổi Trần Long Ẩn sẽ cao hơn trong lòng người hâm mộ. Muốn làm hề thì đừng làm quan, mà muốn làm quan thì ngưng làm hề. Không thể biện minh rằng, mình ngồi trong ban giám khảo nhưng mình vô tư không bỏ phiếu cho tác phẩm của mình. À, lúc bỏ phiếu đến tác phẩm của mình, thì mình đứng dậy đi ra ngoài, càng khiến những người ở lại biết chắc mình muốn đoạt giải thì họ cũng phải nể nang chút ít chứ! Dân gian có câu vè “ông Trần ông Nguyễn ông Tô, vừa thi vừa chấm vừa… vồ giải luôn” ngỡ tếu táo cho vui, ai dè vẫn cứ… đúng như thường!



VỪA THI VỪA CHẤM VỪA… VỒ GIẢI LUÔN

TUY HÒA

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần thứ 2 vừa công bố và trao giải vào sáng 19-4-2019, đã gây xôn xao dư luận vì… không ít bất cập, trong đó đáng kể nhất là nhiều quan chức văn nghệ bước lên bục vinh danh với những tác phẩm mà họ vừa là thí sinh vừa là giám khảo.

Một đô thị lớn như TPHCM có một giải thưởng Văn học Nghệ thuật là điều cần thiết. Thế nhưng, phương pháp tổ chức giải thưởng này vẫn chưa xứng tầm một trung tâm văn hoá của cả nước. Thứ nhất, những hội chuyên ngành hàng năm đều có giải thưởng cho tác phẩm nổi bật, nên Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM định kỳ 5 năm phải hướng đến tôn vinh tác giả qua một chặng đường sáng tác, chứ không thể chấm từng tập thơ hay từng ca khúc. Thứ hai, nếu lấy Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM làm căn cứ để đề nghị Giải thưởng Nhà nước hoặc Giải thưởng Hồ Chí Minh thì cần đưa ra tiêu chí rõ ràng hơn và qui mô sâu rộng hơn.

Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần 2, đã lúng túng ngay từ khâu kêu gọi tác giả tham gia. Ban đầu Ban tổ chức thông báo: “Thời gian tiếp nhận tác phẩm gửi về tham dự từ 1.7 đến hết ngày 30.9.2017, thời gian sơ khảo từ 1.10 đến hết 31.10.2017 và chung khảo sẽ diễn ra trong tháng 11.2017. Dự kiến lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 12.2017. Các tác phẩm dự giải phải được sáng tác hay công bố trong khoảng thời gian từ 2012 - 2016, chấp nhận cả các tác phẩm đã đoạt các giải thưởng khác trong và ngoài nước”. Thế nhưng, hết năm 2017 vẫn không thấy… trao giải, mà đến đầu tháng 4-2019 lại ra tiếp thông báo… gia hạn và điều chỉnh: “Tác phẩm dự Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm phải được sáng tác, công bố trong thời gian từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2017 (thay vì đến năm 2016). Về thời gian: các Hội đồng sơ khảo sẽ nhận tác phẩm bổ sung tham dự Giải thưởng từ nay đến hết ngày 30-5-2018. Dự kiến công bố và trao giải thưởng vào dịp Quốc khánh 2-9-2018”. Cuối cùng đến ngày 19-4-2019 mới công bố và trao giải, thì sự thật không thể chối cãi là chính những người tổ chức cũng không làm chủ được lộ trình đăng cai một giải thưởng, thì làm sao giám sát được chất lượng giải thưởng.

Mặt khác, Ban tổ chức quy định: “Về số lượng giải thưởng, mỗi hội thành viên được chọn tối đa 9 tác phẩm của hội mình để giới thiệu xét chung khảo. Số lượng giải thưởng do Hội đồng chung khảo chọn cho mỗi chuyên ngành tối đa không quá 7 tác phẩm”. Đây là một quan niệm ngây thơ. Bởi lẽ, hội đồng chung khảo gồm những người không đảm bảo chuyên môn, do đó chỉ có thể xét nhân thân hoặc tính phổ cập, tính tuyên truyền của tác phẩm mà thôi. Từ 9 ứng viên để chọn 7 giải thưởng là công việc mang tính chuyên môn rất cao, không thể tuỳ tiện. Thử hỏi, những thành viên Hội đồng chung khảo như Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh hoặc Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa mỗi năm có đọc hết một tiểu thuyết nào không, mà lại tự tin phán xét chất lượng tiểu thuyết dự thi vốn đã được tuyển chọ từ hàng chục, hàng trăm tiểu thuyết phát hành trong 5 năm?

Dựa trên một nền tảng không vững chắc như vậy, nên kết quả Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần 2 có chệch choạc cũng không đáng ngạc nhiên. Trong 9 loại hình nghệ thuật, giải nhất lĩnh vực sân khấu được phần lớn công chúng đồng thuận, vì đã trao cho vở nhạc kịch Tiên Nga của Sân khấu IDECAF do Thành Lộc dàn dựng. Còn giải nhất lĩnh vực văn học, tuy xứng đáng về mặt tác phẩm, nhưng lại tréo ngoe về mặt… quy chế. Nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016) là một gương mặt tiêu biểu của văn học Nam bộ. Tuy nhiên, cuốn hồi ký “Ở R- Chuyện kể sau 50 năm” là những trang viết cuối cùng của nhà văn Lê Văn Thảo, được in vào tháng 5-2018. Giải thưởng lấy mốc 5 năm 2012-2017 mà trao cho tác phẩm in năm 2018 thì… hơi buồn cười chăng. Hãy nhớ rằng, lúc sinh thời nhà văn Lê Văn Thảo từng in một tiểu thuyết viết về giai đoạn ông rời đô thị để vào chiến khu, có tên gọi “Những năm tháng nhọc nhằn” in năm 2012. Giải nhất trao cho nhà văn Lê Văn Thảo thì không ai phản đối, nhưng tác phẩm nên chọn là “Những năm tháng nhọc nhằn” chứ không phải “Ở R – Chuyện kể sau 50 năm”.

                                                    


Trong khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chỉ được một phiếu bầu chọn ở vòng sơ khảo, thì hai giải nhì văn học trao cho hai tiểu thuyết rất ít người biết đến, cũng là một sự nuối tiếc. Mất mùa tiểu thuyết chăng? Không, trong 5 năm 2012-2017 có hai cuốn tương đối ấn tượng là “Thông tin đa chiều” và “Vẫn là binh nhất” của nhà văn Trần Văn Tuấn. Tuy nhiên, vì đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM nên ông Trần Văn Tuấn không ứng thí. Sự tự trọng của ông Trần Văn Tuấn càng khiến dư luận thấy bẽ bàng khi nhiều quan chức văn nghệ chen nhau lấy giải thưởng như Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM được giải ba lĩnh vực âm nhạc, còn hai Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM thì một người nhận giải ba và một người nhận giải khuyến khích lĩnh vực văn học!

Trường hợp quan chức văn nghệ nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần 2 gây xôn xao nhất là ca khúc “Lời Bác sáng biển đông” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn đăng quang giải nhất lĩnh vực âm nhạc. Ông Trần Long Ẩn là Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, nơi phụ trách sơ khảo lĩnh vực âm nhạc. Và ông Trần Long Ẩn cũng là Chủ tịch Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật TPHCM, nơi được giao nhiệm vụ tổ chức Giải thưởng. Quan trọng hơn, ông Trần Long Ẩn nhờ hai chức vụ kia đã được tin cậy giao vai trò Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM lần 2. Xin lưu ý, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM do một Phó Chủ tịch UBND TPHCM ngồi chủ trì mang tính nghi lễ, nên vị trí của ông Trần Long Ẩn hoàn toàn chi phối đánh giá xếp hạng giải thưởng không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc.

Chẳng ai nói nhạc của Trần Long Ẩn không hay, mà cũng không ai nói nhờ một giải nhất mà tên tuổi Trần Long Ẩn sẽ cao hơn trong lòng người hâm mộ. Muốn làm hề thì đừng làm quan, mà muốn làm quan thì ngưng làm hề. Không thể biện minh rằng, mình ngồi trong ban giám khảo nhưng mình vô tư không bỏ phiếu cho tác phẩm của mình. À, lúc bỏ phiếu đến tác phẩm của mình, thì mình đứng dậy đi ra ngoài, càng khiến những người ở lại biết chắc mình muốn đoạt giải thì họ cũng phải nể nang chút ít chứ! Dân gian có câu vè “ông Trần ông Nguyễn ông Tô, vừa thi vừa chấm vừa… vồ giải luôn” ngỡ tếu táo cho vui, ai dè vẫn cứ… đúng như thường!